Điều bí mật trong một gia đình
Thầy u tôi sinh hạ được ba chị em. Chị cả tôi đã đưa hai con đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ lên 10 theo chồng về quê mãi tận Đồng Tháp từ sau ngày Miền Nam giải phóng. Anh thứ hai trên tôi đi bộ đội chống Mỹ, suốt chục năm lăn lộn khắp các chiến trường từ Quảng Trị đến Tây Nguyên.
Thầy u tôi sinh hạ được ba chị em. Chị cả tôi đã đưa hai con đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ lên 10 theo chồng về quê mãi tận Đồng Tháp từ sau ngày Miền Nam giải phóng. Anh thứ hai trên tôi đi bộ đội chống Mỹ, suốt chục năm lăn lộn khắp các chiến trường từ Quảng Trị đến Tây Nguyên.
Miền Nam giải phóng đã một năm rồi mà gia đình vẫn không nhận được tin tức gì của anh. Suy nghĩ về con trai, thầy u tôi sút đi trông thấy, hễ cứ nghe tin có anh bộ đội nào mới ở miền Nam ra, dù xa mấy thầy tôi cũng tìm đến tận nhà để hỏi thăm tung tích anh tôi. Mấy lần gia đình viết đơn lên Tỉnh đội hỏi, họ đều trả lời chưa rõ. Nhận thư phúc đáp của Tỉnh đội, cả nhà càng thêm ngao ngán.
Ngày còn ở nhà, anh yêu chị Hạnh con bà Đức xóm bên. Anh chị đã hẹn hò nhau sau ngày giải phóng anh về sẽ tổ chức đám cưới, nên hôm anh lên đường vào Nam chiến đấu, chị đã xin phép hai bên cha mẹ tiễn anh ra tận Ninh Bình và ở lại với anh ba ngày. Cả làng ai cũng khen chị đẹp người, đẹp nết. Suốt thời gian anh ở chiến trường, mặc dù bên nhà tôi mới có cơi trầu chạm ngõ nhưng chị tự coi mình như đã là dâu con trong nhà. Từ khi anh bước chân ra mặt trận, chị thường sớm hôm sang giúp thầy u tôi từ công việc đồng áng đến việc vặt trong nhà. Họ hàng nhà tôi ai cũng quý và coi chị đã là người con dâu của dòng họ. Chẳng thế mà công to, việc lớn của các gia đình nội, ngoại chẳng có nhà nào không phô và mời chị đến trông nom, giúp đỡ.
Biền biệt suốt mười năm, anh gửi về nhà được hai lá thư với vài dòng chữ ngắn ngủi, Khi nhận được thư thì cái nào cũng đã cách đấy hàng năm rồi, chả bù cho cái hồi mới nhập ngũ, chẳng có tuần nào mà anh quên gửi thư về, có tuần hai, ba lá, ấy là chưa kể đến nhắn tin qua người này người khác.
Chiến tranh chẳng biết kéo dài đến khi nào mới kết thúc. Nghĩ thương chị, mấy lần mẹ tôi bóng gió bảo chị tìm nơi tìm chốn cho yên bề gia thất, nhưng lần nào chị cũng lặng yên ứa nước mắt. Chị bảo: “Con biết thầy u quan tâm lo lắng cho con, song một ngày nên ngãi, nếu chẳng may anh ấy hy sinh rồi thì con xin ở lại làm con gái của thầy u. Xin thầy u chấp nhận, đừng bắt con làm điều ấy”. Mẹ tôi chỉ biết ôm lấy chị mà hai hàng nước mắt cứ trào ra.
