Ông Đà Toác
Dân làng gọi ông là Đà toác. Người ta truyền miệng cả bài vè về ông không biết từ đời khươm mươi niên nào. Ở làng Cẩm có ông Đà toác - Bốn mùa trưng đôi dày rộng hoác - Thích uống rượu lại hay khuyếch khoác - Đi đến đâu nói cười oang oác - Có bà vợ suốt ngày quang quác - Ăn vặt quen mồm chuyện trò đoang đoác - Ông chửi cho choang choác.
Họ nói đến ông hay có bài vè sẵn về người nào đó rồi vì lý do gì ghép tên ông vào chứ ai chí bụng làm vè trêu ông. Chúng tôi nghe, biết vậy. Chả đứa nào dám đọc, dám hát. Kể cả người lớn cũng chỉ thầm thào Đà toác sau lưng chứ trước mặt ông...bố bảo. Họ nể sợ ông. Nghe đâu ông có võ, đánh lại cả mật thám Tây. Ông sống đúng mực, hay giúp đỡ người. Không bao giờ ông đi giày, suốt mùa chỉ đôi guốc mộc đóng đế cao su. Vợ ông chết đã lâu. Con ông, các bác các chú ấy lấy vợ, ra ở riêng cả rồi. Ông thích rượu. Uống vào, ông hay kể chuyện, cười nói oang oang nên bà con trong xóm ngoài làng cho ông là toác.
Ông kể ngày xưa, quanh khe là đất nhà ông. Tre dày dít. Chim ỉa, phân không rơi được xuống đất. Cò cốc ăn no về, rũ cách rỉa lông hàng đàn. Cả làng có kéo nhau ra đếm cũng không hết một phần. Chiều chiều, ông mang giành, nhặt dăm bảy giành cá. Những con mất đầu, những con còn nguyên do cò vạc cốc nông... ăn thừa hay đánh rơi. Ông nhặt về, chặt đầu vây, rửa sạch, phơi ra nong nia cho khô, mang chợ xa bán. Ông sống sung túc, đàng hoàng vì bờ tre ấy.
Bà tôi cũng biết rặng tre cò cá đó nhưng của cụ Tuần. Ông Đà nghèo chỉ có chục mét vuông cắm lều và hơn thước đất đến cỏ cũng chê không thèm mọc. Chúng tôi kể lại với ông. Ông phồng mồm quát: - Bà mày đếch biết!
Ông nói về khe nước ấy. Những chỗ xoáy, sâu tới vài chục mét. Ném hòn đá xuống chỉ bọt nổi lên chứ chẳng bao giờ trông thấy đất. Có lần, không hiểu mưa lũ từ đâu, nước sôi ùng ục, cuồn cuộn đổ về. Nghĩ ngợi thế nào, ông quơ vội dậm ra. Đứng trên bờ đã thấy kinh, ông vục một vục, lơ mơ đểnh đoảng vừa làm vừa chơi như chúng bay vớt bèo tấm ở vũng về cho ngan vịt vậy. Lúc nhấc lên, ông không còn tin ở tay mắt mình. Lưng một dậm toàn cua cá. Cua bò lổm ngổm. Cá giẫy đành đạch. Ông lắc lắc dậm, vừa vác vừa chạy về nhà. Cua cá ở phía sau rơi như mưa rắc...Ba ngày sau đi làm đồng, ông còn gặp từng đàn kiến khiêng cá chết đi tùng rinh. Chúng vui, bá vai nhau cười rinh rích.
- Ông làm sao nghe được tiếng kiến?
- Đoán ra! Ngay chúng bay tự nhiên được cái gì cũng còn tít mắt lại nữa là...
