Những người có lòng

Trước ngày đi, thầy không quên trao cái hộp thiếc trong đó đựng một tờ di chúc của ông Bảy, giao toàn bộ tài sản cho thầy thừa kế và một tờ giấy có xác nhận chữ ký của chánh quyền địa phương với nội dung tặng lại tài sản ấy cho người dâu hụt của ông. Theo thầy, người dâu hụt nầy có đầy đủ phẩm chất của một người có lòng. Thầy chỉ mang theo suốt cuộc hành trình của đời thầy, bức di ảnh bán thân của người cha nuôi quá cố, chụp lúc còn sinh thời. Bức ảnh có nụ cười mới mãn nguyện làm sao!


 

 

(Một nén tâm nhang cho hương hồn bác Bảy Phúc)

Rất may mắn, khi chủ lấy lại nhà, gia đình thầy đang loay hoay tìm nơi trú ngụ khác, thì được người “điềm chỉ”. Đến gặp ông Bảy Phúc, thầy không ngờ rằng, nhà, được ông cho ở đậu, không tốn tiền thuê. Thầy vô cùng ngạc nhiên, mỉm cười thích thú, nhủ thầm: “Trong cơn thắt ngặt, đủ thứ “nhu cầu” bủa vây, được ông Bảy ra tay cứu giúp đúng lúc một việc tối cần thiết, vợ con có chỗ trú ngụ lâu dài. Cái ơn nầy, không nói ra, nhưng trong sâu thẳm cõi lòng, thầy nguyện sẽ quyết tâm đền đáp.
Ông Bảy tuổi đã “thất thập cổ lai hy”, vợ chết từ lâu, đứa con trai duy nhứt theo ông đến đây sinh sống từ cái ngày vùng đất nầy chỉ có lèo tèo vài nóc nhà. Khi thằng con đã trưởng thành, nghe nói có người yêu đâu đó, chỉ chờ đôi năm, có tiền đủ sắm đôi bông, sẽ mang trầu cau đến cưới, nhưng trong một lần bạo bệnh cũng bỏ ông mà đi.
Hằng ngày ông vô miệt vườn, đi từng nhà hỏi làm cỏ hay xin róc lá dừa mướn. Chủ vườn thấy ông già cả, giỏi giang, thiệt thà nên bao luôn cơm nước. Tiền công gom lại, tháng được vài trăm. Chiều về ông thường mua dăm ba khúc mía hoặc vài khoanh bánh còng cho sắp nhỏ, con thầy.
Từ ngày thầy “kéo quân” về đây, không khí gia đình nhộn nhịp đến lạ. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng khóc… của lũ nhóc, tạo nên cảnh vô cùng sinh động làm ông Bảy có cảm giác rằng mình như đang sống trong gia đình êm ấm, hạnh phúc ngày xưa. Cuộc sống của ông bây giờ, theo ông, thật đáng sống. Không sợ sệt gì hết, không bận tâm gì hết. Nhà có người giữ, nửa đêm nửa hôm, trái gió trở trời, ông yên chí rằng luôn có người đỡ đần, chăm sóc.
Đã rất nhiều lần, với lòng chân thành, thầy năn nỉ ông Bảy đừng đi làm nữa, tụi con cũng không đến nỗi gì, ở nhà, bác cháu mình có gì ăn nấy, ngon dở cùng ăn. Nhưng ông Bảy nào có chịu đâu. Ông cho rằng đi làm như đi tập thể dục, tay chân cứng cáp, sức khỏe tăng lên, lại có đồng vô đồng ra, vui lắm con.
Đúng ra thì lương giáo viên (trước 1975) cuộc sống cũng không chật vật lắm, dăm ba tháng sắm sửa được vài món đồ cần thiết, còn dư chút ít để dành. Nhưng phần số thầy, Trời bắt phải chịu cảnh nghèo sao á, hết đứa lớn tới đứa nhỏ thay phiên nhau nằm viện. Vậy mà con ma bệnh cũng không buông tha đến cả người vợ ốm nhom, khuya sớm tảo tần của thầy nữa chớ. Vì thế lương mới lãnh về, cầm chưa nóng tay, bay vèo mất tiêu.