Rồi bỗng một chiều giữa năm 1976 anh lù lù khoác ba lô con cóc về nhà. Chẳng nói thì mọi người cũng biết họ hàng nhà tôi vui sướng biết nhường nào. Tính gan lì của anh từ nhỏ vẫn thế, Có tin đồn anh đã hy sinh từ năm bảy mươi hai ở mặt trận Tây Nguyên rồi. Thế nhưng cũng may, khi về, cơ thể anh lành lặn, không hề xây sát, cả nhà ai cũng mừng ra mặt. Nhưng riêng chị Hạnh từ hôm anh về đã hai ngày rồi mà chẳng ai nhìn thấy chị đâu cả. Đến lúc nhớ ra, mẹ tôi hớt hải chạy sang nhà thì thấy chị đang nằm khóc, dỗ mãi chị không nín, hỏi thế nào chị cũng chỉ có một câu trả lời : “U cứ về đi mai con sang”. Hiểu ý chị, về nhà mẹ tôi kéo anh ra chỗ vắng, rồi “tế” cho một trận nên thân. Nhận ra cái vô tâm sơ xuất của mình anh chỉ cười trừ. Thế rồi mọi việc cũng trở nên tốt đẹp
Anh về chưa đầy một tháng thì đám cưới được tổ chức. Cái thời bấy giờ khó khăn lắm, nhưng vì anh là bộ đội đi chiến đấu ở chiến trường nhiều năm về nên cưới anh HTX cũng ưu tiên bán cho một con lợn cọc của trại chăn nuôi chừng hơn ba chục cân hơi, cộng với hơn chục con gà của họ hàng nội ngoại đem đến mừng. Đám cưới chỉ có vậy thôi nhưng cũng gọi là hoành tráng nhất làng tôi thời ấy.
Anh nghỉ phép ở nhà tận ba tháng mới trở về đơn vị. Hôm đi, thấy anh ghé vào tai u tôi thầm thì một điều gì có vẻ bí mật lắm, còn u tôi thì mặt mày rạng rỡ hẳn lên, chân tay cứ luống ca luống cuống. Thấy thế tôi tìm cách hỏi thì bà bảo: “Bố anh chứ, chuyện đàn bà anh biết gì mà hỏi”. Rồi u nở một nụ cười rất tươi.
Trong suốt thời gian chị có thai, thầy u tôi ưu tiên không để chị làm công việc nặng, bao nhiêu khó khăn vất vả u con tôi gánh hết. Còn gần tháng nữa thì đến ngày chị sinh nở, u bắt tôi ra bưu điện đánh điện cho anh. U tôi dặn đi dặn lại phải nói dối là thầy mày ốm nặng sắp chết anh phải về ngay nghe chửa.
Nhận được điện anh xin phép đơn vị tức tốc về ngay, thế mà cũng phải sáu ngày sau anh mới về tới nhà. Ngày chị sinh cháu thầy u tôi nhất quyết bắt mọi người phải đưa ra tận khoa sản bệnh viện tỉnh chứ không cho đẻ ở trạm xá xã. Bà bảo nhìn cái bụng nó xệ to thế kia lại cứng tuổi rồi có khi là nó sinh đôi cũng nên, u tôi nhất quyết phải đưa lên tỉnh để đẻ mới được.
Thời bấy giờ phương tiện giao thông khó khăn lắm, xe khách quá ít, đường lại xấu, mà từ nhà tôi lên tỉnh những hơn hai chục cây số chứ có gần đâu, nên anh em tôi quyết định dùng võng đay buộc trên một đoạn tre đực, một đầu buộc vào giá đèo hàng xe đi trước, đầu bên này buộc vào ghi đông của xe sau, nhũng nhẵng gần ba tiếng đồng hồ mới đưa được chị tới viện. Chị trở dạ từ chập tối hôm qua lại không ăn uống được gì nên nhìn chị hốc hác hẳn đi.
Các bác sỹ khoa sản thay nhau thăm khám bốn năm lần Sau khi hội chẩn chị bác sỹ chủ nhiệm khoa mời anh tôi vào phòng trao đổi rồi bảo anh viết tờ cam kết để mổ. Nhìn anh tôi vẻ mặt ủ ê, tôi hỏi gì anh cũng chỉ gắt nhỏ một câu:
- Im đi!
