Khanh

Thời internet và sự thông thương Nga - Việt thuận lợi, là những thương nhân, Khanh Hạ và Đại Nhàn thường xuyên về Việt Nam. Họ chỉ đạo công việc qua camera và điện thoại di động. Nghĩ về họ, người kể chuyện thấy họ thật hạnh phúc. Ai cũng cho rằng đời người là có số phận. Người kể chuyện đâu dám phủ nhận, chỉ có điều chuyện vừa kể minh họa thêm rằng : con người ta biết thuận theo lẽ phải, theo đạo lí sẽ vượt qua được thân phận tủi nhục để đưa mình tới tương lai tươi sáng.

Nhìn thấy hai viên cảnh sát đang ở bên trong phòng đợi nhà ga, Khanh không dám vào. Hắn sợ bị hỏi giấy tờ nên đành đứng ngoài chịu lạnh, tay đút trong túi áo còn chân cứ phải nhún nhảy cho đỡ tê. Đoàn tàu tới sân ga, hắn bước ra với dáng vẻ vờ như bình tĩnh để tránh mọi người để ý. Nhét vội vào tay người soát vé tờ bạc 5 rúp màu xanh, hắn vọt  ngay tới cửa phòng vệ sinh ở cuối toa, đợi đến khi đoàn tàu chuyển bánh mới ra hiệu để anh ta xếp cho chỗ ngồi.
Bên ngoài cửa sổ con tầu, chiều cuối thu đỏ ối cánh rừng chạy dọc theo chiều dài thành phố Đalnherechenxc đầy kỉ niệm với kẻ tha phương như hắn. Nghĩ rằng chẳng thể nào quay lại nơi này, Khanh thấy nghẹn ở cổ, những giọt nước mắt lăn xuống gò má cho hắn cái cảm giác mặn đắng khóe môi …
…Việt Nam những năm nửa cuối thập niên tám mươi thế kỉ XX rầm rộ chuyện xuất khẩu lao động. Ở đâu người ta cũng bàn tán về đề tài này. Khanh không ngoại lệ. Hắn là dân nội thành Hải Phòng gốc,tuổi đời 25 đang độ xuân, trắng trẻo khỏe mạnh, thợ tiện bậc 3/7 được đào tạo từ trung cấp kĩ thuật hẳn hoi, gia đình không khó khăn gì về kinh tế. Hắn cứ ở lại làm ăn, lấy vợ trong thanh bình có sao đâu. Vậy mà hắn động rồ, đòi bố mẹ lo lót thủ tục bằng được để đi xuất khẩu lao động. Hắn muốn hưởng thụ là chính. Chả thế mà hắn cứ băn khoăn rằng  sao bữa ăn của Tây thấy toàn cốc, đĩa, dĩa … Rồi những cô gái Tây mắt xanh biếc, những sòng bài ở Tây với những tay chơi vừa nói cười vừa phun khói thuốc đặc kín như mây  càng thúc đẩy ham vọng đi để biết… đang trỗi dậy trong con người hắn. Thậm chí trước hôm khởi hành mấy ngày, 300 công nhân cùng đợt XKLĐ với hắn ngồi hội trường nghe cả tây, cả ta đăng đàn thuyết minh rằng vùng Primore , Cộng hòa XHCN Liên bang Nga sắp đến để lao động có nhiều khó khăn, có ít thuận lợi, phải lam làm chăm chỉ mới hòng mua được nồi nhôm, bàn là gửi về - Hắn đâu có chịu nghe! Ba trăm người chia thành 6 đội, mỗi đội 50 công nhân: hắn ở đội Ba mà đội trưởng nguyên là quản đốc phân xưởng của một xí nghiệp Cao su – Da giầy. Tất cả đi bằng đường biển. Bảy ngày trên chiếc tàu thủy, loại to và sang: có cả bể bơi, sân bóng chuyền, phòng chiếu bóng. Tàu có hai nhà ăn với đủ thức ngon đồ lạ mà hắn chưa từng nếm trải, trong bữa ăn luôn có các em Tây xinh đẹp đứng cạnh mỗi bàn phục vụ. Bữa thường ngày mà hắn cảm giác như đang tiệc tùng, đời lên tiên. Miền đất hứa trước mắt càng được hắn tự tưởng tượng, tô vẽ thành nơi bồng lai, còn hắn sắp giống anh chàng Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung… Tàu cập cảng Nakhotka đúng ngày 1/3/1988, biển trời trắng xóa một màu tuyết. Khanh mỉm cười, đưa tay hứng những bông tuyết rơi, lòng đầy mãn nguyện. Lúc lên bờ, hải quan giữ lại một đống lớn rượu Lúa mới ( họ chỉ cho mỗi người cầm theo một chai vì hồi đó Liên Xô cấm rượu ). Rồi tàu hỏa đưa đoàn đi Dalnherechenxc, sau đó lên xe buýt về Khu chung cư 5 tầng mới xây xong của xí nghiệp gỗ LDK. Trước khi được vào ốp, họ cho đến nhà tắm hơi tập thể ở phố gần đó:  Nam, Nữ mỗi giới một phòng trần như nhộng để họ phun khử trùng rồi phát quần áo mới, quay về nhận phòng. Đội Ba của hắn ở cầu thang số 4, hắn cùng 6 đứa khác vào phòng số 49, tầng 2. Đây là địa chỉ  suốt đời hắn không thể quên!
Những ngày tháng đầu, cả 300 công nhân tập làm quen tiếng Tây, quen người Tây, quen việc chế biến gỗ rừng Xiberia miền Viễn Đông nước Nga này thành cửa sổ, cửa ra vào, ván ốp tường và ván sàn các căn hộ... chẳng khác nào cô dâu vừa mới về nhà chồng. Ta, Tây tân duyên thật quấn quít. Thông qua phiên dịch và đội trưởng, ngoài việc truyền nghề, Tây còn dạy Ta từ cách mặc áo,  đội mũ sao cho ra đường không bị tróc da mũi ( vì lạnh cóng ) đến cách đi lại trên băng tuyết không bị ngã ( vì trơn trượt ), vân vân và vân vân... Còn Ta: cư dân trong ốp dần dần tự chia thành ba phe.
Phe thứ nhất gồm những kẻ được mớm cho cách làm ăn từ Việt Nam: Khi sang đây, bằng đủ mánh khóe ( nhờ, thuê cầm hộ, giấu giếm ...) chúng mang được vô số hàng ( quần áo bò, áo phông cá sấu, son phấn Thái... chắc là giả với giá bèo, khi bán lừa Tây với giá đỉnh ). Tiền có đứa thu về, hắn làm công nhân cho Tây cả đời cũng không góp được. Có tiền, chúng mua máy khâu, mua vải rồi thuê người may "hàng chợ" để bán. Rất nhanh, những phòng chúng ở đã biến thành kho chứa đồ: tủ lạnh, xe máy, bàn là, bát chậu nồi nhôm... để rồi khi cư dân trong ốp cần đóng thùng gửi về nước, chúng bán lại kiếm lời! Những ngày chúng không đến  xưởng: hoặc là có giấy bác sĩ chứng nhận ốm, hoặc là Thợ cả ( giống như tổ trưởng sản xuất ) vẫn chấm công có mặt - Những lúc chúng giao dịch với Tây ở các cửa hàng Kí Gửi ( nơi chúng đưa hàng nhờ bán hộ ) dù gần dù xa nếu cần vẫn có theo trợ giúp là phiên dịch, thậm chí đôi khi là đội trưởng! Ở xứ người, Khanh mới để ý tới ma lực của đồng tiền: nó cám dỗ, sai bảo được Tây - Ta làm cả những điều trái lương tâm, luật pháp ...
Phe thứ hai là đa số cư dân người Việt mình ở ốp LDK. Họ cũng chiếm phần đông của mỗi đội 50 người. Đội của hắn toàn nam giới làm trong phân xưởng lắp rắp thành phẩm: công đoạn cuối cùng của việc biến gỗ thành cửa và ván ốp tường rồi phun sơn, sấy khô đợi xuất kho. Anh em trong đội, trừ đội trưởng là người có gia đình và 6 công nhân ( kể cả hắn ) trước đây làm ở các xí nghiệp nội thành có tuổi đời trên 24, còn lại là con em gia đình thương binh, liệt sĩ vùng An Hải, Đặng Cương ngoại thành đều dưới 20, học xong cấp 3. Những người phe thứ hai sống nề nếp, giữ nghiêm kỉ luật lao động và luôn vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Nga nồng ấm. Ngoài giờ làm ở xí nghiệp, họ tham gia nhiều phong trào: từ vệ sinh nơi ăn ở, lao động cộng sản cùng thanh niên học sinh địa phương,hoạt động giao lưu văn nghệ chào mừng những ngày lễ lớn trong năm của hai dân tộc ... Cả đội hắn vẫn nhớ bài lục bát anh đội trưởng đăng trên tờ báo tường treo ở phòng vactro  Cầu thang số 4 tả lại hôm Ta - Tây kỉ niệm Cách Mạng Tháng Mười:
Bước ra như thể trong tranh,
Sắc màu điệu múa dân gian mượt mà.
Kiêu sa các thiếu nữ Nga,
Đuôi sam trước ngực, váy xòa điệu van.
Dịu dàng cô gái Việt Nam
Giọng chèo say đắm, sáo đàn ngân xa.
Ngoài kia tuyết lạnh, chiều tà,
Trong này nóng ấm bài ca nghĩa tình.
Cả tuần vất vả mưu sinh,
Đêm nay múa hát hết mình bạn ơi.
Khéo xe duyên bởi ông trời:
Thủy chung Ta - Bạn sáng ngời Việt Nga!
Khanh là người không thể của cả hai phe. Hắn nghĩ họ đang bị trời đày. Hắn ghét bọn ở phe bất chấp đạo lí đang bon chen chèn ép nhau để kiếm nhiều xanh, đỏ ( từ gọi tên tiền đô la và vàng hồi đó ). Hễ thấy chúng đi đêm về hôm "đánh hàng" hoặc ngóng được những chuyện đại loại như cháy ốp ( vì chứa hàng ) ở Khabarop, bị giết bị cướp ở Xpacxc Dalnhi là hắn buông lời: "của thiên thì sẽ trả địa thôi mà!".  Khi thấy chúng khụng khoạng dây chuyền, nhẫn vàng hắn chửi đổng: "Đồ chó, chúng mày tranh ăn cả c... còn vinh ve gì nữa!" Nhưng hắn lại coi thường những người ở phe thứ hai. Khanh cho rằng hắn hiểu được thân phận làm công ăn lương vì chính hắn từng là lao động tiên tiến ở Việt Nam, tổ sản xuất nơi hắn làm từng đạt danh hiệu Tổ lao động XHCN - con chim đầu đàn xí nghiệp. Thành tích  để cán bộ, lãnh đạo hưởng lợi lộc chứ công nhân chỉ được  ăn "bánh vẽ". Sang lao động bên này cũng thế cả thôi! Nghĩ vậy, hắn thường bỏ ra ngoài ( lãn công ) khi đội hắn sẵn sàng thêm giờ cùng với Tây để tăng sản phẩm những dịp khách hàng cần. Lúc ngó thấy thanh niên Ta - Tây tập văn nghệ, cùng hát bài "triệu bông hồng" ở Nhà Văn hóa địa phương thì hắn bĩu môi cho là mấy đứa xí xớn... Hắn tự mình tách riêng thành phe thứ ba! Cả ốp 300 cư dân, chưa đến chục đứa cùng phe hắn, nhưng đủ gây mệt cho các vị đội trưởng, phiên dịch và cộng đồng người Việt mình nơi đây. Hắn khẽ thở dài tiếc nuối: Suốt hai năm ở ốp LDK, đáng lẽ hắn phải biết nghe lời phân tích thiệt hơn của anh đội trưởng, tự rèn rũa bản thân, ghép mình vào phe thứ hai để cùng tồn tại với cộng đồng. Hắn đã không như thế cho đến tận hôm nay.
