Kỷ niệm về một truyện ngắn

Tôi hay viết những truyện xảy ra quanh mình. Những đợt đi sáng tác chủ yếu là rong chơi đàn đúm nhưng chưa lần nào tôi không có tác phẩm trình làng. Tôi coi đấy là nghĩa vụ và lương tâm khi hưởng tiền thuế của dân. Được độc giả nhớ cho một truyện là phúc lắm rồi... Tôi cám ơn những con mắt xanh của các nhà biên tập đã cho câu truyện của tôi cất cánh bay vào nhân gian.

Đây là câu truyện ít hư cấu. Tôi lấy nhiều tên thật của các nhân vật (trừ 2 nhân vật chính). Truyện có nhan đề là "Đánh đụng chó" đã đăng ở Tác Phẩm Mới số Xuân Quý Tỵ và 3 tạp chí văn chương, trong đó có tạp chí văn nghệ Sông Châu "nhà tôi".
Truyện như thế này:
Tôi xây nhà cho con gái ngay trước cửa ông Liêm, bà Thọ (Tổ 3A, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý). Trước đấy, con tôi thuê nhà sát vách ông bà và ngày nào tôi cũng uống nước, hát karaoke với ông Liêm. 
Ông Liêm hát rất hay, có thể hát kiếm cơm cũng được. Bà Thọ thì chăm đọc sách và nhà bà có cả một đống sách như thư viện. Bà bị đại tràng mãn nên gầy đét như quả bồ kết phơi khô. Cái chân ống sậy như lóng mía le lại được ẩn náu trong cái quần rộng thùng thình nên bà như một bức tranh biếm họa. Miệng bà chum chúm như người đang thổi lửa và bà nghĩ bằng miệng chứ đếch cần nghĩ bằng đầu nên chả cái gì là quan trọng. Đã ốm yếu nhưng bà Thọ rất lắm điều. Đặc biệt bà rất thảo với hàng xóm láng giềng, có món gì lạ miệng lại loả toả bê đi phân phát.
Khi bà đi chợ thì đến góc nào, góc ấy nhao nhao lên tưởng vỡ chợ. Bà Thọ ông Liêm là nguyên mẫu của hai kẻ lang bạt kỳ hồ. Ông Liêm đẻ một đống con xong đi bộ đội, bị chất độc da cam (nên con không di chứng) và xuất ngũ với bệnh tật đầy mình. Đã có thời ông bức xúc điên khùng liều mạng đến chính quyền cũng ngại can thiệp. Đôi lần ông bị những người thi hành công vụ ra đòn, ông kêu gọi bạn thương binh đến vây đồn công an, đe "san phẳng" đồn công an. Toàn những kẻ què cụt, đui mù khoèo chân hở rốn vì chiến tranh không ai dám bắt cho lôi thôi. Ông bà Liêm Thọ, đôi uyên ương khốn khổ và bạt mạng ra bãi rác Chợ Bầu Phủ Lý cắm lều phủ bạt để nuôi con. Đám cai chợ cũng phải lờ đi, gây sự là bà Thọ chửi vặt thịt lột da. Ông Liêm vác dao bầu đe chọc tiết, nên ngày qua tháng lại ông xếp gạch xỉ làm nhà tạm. Khi chợ nâng cấp nhà bị giải toả, chính quyền đành phải đền bù và cấp đất thổ cư. Mảnh đất khá đẹp và tiền đền bù quy ra đến 20 cây vàng thời đó. Đúng là cảnh “vua thua thằng liều” nhưng từ đó ông bà đổi đời và đi buôn hàng Biên giới, trúng quả đậm trở nên khá giả. Phải công nhận chế độ ta rất nhân ái trong những trường hợp phá nhà tạm. Chính quyền không để ai màn trời chiếu đất cả. Ông bà là một minh chứng cho điều ấy.
Ông bà rất hay cãi nhau vặt và ẩu đả nhau. Tôi chứng kiến một lần bà cầm nửa hòn gạch tấn công ông làm ông phải tháo chạy thục mạng. Đúng là cảnh con kiến đánh thắng con voi, chỉ vì con voi to quá mà không nỡ tấn công con kiến. Bà Thọ trên 30 kí nếu ra đòn chỉ đáng nửa cái đấm đã chui vào áo quan. Chính vì vậy, họ ly dị nhau một thời gian, chia con cái rồi sau đó lại về ở với nhau không cần thủ tục tái hôn.
Một lần tôi bảo bà Thọ: Có lẽ em phải viết một truyện về anh chị. Bà cười tanh tách: Kệ mày, tao và lão Liêm đủ cái xấu, mày có bôi bác thêm cũng thế mà thôi. 
Tôi lại hỏi ông Liêm: Anh đồng ý chứ? 