Hai anh em ngồi bên hành lang của phòng mổ chờ đợi. Đồng hồ chậm chạp nhích từng giây, cả không gian cũng như trầm hẳn xuồng, thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng dao kéo lạch cạch từ bên trong vọng ra. Bỗng một tiếng kêu thất thanh hoảng hốt trong phòng mổ thét lên rồi im bặt, làm chúng tôi đứng bên ngoài run lên chẳng hiểu có chuyện gì đã xẩy ra. Tôi vội lấy tay vặn cửa định nhảy vào nhưng cửa đã bị chốt chặt bên trong, Anh tôi gào lên “Mở cửa” nhưng chỉ được đáp lại bằng một sự im lặng đến lạnh người. Chừng 15 phút sau, một người mặc áo blu trắng từ phòng mổ bước ra, cả hai chúng tôi cùng cất lên một câu hỏi như đã thống nhất từ trước “Có sao không chị?”. Vẻ mặt rầu rĩ, chị khẽ bảo “Không sao đâu. Mời hai anh lên phòng tôi, ta làm việc”. Linh tính báo cho chúng tôi có sự chẳng lành đã xẩy ra, anh em tôi theo người bác sỹ đến phòng làm việc của chị. Câu đầu tiên chị bảo:
- Các anh yên tâm, sức khỏe của chị nhà hiện lúc này rất tôt không có vấn đề gì đáng lo ngại cả.
- Thế còn cháu bé thì sao ạ? Tôi hỏi.
Người bác sỹ không trả lời vào câu hỏi của tôi. Chị hỏi lại :
- Trong hai anh ai là chồng của sản phụ?
Anh tôi đứng phắt dậy
- Thưa đồng chí, à … thưa chị là tôi ạ!
- Anh công tác ở ngành nào?
- Dạ tôi là bộ đội ạ!
- Anh ở chiến trường có lâu không?
- Dạ. 10 năm chị ạ.
Người bác sỹ im lặng một hồi lâu. Chị nhìn anh rồi cúi xuống, giấu những giọt nước ngân ngấn trong hai khóe mắt. Sau một hồi im lặng, chị bác sỹ cất tiếng nhẹ nhàng:
- Trước lúc tôi thông báo tin này mong anh thật bình tĩnh và giữ vững bản lĩnh của người lính cụ Hồ anh nhé.
Đoán biết có chuyện chẳng lành, sắc mặt anh tôi tái đi, nhợt nhạt:
- Vâng, vâng, tôi… tôi bình… tĩnh nghe đây, đồng… à chị nói đi.
- Chúng tôi rất buồn, cháu bé không đủ hình hài của một con người, lúc nhắc cháu từ bụng mẹ ra cháu chỉ có một cái đầu rất to và một bên chân, một cánh tay không có bàn, toàn thân cháu chỉ là một khối thịt không rõ hình hài.
Người bác sỹ buông một tiếng thở dài thật não nề, còn anh em tôi chỉ biết nhìn nhau nước mắt lưng tròng. Cả ba chúng tôi ngồi im lặng hồi lâu không ai nói được lời nào. Tôi sực nhớ ra, hỏi chị bác sỹ:
- Thế còn chị tôi thì sao ạ?
- Chúng tôi đã khâu lại vết mổ cẩn thận. Hiện tại chị nhà chưa tỉnh hẳn, vì phải gây mê trước khi mổ. Nhưng hai anh yên tâm, sức khỏe của chị ấy sẽ bình phục nhanh thôi, không sao cả đâu, các anh đừng quá lo lắng.
Sau cú sốc anh tôi cũng dần bình tĩnh trở lại, anh hỏi:
- Chị cho chúng tôi vào thăm nhà tôi và đến chỗ cháu một lúc được không?
- Vâng, chị đang ở phòng hậu phẫu của khoa, tôi sẽ đưa các anh sang thăm ngay. Mong các anh phải hết sức bình tĩnh nhé. Đừng cho chị biết sự thật vội, sợ chị sẽ bị sốc. Người mới đẻ máu còn non nghe tin dữ nguy hiểm lắm đấy. Các anh hiểu ý tôi chứ. Cứ thong thả, vài ngày nữa chị khỏe lại ta báo tin là cháu bị ngạt nên mất, còn sự thật sau này nói cũng không muộn các anh ạ.