Mắt nhắm nghiền, toàn thân thả lỏng lắc lư theo nhịp con tàu đang xuyên qua rừng Xiberia trong màn đêm bắt đầu buông xuống, Khanh nhớ lại lần đầu người ta bắt hắn đọc bản kiểm điểm trước đội vì tội đánh bạc. Hồi mới sang, mấy thằng (đang cùng phe với hắn ) mang được vài chục làn cói, dăm  đồng hồ điện tử ... cũng có được chút tiền. Nếu ở phe thứ nhất thì tiền đã sinh lời, hoặc ở phe thứ hai tích góp lại để phòng thân, để mua hàng gửi về quê nhà. Nhưng máu đỏ đen sẵn trong người hắn nổi lên, không ghìm được đam mê thử vận may. Hắn cắt vỏ bao thuốc lá thành những đồng xu giấy cho vào bát, lấy đĩa đậy lại rồi đưa ngang tai xóc xóc. Cứ dời khỏi xưởng, về đến phòng là hắn lại tập nghe cách đồng xu giấy rơi xuống để tự đoán xem được mặt xấp hay mặt ngửa sau vài lần xóc nhẹ. Hắn tập say sưa, quên ăn quên ngủ và quên cả mọi thứ xung quanh. Môn nghệ thuật này đã nhiều lúc giúp hắn thắng, thắng đậm liên tục và tưởng như đổi đời, tiếng tăm lừng lẫy. Nhiều tay cờ bạc mọi vùng miền đều mời hắn tỉ thí. Dịp lễ Noel - tết dương lịch vừa rồi, hắn đánh bại bọn thằng Sở (làm ở nhà máy ô tô Zil ) từ mãi trên Mát xuống. Bọn này cầm theo nhiều tiền rúp xuống đây buôn xanh đỏ. Sau một đêm chứng kiến tài của Khanh, bọn Sở không một xu dính túi, lại còn phải ghi nợ. Khanh khôn ngoan, hắn tặng bọn Sở ít tiền lộ phí và xóa nợ, hẹn có dịp tái ngộ. Người như Khanh, thắng không kiêu mới là lạ: đi đâu hắn cũng có vài ba thằng cùng phe cặp kè tôn hắn là đại ca, là sư phụ. Bọn hắn lu bù những bữa tiệc tùng no say, những chiều hè ra suối câu ... gái Tây. Có nhiều tiền, hắn nhìn những đứa phe thứ nhất bằng nửa con mắt. Ngược lại, bọn chúng lúc này lại xu nịnh tâng bốc hắn vì Khanh tạo ra nhiều mối quan hệ làm ăn giữa chúng với những cô em đến ốp lấy hàng chợ. Thứ Bảy, Chủ nhật nào ốp hắn cũng chào đón hàng chục, có lúc đến xấp xỉ cả trăm khách từ khắp các tỉnh thành của vùng Primori, vùng Khabarop,... trong đó phần đông là nữ. Họ đến để cặp bồ hoặc giới thiệu bồ cho nhau; để trao đổi mua bán hàng hóa ( ở Tây, đây là ngày mà cộng đồng lao động xuất khẩu ai cũng thích, cũng mong. Đêm thứ Sáu họ đã có mặt để mờ sáng thứ Bảy đi taxi đến chợ Tây bán hàng, chiều thứ Bảy quay lại ở tới tận tối Chủ nhật mới chịu dời ốp ). Khanh có hàng tá bồ từ cốm gin mới tốt nghiệp phổ thông trung học đến cả những "bà chị" có chồng con ở nhà. Họ nhờ Khanh vốn và uy để lấy hàng của phe thứ nhất. Khanh cần hưởng thụ, cung phụng và hắn không thể thiếu đàn bà! Tuy vậy, cũng như những đàn ông khác, hắn vẫn có một "bà cả" để tâm giao. Đó là Hạ, quê Nam Định. Hết lớp 12, Hạ và con bạn cùng làng tên Nhàn đi lao động xuất khẩu một đợt, nhưng mỗi đứa mỗi nơi "khỉ ho cò gáy" bên này: Nhàn ở