Một câu chuyện, hai người kể
Người viết nhớ tới Tết Ất Hợi. Tết đầu tiên thực hiện chỉ thị 406 TTg (ngày 1/1/1995) về cấm pháo, mọi người hơi buồn vì chưa quen Tết không có pháo. Nhưng Tết ấy, cả nước an toàn, không còn tai nạn pháo thương tâm. Đến nay người dân ai cũng quen ăn Tết rất an vui mà không cần đốt pháo nữa! Việc cấm quà cáp biếu xén dịp Tết, người viết mong rằng những người làm công tác quản lí nhà nước đang được nhân dân ủy thác cho quyền lực hãy thực hiện nghiêm chỉnh, để từ đây cắt bỏ được mầm mống của khối u tham nhũng, xây dựng chính quyền kiến tạo đủ sức giúp Tổ quốc Việt Nam XHCN vững mạnh tươi sáng, nhân dân hạnh phúc.
Cụ Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ dân phố kể:
Hắn bước vào hội nghị. Mặt hắn tươi. Miệng hắn cười. Hắn bắt tay ông A, chào (xã giao) bà B và lên thẳng hàng ghế dành cho các ông nghị HĐND thành phố, quay mặt đối diện cử tri với dáng vẻ hồ hởi, chân tình.
Cả hội trường vỗ tay rầm rầm khi bà Chủ tịch Mặt trận quận, chủ tọa phiên tiếp xúc giới thiệu danh phận hắn với cử tri. Qủa là hình ảnh mặt tươi miệng cười đã lấy được lòng cử tri nên mới có sự hưởng ứng nhiệt thành đến vậy.
Tôi từng thấy hắn trên tivi nhiều lắm nhưng nhìn tận mặt, nghe tận tai hình hài lời nói của hắn thì tới giờ mới được dịp may. Thế là tôi “nhót” lên hàng ghế trên cùng để chiêm ngưỡng “thần tượng” của mình. Những ý kiến cử tri: Lúc ngọt lời ca ngợi thành tựu chung thành phố đạt được (giữa hai kì họp). Lúc nhạt lời phàn nàn về nỗi thống khổ (truyền kì) của mình như tổ dân phố gần điểm tập kết rác thải khi không kịp chở đi là nồng nặc mùi xú uế, cột điện thì “bòng bong tóc rối” đủ loại dây của ông truyền hình cáp, ông internet và điện thoại dễ xảy ra chập cháy cho nhà dân, rồi cống tắc đường ngập khi trời mưa, vân vân và vân vân… Lúc mặn gắt những lời lẽ xỉ vả mấy tên tham quan vô lại (mà báo chí đang um xùm kể tội, bản thân chúng đang bị truy nã hoặc đã bị vào trại giam)… Hắn ngồi ra vẻ nghe, mặt không đổi sắc khí theo tình hình hội nghị, tay ghi ghi chép chép.
Rồi đến lượt hắn trả lời những bàn thảo của cử tri. Máy quay truyền hình địa phương, máy ảnh các báo chí được mời, giờ hướng cả vào hắn. Thần thế nét mặt hắn thay đổi phụ họa cùng giọng nói cho thật giống người nổi tiếng nhưng bài diễn lại… vẫn như muôn thưở: Cảm thông nỗi thống khổ, hưởng ứng những lời xỉ vả và đề xuất những biện pháp tưởng như mới (nhưng ai cũng biết là đang thực hiện rồi). Còn lại những chỗ bí, hắn nói sẽ trình lên HĐND và sẽ báo cáo ở kì tiếp xúc sau. Trước khi dừng lời hắn không quên nịnh cử tri đã đóng góp ý hay lời đẹp rồi phỉnh họ rằng từ những cao kiến này, HĐND sẽ có những quyết sách tuyệt vời. Hiệu ứng tức thì: Tất cả cử tri vỗ tay rầm rầm trước khi hắn dời khỏi hội trường.