Chúng tôi theo người bác sỹ xuống phòng hậu phẫu. Nhìn khuôn mặt hốc hác với nước da tái nhợt, tôi thấy thương chị vô cùng, còn anh thì liên tục đưa khăn lau nước mắt. Chừng 5 phút người bác sỹ nắm tay tôi khẽ nói:
- Thôi chúng ta ra ngoài để cho chị nhà nằm nghỉ, ở đây đã có người túc trực theo dõi các anh đừng lo. Trước lúc bước ra khỏi phòng, cả hai anh em còn ngoái lại ngắm nhìn chị tôi mà lòng như xát muối.
Chị bác sỹ đưa chúng tôi trở lại phòng làm việc.Lúc này cả hai anh em cũng đã bình tĩnh hơn, chị rót nước mời chúng tôi rồi nhẹ nhàng hỏi chuyện quá trình tham gia chiến đấu của anh ở những mặt trận nào trong đó, chị chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời anh tôi kể. Chị nói:
- Di chứng và tội ác chiến tranh là thế đấy hai anh ạ Chẳng những bom đạn đã giết đi hàng vạn con người, mà hệ lụy còn để lại rất nặng nề cho bao thế hệ sau này do chất độc da cam và bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến. Trường hợp nhà ta hôm nay là một bằng chứng cụ thể cho điều đó đấy… Tôi ngồi nghe chị nói mà cứ ngỡ chị là nhà văn, nhà tuyên giáo và thấy lòng mình cũng vơi đi đôi chút. Anh tôi lo lắng hỏi:
- Thế liệu sau này thì sao hả đồng chí?
- Tôi hiểu ý anh muốn hỏi điều gì rồi, Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp mà chúng tôi đã trải qua thì việc sinh nở của chị sau này sẽ bình thường như mọi người khác. Còn với anh cũng gặp nhiều khó khăn đấy, tôi chưa dám chắc điều gì.
Tôi nhìn mặt anh như méo hẳn đi, miệng anh lắp bắp:
- Vâng… tôi hiểu.
Anh đứng dậy đi vội ra ngoài, tôi cũng bước theo anh quên cả chào người bác sỹ. Ra bên ngoài chỉ có hai anh em, anh ném mình ngồi xuống chiếc ghế xi măng dưới gốc cây, rồi nói với tôi như ra lệnh:
- Việc này chỉ có hai anh em biết thôi. Về nhà thầy u và mọi người có hỏi thì chú lựa lời mà nói. Cứ bảo là cháu bị ngạt nên mất chứ tuyệt đối không để lộ chuyện này với ai nghe chưa, để anh thống nhất với cả các bác sỹ ở đây nữa, còn lâu dài ta tính sau. Chú nghe rõ rồi chứ? À mà ai hỏi thì cứ bảo nó là con gái, nhớ chưa. Tôi chỉ dám lí nhí trong cổ họng:
- Vâng
Đưa vợ về nhà được mấy hôm, anh trở lại bệnh viện gặp chị bác sỹ hôm nọ. Hai người trao đổi riêng một điều gì có vẻ bí mật lắm. Việc này cứ gọi là kín như bưng chỉ có hai người họ biết.
Thời gian qua đi đã ba năm. Anh tôi cũng đã phục viên về quê. Mọi người trong nhà đã quên dần chuyện đau buồn, còn tôi cũng xin vào làm công nhân ở một nhà máy cách nhà hơn 30 cây số thỉnh thoảng mới về. Thầy u tôi thì sốt ruột mong chị có mang cháu thứ hai và thúc tôi lấy vợ. U tôi bảo:
- Nhìn cảnh nhà cứ mãi thế này thầy u có chết cũng không nhắm được mắt, chúng mày tính sao thì tính.
Chị gái tôi từ Đồng Tháp gửi thư ra mời thầy u cùng chúng tôi vào thăm nhà và dự cưới đứa con gái đầu lòng của anh chị. Thầy tôi phân công:
- Anh cả phải đi vì thầy u đã nhiều tuổi rồi, đi xa không tiện, nhỡ ốm đau dọc đường thì khổ, lại còn nhà cửa bỏ cho ai. Còn thằng hai mới xin vào nhà máy nên không thể bỏ cơ quan mà đi lâu được.
