Xuân về trên biển Sầm Sơn

Sầm Sơn – hai tiếng tha thiết ngân lên giữa muôn vàn lớp sóng chạm vào chân tôi rồi lan xa ra biển cả. Nhìn sóng nước mênh mang một màu xanh thẳm, tôi thầm cảm ơn tạo hóa ban cho nơi tôi sinh sống một dải cát mịn màng cạnh dãy núi mang hình giọt lệ. Hồn thơ tôi luôn vì kính ngưỡng chàng Độc Cước, vì thầm vụng “yêu” Cô Tiên, vì “ghen” với “ Hòn Trống Mái” mà trời ban cho chút lộc văn chương để được bạn đọc gọi – nhà thơ.

...Và cho dù luôn tin Sầm Sơn hôm nay đổi khác, nhưng có một sáng mai nào tỉnh giấc, nhìn bao quát Sầm Sơn bên bờ sóng như đang vươn mình khát vọng  một thành phố cấp ba với hình hài lớn mạnh quyến rũ du khách gần xa về với Sầm Sơn ngày thêm tấp nập,  thì tôi tin, ngoài bút mình có cố gắng bao nhiêu cũng không kể hết vỉa tầng mà Sầm Sơn đã, đang và sẽ có trong tương lai.
Đứng trên đỉnh núi  Trường Lệ phóng tầm mắt ra bốn phía, thấy bao quát cả một vùng nước non kỳ thú làm say lòng người. Sông Đơ như giải lụa trong xanh  chảy giữa lòng thị xã, nối vịnh biển Nam Sầm Sơn với con sông Mã ở phía Bắc. Từ đầu năm 2016, thị xã đã mở rộng ra phía Nam và lên phía Tây sông Đơ thêm 6 xã của huyện Quảng Xương, tạo cho Sầm Sơn có thêm nội lực để phát triển. Đầu phía Nam, sông Đơ đổ ra cửa cống Trường Lệ; bên trái cửa cống có bãi cát vàng mịn chạy đến chân Đền Cô Tiên  hoang sơ và thơ mộng. Nơi đây có tấm bia ghi lại sự kiện năm 1960, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Bác cùng kéo lưới với ngư dân và ân cần trò chuyện, thăm hỏi cụ già, em nhỏ... Bên phải cửa cống, mở ra một vòng cung các xã ven biển vùng Nam Sầm Sơn - Bắc Quảng Xương và xa hơn nữa, có hàng chục cây số bãi biển rất đẹp - “của trời cho”, tiền đề để phát triển du lịch. Hiện tại, dân chài vùng cửa sông Đơ đang thực hiện kiểm kê, lập hồ sơ chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ. Đây là dự án lớn của Tổng Công ty CP bất động sản Đông Á, liên doanh cùng một đối tác nước ngoài, số vốn có thể lên đến hàng trăm triệu đô - la. Giáp với Dự án này, là một Dự án bất động sản quy mô lớn của Công ty HUD 4. Khu đất  kẹp giữa  chân núi Trường Lệ và Quốc lộ 47, từ bao đời nay vẫn là một vùng thấp trũng, phần bỏ hoang, phần trồng lúa năng suất thấp. Nay vẫn còn đó hàng dừa duyên dáng thướt tha nghiêng soi mặt nước sống Đơ, song đã hiện hình hàng chục dãy nhà liên kế cao tầng, kiến trúc hiện đại, màu sơn trắng toát lên vẻ lịch lãm, sang trọng. Gây thiện cảm ngay từ “cái nhìn đầu tiên” cho du khách du khách theo Quốc lộ 47 đến với Sầm Sơn.
Từ núi Trường Lệ, nhìn ra phía bắc tít tận chân trời, nơi con sông Mã đổ ra biển, là ranh giới Sầm Sơn với huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Từ đây trở vào, bao gồm một phần rộng lớn của xã Quảng Cư với chiều dài bãi biển khoảng 3km, mở ra Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (gọi tắt là Khu Du lịch FLC) khai trương từ mùa hè 2015. Vốn đầu tư khoảng 6 nghìn tỷ đồng, diện tích hơn 200 ha với 500 phòng nghỉ và 152 bể bơi với đầy đủ tiện nghi đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, còn có nhiều hạng mục như trung tâm hội nghị quốc tế, sân gôn, biệt thự nghỉ dưỡng, resort. Nơi đây đã diễn ra nhiều hoạt động lớn như các hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế; chung kết các cuộc ca nhạc, thi Hoa hậu cấp quốc gia gây tiếng vang lớn. Với chiến lược đầu tư “cuốn chiếu” khôn ngoan, hiện Tập đoàn đang tích cực triển khai Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn mở rộng về phía Tây Khu du lịch FLC hiện nay. Từ đầu hè năm 2016, đại lộ Nam sông Mã hoàn thành, cũng do nhà thầu FLC thi công, từ đầu phía Bắc thành phố Thanh Hóa chạy một mạch đến Khu du lịch FLC, làm giảm mật độ lưu thông của dòng xe ra vào Sầm Sơn. Tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển du lịch của thị xã, vốn trước đây chủ yếu chỉ bó hẹp ở hai phường nội thị.
Việc mở rộng đô thị hóa và thực hiện các dự án du lịch phải gắn liền với công tác GPMB. Thực tế vài ba năm gần đây, Sầm Sơn thực hiện hàng chục Dự án “khủng”, khối lượng công việc rất lớn. Nên cả hệ thống chính trị địa phương đã tích cực vào cuộc với quyết tâm, ý chí rất lớn và trách nhiệm cao. Tuy chưa phải đã “mười phân vẹn mười”, song các công trình, dự án lớn của thị xã cơ bản được triển khai thuận lợi và có nhiều hiệu quả đã minh chứng cho sự chia sẻ của người dân và những cố gắng không nhỏ của chính quyền, Ban Quản lý các Dự án thị xã Sầm Sơn, phòng Tài nguyên & Môi trường, các phòng ban liên quan.
Trở lại với núi Trường Lệ, từ Đền Độc Cước nhìn dọc đường Hồ Xuân Hương dài hơn 3,5 km sát bãi biển đến Khu Du lịch FLC. Đây là con đường đẹp và hiện đại bậc nhất Sầm Sơn với 4 làn đường rải nhựa, có dải phân cách và cột đèn cao áp vươn cao ở giữa, hai bên là vỉa hè lát đá rộng rãi. Phía Đông trục đường là bãi tắm biển. Vào mùa hè cao điểm của du lịch Sầm Sơn, ngày cũng như đêm, dưới ánh đèn cao áp rọi sáng trưng từ khu nhà tầng, đường phố, quét qua bãi tắm soi rõ từng ngọn sóng - dòng xe trên đường di chuyển hầu như không khi nào gián đoạn. Đủ các loại xe ô - tô, nhiều nhất là xe con chở theo gia đình; rồi xe điện, xích lô, xe đạp đôi chở du khách ngoạn cảnh và mua sắm. Không khác các đường phố đông đúc, sầm uất của Hà Nội và các thành phố lớn. Có khác chăng, là vào ngày hè các quý ông, quý bà, nhất là quý cô mặc nguyên quần áo tắm trên phòng khách sạn băng ngang đường xuống bãi biển; hoặc ngược lại, từ dưới biển trở lên phòng nghỉ, da thịt tươi tắn đẫm nước trắng ngời hồn nhiên...làm “mát mắt” mọi người. Khuôn viên bãi biển mang phong cách hiện đại do Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng, kinh doanh theo phương thức BOT, thời hạn 29 năm. Trên nền cát trắng phau, điểm xuyết hàng chục Hbuaay bán hàng giải khát, cùng với các công trình tắm tráng, vệ sinh... Vĩnh viễn thay thế cho các ki - ốt kinh doanh nhỏ lẻ trước đây, nay đã hoàn thành “sứ mạng” của nó. Khách tắm biển, dạo cảnh được yên tâm hơn về cung cách phục vụ văn minh, chuyên nghiệp. Dẫu ban đầu cả người phục vụ và du khách đều có phần ngỡ ngàng. Năm vừa qua, vẫn còn có những dịch vụ của người dân “tự phát” bù vào khoảng thiếu hụt mà các nhân viên Hô uây chưa đáp ứng kịp, như: dịch vụ phao bơi, áo tắm, ghế lưới, chiếu ngồi, hàng rong v.v... Công tác trật tự, an ninh “chạy theo” để “quản” dịch vụ này cũng khá mệt, song thực tế năm vừa qua vẫn trong tầm kiểm soát, được du khách ghi nhận. Phía Tây đường Hồ Xuân Hương, “tràn” cả vào các trục đường chính của thị xã là hàng trăm khách sạn cao tầng, nhà hàng...nối nhau san sát. Trong đó có nhiểu khách sạn ngất ngưởng cao ngót chục tầng và hơn nữa, là “điểm nhấn” trong cảnh quan kiến trúc đô thị. Như các khách sạn: Biển Đợi, Phương Linh (I và II), Ngân Hà, Điện Lực, Đồng Khánh... Hãy nghe  nhà thơ - nhà báo Văn Công Hùng từ vùng đất Tây Nguyên đã viết trên một tờ báo về Sầm Sơn. Tác giả không ngần ngại so sánh một góc Sầm Sơn với các thành phố Hồng Kông, Ma Cao:  Sầm Sơn giờ giống hệt Hồng Công hoặc Ma Cao. Tôi