Có điều rất lạ là những ngày đến ở đây, có thể là trước đó, ông Bảy chưa bao giờ cho biết, cứ vài ngày, có một phụ nữ trạc tuổi thầy, đem thức ăn, quà bánh đến biếu ông Bảy. Khi hỏi ra, thầy mới biết, người nầy là con dâu hụt của ông. Người đâu mà vừa tốt bụng lạ lùng, vừa “thủy chung” hết biết, vẫn “ở vậy” chờ một người chồng hụt đã chết!
Hôm nay ông Bảy không đi làm, ở nhà ăn cơm, vui đùa với mấy đứa nhỏ, “tâm sự” với vợ chồng thầy. Trong bữa cơm, vợ chồng thầy thường gắp thức ăn cho ông, nhưng ông lại gắp bỏ vào chén cho mấy cháu. Ông bảo rằng từ nay các con phải gọi ông bằng ông nội nghe hôn. Ông không còn ai, đơn độc, thui thủi một mình. Ông mong muốn trong quãng đời còn lại, ông cũng có cháu có con như bao nhiêu người khác. Rồi bỗng nhiên ông buông đũa, dừng ăn, hướng ánh mắt tràn ngập yêu thương, trìu mến về phía vợ chồng thầy. Thời gian như ngừng trôi, không gian như chùng xuống, im ắng đến lạ thường, làm nghe rõ mồn một từng tiếng, tuy giọng nói run run vì xúc động nhưng rành rọt, đầy đủ của ông:
- Hai con không dính líu gì về ruột rà, máu mủ với bác, nhưng kỳ lắm, bác thương hai con lắm, thương như con đẻ. Thôi thì… bác cho phép hai con gọi bác bằng Cha. Sau nầy, cha có xuôi tay, nhắm mắt theo ông bà, thì hai con nhang khói, cúng quảy cho cha.
- Cha ơi
Cả ba cùng chụm đầu vào nhau. Nước mắt của những người có lòng ứa ra.
*
Buổi sáng. Ngày nào cũng vậy, sau khi giặt giũ, cơm nước xong, thầy rửa khoai lang, nấu sẵn cho vợ thầy gánh bán. Cái công việc coi nhàn hạ nhưng chiếm khá nhiều thời gian ấy buộc thầy phải làm sớm hơn, nhanh tay hơn. Thầy dứt khoát không để ảnh hưởng đến giờ giấc dạy học, sinh hoạt ở trường. Đã nhiều năm liền thầy được nhà trường bình chọn là giáo viên xuất sắc, được các cấp lãnh đạo tặng giấy khen, bằng khen.
Thầy đang bưng thau nước bẩn tưới cây mận hồng đào trước sân, con hẻm nhỏ từ lộ lớn dẫn vào, một ông già tóc bạc hoa râm, rối bù, nét mặc khắc khổ, ánh mắt đờ đẫn, dường như đang thiếu cái ăn, cái mặc, chầm chậm tiến đến thầy.
- Con chào bác!
Ông già gật đầu đáp lễ.
- Thế, bác tìm ai?
- Tui…tui…
- Mời bác vô nhà… mời bác vô nhà. Mời bác ngồi.
Ông già chỉ dám đứng, nói lí nhí:
- Nhà tui ở thật xa, từ Đại Ngãi vô sâu hằng 30 cây số nữa lận. Tui qua đây thăm em tui. Giờ tui muốn về nhưng không có tiền, tui muốn… xin làm ơn giúp tui…
- Bác cần bao nhiêu?
- Tui muốn… bán bộ đồ nầy!
Từ trong túi nilong đen, ông lấy bộ đồ tây ra, quần dài màu nâu không mới lắm, áo sơ mi trắng cụt tay, đã ngả màu cháo lòng. Thầy nhìn là biết liền, bộ đồ nầy ông dùng để thay đổi.
- Bác định giá đi!
-Bộ đồ nầy không đáng là bao, nhưng từ đây về đến nhà tui xa lắm. Đi gần cả nửa ngày đò…
- Con sẽ giúp bác. Bác yên tâm. Bác chờ con một chút.
Nói xong, thầy đi nhanh ra hẻm, quẹo phải. Hồi lâu thầy mới về, tạm mượn được 200 ngàn đồng đưa cho ông. Ông chỉ nhận 150 ngàn, vừa đủ tiền đò và ăn ổ bánh mì lót lòng. Thầy cầm bộ đồ rồi lặng lẽ nhìn ông đứng như bị chôn chân. Ông định nói gì nhưng không thể thốt nên lời chăng? Mặt ông dần đỏ, đôi môi mấp máy, nước mắt như chực trào ra!
