Số kiếp nàng ơi!

Tôi trọ một ngõ nhỏ, ngõ chạy ven mép nước hồ Tây. Kể trọ ở đây, hơi bất tiện … Việc đến trường, xa thêm vài cây số, lại không thuận tuyến xe buyt. Ngõ đẹp, đẹp như những câu chuyện xưa Tây hồ. Chiều chiều, chàng sinh viên nghèo hoài cổ tôi, lãng đãng bám theo mép nước, lạo dạo nhìn ngắm cảnh hồ. Nhìn ngắm để mong tìm dấu vết Dâm Đàm xưa; tìm kiếm vết dấu trâu vàng sót lại; ngóng chờ cánh sâm cầm chao liệng; lắng đợi tiếng chày giã dó Yên Thái thuở nào.


Tôi trọ một ngõ nhỏ, ngõ chạy ven mép nước hồ Tây. Kể trọ ở đây, hơi bất tiện … Việc đến trường, xa thêm vài cây số, lại không thuận tuyến xe buyt.
Ngõ đẹp, đẹp như những câu chuyện xưa Tây hồ. 
Chiều chiều, chàng sinh viên nghèo hoài cổ tôi, lãng đãng bám theo mép nước, lạo dạo nhìn ngắm cảnh hồ. Nhìn ngắm để mong tìm dấu vết Dâm Đàm xưa; tìm kiếm vết dấu trâu vàng sót lại; ngóng chờ cánh sâm cầm chao liệng; lắng đợi tiếng chày giã dó Yên Thái thuở nào. 
Ngõ nhỏ nào nơi đây, từng in dấu chân nữ sỹ họ Hồ, tìm kiếm tứ thơ nhỉ? Góc hồ nào đây, bến hồ nào đây, nơi thuyền rồng vua Lý ngự và ông trạng họ Nguyễn hóa hổ dọa vua, cùng nghi án cả ngàn năm rồi ấy? Tiếng chuông Trấn Vũ, thì vẫn còn đó, sớm chiều ngân nga vọng; tiếng gà Thọ Xương, nay thay bằng tiếng ô tô, xe máy, thoảng hoặc gà nhà ai đó, gáy nhốt nhặc giục gõ điểm canh.
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương”
Ngõ loanh quanh nhỏ tôi trọ, còn rặng trúc phất phơ. Có lẽ duy nhất mình nó sót lại ven hồ chăng? Thành phố đang ngày một xô bồ xây dựng, xô bồ lột xác, để ta thành ra lạ với chính ta, đến khóm trúc sót lại cũng đâm ra ngơ ngác lạ!
"Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương."
Hà Nội ơi! Đông đô ơi! Thăng Long ơi! Ngàn năm, Người xưa cũ đang xa xa mất rồi sao!
Ngay đầu ngõ rẽ vào nhà tôi trọ là căn biệt thự, với nét kiểu kiến trúc Âu châu. Bên khung cảnh hồ, căn biệt thự soi bóng xuống mặt nước lung linh; ánh kính lấp lánh, phản chiều bóng hoàng hôn bảng lảng hắt xuống mặt hồ… thành ra huyền ảo đẹp! Rặng liễu rủ thướt tha quanh khu biệt thự, tạo cảm giác một cõi đi về hư thực. Nhưng kể từ khi tôi tới trọ, căn biệt thự thấy vắng bóng chủ nhân. Rồi nó cũng có chủ. Chiều ấy đi học về, tôi thấy chiếc xe tải áp sát cổng, người người tíu tít khênh, hạ đồ đạc. Về nhà, bà chủ trọ cho hay: Chủ nhân căn biệt thự dọn tới, nghe đâu là một vị Tổng Giám đốc tổng công ty nọ, thấy bảo to tát lắm!