đã nhiều lần đến Sầm Sơn, nói thật là thấy nó cứ nhếch nhác thế nào. Nhưng giờ thì khác hẳn...” Tất nhiên, như tác giả trên cũng đề cập, vẫn có (dù ngày càng ít hơn) những lời phàn nàn, góp ý về những biểu hiện chưa tốt của du lịch Sầm Sơn trong các  loại hình dịch vụ du lịch, nhan  sự làm du lịch mang tính chuyên nghiệp còn thiếu và yếu, khâu quản lý môi trường có khi còn buông lỏng… Để giúp các cơ quan, trực tiếp nhất là Đội quản lý thị trường số 2 của tỉnh có trụ sở ở Sầm Sơn làm tốt hơn công tác quản lý và người Sầm Sơn nhìn rõ mình hơn để tự khắc phục. Đem băn khoăn này trao đổi với   đồng chí Lê Ngọc Chiến, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn vui vẻ chia sẻ với PV báo Thanh Hóa: “Với tinh thần “cùng cả tỉnh, cả nước; vì cả tỉnh, cả nước”; Sầm Sơn nhìn thấy lợi ích của chính mình - của tập thể và mỗi gia đình, mỗi người dân trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh kinh tế du lịch. Từ đó, sẽ thúc đẩy các ngành nghề khác của Sầm Sơn và vùng phụ cận, như: Ngư - Nông nghiệp, Tiểu - Thủ công nghiệp, dịch vụ khác cùng phát triển, tạo thêm việc làm, nâng cao mức sống của nhân dân...”
Là đơn vị hành chính cấp thị xã của tỉnh Thanh Hóa, Sầm Sơn đã được quy hoạch là một trong ba đỉnh của “Tam giác kinh tế” trong chiến lược phát triển của tỉnh, gồm: Thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn - Nghi Sơn. Tháng 12/2016, Sầm Sơn vừa kỷ niệm 35 năm thành lập thị xã trong sự hứng khởi của kết quả kinh doanh du lịch cả năm đạt kết quả lớn nhất từ trước đến nay. Đón được 4,1 triệu khách, vượt 10,81% kế hoạch, tăng 12,33% so với cùng kỳ. Phục vụ 8,085 triệu ngày khách (trong đó khách lưu trú đạt 65%), vượt 8,4% kế hoạch, tăng 14,65 so với cùng kỳ. Doanh thu năm 2016 ước đạt 2.855 tỷ đồng, vượt kế hoạch 24, 13%, tăng 34,67% so với năm 2015. (Các chỉ tiêu trên đều là ước tính cho cả năm, trên cơ sở kết quả 9 tháng đã đạt được). Thời gian cũng đang “đếm ngược” đến thời khắc lịch sử: thành lập thành phố Sầm Sơn, dự kiến vào đầu Quý Hai năm 2017.
Trùng hợp với thời điểm đánh dấu mốc son vừa tròn 110 năm ngày Chính quyền Pháp ở Đông Dương ra Nghị định thành lập khu du lịch Sầm Sơn (1909 – 2017). Dĩ nhiên, mùa quả ngọt xuân nàykhông phải bỗng dưng có, mà phải trải qua bao nhiêu thử thách,  gian nan qua nhiều  thế hệ, kể cả người dân phải hy sinh xương máu chống ngoại xâm để giữ gìn từng tấc đất, tấc biển của quê hươngtrong đấu tranh giành độc lâp dân tộc và  hôm nay  người dân nơi đây đã  “nhường’ đất cho các dự án, tất cả vì một Sầm Sơn vươn mình sánh vai với bạn bè trong nước và quốc tế. Tất nhiên, đóng góp vào đó không chỉ có cư dân bản địa, mà còn có các nhà đầu tư, du khách góp mặt, qua trầm tích thời gian bền bỉ đã lắng đọng, kết tinh một thương hiệu “Sầm Sơn”  thân thiện, năng động, cuốn hút,  lộng lẫy mang đầy sức hấp dẫn du khách hôm nay và ngày mai, để bốn mùa Sầm Sơn sẽ thành bốn mùa xôn xao náo động,  dập dìu tài tử giai nhân, “người xe như nước, áo quần như nêm”  để tạo thêm việc làm, thu nhập tăng trưởng,  đời sống nhân dân Sầm Sơn từng bước được cải thiện, đảm bảo an sinh và phát triển./.