Ông hẹn chúng tôi đêm nào đi câu trê. Câu trê phải kiên trì. Nó chưa ăn mồi, đừng sốt ruột. Không được ngủ gật. Lộn cổ xuống nước chết không kịp mở mắt, không gọi được ai, không câu được trê. Cái giống trê ấy phải động nước một lúc mới ra. Đến lúc nó cắn mồi, ầm ầm như bão gió, giật đến sái cả tay. Hồi câu ở Hồ Sen, ông còn lặn xuống, moi những củ to, dài như củ sắn hai ba năm. Được một ôm, ông mang về. Rửa sạch nồi cám lợn, cời lửa, đổ nước, cho sen vào bắc lên bếp rồi mới ung dung vác hai cần câu ra. Móc mồi vào, vừa thả xuống đã giật lên lia lịa. Trê tham mồi, tha đi loạn xạ. Dây câu quấn chằng vào nhau. Tức mình, ông bỏ một cần, câu một cần. Cá nhao nhao. Dưới ánh trăng, mặt hồ vàng màu hoa cúc. Không nhìn rõ chúng, chỉ thấy tăm cá dày đặc và sóng bập bềnh mỗi lúc một cao. Khi đã chặt giỏ, ông vớ ngay cần câu để không. Cắn đứt phần lưỡi câu cho vào túi, dùng dây cước xâu vào mang cá. Cá trê trơn rất khó móc mang. Cánh tay giật cá nhiều bị mỏi đành phải ra về. Nếu câu, chúng bay mới biết. Phải giật nhanh, gỡ nhanh. Bị giật lên, cá trê nghiến răng cọt kẹt. Chậm tí thôi là nó cắn đứt cước. Nhất là những con trê già lụ khụ, đầu bạc như phấn viết bảng. Về nhà, rung đùi ăn sen luộc, ngắm cá giẫy sần sật trong chậu trong thùng, vui suốt đêm không muốn ngủ. Đêm nào, ông cho chúng mày đi.
- Ông ơi! Hồ Sen ở đâu?
- Mất rồi! Người ta lấp hồ, bỏ trũng thành vũng rác. Cỏ cao hơn đầu người. Ở ngay cuối làng ấy. Nghe đâu sẽ trồng cây, xây nhà gì gì ở đấy. Nào đã thấy đâu, chỉ lắm muỗi. Quê mình giàu có quá, đẹp đẽ quá mà họ phá không biết tiếc.
- Thế lấy đâu ra chỗ câu hả ông?
- Còn khối vũng. Có điều cá cũng ít. Câu ngày, ba con rô ranh. Câu đêm, dăm con trê hoẻn. Chả bõ bèn gì. Ông cũng ngại.
- Ông ơi! Làm sao ông moi được một ôm sen. Ở quê ngoại cháu, người ta phải đào sâu gần ngập đầu người. Đất sét dẻo bám vào thuổng. Vừa gỡ, vừa móc vất vả lắm. Sen luộc nào có ngon gì. Xậm xà xậm xật - Thằng Hà mới từ quê ngoại ra không hết ngạc nhiên, háo hức nghe. Khi ông Đà ngừng, nó mới thỏ thẻ.
- Ờ! Sen quê mày khác. Sen ngày xưa cũng khác. Chúng mày cầm chổi quét sân cho ông. Xong xuôi, ông kể tiếp cho mà nghe.
Chúng tôi ra sức quét. Ông chê bẩn, cầm chổi quét lại. Rồi ông vào bếp nấu nướng nếu đến bữa hoặc rút cái áo móc trên đinh hay vắt trên dây, khoác vào người, lững thững bước ra. Chuyện của ông còn nhiều nhưng lúc ấy, ông không kể nữa.