Thế là từ hôm ấy, qua đây tôi hay ghé mắt tò mò ngó trông. Có một bóng hồng, tôi phát hiện ra điều ấy; nàng chạc, hoặc kém tôi đôi tuổi; hình như nàng đang học đại học; nàng có cậu em trai; nàng… Mỗi ngày tôi phát hiện thêm ra, hay nghĩ thêm ra một điều mới, hay thêm chuyện gì đó. Có hôm, thấy chị em nàng cùng ông bố trước sân nhà, ồn ào chơi bóng chuyền. Nhà nàng có khu sân vườn rộng, cả một khoảnh trồng hoa. Sáng chiều, đôi khí thấp thoáng bóng nàng tưới tắm, ngắm hoa. Đẹp, nàng đẹp lắm. Ấy là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng dung nhan nàng. Hôm ấy, khi nàng cùng cha từ xe hơi bước xuống, đúng lúc xe máy tôi trục trặc, dừng đỗ ngay trước cổng nhà nàng. Sửa xe xong, tôi vẫn nấn ná giả đận sửa chữa tiếp, cốt để ngắm bóng hồng. Nàng tíu tít trò chuyện với cha, với cậu em, một gia đình hòa thuận. Cậu em - chàng thư sinh trắng trẻo như nhân vật nam trong Liêu trai chí dị. Kìa nàng nhảy lên tâng bóng, mái tóc bồng bềnh, cậu em nghiêng người đỡ, khuôn mặt nam thanh trắng lộ, tiếng cười khanh khách. Bất chợt tôi so sánh, ngôi biệt thự và họ - cảnh vật cùng người, như trong Liêu trai ấy. Lạ thế, sao lại so sánh vậy? Trong lúc cha con họ tíu tít trước sân nhà, có người đến bấm chuông. Hình như là thợ điện, hay nhân viên thu tiền nước. Nàng mở cổng, ân cần chào khách. 
Ấn tượng “gặp” nàng ấy bám riết trong tôi, chàng sinh viên nghèo. Đôi lúc cứ ao ước: giá mình được là em trai, để chơi bóng với nàng; giá mình là người cha, để ân cần tâm sự cùng con gái; hoặc chỉ là nhân viên thu tiền điện nước, để được nàng mở cổng, đón vào nhà.
Hai năm sau khi nhà nàng dọn đến, tôi ra trường. Nghĩa là tôi được “chung sống” cùng nàng hai năm ấy. Thực ra, tôi chỉ “chung sống” trong mơ, trong ước tưởng; “chung sống” với nàng mỗi dịp qua căn biệt thự; “chung sống” trong những khắc nhìn vội vã, vụng nén; "chung sống" cùng cái tên - Hằng Phương, mà vô tình tôi nhặt được. Duy nhất một lần, đêm nghe nhạc tại nhà hát Lớn, nàng dìu bước cùng bạn trai. Thoáng mắt tôi và nàng chạm nhau, nàng mỉm cười, chào tôi như một người quen biết trong xóm ngõ. Thế là nàng biết tôi, chàng sinh viên nghèo, đi qua nhà hay ngó trộm nhà nàng. Chỉ nụ cười quen biết ấy, đã khắc khoải mãi trong tôi. 
Ra trường, tôi xin việc ở một vùng đất xa xôi. Chợt mỗi khi ghé thăm Thủ đô, lại nhớ những tháng năm đời sinh viên trọ học, thấy thấp thoáng bóng hồng mà tôi từng trộm yêu, thầm nhớ. Đôi ba lần quay lại chốn cũ, thăm bà chủ, thăm nom cốt để ngắm căn biệt thự và tìm kiếm thông tin về nàng. Thông tin nhận được thật mơ hồ: Lần đầu quay lại, buồn: Nàng đã lên xe hoa! Lần sau sững sờ: cha nàng, vị Tổng giám đốc phải vào tù, căn nhà bị tịch biên. Hỏi tiếp, bà chủ lắc đầu, không rõ lắm. 
Số kiếp người ta bể dâu mà!