tận Egorepxc, còn Hạ ở Archom. Hạ làm công nhân dệt may. Duyên số dẫn lối đến đây, Hạ gặp Khanh. Hắn tạo vốn, lấy hàng cho Hạ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng -  người tung kẻ hứng, tâm đầu ý hợp. Hắn nói gì nàng cũng nghe, và chẳng bao giờ Hạ thọc mạch chuyện của hắn, cho dù biết hắn vẫn thường lăng nhăng bên ngoài những khi không có nàng. Khanh tự thấy mình sướng. Gía những người ở phe thứ hai đừng nhìn hắn bằng ánh mắt coi thường, giá họ vay mượn tiền của hắn thì Khanh sẽ còn mãn nguyện hơn! Đằng này thấy hắn "lên voi" mà họ vẫn lạnh nhạt và luôn thẳng thắn góp ý những lúc hắn cư xử chưa phải đạo với họ... Rồi vận đen ập đến thật tự nhiên, không cưỡng lại được: Hắn thua sạch đến đồng rúp cuối cùng với toàn bộ tài sản hắn có nhờ thắng bạc. Số hắn đen đúa hơn Sở nhiều. Hắn thua tại ốp mình và lại thua một thằng cùng phe hắn. Thằng này ngoài việc cờ bạc như hắn, do có quan hệ họ hàng với một thằng phe thứ nhất nên thường được làm cửu vạn cho chúng để có tiền... đánh xóc đĩa. Lúc cháy túi, đang hăng máu hắn vay thằng kia đánh tiếp mà vẫn thua. Vài bữa sau chúng đến phòng hắn xem còn đồ đạc gì để lột, hai bên chửi nhau. Hắn bị một thằng ghì dúi đầu vào bệ toa lét ngửi nước tiểu ... May sao khi đó, mọi người ập vào mời cả sang phòng đội trưởng, thế là hắn được cứu. Kết thúc, sự việc được giải quyết: thằng kia trả lại hắn 100 rúp ( khoảng nửa tháng lương công nhân ), còn hắn thì làm kiểm điểm và phải đọc trước đội hứa sẽ không đánh bạc!
Họa vô đơn chí, hắn mắc tội lần nữa: Hôm nhận được tin Hạ đang đợi chuyến bay để phải về nước vì ... có thai đã ở tháng thứ năm, hắn vội khăn gói lên đường đi Archom ngay. Nàng là một phụ nữ hắn yêu và nể. Trong cơn hoạn nạn, nghèo hèn ( hắn nghĩ thế! ) mà nàng không bỏ hắn, không một lời đay nghiến thiệt hơn. Nàng chăm chút động viên hắn cứ như hắn là  chồng nàng rồi. Tình yêu trong túng quẫn thường rất ủy mị ... và hai người  có được kết quả mong muốn( mà khi quấn quýt nhau họ thổ lộ thành lời ). Chắc chắn nàng phải về nước vì qui định đã được Hạ và các nữ công nhân chấp nhận khi sang đây. Hai người đã tự dự liệu tình huống này và cũng đã báo trước cho người thân ở nhà chuẩn bị cưới hỏi đàng hoàng. Khanh vội nên không muốn nhỡ chuyến tàu. Hắn chen ngang, xô đẩy trước cửa phòng vé. Một bà Tây trong hàng, vẻ bực tức nhìn thẳng mặt hắn xì xồ. Hắn tưởng bà ta chửi hắn. Hắn tát bà và lập tức bị hai viên cảnh sát bắt. Rồi hắn phải ra tòa, bị tù 7 ngày lao động khổ sai. Hắn ân hận tội mình đã lầm lỡ, không tiễn được Hạ, làm ảnh hưởng danh tiếng đội Ba của hắn. Sau lần ấy, hắn khôn khéo hơn: nhảy tàu, lót tiền cho người soát vé giải quyết giúp, chẳng phải chen lấn xếp hàng làm gì...
