Chó già giữ xương
Tôi làm công tác văn phòng nhiều năm nên cũng đọc được dăm ba cuốn sách, thấy các bậc đàn anh hay xem và bàn luận về Kinh Dịch, nghe hay hay tôi cũng mượn về đọc thử rồi tập tọe xem quẻ, bấm độn, xem ngày tốt xấu Hoàng đạo, Hắc đạo rồi Thanh Long, Đại hỷ đến các Sao Thái dương, Thái bạch... Thấy vậy nhiều anh chị em ở cơ quan cũng nhờ xem hộ cho ngày tốt, giờ tốt để động thổ, khai móng, cưới hỏi cho con...vv.
Kể tiếp chuyện lão Trần Quê:
CHÓ GIÀ GIỮ XƯƠNG
Truyện ngắn của Nguyễn Quang Tình
Tôi làm công tác văn phòng nhiều năm nên cũng đọc được dăm ba cuốn sách, thấy các bậc đàn anh hay xem và bàn luận về Kinh Dịch, nghe hay hay tôi cũng mượn về đọc thử rồi tập tọe xem quẻ, bấm độn, xem ngày tốt xấu Hoàng đạo, Hắc đạo rồi Thanh Long, Đại hỷ đến các Sao Thái dương, Thái bạch... Thấy vậy nhiều anh chị em ở cơ quan cũng nhờ xem hộ cho ngày tốt, giờ tốt để động thổ, khai móng, cưới hỏi cho con...vv.
Vì chơi thân với lão Trần Quê nên tôi hỏi lão tuổi gì?
Lão bảo: “Tôi có hai tuổi, đúng ra thì cha sinh mẹ đẻ ra có một tuổi thật, nhưng khi đi làm việc và về ở cơ quan này làm cái nghề này thì lại ứng vào cái tuổi Tuất, tức là mệnh mạng của con chó trong mười hai con giáp. Nhiều người cũng có mệnh này nhưng là chó cảnh, chó Nhật, chó Béc, chó Phú quốc, chó Bông, chó Xồm, chó Fốc...Còn tôi lại rơi đúng vào loại chó ta nguyên chủng không có lai tạp gì với giống ngoại để được yêu quý và trọng vọng”!
Nghe lão nói vậy và qua theo dõi tôi cũng thấy thế nên lúc nào lão cũng khổ, người đời vẫn có câu nói dành cho chó về cái sự gặp may mắn trong đời là “Chó ngáp phải ruồi”! Với lão thì ruồi cũng chả đến lượt, nhiều đêm thanh vắng lão hay đi ra đường tìm cảm xúc (chả là lão cũng đọc sách rồi tập tọe làm báo, viết văn và làm thơ...) mong “ngáp” được con muỗi cho gọi là có vì nó nhỏ và có vẻ “ khiêm tốn”với chức năng và vị trí của mình nhưng cũng chả được. Cả đời công chức, viên chức nhưng chỉ làm “tay sai vặt vãnh”! Bao nhiêu của ngon vật lạ, món béo bở như hợp đồng xây dựng, sửa chữa vặt, mua bán vật tư, văn phòng phẩm... hoặc rau cỏ cho nhà ăn tập thể cũng chả đến lượt. Vì thế nên mặc dù làm việc mẫn cán và chăm chỉ cả đời, nhưng chả có của nả gì cho ra hồn, nghỉ hưu cũng chỉ có quần áo cũ, giày dép dùng dở mang về cùng vài ba cuốn sách đã viết được in, mấy chục cuốn nhật ký công việc đã làm mang về tra cứu kỷ niệm. Những đồ dùng của lão đã gắn bó khi mang về nhiều người trong cơ quan đều bĩu môi, dè bỉu, chê và khinh thầm cái con người trung thành tuyệt đối nhưng tính nết thật thà, hết mình đến mức kỳ dị cổ quái... chỉ được số dư nghèo khó. Số sách cũ lão mua và tích lũy bao nhiêu năm được đựng đầy 5 cái vỏ bao tải nhựa xác rắn. Có đứa độc mồm không ưa cái sự thẳng thắn, trung thực của lão còn bảo: “ Lão ấy mang tài liệu cũ ấy về quê mà làm chất đốt đun hoặc hấp cám đủ ăn lúc dối già...”! Lão nghe thính lắm, biết tất nhưng chẳng thèm trả lời đối chất, bởi nói lại thì lão thua, có nhiều đứa trong bọn trẻ đã học và được lão dạy bảo kỹ càng về chuyên môn, nghiệp vụ và cả cách “ đối nhân, xử thế” giờ chúng nó thực dụng nói năng hỗn láo bạt mạng chứ không như lão khi muốn nói phải uốn lưỡi đến ba lần mới ra câu để với bề trên không bị phạm thượng, với kẻ dưới thì không bị mất lòng.
