Thác Bản Giốc và những cột mốc thiêng
Rời Hà Nội vào lúc 19 giờ 25 phút, ngày 17 tháng 12 năm 2016, đoàn chúng tôi đi qua Lạng Sơn để đến với mảnh đất Trùng Khánh xa thương, rất quen nhưng cũng rất lạ (quen vì thường được nghe kể, vì thường nhìn thấy trên tranh ảnh sách báo ...; lạ vì chưa bao giờ được đặt chân đến).
Đoàn công tác bên Thác Bản Giốc
THÁC BẢN GIỐC VÀ NHỮNG CỘT MỐC THIÊNG LIÊNG
Ghi chép của PHAN ANH
Phòng GD&ĐT Hoài Đức, Hà Nội
Thác Bản Giốc nằm trên địa bàn xã Đàm Thuỷ huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Dòng thác cũng chính là một đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Hoa (so với các quốc gia có thác nước cùng nằm trên một đường biên giới thì thác này là thác lớn thứ tư thế giới, sau thác Iguazu nằm giữa Brasil - Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia - Zimbabwe; thác Niagara nằm giữa Canada và Hoa Kỳ) đồng thời cũng nổi tiếng là một thắng cảnh du lịch của Việt Nam đã từng đi vào nghệ thuật tạo hình với tư cách là nguồn cảm hứng bất tận cho hội hoạ và nhiếp ảnh. Nằm giữa miền biên ải xa xôi, từng là quê hương, cội nguồn của cách mạng Việt Nam, dòng thác hùng vĩ và tráng lệ ấy đã ngày đêm song hành cùng những cột mốc thiêng liêng [cột mốc số 836 (2), chùa Phật Tích Trúc Lâm và đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây] như là một chứng nhân về lịch sử canh giữ, bảo vệ một vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Và cũng chẳng biết tự bao giờ nó đã trở thành một niềm tự hào, kiêu hãnh Việt Nam.
Rời Hà Nội vào lúc 19 giờ 25 phút, ngày 17 tháng 12 năm 2016, đoàn chúng tôi đi qua Lạng Sơn để đến với mảnh đất Trùng Khánh xa thương, rất quen nhưng cũng rất lạ (quen vì thường được nghe kể, vì thường nhìn thấy trên tranh ảnh sách báo ...; lạ vì chưa bao giờ được đặt chân đến). Bỏ lại sau lưng những huyên náo ồn ào, những ánh đèn lung linh huyền ảo, những cờ hoa rực rỡ của phố thị, xe đưa anh em chúng tôi lặng lẽ lăn bánh trong đêm mùa đông cuối năm với cái rét cắt da cắt thịt và chìm khuất dần vào trong bóng đêm của những rặng núi quanh co đèo dốc qua các địa danh vốn đã vang bóng một thời như Ải Chi Lăng, Đông Khê, Thất Khê ... Cứ thế núi rừng Việt Bắc hiện lên qua giấc ngủ chập chờn của chúng tôi với những bản làng thấp thoáng bên những sườn núi, sườn đồi và dọc đường xe chạy, ẩn hiện qua những đốm sáng lẻ loi đơn chiếc khi tỏ khi mờ. Nhưng đi mãi rồi cũng đến, vượt qua chặng đường khoảng gần 400 km, 4 giờ 15 phút sáng ngày hôm sau chúng tôi đã có mặt tại chân núi Phia Nhằm bên thác Bản Giốc. Khi ấy nhiệt độ ngoài trời 7 độ C, trời đất tối đen, thấp thoáng ánh trăng bàng bạc treo trên đầu ngọn núi sừng sững trước mắt. Chúng tôi nghỉ lại trong xe chờ trời sáng. Khi tiếng gà trong bản bắt đầu te te cất tiếng gáy, cũng là khi mặt trời từ từ bừng sáng nhưng trái núi vẫn mờ hơi sương. Khoảng hơn 6 giờ chúng tôi kéo nhau vào một nhà hàng dưới chân chùa Phật Tích Trúc Lâm, vừa mới mở cửa, để nghỉ ngơi, ăn sáng và bắt đầu cho một ngày mới về nguồn trên vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm (còn được gọi là ngôi Thiên Bảo) là điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Chùa nằm trên đỉnh núi Phia Nhằm, được khởi công xây dựng từ ngày 15 tháng 6 năm 2013 và khánh thành vào ngày 15 tháng 12 năm 2014. Ngôi chùa được xây dựng bằng gỗ lim cùng với gạch ngói truyền thống trên một diện tích 3 hetta, gồm nhiều hàng mục công trình sắp xếp từ ngoài vào trong (từ dưới lên trên theo đỉnh núi) gồm có cổng tam quan, lầu chuông (có treo quả chuông Đại hồng chung Thiên Bảo bằng đồng nặng 1,5 tấn), lầu trống, bia đá, khuôn viên tượng Quan Âm Bồ Tát, tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, Nam Việt Triệu Tổ Hùng Vương các đời, vườn tượng các vị La Hán, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ. Đây là một công trình kiến trúc thuần Việt đem lại nhiều giá trị về văn hoá và tôn giáo truyền thống của người Việt Nam, đồng thời cũng góp phần tô điểm cho bức tranh sơn thuỷ hữu tình giữa đất trời biên cương. Trong một không gian khoáng đạt, rộng mở, xanh ngát của núi rừng những mái chùa tầng tầng lớp lớp theo lối chồng diềm lợp ngói mũi hài với đầu đao cong vút với những đường nét đắp kẽ kì công tinh xảo đã làm toát lên vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại của một ngôi chùa Việt giữa vùng biên viễn xa xôi. Đặc biệt sự thuần Việt của ngôi chùa không chỉ được thể hiện ở đường nét kiến trúc mà còn được thể hiện ở các bức hoàng phi, câu đối và hệ thống tượng thờ trong ngôi chùa. Toàn bộ hệ thống chữ trên các bức hoàng phi, câu đối trong chùa đều được chạm khắc bằng chữ Quốc ngữ, tượng ở đây ngoài tượng Phật còn có tượng các vua Tổ, các anh hùng dân tộc như: các đời vua Hùng, Đức thánh Nùng Chí Cao, Đức thánh Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh linh liệt sĩ, thờ Tổ, thờ Mẫu ... Nhìn từ xa chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc như ngự trên ngai Rồng, trong cái thế tựa sơn đạp thủy, chùa tự lưng vào núi Phia Nhằm, phía trước là thác Bản Giốc và dòng sông Quây Sơn. Theo các nhà phong thủy thì đây đúng là một vùng đất huyết mạch linh thiêng, hội tụ đầy đủ linh khí, nguyên khí, tú khí và vượng khí. Bởi thế ngôi chùa có giá trị như một cột mốc tâm linh của dân tộc trên biên giới phía Bắc. Nó không chỉ phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng mà còn đáp ứng các nhu cầu tình cảm, tín ngưỡng của đồng bào cả nước cũng như du khách quốc tế khi đến tham quan, chiêm bái vùng địa đầu tổ quốc. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được thiết kế, xây dựng trên một vị thế đắc địa, sườn núi ngay phía trên thác Bản Giốc, cách khoảng 500 m. Đứng trên sân chùa, chúng ta có thể quan sát toàn cảnh khu thác nước ầm ầm tung bọt trằng xoá như một dải lụa mềm mại thướt tha. Có lẽ ngôi chùa không chỉ là một kì quan trấn ải cõi biên thuỳ mà còn là một cột mốc tâm linh để đánh dấu trời Nam đất Việt, một đường biên văn hoá của người Việt Nam trên tuyến đầu Tổ quốc. Cũng chính vì ý nghĩa quan trọng đó mà ngày khánh thành đích thân Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng toàn thể Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đông đảo đồng bào trong nước đã về đây dự hội và cắt băng khánh thành. Kể từ đây chùa Trúc Lâm Phật tích đã đi vào đời sống văn hoá tâm linh và du lịch của vùng non nước Trùng Khánh ngàn thương như một điều không thể thiếu được.
Trong khí trời mùa đông của buổi sớm mai, khi bầu trời mặt đất còn đang bảng lảng sương tan, đứng trên chùa nhìn về bốn bề không gian trở nên tĩnh lặng lạ thường. Nó không còn cái ồn ào, xô bồ của phố thị. Bao nhiêu mệt mỏi ưu phiền như thể được hoà tan trong tiếng chuông chùa chầm chậm ngân vang. Mùi trầm hương thoang thoảng lan toả dịu dàng làm cho tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, trạng thái con người như thể đang trôi trong cái cảm giác lâng lâng khó mà có thể cắt nghĩa một cách rõ ràng. Đến với ngôi chùa ta như được ngộ ra nhiều điều về những nỗi niềm từ bi, hỉ, xả ... của đức Phật nhưng có lẽ mạnh mẽ hơn là sự thức dậy trong tâm hồn về truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm với bao trang bi thương và hào hùng của tổ tiên đang ngưng kết trong hồn thiêng sông núi ở nơi đây để nhắc nhở con dân về trách nhiệm với non sông đất nước.