Khanh mắc vận đen lần cuối trước chuyến đi này là vào dịp đầu năm: tháng 2/1991. Liên bang Xô viết rối ren. Đoàn lao động ở ốp LDK được Tây thông báo sẽ hủy hợp đồng lao động trước thời hạn. Do tài chính xí nghiệp chưa lo kịp nên có thể phải chia công nhân về nước theo từng đợt. Họ cho phép đóng hàng gửi trước. Giữa trời lạnh, tuyết rơi mà sân ốp như ngày hội. Những thùng gỗ ( đã thuê đóng theo đúng kích cỡ đăng kí trước ) đang được sắp xếp, nhồi nhét sao cho hợp lí cơ man các loại hàng: To có tủ lạnh, xe máy, xe đạp, tôn hoa, máy bơm, nồi chậu nhôm... nhỏ có từ quyển vở, đồ chơi trẻ em, bàn chải răng, xà phòng... nhiều thứ như quần áo, giày mũ, cặp sách, cốc li, đĩa sứ mua ở các cửa hàng đồ cũ, đồ quá hạn cũng được nhét thùng cho đầy. Tiếng cười nói ( toàn ngôn ngữ Việt ) rộn ràng nghe sướng tai: thành quả mấy năm vất vả, tần tiện của mỗi người lao động ( đa phần là phe thứ hai ) mới có được! Kẻ không vui vẻ gì là mấy thằng khuligan địa phương ghé qua chửi đổng vài câu tục tĩu tiếng Tây nhưng chẳng ai dại đối đáp lại lời chúng vào lúc đang cần không khí hòa bình này. Dăm ba cặp mắt lặng lẽ quan sát từ một vài lan can các phòng xuống sân kèm theo cả tiếng thở dài trước khi họ quay vào trong: Họ ở phe Khanh, cũng có thùng dưới sân nhưng vì ít hàng và toàn loại giá bèo, lại đóng chung nhau nên chưa xuống sân. Khanh đang co ro trên giường, phòng hắn tắc ống sưởi ( hơi nước ) , hắn đã cắm lò mai xo mà vẫn thấy lạnh, trùm chăn kín đầu. Hình ảnh vợ con hiện trước mắt trông thật tội nghiệp. Đúng lúc Hạ sinh con ( trai ) thì bố mẹ hắn cũng nghỉ hưu sớm. Trong nước việc làm không có, nhiều xí nghiệp giải thể hoặc bán bớt tài sản lo trả trợ cấp công nhân về chế độ một lần, về hưu sớm. Hoàn cảnh gia đình hắn do vậy mà không còn dư dật như trước khi hắn sang đây. Hạ viết thư bảo hắn các mối quan hệ ở chỗ Sở, chỗ Nhàn xem có nhờ vả được không. Hắn cũng thư từ nhắn gửi đấy mà chưa kết quả gì... Trước mắt phải gửi chút hàng cho vợ con đỡ tủi. Lúc đăng kí, hắn đã định đóng chung thùng để giảm chi phí. Nghĩ lại, hắn muốn cho Hạ thấy mình là người có quyết tâm nên dứt khoát một mình một thùng, dù nhỏ! Từ hồi thua bạc, hắn không còn coi thường phe thứ hai gồm đa số cư dân ốp LDK mà chăm chỉ làm ăn hơn, nói năng cũng ý tứ hơn. Sau vụ đánh người, 7 ngày lao động khổ sai đã biến Khanh thành người ít nói nhưng tỏ ra thân thiện với xung quanh bất kể họ là người thuộc phe nào. Cử chỉ ấy của hắn được báo đáp. Gần ngày đóng hàng Tây - Ta cho hắn nhiều: Chục áo bay của lính, đồ dùng gia đình của dân địa phương mang đến ốp đổi rượu. Hắn còn được tặng cả một chiếc xe máy Ba khốt cũ với đầy đủ giấy tờ ( xe này thịnh hành ở Việt Nam khi được cải đổi thành xe lam chở khách ) từ người thợ cả trong xưởng nơi hắn làm việc. Đội hắn, mỗi người cho một thứ: mấy nồi nhôm, vài chục bánh xà phòng, xô chậu, bàn chải răng, bàn cạo râu ... góp lại cũng tạm tạm cho thùng hàng và hắn cảm động vô cùng... Khanh vùng dậy, mặc ấm và vội hòa vào không khí chung: Hắn cùng mọi người bưng bê dần đồ của nhau xuống sân. Đêm