Tôi vào lấy chiếc xe đạp cà tàng gửi sáng nay rồi hòa vào dòng các đại diện cử tri. Phần đông họ đi xe đạp, vài tốp bộ hành. Trụ sở phường này chật nên chỉ dăm ba người đi xe máy. Dưới lề đường, đập vào mắt là một chiếc ô tô con đẹp, biển số xanh (xe công) mà lúc đến sớm tôi không thấy. Ngay đấy, trên hè là mấy người cảnh sát khu vực phường, quân phục chỉnh tề (chắc là trực bảo vệ hội nghị vì có hắn!). Hắn đến gần chiếc xe, người tài xế vội xuống, mở cửa đón hắn. Mặt lạnh tanh, hắn bước vào xe. Do đường đông gần ngã tư đèn đỏ nên cả bộ hành, xe đạp, ô tô đều phải chậm gần như ngang nhau. Chẳng cần vểnh tai, tôi vẫn nghe đủ lời bàn:
- Bà thấy rồi nhé, mất công đến chỉ để tham gia một buổi diễn cho truyền hình và nhà đài, nhà báo: lí thuyết thì đến là hay..., còn thực tế ngay đây đã thấy xa dân, một mình hưởng thụ, một mình vinh thân phì gia rồi!
- Xe hắn đi, tài xế hắn dùng mà được nhà nước dành cho những việc "nước sôi lửa bỏng" giúp dân sẽ ích lợi nhiều.
- Bà đúng đấy. Đất nước còn nghèo, dân còn nhiều vất vả, đáng ra ở cái chức cũng chẳng to tát gì như hắn, làm công bộc cho dân phải lương sao hưởng vậy. Đằng này, hắn hành nhà nước phải chiều ý hắn, mà hành nhà nước là hành dân rồi!
Hết chỗ đông, xe chở hắn rồ ga vọt nhanh... Tôi dám chắc "thần tượng" của tôi không về cơ quan (vào giờ sắp cơm trưa này) mà sẽ đến đâu đó với bữa ăn thịnh soạn.
*
Vẫn đạp chiếc xe cà tàng, tôi thay mặt cho cử tri tổ và phường mình đến tiếp xúc đại biểu HĐND thành phố tại địa điểm cũ cách đây hai năm (nơi từng gặp hắn). Đến sớm cùng lúc là một phụ nữ kém tôi gần ba chục tuổi, được chồng đèo bằng xe máy qua đây, thả xuống rồi đi ngay. Nghe tiếng chào: "Cụ đến họp ạ?" tôi quay sang, trông gương mặt sáng, miệng tươi xinh của cô vẻ quen quen, tôi đáp lễ: "Cô cũng vậy a!". Cô tiếp: "Cụ đọc qua dự thảo báo cáo của UBND thành phố trình HĐND kì họp này rồi ạ?". Tôi chậm rãi: "Tôi đọc cùng mấy ông trong ban Mặt trận tổ dân phố, cùng thông qua ý kiến đưa tôi chuẩn bị phát biểu mang theo đây." Câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế diễn tiếp vào trong hội trường, trước giờ họp. Chỉ 15 phút mà tôi, các cử tri xung quanh cùng người phụ nữ được bao nhiêu chuyện: Ngoài chuyện rác, chuyện mớ bòng bong dây dẫn trên cột điện, chuyện mấy gã tham nhũng được nhắc qua quít thì những tiếng nói về nhân sự và sự đổi mới của HĐND khóa này trở thành chủ đề chính... Khi bà Chủ tịch Mặt trận quận mời người phụ nữ lên hàng ghế dành cho đại biểu HĐND thành phố, tôi mới biết chức phận cô. Đó chính là người mà hôm bỏ phiếu bầu cho cô tôi có đọc qua: Sau tốt nghiệp đại học chính quy, từng học nâng cao ở Tây thành thạc sĩ, cô vào làm ở phòng nông nghiệp một huyện, dần dà có chức sắc. Khóa này cô ứng cử và khi trúng được chuyển về UBND thành phố... Lúc tan họp, ra khỏi hội trường rồi tôi cứ nấn ná chiêm ngưỡng "thần tượng" mới của mình cho tới khi cô "nhót" lên xe máy của chồng và họ đi thẳng (chắc là về nhà với mâm cơm rau mắm bố mẹ già cùng đứa con đang đợi, theo sự tưởng tượng của tôi!). Tất nhiên lọt vào tai tôi lúc này là đủ lời bàn của đại diện cử tri các phường về vị nữ đại biểu mới. Thật quý và đúng ý tôi: toàn những lời khen của họ, tuy dè dặt nhưng rất thực tâm!