Có buổi trưa, ông rủ tôi đi câu rạm. Làng tôi nằm cạnh biển. Thủy triều lên, đưa nước mặn vào sâu trong khe lạch. Những con rạm sinh sôi, trưởng thành và chết ở vùng nước ấy. Người quê tôi gọi là nước đàng hai. Nửa mặn nửa ngọt. Thường người ta đánh lờ, mò bắt rạm. Ông lại đi câu và biết tính rành rẽ từng con nước lên xuống. Tôi cầm ống bơ đựng đầy xác ngóe vừa đập, vai vác dăm ba cần câu, phơi phới đi theo. Câu rạm không dùng lưỡi câu. Ông buộc thân ngóe đã lột da vào từng dây câu lần lượt thả từng cần xuống. Thỉnh thoảng, ông nhấc lên, thấy rạm bám vào lập tức đưa tay ra bắt. Ông chỉ dùng một cần nhưng thuần thục lắm, bắt được luôn. Lúc sau, nước biển dâng dần. Có những con rạm bơi nổi trên mặt nước. Mồi câu quăng tới, ông kéo lên có khi hai ba con. Tôi đoảng, tung lần nào rạm chạy lần ấy. Lúc về, trông giỏ tôi chỉ khoảng hơn chục con, ông đổ hết chỗ rạm của ông sang:
- Mang về rang! Nhớ cho lá lốt. Có mẻ càng tốt.
Cũng những con ngóe lột da với dây câu buộc như thế, nhiều tối, ông đưa tôi đi câu rắn khắp khe lạch và ngay trên ruộng nước. Ông nhắc nhắc cần. Tiếng nước “tóc, tóc”. Lát sau, ông đã kéo được con rắn, giẫy veo véo, mình ngắn nhưng to bằng bắp tay chúng tôi. Ông gọi rắn ấy là rắn đùng đục.
Tôi sợ, đi xem vì tò mò, không dám cầm đến rắn rết. Ông cười, đưa ngón tay chọc chọc vào lưng từng con. Có lần, ông cho ăn thịt rắn. Ông khen nức nở, nào ngon nhất trần đời, nào hoàng đế có thèm nhỏ rãi cũng chưa chắc được ăn, nào ăn một miếng, xương cứng như bọc thép. Tôi nhắm mắt, vừa khiếp vừa ăn, thơm thơm nhưng xác xác thế nào ấy.
Ông chê đoảng, sau này khó mà làm được việc gì. Hồi còn giặc giã, sợ bị bắt đi lính, ông theo cán bộ Việt Minh vào ở hang. Nửa đêm tỉnh dậy, không gian nặc mùi hôi khét. Dưới ánh trăng nhờ nhờ màu sữa loãng, ông thấy con hổ đang rình mồi. Chưa biết làm thế nào, lưỡi ríu lại, ông quờ được cây xà beng vung lên đúng lúc hổ lao vào.
Mấy ngày sau, mắt ông mờ mờ hoa cà hoa cải, lờ đờ trước những gương mặt xa lắc xa lơ. Ông sốt li bì đến nửa tháng, chỉ uống nước rễ cỏ tranh và ăn rau má. Những cây rau má thuở ấy cũng tốt. Lá to, cọng dài nhìn đến thích mắt, vơ một lúc có hàng ôm. Anh cán bộ vừa công tác vừa chăm sóc ông. Thế rồi khỏi. Như bây giờ có mục xương, chắc xương cũng đếch còn mà mục. Tiếc quá, anh ta chết rồi. Mộ anh ở giữa nghĩa trang liệt sĩ của làng. Chúng bay mang đến đây yến gạo, vài lít rượu rồi cứ việc há mồm ra, nghe ông kể nốt.
Ông cười kha kha. Chúng tôi đã nghe nhiều chuyện kể về con hổ thọt hung hãn, thản nhiên vào làng ngay cả ban ngày kéo trâu, bắt lợn. Nó ở hang Hùm, bị thọt vì sập bẫy chứ không phải bởi cây xà beng như ông kể.
Ông qua đời vào buổi chiều thu. Gió heo may đã về đậm đặc. Tiết trời lành lạnh. Người ta nói về ông bao điều tốt đẹp mà tận lúc ấy, tôi mới nghe. Làng tôi không nhà nào không có người đưa tiễn ông. Đám tang ông dài nhất trong những đám tang ở làng mà tôi chứng kiến.
Lớp lứa chúng tôi lớn lên, tản mát khắp bốn phương trời, mong mỏi làm vinh quang, tốt đẹp cho bản thân và quê hương. Trong nhiều lí do, không thể thiếu những chuyện thực thực hư hư do ông kể.