Nghe thầy tôi nói thế, anh ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Nhìn nét mặt suy tư, khắc khổ hằn trên vầng trán cùng bộ dạng của anh lúc này tôi lại thấy thương anh nhiều hơn. Như sực nhớ ra điều gì, tự nhiên anh thay đổi đến bất ngờ, mặt mũi bỗng tươi tỉnh hẳn lên, anh đứng phắt dậy cười nói vui vẻ làm cả nhà sững sờ.
- Vâng vâng con đi, con đi. Con biết thầy u vất vả vì chúng con nhiều rồi, nhưng lần này con xin thầy u cho vợ chồng con cùng đi, nhân thể đến thăm mấy thằng bạn cùng đơn vị ngày xưa được không ạ?
- Cha bố anh, tưởng cái gì, có thế mà anh làm u hết cả hồn. U tôi nói.
Chị dâu từ nãy tới giờ vẫn ngồi im lặng, nghe hai mẹ con nói, nghe xong chị giãy nảy lên
- Không, mặc kệ anh, em không đi cùng anh được, đành rằng dịp này công việc đồng áng cũng đã vãn, nhưng ai cơm nước cho thầy u, lại nhỡ ở nhà có chuyện gì thì sao. Thôi anh đi một mình cũng được.
Tôi ngồi nghe mọi người bàn chuyện đi, ở chưa dám tham gia câu nào thì thầy tôi lên tiếng:
- Được được, vợ chồng cứ thu xếp mà đi, hồi này thầy thấy trong người cũng khỏe, u mày ở nhà ngày nấu hai bữa cơm cũng có gì vất vả lắm đâu.
- Phải, có gì mà vất vả, ông có vào bếp bao giờ đâu mà biết. Chỉ khổ hai mẹ con tôi khói toét cả mắt. U nói vui vậy thôi, các con cứ thu xếp đi vào chơi với anh chị và các cháu cho chúng nó mừng, còn việc nhà không phải lo nghĩ gì cả, có thầy u ở nhà rồi.
Đêm hôm đó chẳng biết anh chị vui hay buồn mà tôi nằm ở nhà ngoài nghe tiếng chị lúc cười, lúc khóc, còn anh thì thở dài thườn thượt, lúc thì lại khúc khích cười như người bị ma ám.
Vào dự cưới cháu đã năm ngày. Sau bữa cơm tối, vợ chồng anh xin phép anh rể và chị gái sáng mai ra Bắc, anh chị giữ thế nào anh tôi cũng một niềm từ chối:
- Sang năm chúng em lại vào, Chuyến này trên đường ra, qua thị xã Tam Kỳ vợ chồng em còn vào chỗ thằng bạn ngày xưa cùng đơn vị, chúng em thân nhau như anh em ruột thịt, điếu thuốc cấu làm đôi. Tình cảm người lính thì không gì sánh được anh chị ạ. Tháng trước em nhận được thư nó bảo hiện giờ vợ nó đang đi Liên Xô nghiên cứu về ngành y, ngành ót gì đấy những sáu tháng nữa mới về, ở nhà chỉ có ba bố con, mà đâu đứa bé mới đầy năm đã phải gửi bên bà ngoại trông nom. Nghe tin vợ chồng nó đều là công nhân viên chức nhà nước. Thôi thế cũng mừng anh chị ạ.
- Giữ mãi mà cậu, mợ không ở lại, anh chị cũng chẳng biết nói thế nào hơn nữa. Về tới nhà nhớ đánh điện vào cho anh chị cậu nhé. Rồi chị tôi phân công:
- Đêm nay hai anh em cậu ngủ ngoài đấy, còn mợ vào ngủ với chị. Chị có chuyện riêng muốn nói với mợ đấy.
Anh rể và chị gái tôi đứng lên vào thu xếp giường chiếu, anh ghé tai vợ nói nhỏ “Nếu chị có hỏi gì em phải nhớ lời anh dặn đấy nhé”.