Người viết kể tiếp:
Người viết đã chép lại không sót một ý nào lời kể của cụ Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố mình đang thường trú. Là đồng niên, đồng hương với nhân vật "Hắn", lại được biết thêm qua tivi, báo chí nên người viết xin kể tiếp chuyện và xin phép được xưng "tôi" cùng các bạn:
Năm 1980, hết lớp 10/10, tôi học lái xe rồi vào bộ đội vận tải quân nhu cung cấp cho các chiến sĩ Tây Nam bộ khi đó vẫn đang nóng bỏng với những cuộc truy quét tàn binh Khơ me đỏ. Hắn cùng trường, cùng khóa nhưng khác lớp tôi và là con một gia đình truyền thống cách mạng: Bố bộ đội chống Mĩ, mẹ tham gia dân quân. Hắn và tôi ở khác xã. Xã hắn được phong danh hiệu anh hùng vì chiến công bắn hạ máy bay địch hồi Mĩ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Hắn chăm ngoan, học giỏi có tiếng ở huyện, thi đỗ đại học điểm thủ khoa, sang Ru ma ni theo học một khoa gì đó liên quan tới hóa học...
Giải ngũ về, tôi lấy vợ, cày cuốc ở quê vài chục năm trời thấy mình không có duyên với đồng ruộng. Tôi chuyển cả gia đình vào nội thành ở tổ dân phố này và quay lại nghề cũ, làm lái xe tại công ty vận tải vật liệu xây dựng. Tinh thần tập thể và bản tính người lính trong tôi "có đất" phát triển: Tôi luôn được khen về thành tích lao động, giữ gìn xe an toàn, chấp hành tốt nội quy công ty đề ra. Chỉ dăm năm sau tôi đã là đội trưởng đội xe, là chiến sĩ thi đua cấp ngành và được tham gia nhiều hội nghị có cả lãnh đạo thành phố tới dự. Cuối năm 2012, công ty tôi là con chim đầu đàn trong chuyên chở vật liệu phục vụ chiến dịch cải tạo giao thông nông thôn của thành phố, và tất nhiên tôi được cử đi "lĩnh thưởng" tại hội nghị sơ kết đợt 1 chiến dịch này. Người trao thưởng cho tôi... chính là hắn với chức danh Phó chủ tịch UBND thành phố. Gần sát nhau, dù hơn 30 năm kể từ ngày xa trường nhưng vài nét xưa còn đọng trên khuôn mặt hắn: vầng trán cao và cái miệng hắn cười. Tôi nhận ra hắn vì hắn đã có tiếng hồi học sinh, nay nghe giới thiệu họ tên, lại có nét giống xưa tôi từng để ý thì đích thị là hắn rồi! Còn hắn không thể biết tôi, cho dù có nói cả họ tên: Tôi khác lớp, khác xã lại không có đặc biệt gì trong học tập và hoạt động ở trường...
Từ lần ấy tôi bắt đầu "để mắt" tất cả những điều người đời nói về hắn. Các cụ bảo: "thấy sang nhận quàng làm họ" quả không sai. Ai chẳng muốn khoe mình là đồng hương của một người có đức có danh. Tôi nhận được điều ngược lại: chẳng một cá nhân, tổ chức nào nói tốt cho hắn cả! Thế nên tôi phải giấu mọi người, kể cả cụ trưởng ban Mặt trận tổ tôi, rằng mình biết nhân thân rất tốt của hắn, rằng mình thời học sinh đã cùng trường với hắn, rằng hắn trình độ cao siêu được đào tạo ở Tây... Công bằng thì tôi và mọi người, ai chẳng biết hắn là cư dân thành phố, là đồng hương của chúng ta. Hắn sinh ra rồi lớn lên ở đây, đang được Nhà nước của nhân dân trả lương để phục vụ nhân dân. Toàn thể cư dân là người nắm giữ quyền lực cao nhất địa phương. Hắn có nhân thân tốt và từng hứa sẽ tâm nguyện suốt đời làm công bộc phục vụ nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Ai cũng tin và đã bầu hắn vào HĐND thành phố. Thông qua HĐND, người dân đã ủy quyền cho hắn thay mặt mình quản lý thành phố và chỉ giữ lại quyền giám sát, quyền bãi miễn nhiệm người không đủ điều kiện theo hiến định. Khi có chức sắc, một vài vị lại mê muội rằng trời đã chia quyền lực cho mình: Mọi người phải sợ và các vị được phép ngược đãi, vô lễ, thậm chí ức hiếp họ. Hắn, ma xui quỷ khiến thế nào, mất cả lí trí để rồi rơi vào danh sách một vài vị kia! Người ta kể: trước hôm hắn trúng chức Phó chủ tịch UBND, hắn vẫn là người tốt: Tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tính chấp hành kỉ cương khuôn phép trong ngoài nội bộ không thể chê hắn được. Vậy mà chỉ vài tuần sau, thái độ hắn bỗng ngược hẳn: Ăn nói trống không, đi muộn về sớm, bao biện, hống hách, cửa quyền. Sự mê muội quyền lực là cái bẫy nguy hiểm giăng sẵn, nuốt chửng hắn và làm ô uế thanh danh gia đình hắn. Nó thể hiện thông qua bọn cơ hội, xu nịnh bao vây, xâu xé, lôi kéo hắn bằng những viên đạn bọc đường. Ngày càng nhiều tiếng xì xèo rằng người ta đến lễ tết, hiếu, hỉ nhà hắn phải bằng tiền đô; công trình hắn duyệt phải có hoa hồng đầm đậm chảy vào túi hắn; hắn đề bạt người này, cách chức người kia để sao cho cá nhân hắn lợi thế, thêm vây cánh lợi ích nhóm. Có tiền dễ dàng nhờ chức sắc, hắn đâm ra nghiện gái, nghiện chơi đồ cổ và luôn có kẻ dắt mối cho hắn thường xuyên nhưng kín đáo, thậm chí đôi lúc hắn dùng cả xe công vụ biển số xanh vào những trò mờ ám này... Nghe vậy, nhưng vì không "bắt tận tay": cơ quan hắn cũng như chúng ta luôn yếu về sử dụng quyền giám sát, lại cả nể nên chỉ góp ý, phê bình tác phong bên ngoài của hắn thôi. Những buổi họp nội bộ định kì ở cơ quan để kiểm điểm cá nhân, sơ kết công tác tháng, hắn chẳng bao giờ bị lộ mặt là kẻ đang tha hóa, biến chất, phai nhạt lí tưởng phục vụ nhân dân. Họp như vậy chỉ giúp hắn ranh ma hơn trong việc che giấu mình. Hắn vờ lễ độ bắt tay ông A, chào hỏi bà B với vẻ mặt tươi, cái miệng cười như cụ Trưởng ban Mặt trận tổ tôi đã kể cũng là nhằm làm nhụt ý chí sử dụng quyền năng giám sát kiểm tra của đồng chí, đồng bào!... Hắn bị mắc bẫy ngay từ hồi mới nhận chức và bọn có lợi ích trong nhóm đã kéo cái bẫy đó đi khắp trong ngoài thành phố để trao đổi, mua bán, lôi kéo thêm người khác tham gia cuộc chơi. Trong một cuộc chơi như vậy, do ăn chia giữa bọn đàn em hắn với người mới tham gia không khớp ý nhau dẫn đến tố cáo nhau và công an vào cuộc điều tra. Ngôi nhà lợi ích nhóm của hắn cháy to quá, hắn vô phương cứu chữa. Ô dù hắn che cho lũ đàn em gặp ngọn lửa pháp luật thiêu rụi, lộ ra lũ chuột xấu xa. Đứa phải vào tù, đứa phải bồi hoàn dăm, bảy chục tỉ đồng rút ruột công trình để thoát khỏi án tử. Hắn bị khép tội làm trái quy định nhà nước để trục lợi cá nhân. Hắn có thân nhân tốt, là kẻ bị lôi kéo nên chỉ bị cách chức, bồi thường một phần thiệt hại. Lúc hắn "về vườn" dần dà báo chí cũng đăng tải vụ án lũ tham quan đàn em, thêm thắt cả những tình tiết người ta xì xèo về hắn như đã kể trên.
Anh em trong đội xe công ty tôi kể lại: hồi hắn về huyện chúng tôi thị sát đường giao thông nông thôn đang được tiến hành dở dang. Trong số cán bộ đi theo hắn ở hiện trường có cô trưởng phòng nông nghiệp là người xã hắn. Cuối buổi đó, hắn bắt tay bí thư huyện, xuống giọng vẻ vận động:
- Cô trưởng phòng là nhân tố tích cực của huyện nhà, là nguồn cán bộ thành phố cần. Khóa tới các đồng chí xem xét, nghiên cứu đưa vào cơ cấu đề cử cho HĐND được đấy!