tuyết, trời không tối, ở tầm gần vẫn nhìn rõ mọi vật. Sân ốp thưa dần, chủ yếu chỉ còn người được phân công trông hàng đã kẹp chì. Mấy tay hải quan Tây tỏ ra cần mẫn (đã có bữa ăn nấu món Việt và có cả lót tay "bồi dưỡng thêm giờ" cho họ rồi mà! ), họ theo đợi đến thùng cuối cùng. Khanh đang xếp đồ. Ma xui quỷ khiến thế nào mà khi nhìn thấy những tấm tôn hoa ( hắn nghĩ là người ta bỏ thừa ) nằm rải rác của các thùng bên cạnh, hắn kéo về nhét vào thùng mình. Lúc mấy người đội khác đến bắt giữ hắn, gọi hắn là thằng... ăn cắp - hắn mới nhận ra hành động dại dột của mình. Người ta lôi cổ hắn về phòng anh đội trưởng đội ba của hắn. Phúc cho đời hắn, anh đội trưởng trước từng là quản đốc ( ở thời kì công nhân đến xí nghiệp nhiều người chỉ thích nhặt nhạnh của công từ cây củi đến tí giấy vụn... ) quen giải quyết những chuyện như thế này nên đã cứu được hắn. Anh khéo đến mức người ta còn cho Khanh 4 lá tôn hoa đã "chót" nằm trong thùng rồi, thời giá là 45 rúp ngang bốn ngày lương hiện tại của hắn.
Hai tháng sau ngày đóng gửi hàng, 170 người trong đó có đội hắn về nước. Khanh viêm phổi nằm viện nên được hoãn đến đợt sau. Hơn trăm công nhân còn lại ghép thành hai đội mới. Lúc còn cả 300 người, hàng chuyển đi rồi, cư dân ốp không ngày nào được yên với bọn khuligan. Tỉnh Dalnherechenxc xa xôi hẻo lánh nhưng qua truyền thông, người ta đều biết rõ những biến động xảy ra hàng ngày giờ khắp Liên Xô trong năm 1991 này. Khó khăn về kinh tế của địa phương đã bị bọn khuligan này đỗ lỗi vì sự có mặt của người Việt mình. Chúng nhiễu nhương trước cửa ốp, chửi bới dọa nạt công nhân khi họ sinh hoạt đi lại. Các đội đều được khuyên kiềm chế, tránh để xảy ra xô xát hai bên. Hiện tại, chính quyền địa phương đưa các gia đình Tây ở vào các phòng trống, lại có thêm phòng cảnh sát, phòng khám bệnh ngay trong ốp chủ yếu là cho cư dân mới đến, nhưng Ta cũng được nhờ vì an ninh trật tự hơn. Ta cũng được báo sẽ về nước trước mùa đông, khi xí nghiệp mua được vé tàu biển. Khanh chưa muốn về. Qua thư vợ, hắn biết ở nhà cũng khó khăn, giá cả phi mã chóng mặt. Hắn ở bên này, chí ít cũng... đỡ được một suất ăn, vì ngoài làm thuê hắn vô tích sự trong mọi lĩnh vực. Vả lại, đất nước Nga rộng lớn, nếu hắn tu tỉnh lại, miếng ăn cho hắn và vợ con có thể là... kiếm được.
Tiếng ồn ào, xì xồ làm Khanh giật mình: Tàu đã ở ga cuối, ga mà hắn muốn xuống: Vladivoxtoc sau 15 giờ hành trình từ nơi hắn đã gắn bó hơn ba năm trời. Khanh thong thả bộ hành. Trước mặt hắn là thành phố lớn, thủ phủ miền Viễn Đông. Ở đây hắn sẽ bắt đầu cuộc sống mới với tấm hộ chiếu cũ xuất khẩu lao động của hắn. Cộng động người Việt không quản lí hắn nữa mà hắn phải tự xác định mình tìm họ, bám víu vào họ nơi đất khách quê người để sống, để làm việc, để lột xác thành một Khanh khác hẳn trước đây. Nắng thu nhạt, gió nhẹ mà vẫn se lạnh, Khanh bước vào công viên, ngồi xuống ghế băng bằng gỗ sơn hồng. Hắn chợt nhớ bài thơ anh đội trưởng viết báo tường, đề làm tại công viên này cách đây hai năm:
"Sắc buồn đỏ ối khắp nơi,
Nhẹ nhàng từng chiếc lá rơi đỏ đường.