Xe gần đến thị xã Tam Kỳ. Anh mở thư ra xem lại địa chỉ, rồi bảo bác tài xế cho xuống ngang đường và gọi xe ôm đưa đến nhà người bạn. Nhà bạn anh tôi nằm bên một xóm nhỏ ở ngoại ô, đất đai rộng rãi, không khí trong lành, phía trước nhà là cánh đồng bát ngát chẳng có gì gọi là phố cả.
Lâu ngày mới gặp lại, các anh ôm ghì lấy nhau mừng mừng, tủi tủi chẳng ai nói được câu nào. Thấy ba nó ôm người lạ mà nước mắt chảy ròng ròng, thằng con trai 5 tuổi ngơ ngác nhìn mọi người rồi cũng òa lên khóc. Chị tôi đứng chết lặng như trời trồng, nhìn hai người bạn lâu ngày gặp nhau mà lòng cũng rưng rưng. Tiếng khóc của cháu bé làm chị sực tỉnh, chị ôm vội cháu vào lòng, thơm lên đôi má bầu bĩnh của đứa trẻ, chị nựng: “Nín đi con… Nín đi cô yêu…”. Đã ba tháng nay phải sống xa mẹ, hôm nay mới lại được nằm trong vòng tay và hơi ấm của chị, thằng bé ngơ ngác nhìn khuôn mặt người lạ. Một thoáng sau như thèm khát hơi mẹ, nó ôm ghì lấy cổ chị khóc nức nở.
Cơm tối xong, cả nhà trải chiếu ra sân ngồi dưới gốc xoài. Xa xa khắp đường phố thị xã Tam Kỳ ánh điện sáng lung linh. Nhưng chỉ ít phút sau, mặt trăng tròn vành vạnh đã nhô lên. Ánh điện, ánh trăng hoà vào nhau làm một. Chỉ mới mươi hôm trước thôi, ánh trăng còn khuyết, trông như con thuyền nan nhỏ giữa dải Ngân hà. Vậy mà giờ đây ánh trăng tròn và sáng quá. Ánh sáng vàng tươi rải đều lên vạn vật, tất cả nhuốm một ánh trăng vàng. Bầu trời trong vắt. Hàng trăm đốm sao rải rác trên nền trời lúc ẩn, lúc hiện. Trăng đêm nay sáng, đẹp và đáng yêu biết nhường nào. Lâu lắm rồi, hai người lính, hai người đồng đội năm xưa lại có những đêm thơ mộng như thế này.
Thằng cu đã ngủ trên tay chị. Anh tôi nhắc: “Thôi hai cô cháu đưa nhau vào giường ngủ trước đi. Đêm nay anh em tôi còn tâm sự đến sáng”. Chị tôi xin phép rồi ôm cháu nhỏ vào nhà
Bao nhiêu kỷ niệm vào sinh ra tử thời chiến tranh, rồi nhớ về những người bạn cùng chiến đấu được các anh lôi ra kể. Đêm đã dần về khuya. Đó đây tiếng côn trùng kêu ra rả. Cỏ cây thì thầm trò chuyện với nhau. Trời càng về khuya, quang cảnh càng yên ắng, tĩnh mịch hơn. Vạn vật say sưa chìm vào trong giấc ngủ êm đềm. Ánh trăng dìu dịu, gió thổi mơn man. Chỉ còn côn trùng vẫn cất tiếng bổng trầm cho khúc nhạc muôn thuở về đêm. Cảnh đêm trăng mùa hạ mới đẹp làm sao.
- Sao vợ chồng mày muộn mằn thế?
Anh tôi cất một tiếng thở dài rồi chậm rãi:
- Hôm nay vợ chồng tao vào đây thăm mày cùng các cháu. Và cũng có chuyện nói với mày đây.
- Chuyện gì vậy, có nghiêm trọng lắm không?
- Rất nghiêm trọng là khác.
- Mày nói đi, sốt ruột quá trời.
