Chuyện chiến trường của CCB Nguyễn Quốc Xứng (Thái Nguyên)

Bám theo con đường quanh co với điệp trùng đồi núi nhấp nhô, chúng tôi mới đến được khu vực xã Ôn Lương (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), một xã nghèo miền núi với hơn 80% dân là người thiểu số. Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Xứng, người lính đặc công tham gia chiến dịch Tây Nguyên năm xưa đã sinh ra và trưởng thành tại đây. Trong chiến tranh, ông là người lính trung kiên xông pha nơi lửa đạn để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình, ông trở về quê hương chung tay với nhân dân địa phương tăng gia sản xuất, làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới.


Một số loại thuốc nam gia truyền được CCB, thày thuốc Nguyễn Quốc Xứng kê đơn điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả cao.

 

 

Hiện ông Nguyễn Quốc Xứng đang giữ các vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực ở địa phương: Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc huyện Phú Lương; Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông sản an toàn xã Ôn Lương; Chủ tịch Hội Đông y xã Ôn Lương; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ôn Lương. Ở vị trí công tác nào, ông cũng luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình và hoàn thành xuất sắc các công việc được giao theo đúng tiến độ, hiệu quả.

Trò chuyện với ông trong tư gia rộng lớn, khang trang, đầm ấm, chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe kể về những trận đánh oanh liệt trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Càng ngạc nhiên hơn khi đọc những dòng hồi ký với giọng văn hào sảng, trữ tình như dựng lại bối cảnh chân thực, sinh động của những ngày lịch sử tại Buôn Mê Thuột (10/3/1975).  Phong cách viết độc đáo, tài hoa đã làm nên bản sắc riêng của cây bút Nguyễn Quốc Xứng. TPM trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trích đoạn hồi ký của ông.

Kim Phượng (Giới thiệu)

 

NHỮNG NGƯỜI NỔ PHÁT SÚNG PHÁT TÍN HIỆU TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN

 

Đêm đêm, khi vạn vật dần chìm vào giấc ngủ thì lính trinh sát chúng tôi từ các mũi, các hướng lại bám vào địa hình, lanh lẹ tiếp cận từng mục tiêu. Mặc cho hàng rào dây kẽm gai đan xen những bãi mìn dày đặc. Mặc cho lính gác, canh tuần cùng xe tăng, bọc thép gầm rú và các đợt pháo sáng xen lẫn những đợt súng nổ cầm canh, các chiến sĩ với  trang phục rằn ri vẫn lúc ẩn, lúc hiện. Họ không nói với nhau mà sao lại nhịp nhàng vậy? Có chứ! Họ nói với nhau bằng ánh mắt, ám hiệu trên toàn cơ thể, lúc thì bằng đầu, lúc bằng tay, thậm chí bằng cả ngón chân…

Rồi những đêm bị kẹt trong lòng địch phải nằm lại góc vườn, cống rãnh, trần nhà hoặc bất kỳ chỗ nào có thể an toàn, để đến tối lại tiếp tục công việc. Có lần phơi nắng cả ngày trong hàng rào kẽm gai nhịn đói, nhịn khát, chỉ vì xong nhiệm vụ mà không thoát ra được. Rồi những khi sa bẫy phục kích của địch tưởng chừng sẽ hy sinh… nhưng chúng tôi vẫn vượt lên, tất cả vì tiền tuyến. Sau khoảng 3 tháng luồn sâu trinh sát, với mệnh lệnh “Bí mật, nhanh, an toàn, chính xác”, chúng tôi đã cơ bản nắm rõ về lực lượng và cách phòng thủ của địch ở thị xã Buôn Mê Thuột và các vùng ven.