Ông Liêm cười khùng khục: Tao được Nhà văn viết truyện thì càng oai lên. Kệ mày muốn viết gì thì viết. Đời này phải có kẻ như chúng tao mới vui… Mày tưởng thằng cha sư hổ mang sau nhà là hay hớm lắm à? (sau nhà ông có một ngôi chùa khá to) Nó vẫn chén thịt chó, ăn bánh cuốn chả và chim gái thành thần, thế mà con nhang đệ tử vẫn bò ra lạy nó. Tao "đút cặc" vào lạy cái loại đạo đức giả nép bóng Phật.
Mà ông Liêm nữa. Một kẻ bị chiến tranh tàn phá cơ thể, bị cuộc sống quăng quật đầu đường góc chợ mưu sinh thế nhưng khi có của rồi vẫn là con người thật thánh thiện. Ông bị gậy 9 lần vào Tây Nguyên rồi sang Lào tìm đồng đội hy sinh, rất hay khóc mếu khi có cảnh ngộ khốn cùng nhưng cũng sẵn sàng cầm dao phay dao bầu đả lại cả công an, cảnh sát.
Trong truyện có cảnh thịt chó và con Húng ấy, tôi viết với tất cả lòng chân thành với xúc cảm cao độ. Tính tôi rất hãi cảnh máu me hay chia lìa vì rất mau nước mắt. Mấy lần nhà bán chó tôi đều bỏ đi không dám nhìn…
Đám đánh đụng con Húng là hàng xóm của con rể tôi và cũng là bạn vong niên, đồng niên với tôi. Tôi và họ rất thân nhau… lũ trẻ con trong truyện là cháu nội, cháu ngoại tôi.
Khi câu chuyện ra đời, vợ chồng ông đọc xong mới ngẩn ra: Tao tưởng mày nói chơi thế mà mày "choang" chúng tao thật à?. Nhưng mà tao không giận mày đâu, đừng băn khoăn. Đọc chuyện tao biết mày nói gì với chúng tao rồi. Tưởng mày tào lao bỗ bã chứ mày viết cái gì ra là có ý đồ "thâm nho nhọ đít" chứ đâu phải viết chơi chơi...
Tôi biếu dân phố mỗi nhà một quyển. Họ chuyền tay nhau đọc và cười nghiêng ngả vì tôi viết rất thật. Có người thì ngậm ngùi vì số phận con Húng. Tôi muốn nói với độc giả một thông điệp: Nếu làm đổ vỡ hôn nhân thì đến con chó cũng khổ chứ chưa nói đến con cháu và người thân. Tôi rất ghét, rất căm cái tật lẳng lơ mù quáng hay bất hoà giữa vợ chồng để đánh mất gia đình mình. Đó là một tội ác tày trời với con cái… Biết vậy nhưng sao cuộc sống hay diễn ra sự ấy... Có lẽ cái Tôi của họ lớn quá.
Độc giả Vương Tâm và một số bạn đọc được câu chuyện liền điện cho tôi (dù chưa quen biết). Họ hẹn tôi gặp mặt để “nhìn mặt” xem gã tác giả nhan sắc ra sao. Buổi sáng 27 giáp Tết Quý Tỵ, họ thuê xe từ Hà Nội về Phủ Lý tìm tôi… Đời viết văn kể ra cũng có nhiều hạnh phúc... Họ thích câu truyện vì những lý do riêng nhưng để ngắm "nhan sắc" của tôi chắc họ thất vọng. Trông tôi nhôm nhoam, đen đúa, tào lao cẩu thả. Họ bảo: Trông anh vừa đáng yêu vừa đáng ghét vì caí gì anh cũng phơi ra thành truyện, chả kiêng nể ai.
Tôi hay viết những truyện xảy ra quanh mình. Những đợt đi sáng tác chủ yếu là rong chơi đàn đúm nhưng chưa lần nào tôi không có tác phẩm trình làng. Tôi coi đấy là nghĩa vụ và lương tâm khi hưởng tiền thuế của dân. Được độc giả nhớ cho một truyện là phúc lắm rồi...
Tôi cám ơn những con mắt xanh của các nhà biên tập đã cho câu truyện của tôi cất cánh bay vào nhân gian.
Mà tôi cũng khuyên thật cánh phụ nữ câu này: Đừng chê chồng trước phũ phàng/ Chồng sau nó đánh bằng giàng cối xay.
Với bạn đàn ông cũng bàn khôn bàn dại: Có gan đa thê thì lấy 5 vợ đẻ 12 con như Bá Kiến chứ lấy vợ Hai thì khốn khổ khốn nạn đến ngày sập nắp áo quan. Bạn bè bảo tôi là đĩ "có tán có tàn", nhưng là loại "đĩ khôn" để cuộc sống không lâm vào cảnh: "Rạc dài cái phận đàn ông/ Sống năm bảy vợ, chết không vợ nào"...