-         Con biếu bác bộ đồ nầy mặc về xứ!
Bao nhiêu cảm xúc dồn nén đồng loạt ào ạt tuôn ra, trôi theo dòng nước mắt, chảy ròng ròng trên hai gò má nhăn nheo, trũng sâu của ông!
*
Vợ thầy đã bán hết khoai, đang bươn bả về nhà.
Thầy đang chuẩn bị bữa cơm trưa đợi vợ. Thoáng thấy ánh mắt vợ, thầy có cảm giác như có điều không bình thường như mọi khi. Chẳng lẽ vợ thầy đã biết. Mà cho dù không biết, lúc ăn cơm thầy cũng cho vợ biết cơ mà.
- Mình à! Ở nhà hồi sáng nầy có khách phải không, mình?
- Một ông khách quí, già sọm. Sao mình biết?
Chị mỉm cười, tỏ ý đồng tình với nhận xét của chồng.
-         Bác ấy là anh ruột của dì Thương bán gạo hàng xáo đấy. Dì Thương đô con, trắng trẻo, lúc nào cũng ăn trầu, khóe miệng luôn độn cục thuốc to đùng. Người ta đồn rằng dì Thương dữ lắm đấy. Nói là làm. Nói đánh là đánh. Nói chém là chém. Không ai dám dây vào. Dì Thương la toáng lên rằng, ai mà mua bộ đồ của anh dì bán, dì ấy sẽ chẻ tét đầu đó mình ạ. Chuyện là như vầy, cách hai năm trước, dì Thương nhớ anh trai mình, đi thăm. Lúc chiều dì Thương đi tắm, cởi áo ngoài máng lên móc cột nhà trên, trong túi có 100 ngàn đồng (theo thời giá lúc ấy 100 ngàn là lớn lắm). Khi tắm xong dì Thương kiểm tra thì số tiền ấy không cánh mà bay mất. Dì khăng khăng bảo rằng anh trai mình đánh cắp. Người anh khẳng định mình không có, vì lúc ấy đang chặt củi phía sau nhà. Thực hư không biết thế nào, nhưng dì Thương đã đoạn tình máu mủ. Lâu quá, bác ấy nhớ em mình đi thăm và sự thể xảy ra như thế. Khoảng 8 giờ sáng nầy, bác ấy đến quán cà phê chú Tư Nghĩa bên kia lộ, trước khi từ giã, bác ấy thuật hết mọi chuyện cho chủ quán ấy nghe.
Chú Tư Nghĩa bật cười hả hả “khoe” hàm răng, có bịt mấy chiếc vàng chóe.
-         Đây nè! Cô Dần, vợ thầy giáo nghèo, ngồi bán khoai sát góc tủ đựng thuốc hút của tui, đây nè…
Nghe vợ kể về sự hung dữ của dì Thương, thầy không chút động tâm. Thầy nghĩ rằng, dù ai đó có ác độc đến mức nào đi chăng nữa, trong trái tim họ cũng còn một khoảng trống dành cho tình người. Mà thật vậy, buổi chiều trên đường đi dạy về, thầy gặp dì Thương. Cả hai cùng cười và vui vẻ gật đầu chào nhau.
Sau năm 1975, thầy xin chuyển về quê hương Bình Đại (Bến Tre) tiếp tục cái nghề “godautre”, cái nghề mà lúc thầy học lớp Nhứt (lớp năm bây giờ), đã ôm ấp, đã ước mơ.
Trước ngày đi, thầy không quên trao cái hộp thiếc trong đó đựng một tờ di chúc của ông Bảy, giao toàn bộ tài sản cho thầy thừa kế và một tờ giấy có xác nhận chữ ký của chánh quyền địa phương với nội dung tặng lại tài sản ấy cho người dâu hụt của ông. Theo thầy, người dâu hụt nầy có đầy đủ phẩm chất của một người có lòng. Thầy chỉ mang theo suốt cuộc hành trình của đời thầy, bức di ảnh bán thân của người cha nuôi quá cố, chụp lúc còn sinh thời. Bức ảnh có nụ cười mới mãn nguyện làm sao!