Tôi làm bạn và chơi với lão Trần Quê nhiều năm lại cùng công tác tại một cơ quan nên tôi hiểu! Nhưng cái sự chịu nhịn, nhún nhường để hòng được việc chung thì mãi về sau mới hiểu, lão là người thuộc diện con nhà tử tế được giáo dục cẩn thận công phu của bố mẹ và gia đình. Lão rất tự trọng, làm việc thì hết mình, tuyệt đối tin tưởng ở sự lãnh đạo của cấp trên, nhưng có điều khó hiểu là tại sao lão cứ hay bị chèn ép, phân biệt đối xử, nhiều khi bị xúc phạm và việc đàm tiếu chê bai, nói xấu sau lưng của lão thì lúc nào cũng có thể xẩy ra! Tôi cứ tự hỏi mà không trả lời được, mãi đến khi biết lão sắp đến tuổi hạ cánh( nói cho văn nghệ chứ là cái lão kỹ sư công nghệ bị tổ chức phân công trái nghề thì có cánh đâu mà hạ)! Mà giả sử có cánh đi chăng nữa thì lão cũng có được bay bao giờ đâu mà cần đến cánh. Nói thẳng toẹt ra là lão hèn, nhưng cái sự hèn và cam chịu dần dần tôi mới biết. Trong số những cuốn sách mà lão thường đọc và hay mang theo bên mình có một cuốn mà thấy lão bọc kín cẩn thận như Kinh Thánh. Có một hôm đi công tác tỉnh Nguyên Lạng cùng lão, đường xấu, xe xóc rồi đến đoạn đường đẹp xe chạy êm êm lão ngủ gật, cuốn sách bị rơi ở bọc ra, tôi cầm lên xem bìa thì ra đó là cuốn “ AQ” của Lỗ Tấn. Thế là khi về nhà tôi lấy trên giá sách của nhà mình và đọc lại AQ, chưa bao giờ tôi lại đọc kỹ và nghiền ngẫm như lần này! Hóa ra từ trước đến nay lão Trần Quê tự học và luôn lấy nhân vật này làm tấm gương để “ học tập và soi mình” vào đó. Có một vài lần tôi chứng kiến lão bị cấp trên mắng oan mà lão vẫn nhận nhịn không cãi lại, tôi bực thay cho lão và hỏi: Sao ông không cãi mà cứ nhịn như mồm bị câm thế? Lão bảo: Có thể cấp trên của ta có vấn đề gì bức xúc không giải tỏa được thì sếp trút vào mình, mình bị mắng oan tý nhưng sếp nói mà có người nghe như mình thì cũng đỡ bực. Nếu để sếp mang cái bực tức ấy về nhà thì vợ con có khi lại mất vui, ảnh hưởng đến công việc. Chỉ khi về đến nhà tôi mới nghĩ và tự động viên cho rằng “ Nó mắng mình cũng như nó về mắng bố nó ở quê”!