Sau khi chiêm bái cảnh chùa, chúng tôi xuống thăm thú cảnh thác nước tuyệt vời. Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn (âm Hán Việt là Quy Xuân hà). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn dưới chân núi Cô Muông trên các cánh đồng, bờ bãi quanh bản Giốc và trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Đến Bản Giốc lòng sông đột ngột tụt xuống hàng chục mét, đổ qua nhiều bậc núi đá vôi tạo thành thác nước hùng vĩ. Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước, chia thành hai thác phụ và một thác chính. Ở giữa thác chính là cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Cột mốc này được xác định qua hiệp ước về biên giới giữa hai nước năm 1999, trên cơ sở cột mốc 53 do Thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh xây dựng. Theo hiệp ước 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, phần thác chính chia đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác chính có độ cao 70 m, độ sâu 60 m rộng 300 m chia thành 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Dưới chân thác là mặt sông rộng, với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh, mặt sông này hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng chung. Mặt sông dưới thác trong xanh như tấm gương khổng lồ, ngày đêm soi bóng vạn vật, đất trời khiến vẻ đẹp nơi đây thêm sinh động và cuốn hút. Nếu như phần trên của thác với dòng nước ầm ầm tung bọt gợi lên sự hùng vĩ bao nhiêu thì mặt sông phía dưới lại trong xanh, hiền hòa, dịu dàng, thơ mộng, êm đềm bấy nhiêu khiến cho lòng du khách trở nên khó cưỡng. Vào mùa mưa lượng nước rất lớn. Dòng nước đổ ào ào, bung xõa, tung mình từ trên cao rơi xuống trông chẳng khác gì con rồng đang cuộn mình dưới trời xanh hoa lá. Bọt nước tung lên bắn xa cả trăm mét, phủ lên những ngọn núi đá vôi, chùm kín cây xanh khiến cảnh sắc đẹp đẽ, kì ảo như thủa hồng hoang đầy thơ mộng. Dòng nước chạm vào vách đá tạo thành những cơn mưa bụi, buông nơi lưng chừng núi làm cho cảnh vật trở nên mát lạnh. Cảnh ấy hoà trong những thanh âm ban sơ của tiếng nước đã gợi lên một không gian trữ tình, lãng mạng như âm vang của một bản tình ca bất tận. Vào những ngày nắng hạ, thác nước dưới ánh mặt trời hiện lên lung linh với bảy sắc cầu vồng huyền ảo, quyến rũ giữa đại ngàn xanh thẳm. Có thể nói mỗi mùa, thác Bản Giốc lại tạo cho vùng viễn xứ một vẻ đẹp riêng: mùa lúa chín, dòng nước trong veo, mềm mại như tấm lụa trắng tinh. Sang thu, hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng tương phản nhau bởi những sắc màu vàng xanh tạo thành dòng nước màu ngọc bích đẹp đến mê hồn, trông như tấm lụa mềm mại thả xuống từ trời, vắt qua lưng đồi đầy âu yếm.