Tôi biết người phụ nữ với hắn không quan hệ dây mơ rễ má. Đơn giản cô cũng như hắn cùng điểm xuất phát là con cháu của một xã anh hùng được thành phố và cả nước mến phục. Dù hắn ngã ngựa giữa dòng do thiếu bản lĩnh đạo đức cuối khóa trước thì người phụ nữ trẻ vẫn trúng khóa này. Cô được nhiều người, trong đó có cụ Trưởng ban Mặt trận tổ tôi bầu phiếu ủng hộ. Kì họp đầu tiên khóa HĐND 2016 - 2021 đã cử ra nhân sự mới và cô được người ta giao trọng trách làm Phó chủ tịch UBND thành phố. Cô về ở nội thành, mau chóng ổn định gia đình, yên tâm công tác. Có quyền, cô và các đồng sự sẽ có dùng nó như một công cụ hữu hiệu nhất để động viên mọi nguồn lực xây dựng, bảo vệ thành phố, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội ngày càng văn minh công bằng. Đồng thời cô sẽ phải biết tự kiểm soát quyền lực của mình, không để mắc bẫy thói hư tật xấu luôn cám dỗ từng giây trong cuộc sống đời thường. Cô mừng khi thấy có gì đó rất mới trong quốc hội, trong HĐND các cấp khóa này: Vấn đề kiểm soát quyền lực được đưa lên hàng đầu bằng một cơ chế hợp lí, đồng bộ từ cơ quan quản lí nhà nước đến các hội đoàn thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn thể nhân dân. Tất cả đều mong muốn nhà nước, chính quyền của mình trường tồn vì nhân dân phục vụ. Những việc lớn tầm vĩ mô, tôi không đủ trình độ chuyên môn để thấu hiểu, nhưng vài việc nhỏ qua những người có dịp tiếp xúc cô kể lại thật ấn tượng: Hàng chục điểm tập kết rác gần dân cư chưa kịp vận chuyển, cô yêu cầu công ty vệ sinh môi trường che chắn hạn chế ô nhiễm ra xung quanh và kiểm tra thấy chỉ sau một tuần đã được thực hiện ngay. Nhân Quốc hội bàn chuyện cắt giảm xe công, cô cùng đồng nghiệp đưa ra biện pháp hợp lí hóa đưa đón lãnh đạo thành phố để giao thêm việc cho lái xe dôi dư. Đặc biệt chi phí xăng dầu tiết kiệm được UBND dành giúp hàng chục ngõ tối lắp đặt điện chiếu sáng thỏa mãn kiến nghị cử tri. Hôm tiếp xúc vừa rồi, cô báo cáo nhanh với cử tri tin tại phiên họp thường kì của chính phủ 29/11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Ngay Tết Nguyên Đán này, các địa phương không về Hà Nội chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành. Ở các địa phương cũng vậy. Chính phủ phải làm gương". Vậy là cô đang có hậu thuẫn từ một chính phủ liêm chính - cô và đồng sự cũng sẽ phấn đấu sao cho thành phố mình có một UBND liêm chính. Không phong bì, biếu xén, quà cáp trong cả một hệ thổng quản lí đầy quyền lực: đó chính là mắt xích quan trọng của cơ chế kiểm soát quyền lực! Chẳng thế mà khi báo cáo, nét mặt người phụ nữ trẻ, người Phó chủ tịch mới rạng ngời với nụ cười hòa chung cùng cử tri ở hội trường...
Lời kết cho câu chuyện có hai người kể:
Người viết nhớ tới Tết Ất Hợi. Tết đầu tiên thực hiện chỉ thị 406 TTg (ngày 1/1/1995) về cấm pháo, mọi người hơi buồn vì chưa quen Tết không có pháo. Nhưng Tết ấy, cả nước an toàn, không còn tai nạn pháo thương tâm. Đến nay người dân ai cũng quen ăn Tết rất an vui mà không cần đốt pháo nữa!
Việc cấm quà cáp biếu xén dịp Tết, người viết mong rằng những người làm công tác quản lí nhà nước đang được nhân dân ủy thác cho quyền lực hãy thực hiện nghiêm chỉnh, để từ đây cắt bỏ được mầm mống của khối u tham nhũng, xây dựng chính quyền kiến tạo đủ sức giúp Tổ quốc Việt Nam XHCN vững mạnh tươi sáng, nhân dân hạnh phúc.
(Bài viết nhân đợt học tập NQTW4, khóa XII dịp tổng kết công tác chi bộ cuối năm 2016)
Tin cùng chuyên mục
Chợt nhớ...
27/12/2016
Thác Bản Giốc và những cột mốc thiêng
24/12/2016
Chó già giữ xương
21/12/2016
Hoa trên đá
20/12/2016
Huyền thoại tướng quân Tư Mã Hai Đào
19/12/2016
Kể tiếp chuyện lão Quê: “LO BÒ TRẮNG RĂNG”!
16/12/2016