Trong một hội nghị lãnh đạo, lão nghe cấp trên bảo: “ Chúng ta nên định hướng và động viên con, em đi vào học ngành mỏ để sau này thay thế chúng ta cống hiến cho ngành Th...”! Vì có tính tin tưởng tuyệt đối cấp trên lão yêu cầu cả hai đứa con thi vào học trường Mỏ, học xong khi xin việc để được cống hiến thay lão khi nghỉ hưu thì hỏi cửa nào cũng chả có chỗ, mọi cửa đều chặn kín hết cả. Hỏi lãnh đạo thì được biết cần phải biết chờ đợi, hỏi giám đốc cơ sở đã là bạn của lão thì bạn vâng nhận hồ sơ về bảo tổ chức cất kỹ vào tủ. Lão cứ ngồi chờ và mong cho con có việc làm để “ cống hiến” mà chả được...mãi không đừng thì một đứa con là kỹ sư mỏ được bố trí vào một đơn vị du lịch, lương và thu nhập được đến một phảy năm triệu đồng một tháng và làm hai năm thì giải thể đơn vị này vì thua lỗ triền miên. Đứa con thứ hai cũng được bố trí vào một cơ sở cấp dưới, nó giỏi chuyên môn nghiệp vụ nhưng đơn vị này làm ăn kém lại bảo nhau trốn thuế nên lại bị giải thể. Cả hai đứa con yêu nghề của bố bị đẩy ra đường. Một đứa cán bộ cùng làm việc với lão bảo rằng: “Chú không đưa tiền thì làm sao mà có việc, cháu xin cho em họ vào đơn vị của ông Tê phải mất hai nghìn Đô, một tuần gọi đi làm ngay. Với chú chắc ông ấy không có mặt mũi nào dám nhận tiền nên không gọi con chú đi làm là đúng rồi” Vợ thấp lương, con không có việc làm nên lão cứ gồng mình lên để lo kinh tế, các con thấy vậy cũng biết bố chả có tài đi đêm với lại chả có đủ tiền mà chạy thì làm sao có việc nên chúng tự tìm việc khác để làm, mất cả cơ hội được “ cống hiến” cho ngành mà cha nó yêu quý, tin tưởng cả đời!
Ở cơ quan trong mấy chục năm làm đủ thứ việc do tổ chức phân công, làm việc gì lão cũng nhiệt tình và phấn đấu hết mình. Bản chất là anh nhà quê nên lão chăm chỉ, tiết kiệm. Khi chuyển về văn phòng mới lão thấy nhiều cái lạ, nhà nước và các cơ quan hữu trách liên tục tuyên truyền mọi người và cơ quan đơn vị triệt để tiết kiệm điện. Vậy mà phòng nào cũng điện thắp sáng choang, phòng làm việc của lão có vài mét vuông mà có đến bốn cái máng với tám bóng đèn nê ông dài một mét sáu. Thấy lãng phí lão bảo thợ điện tháo đi sáu bóng chỉ để lại hai đèn là đủ, xem phòng vệ sinh ( toilet) bé tý mà cũng được bố trí đến mười cái bóng đèn, lúc nào cũng sáng. Tiếc của, mỗi khi đi qua thấy đèn sáng và không có người lão lại tắt đi, làm việc ở tầng bốn nhưng lão không đi thang máy để tiết kiệm vì lão bảo đi bộ cho khỏe, hỏi kỹ thì lão nói: Có một mình mà gọi cái thang từ tầng trên xuống nó chạy công suất hai mươi ki lô oát tốn kém lắm. Thấy giấy báo thanh toán mỗi tháng hàng trăm triệu tiền điện lực, gần trăm triệu tiền xăng dầu cho xe đi công tác, vài chục triệu tiền điện thoại mà lão phải ký đề nghị thanh toán lão cứ xót của như mất của chính gia đình mình. Có mấy đứa nhân viên và cả cán bộ lãnh đạo nói: “Của cha ông nhà ông đâu mà giữ, mà tiếc...Ông đúng là loại người giữ l... cho chúa?”