Chuyện là thế này. Ngày đang chiến tranh số mày sướng hơn chúng tao, cái lần đơn vị mình được điều động lên chuẩn bị cho chiến dịch Buôn Mê Thuột, mày may mắn được giữ lại rồi lên trung đoàn bộ, còn chúng tao đủ mùi bom đạn, lại cả chất độc hóa học nữa chứ, vì thế…
Câu chuyện kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Anh kể tất cả những gì đã xẩy ra từ khi anh phục viên về quê lấy vợ đến hôm nay.
- Bây giờ ý mày định thế nào nói ngay đi.
- Hôm nay tao đưa vợ vào đây nhân biết vợ mày đi vắng, chúng tao muốn xin mày…
- Xin gì?
- Xin… xin mày một đứa con. Có vậy thôi, mày hãy giúp tao có được không?
- Thằng này khùng rồi sao bay. Ai lại thế?
- Thế chẳng lẽ mày muốn chúng tao sống cô độc cả đời không con cái gì hay sao? Nói để mày biết, tao đã thắt ống dẫn tinh ngay sau khi cô ấy mới đẻ rồi, mà nếu tiếp tục đẻ nữa thì lại sinh ra quái thai là cái chắc. Tao van mày đấy!
- Sao chúng mày không nuôi lấy một đứa có hay không.
- Tao tính kỹ rồi, chẳng có con nào bằng con vợ mình đẻ ra cả và cũng là để cho vợ tao có cái hạnh phúc được làm một người mẹ đích thực.
- Gì chứ việc này xem ra hơi khó, tao với mày thì sao cũng được, nhưng còn vợ mày, và gia đình ngoài đó nữa chứ.
- Ngoài vợ chồng tao và mày ra, việc này không ai biết cả. Mày hãy thương chúng tao. Vợ chồng tao đã bàn đi tính lại nát óc ra rồi, nên hôm nay mới dắt díu nhau vào đây gặp mày. Chỉ có mày mới xứng đáng là người tao chọn, mày nghĩ sao thì nghĩ.
- Tao khó nghĩ quá. Thôi trời sắp sáng rồi, mày đêm nay vào ngủ với tao, lâu lắm rồi chưa được ngủ cùng, còn thằng nhỏ cứ để cho hai cô cháu nó ngủ với nhau.
Bầu trời bình minh xanh trong như ngọc. Mặt trời lấp ló sau những gợn mây làm chúng hồng lên. Vườn rau trước cửa xanh mơn mởn nhờ được chủ vườn chăm bón thường xuyên. Chim vàng anh, chim chích choè, chim sẻ, chim sơn ca... hót líu lo trên ngọn dừa trước ngõ, chúng hát cho nhau nghe, nhảy nhót, nô đùa nhộn nhịp. Đàn bướm dưới sân bay lượn nhẹ nhàng vờn quanh những khóm hoa trước hiên nhà.
Ăn sáng xong, anh tôi nói với bạn: “Sáng nay tao ra Đà Nẵng thăm mấy thằng bạn độ dăm hôm, cứ để cô ấy ở đây chơi với cháu, vài ngày nữa tao quay lại đón”
Hơn chín tháng sau chuyến vào Nam ấy, chị tôi sinh cháu trai trong niềm vui sướng của cả nhà. Chuyện này sở dĩ tôi biết được là sau một đêm nằm ngủ, hai anh em tâm sự với nhau…
Thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”. Thầy u tôi cũng đã quy hóa cả rồi. Anh em tôi giờ tóc đã pha sương. Cháu Thành con trai của anh chị nay đã là một đại úy quân đội nhân dân, nối tiếp bước cha theo con đường binh nghiệp. Còn chuyện riêng của gia đình, tôi sẽ giữ kín mãi trong lòng
Viết đêm 11/11/2016
L.M.H
Tin cùng chuyên mục
Hồ Ba Bể
02/01/2017
Một câu chuyện, hai người kể
31/12/2016
Chợt nhớ...
27/12/2016
Thác Bản Giốc và những cột mốc thiêng
24/12/2016
Chó già giữ xương
21/12/2016
Hoa trên đá
20/12/2016