Một trong nhiều khu vực chúng tôi trinh sát đó là sân bay quân sự thị xã và tổng kho Mai Hắc Đế. Sân bay dài 1.700m, rộng 600m, có lữ đoàn bảo vệ và 2 đại đội biệt kích, thám báo, quân số khoảng 1.500 tên. Trong sân bay có 2 phi đội máy bay trực thăng HU1A (12 chiếc), 2 máy bay trinh sát L19, 1 máy bay CH47, khoảng 40 giặc lái và nhân viên kỹ thuật; Có 5 xe tăng, 6 hàng rào kẽm gai. Ngày đêm thám báo tuần tra liên tục trong và ngoài sân bay. Khu hàng rào cài nhiều loại mìn chạm nổ - Nhấc lên nổ, đè lên nổ, căng hoặc trùng dây đều nổ. Đêm có hệ thống đèn pha chiếu sáng như ban ngày. Thỉnh thoảng chúng bắn lên không trung những chùm pháo sáng càng làm tăng thêm sự cẩn trọng của sân bay.

Tổng kho Mai hắc Đế có chiều dài 1.300m, rộng 600m, gồm 64 kho lớn nhỏ. Mỗi kho có ụ đất cao 5m bao quanh. Trữ lượng trong kho khoảng 150 nghìn tấn bom, đạn. Lực lượng bảo vệ có 1 tiểu đoàn cảnh vệ, 1 đại đội biệt kích, thám báo “Lôi Hổ”, 10 xe tăng và xe bọc thép sẵn sàng phản kích khi bị tấn công. Xung quanh có 7 hàng rào kẽm gai kiên cố và 1 hàng rào bằng tôn chôn sâu ngay sát đường tuần tra vòng trong của kho. Quân số ở đây khoảng 800 tên. Ngày đêm xe tăng và biệt kích tuần tra nghiêm ngặt trong và ngoài tổng kho.  Đêm có 10 ngọn đèn pha quét ngang dọc. 30 phút lại có một chùm pháo sáng bắn lững lờ trên không, ánh sáng phả xuống nhìn rõ từng lùm cây, ngọn cỏ.

Toàn bộ khu Thiết giáp, Pháo binh, khu Chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy, khu Ngã 6 trung tâm thị xã, Sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, khu sân bay Hoà Bình, hậu cứ Trung đoàn 44, Trung đoàn 53 Ngụy… đều bị trinh sát đặc công chúng tôi tiếp cận và đưa vào sơ đồ chiến đấu.

Đêm nào cũng có vài loạt súng nổ. Nhiều khi chúng tôi tưởng mình bị lộ vì những loạt đạn xé gió rít bên tai, kèm theo những hồi còi rú lên báo động phá tan không gian tĩnh mịnh của đêm cao nguyên. Vùng đất, vùng trời Tây Nguyên bao la, bát ngát, nhưng ở mặt đất không lúc nào im tiếng súng. Quân Ngụy đã phát hiện sắp xảy ra những trận đánh lớn, nhưng chúng chưa rõ ở đâu, Plây Cu, KonTum hay Buôn Mê Thuột?

Sau khi có báo cáo kết quả trinh sát luồn sâu của chúng tôi, trung tuần tháng 2/1975, tại một khu rừng già cách Buôn Mê thuột khoảng hơn 30km, đồng chí Tư lệnh Hoàng Minh Thảo và đồng chí Vũ Lăng, Phó tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên giao nhiệm vụ tác chiến cho các sư đoàn bộ binh và lực lượng binh chủng tiến công giải phóng toàn Tây nguyên.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mặt trận tăng cường thêm một đại đội súng phòng không 12,7mm để bắn máy bay. Thời gian nổ súng mở màn chiến dịch là ngày N (10/3/1975), giờ G (2h đêm) và nhiệm vụ của đội trinh sát đặc công là nổ phát súng tín hiệu đầu tiên mở màn cho toàn mặt trận đánh vào sân bay quân sự. Đồng chí Tư lệnh còn giao nhiệm vụ cho các đơn vị xe tăng, pháo binh, bộ binh. Riêng lực lượng công binh bí mật cưa 2/3 những cây lớn, khi đặc công điểm hoả nổ súng mở màn chiến dịch sẽ nhanh chóng cưa đổ cây để các đơn vị tiến vào vị trí xuất phát tiến công.