Thấy lão cẩn thận và chu đáo, vài năm lão được phân công mang phong bì đi chúc Tết các cán bộ cấp trên và cơ quan báo chí, đều đều cả các ngày lễ và truyền thống việc này lão làm đều đặn và chính xác không có sai sót. Năm sau lão không được phân công làm tuyên truyền để chuyển sang làm quản trị cơ quan, mảng báo chí được giao cho người khác. Một tay Tổng Biên tập tạp chí của ngành thấy lão đến văn phòng mà không thấy có phong bì, lão liền viết ngay một cái đơn gửi cho tay Tổng giám đốc bảo là: “Tôi có thấy anh Trần Quê lên TĐ mà không thấy đưa phong bì cho tôi, anh ấy có mang về nộp lại xuất của tôi cho cơ quan không?” Tay Tổng giám đốc cất cái đơn vào góc tủ rồi cử thằng Tổ chức tay sai thân tín đi theo dõi lão Quê, khốn khổ cho lão, lão bị oan mà không ai giải cho lão! Tội ấy cho đến khi tay lãnh đạo kia về hưu già thêm một năm, lúc dọn tủ cái đơn kia mới rơi ra được cô tạp vụ đưa cho lão. Cay đắng lão liền viết cho thằng lãnh đạo đểu kia bức thư trần tình, rồi lão lại tự bảo: “ Việc ấy cho vào sọt rác, cả thằng viết thư và đứa nhận thư cùng bọn sai nhân đều ghê tởm, bẩn thỉu, một lũ tiểu nhân đáng khinh bỉ, chúng tưởng ai cũng như chúng. Thật đúng là không có được cả “ tư cách” của một con chó...”!
Biết mình không phải tuổi Tuất, nhưng lão nói riêng với tôi:
- Mặc dù mình có tuổi khác nhưng cũng chỉ như một con chó trông nhà, canh giữ tài liệu, của cải của cơ quan, tập thể...Nhưng dù có số mệnh của một con chó mặc dù chẳng bao giờ mơ “ngáp được ruồi” nhưng cũng phải sống cho trong sạch. Cái gì được ăn mà ăn cũng phải sạch sẽ thì mới ăn, còn ăn kiểu chúng nó thì lúc nào cũng như ăn vụng, ăn cả bùn, đất bóc, ăn cả dầu mỡ, cả than sạch lẫn than bẩn... thậm chí có cái bãi thải cũng tranh cướp nhau, cách chức nhau, nói xấu nhau, rồi mỗi đứa một nơi chả ra cái thể thống gì là để được thành người bình thường chứ nói gì đến danh từ cao quý “Tình đồng chí”!
Hãy nhìn ở bữa tiệc kỷ niệm ngày Truyền thống, buổi gặp mặt, lễ cưới...thì thấy ngay thằng nào ăn bẩn, mua bán chức vụ và ghế ngồi sòng phẳng.Thằng nào có tính đó thì chỉ ngồi một mình không thấy ai đến chúc tụng mà cũng chả dám đi chúc ai. Khi còn ngồi ở vị trí quyền cao, chức trọng đã bẩn thỉu không biết đến liêm sỷ rồi thì bây giờ hưu thật chỉ có mở mắt ra mà nhìn đời hiu hắt. Tôi sống đến ngần này tuổi đầu để chiêm nghiệm lại cuộc sống với nghề nghiệp thì mình cũng chỉ được coi mình và cũng tự nhận thấy mình chỉ đúng được với câu khẩu ngữ “ CHÓ GIÀ GIỮ XƯƠNG” thôi ông à! Ông là người hay chữ lại có nhiều quyền và tiền hơn tôi thì ông thấy thế nào?
- Nghĩ lại thấy buồn và thương cảm với hoàn cảnh của lão Trần Quê, tôi còn biết nói sao khi mình cũng chả có tài cán, quyền chức gì thì biết nhận xét phê phán ai sao được! Tận đáy lòng và sâu thẳm lương tâm tôi vẫn cảm thấy lão thật đáng kính trọng bởi nhân cách của lão còn gấp trăm, thậm chí gấp cả nghìn những đứa thấy tiền mờ mắt, trà đạp lên cả đạo lý...Tất cả sẽ trở về cát bụi, dù bọn kia có cướp được nhiều tiền, của hơn lão Trần Quê nhưng lương tâm không trong sạch, bị người đời và bạn bè khinh bỉ thì liệu sống những năm cuối đời liệu còn nghĩa lý gì...!!!
Xứ Đoài, những ngày cuối năm 2016
Ng.Q.T