Vẻ đẹp lung linh, tuyệt mỹ của thác Bản Giốc đã được người xưa thổi hồn bằng một thiên tình sử đầy bi thương của đôi trai gái người Tày lại càng ám ảnh du khách. Truyện xưa có kể lại rằng: có một người con gái Tày đẹp nhất của bản Giốc được chàng Hoàng tử đem lòng yêu mến. Nhưng người con gái này lại đem lòng yêu một chàng trai bản bên. Nàng đã từ chối tình yêu của chàng Hoàng tử. Chàng Hoàng tử đã giận dữ sai người đi bắt cô gái đem về cung giam lại. Biết chuyện, chàng trai người yêu của cô đã bất chấp mọi nguy hiểm đi tìm và cứu được người yêu. Đôi trai gái đã trốn thoát sau những ngày dài gian khổ. Khi về đến bản Giốc, nơi trước kia họ gặp gỡ và yêu nhau thì cũng là lúc tối trời. Chàng trai và cô gái đã dừng lại khe suối ở bìa rừng để nghỉ ngơi. Vì sau nhiều ngày dài chạy trốn vất vả, cả hai đều kiệt sức, rồi lịm đi trong những vô vàn hồi tưởng về những kỉ niệm và hạnh phúc ngọt ngào ngày xưa khi mỗi lần được ở bên nhau. Điều kì lạ là ngay sau ngày đôi trai gái trốn thoát khỏi nhà Hoàng tử thì trời làm mưa liên tiếp tạo thành trận đại hồng thủy. Đến khi mưa tạnh, người ta thấy xuất hiện hai ngọn thác lớn ngày đêm miệt mài tung bọt nước trắng xóa ở khe suối, bìa rừng. Phía dưới chân thác, dòng nước lại trong xanh đến hiền hòa. Để tưởng nhớ mối tình thuỷ chung đầy bi thương của đôi trai gái, người dân đã đặt tên thác là Bản Giốc.
Bây giờ, đối diện với dòng thác đang ngày đêm tung bọt trắng trời là cột mốc 836 (1) và 836 (2) cắm đều về hai phía Việt Nam và Trung Quốc. Bên đất Trung Quốc là mốc 836 (1). Bên phía Việt Nam là mốc 836 (2). Đường biên giới phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Đứng bên cột mốc thiêng liêng của đất mẹ trong lồng ngực bỗng trào lên một cảm xúc rất lạ. Đó là cảm xúc về chủ quyền dân tộc, cảm xúc về đất mẹ yêu thương nơi tuyến đầu Tổ quốc và nghe đâu đây trong ầm ầm thác đổ là những lời nhắc nhủ của tiền nhân: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di” (Lê Thánh Tông).
Có lẽ thấm nhuần lời di huấn của người xưa mà bao đời nay các cư dân sinh sống trên dải đất này đã ngày đêm canh giữ từng bờ cây ngọn cỏ của đất nước cha ông để lại. Nghe kể, từ năm 1965, người Trung Quốc đã có ý định lấn chiếm thác Bản Giốc, lực lượng biên phòng của Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào biên giới Việt Nam ngăn cản bộ đội và nhân dân ta đi lại. Trung Quốc còn định làm Thuỷ điện ngay cạnh nhánh sông cực Bắc để làm thay đổi dòng chảy. Từ năm 1999 đến năm 2004, họ còn làm cầu, bè mảng đưa khách du lịch vào chân thác tham quan, xâm nhập cồn Pò Thoòng, làm đường ra mốc 53, lấn sang đất ta. Nhưng tất cả những hành đồng đó của họ đều bị bộ đội biên phòng và nhân dân các dân tộc nơi đây ngăn cản. Đồng bào ta đã hiên ngang trước họng súng của kẻ thù, chia người ngày đêm canh giữ đường biên không cho kẻ thù xâm lược, bất chấp sự hung dữ thô bạo của lính Trung Quốc. Trong số đó có không ít người trên mình còn mang đầy thương tích. Cùng với những cột mốc tâm linh, cột mốc được phân định theo luật pháp quốc tế thì những người con ưu tú của đất Việt ấy cũng chính là những cột mốc chủ quyền sống động nhất, đẹp đẽ nhất.
Lặng ngắm dòng thác trong veo như dải lụa thướt tha giữa ngày đông, tuy không ầm ầm tung bọt như những mùa mưa nhưng vẫn thấy đẹp đến mê mẩn, chúng tôi chẳng ai muốn về. Nhưng rồi cũng phải đến lúc chia tay. Lên xe rồi mà lòng người ai cũng vẫn vấn vương luyến nhớ. Phải chăng vì thác Bản Giốc đẹp quá mà tâm hồn ta ra thế. Đúng vậy nhưng chưa đủ. Ta nhung nhớ lưu luyến ngọn thác này còn bởi vì nó là chứng nhân lịch sử hào hùng cho truyền thống giữ đất biên cương bao đời nay của cha ông ta để dành lại cho hậu thế ngày nay. Đứng bên những cột mốc thiêng liêng ấy lẽ nào lòng ta không khỏi bồi hồi xúc động. Tạm biệt con thác thơ mộng và không quên ước hẹn một mai sẽ lại trở về bên dòng thác thương yêu, dưới mái chùa cổ kính.