Tại hàng rào kho Mai Hắc Đế, một tổ đặc công đã có mặt từ đêm hôm trước để đào hầm chui dưới hàng rào tôn vào trong, cách mặt đất một lớp mỏng, chỉ chờ lệnh là bung lên áp sát tấn công mục tiêu. Phía sân bay, các chiến sỹ đặc công cũng nhanh chóng vượt qua các hàng rào dây thép gai và mìn để dẫn đường cho đồng đội vào chiến trận. Trước giờ nổ súng không khí sao căng thẳng, nặng nề đến vậy. Đã nhiều lần hồi hộp trước giờ nổ súng, nhưng đêm nay trái tim các chiến sỹ đặc công muốn nổ tung. Song chắc chắn không phải riêng đặc công mà cả chiến dịch còn có hàng ngàn trái tim cũng cùng sẻ chia cảm giác này.

1h00 sáng ngày 10/3/1975, đồng chí Lộc, Đại đội phó C3 D20b (K4) trực tiếp chỉ huy mũi chủ công đánh chiếm Sở chỉ huy sân bay báo cáo đã bám vào hàng rào lưới bao quanh Sở chỉ huy và khu thông tin điện đài. Trong hàng rào, cứ 30m có một trụ đèn gắn 2 bóng nê ông chiếu chếch vào hàng rào, có một tên lính gác đi đi lại lại canh gác. Đoàn trưởng lệnh cho áp bộc phá 5 kg vào hàng rào để sẵn sàng chờ lệnh.

Giờ G nổ súng được trinh sát binh chủng đặc công D20b Đoàn 198 thực hiện đúng kế hoạch. Đồng chí Lộc, Đại đội phó nâng khẩu AK nổ 2 loạt ngắn - Một loạt hạ gục tên lính gác, một loạt bắn tan cụm bóng đèn trước mặt và lệnh giật nụ xoè bộc phá 5kg nổ làm lệnh. Pháo binh bắn cấp tập vào các mục tiêu. Tiểu đoàn trưởng Bùi Duy Biều ra lệnh đánh vào khu trung tâm sân bay, dùng bộc phá đánh vào Sở chỉ huy, dùng B41 bắn cháy xe tăng. Khói lửa mịt mù cả một khu vực rộng lớn. Những tiếng bộc phá nổ dồn dập, lớp lớp như sóng thần. Những tia chớp chói loá trong sân bay. Quân địch co cụm vào các lô cốt và giao thông hào phản kích kịch liệt, tranh giành với đặc công ta từng tấc đất. Đặc công mặc dù nằm trên mặt đất, không có gì che chắn nhưng vẫn kiên cường, lanh lẹ, lúc ẩn, lúc hiện, thoăn thoắt tiêu diệt từng mục tiêu.

Hướng tổng kho Mai Hắc Đế do Tiểu đoàn phó Lê Mạnh Hùng chỉ huy các mũi tấn công. Khi đội hình chui qua hàng rào tôn vào bên trong thì gặp 2 xe M113 đi tuần tra. Bộ binh ta dùng B41 bắn diệt luôn cả 2 xe. Tiếp theo, mũi chủ công lao thẳng về phía Đông Nam khu nhà chỉ huy và dùng B40, thủ pháo, lựu đạn tiêu diệt nốt Tiểu đoàn bảo an canh giữ kho và Đại đội cơ động mật phục tại đó.

3h10’ đến 3h45’, đường dây hữu tuyến từ Sở chỉ huy Đoàn 198 và D20b Đặc công bị địch cắt ở ngay  lối cửa mở. Nhận lệnh tôi cùng 2 đồng chí thông tin lần tìm để nối lại. Chợt có 2 bóng đen xuất hiện tiến dần về phía đường dây. Tôi nâng khẩu AK báng gập lên nhằm thẳng ngực thằng đi đầu nháy cò, 2 viên đạn bay ra quật ngã tại chỗ tên đi trước. Tên đi sau quay đầu chạy, tôi xiết một loạt ngắn, bóng đen chệnh choạng rồi biến mất trong bóng tối, đường dây lại được bình yên đến sáng.