Ngồi nơi đất lạ tha phương,
Xót xa phận lá mà thương phận mình.
Rồi đây trong cuộc mưu sinh,
Luân hồi cây trổ đầy mình là xanh!"...
Lời người kể truyện: 3 tháng sau ngày Khanh quyết định không về nước cùng đoàn công nhân lao động quê hương Hải Phòng, đã ở lại để được chứng kiến sự kiện 26/12/1991: Liên Xô tan rã ( với việc công nhận nốt độc lập của 12 trong 15 nước cộng hòa thuộc liên bang, ba nước đã tuyên bố độc lập trước đó là Litva, Estonia, Latvia ). Hôm 25/12/1991 ông Gorbachev từ chức, giao mật mã kích hoạt tên lửa hạt nhân cho tổng thống Nga Boris Yeltsin và đúng 7 giờ 32 phút chiều cùng ngày, quốc kì Liên Xô được hạ xuống chấm dứt sau 74 năm tồn tại, thay vào đó là quốc kì CHLB Nga tại điện Kremli.
Người kể truyện này chính là đội trưởng đội Ba của Khanh, nay đã ở tuổi 65. Khanh ở lại xứ người thêm 25 năm với biết bao thăng trầm anh không cùng chia sẻ nhưng anh rất vui khi được biết thêm chuyện: Năm 2000, sau khi bố mẹ mất vì tuổi già, Khanh đưa Hạ trở lại Vladivoxtoc. Vợ chồng họ giờ là chủ một khách sạn (có đủ phòng trọ và cửa hàng ăn uống ). Đứa con trai ( duy nhất ) tốt nghiệp ngành y, đang làm nha sĩ trong một bệnh viện thành phố họ sinh sống.
Cô bạn Nhàn là đồng niên đồng hương của Hạ cũng đã vượt qua được thời "khốn nạn". ( Để biết thêm về thời thập kỉ chín mươi thế kỉ XX của Nhàn, Sở và anh chàng Đại sống ở Moscova thủ đô CHLB Nga mời bạn đọc truyện ngắn NHÀN của nhà văn Châu Hồng Thủy ). Hồi ấy Nhàn có con thứ nhất với Sở, rồi có đứa con thứ hai với Đại, cả hai đều là gái. Sở không thấy xuất hiện. Nghe đồn,hắn dạt sang Tây Âu lúc ở Đức, lúc ở Anh theo bọn đâm thuê chém mướn và bọn "trồng cỏ" rồi bị đánh chết, mất xác. Đại quay lại lấy Nhàn, cùng hai con xuống Vladivoxtoc làm ăn chung với vợ chồng Khanh. Cách đây hai năm, vốn khá rồi họ tách ra làm riêng, vẫn nghề khách sạn nhà hàng. Hai đứa con gái xinh đẹp, phổng phao học cùng khoa thủy sản trường Đại học của thành phố. Đứa chị và con trai Khanh yêu nhau, lúc nào cũng thấy cặp kè.
Thời internet và sự thông thương Nga - Việt thuận lợi, là những thương nhân, Khanh Hạ và Đại Nhàn thường xuyên về Việt Nam. Họ chỉ đạo công việc qua camera và điện thoại di động. Nghĩ về họ, người kể chuyện thấy họ thật hạnh phúc. Ai cũng cho rằng đời người là có số phận. Người kể chuyện đâu dám phủ nhận, chỉ có điều chuyện vừa kể minh họa thêm rằng : con người ta biết thuận theo lẽ phải, theo đạo lí sẽ vượt qua được thân phận tủi nhục để đưa mình tới tương lai tươi sáng.
HẾT
Truyện viết nhân 25 năm Liên Xô tan rã và ngày xa nước Nga yêu dấu!
( 1/12/2016 )