4h00 ngày10/3/1975, E trưởng E198 lệnh cho chúng tôi ra đón Tiểu đoàn bộ binh của E95 vào chiếm giữ Ngã 6, trung tâm thị xã theo trục đường 14, liền kề sân bay về phía tây 500 - 600m. Tiểu đoàn E95 có nhiệm vụ đánh địch phản kích ra hướng sân bay và giữ bàn đạp cho E95 cùng xe tăng vào đánh chiếm Sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc.

Cùng hồi 4h00, trong lúc hỗn loạn, một số giặc lái đã nhảy lên máy bay để chạy trốn. 2 máy bay Mỹ đang từ từ nâng độ cao thì đồng chí Nguyễn Viết Mông, Đại đội trưởng C1 D20b (K4) phát hiện thấy nên đã chỉ đạo cho bộ đội ta dùng B40, B41 và AK bắn thẳng vào 2 khối sắt thép đang lập loè ở độ cao 30 – 40m. Cả 2 máy bay đều dính đạn. Một chiếc cố liệng ra phía nam sân bay khoảng 1km thì bốc cháy, rồi nổ tung như quả cầu lửa và rơi xuống. Chiếc kia bị nhẹ hơn cố vươn lên, liệng dần về phía sân bay Hoà Bình, rồi cũng rơi vèo xuống mặt đất. Lúc này, chúng tôi lại nghe thấy Đoàn trưởng Hiếu ra lệnh “Dùng bộc phá và B41 phá huỷ hết số máy bay còn lại”. Mệnh lệnh liền được truyền đến các tay súng đang sẵn sàng. Những tiếng nổ vang lên trong khu để máy bay. 13 chiếc trúng đạn đã bốc cháy ngùn ngụt.

5h00 sáng, bọn địch quanh khu Chỉ huy sân bay chống trả quyết liệt. Lực lượng của ta chỉ có 150 tay súng mà phải đối mặt với các đợt phản kích của địch có lực lượng đông gấp 10 lần. Tôi được giao nhiệm vụ cùng mũi thọc sâu đánh chiếm bên trong sân bay. Cuộc chiến gay go bởi đặc công ta vũ khí thì ít lại nằm lộ thiên trên mặt đất, còn bọn chúng có giao thông hào, lô cốt, hầm ngầm và vũ khí hiện đại. Trời càng sáng càng bất lợi cho đặc công ta. Mũi thọc sâu vô cùng quyết liệt, phần lớn bắn yểm trợ để các đồng chí bên sườn tiếp cận, áp sát chiến hào ném lựu đạn xuống. Có lúc, lựu đạn chưa kịp nổ, chúng đã quăng lên nổ trên mặt đất. Phải nhiều lần quân ta ném thủ pháo và bắn B40 mới thông đường vào lô cốt, hầm ngầm.

Đến 6h10’, đặc công đã làm chủ sân bay, nhưng bọn địch trong hầm Sở chỉ huy vẫn ngoan cố chống trả quyết liệt. Mũi thọc sâu chúng tôi ném thủ pháo 400g vào cửa hầm cảnh cáo. Khi khói tan chúng tôi đã dùng loa gọi hàng. Từ trong hầm, 40 tên lần lượt chui ra, có 19 sỹ quan, trong đó gồm 2 thiếu tá (Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó sân bay).

6h15’, địch cho máy bay ném bom 2 khu vực ở góc ngoài hướng đông bắc sân bay, hòng ngăn chặn quân ta tăng viện vào. Ở khu kho Mai Hắc Đế, máy bay địch cũng đánh phá khu hàng rào phía đông nam để dọn đường cho lực lượng phản kích tấn công lại đặc công ta ở trong kho.

6h45’, lực lượng địch gồm một tiểu đoàn bộ binh cùng 5 xe tăng đã chia ra hai hướng và chống trả quyết liệt, hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Đồng chí Hùng báo về sở chỉ huy Đoàn xin chi viện nhưng lúc này, đặc công ta lại không còn lực lượng dự bị, nên Đoàn trưởng Hiếu phải ra đòn quyết định: "Dùng thủ pháo và B41 đánh nổ 3 kho đạn ở giữa để ngăn cách ta và địch”. Chỉ trong chốc lát, từ các đợt tấn công liên tiếp, chúng tôi đã làm cho 3 kho đạn của giặc bốc cháy, phát ra những tiếng nổ liên hồi như muốn xé vụn bất kỳ vật gì ở gần. Lợi dụng thời điểm khói lửa và tinh thần hoảng loạn của địch, các xạ thủ đặc công lại dùng B41 bắn cháy thêm 3 xe tăng và tiếp tục tấn công vào các điểm trọng yếu. Sau vài tiếng cầm cự cố thủ, ngoài số quân Ngụy đã chết, số còn lại vứt cả súng, bỏ xe tăng chạy về hướng đường 14 thoát thân.

11h30’, E95 bộ binh và xe tăng của ta theo trục đường 14 tiến thẳng vào ngã 6, rồi lao xuống phía nam khoảng 500m công kích Sở chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc. Sau gần 15’, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn khu vực và tiếp tục tiến sang hướng tây để hiệp đồng với E24/F10 đánh chiếm sở chỉ huy 23 Ngụy.

15h chiều ngày 10/3/1975, E24/F10 bộ binh và xe tăng của ta mới vào tới rìa kho Mai Hắc Đế (do vậy, lực lượng đặc công phải chốt giữ quá lâu so với dự kiến ban đầu). Vừa phối hợp tấn công, quân ta đã vấp phải lực lượng bộ binh và xe tăng địch đang co cụm lại để bảo vệ vòng ngoài Sở chỉ huy Sư 23.  Quân ta phải tạm dừng tấn công để nghiên cứu tổ chức hiệp đồng giữa E24/F10 và E95/F325 sao cho hiệu quả nhất.

Mờ sáng ngày 11/3/1975, quân đội ta đã tổng công kích áp đảo quân địch. Đến 8h00, ta làm chủ hoàn toàn Sở chi huy F23, bắt sống hàng trăm tù binh trong đó có hai tên Đại tá sư phó 23 và chỉ huy trưởng tiểu khu Đắc Lắc.

Như vậy, sau thời gian phát lệnh nổ súng tiến công ngày 10/3/1975, Đoàn đặc công 198 mà lực lượng chính là tiểu đoàn 4, D20b binh chủng đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Đánh chiếm và làm chủ sân bay quân sự và tổng kho Mai-Hắc-Đế; Xoá sổ 1 Lữ đoàn, 1 Tiểu đoàn, 3 Đại đội biệt kích, thám báo; Phá huỷ 15 máy bay, bắn cháy 6 xe tăng; Tiêu diệt và bắt sống 1.500 tên địch, trong đó có 19 sỹ quan từ cấp uý đến cấp tá; Thu 3 xe tăng, 30 xe vận tải GMC và trên 100 nghìn tấn bom đạn các loại.

Đoàn đặc công 198 đã trụ vững, kiên cường chốt giữ và đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, tạo bàn đạp cho Sư đoàn bộ binh 316, 325 và Sư đoàn 10 tiến công vào trung tâm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột. Đồng thời, tạo đột biến cả thế và lực cho lực lượng ta, làm rối loạn và đảo lộn chiến lược phòng thủ của địch ở chiến trường Tây Nguyên, đưa cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam từ tiến công chiến lược đến tổng tiến công. Trước tình hình chuyển biến mau lẹ được tạo ra từ chiến thắng giải phóng Buôn Mê Thuột, ngày 11/ 3/ 1975, Bộ Chính trị chỉ đạo: “Nhanh chóng nắm bắt thời cơ đánh địch phản kích, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, tiếp theo giải phóng Huế-Đà Nẵng, khi có thời cơ đánh mạnh vào Sài Gòn”, để rồi kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.