Bỗng dưng muốn...chết!

Hôm rồi, tôi có việc ra tỉnh dự đám cưới con trai một vị cựu quan sếp ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia gặp lại lão Trần Quê! Sau mấy câu xã giao thăm hỏi về sức khỏe, việc làm, gia đình và con cháu, chuyện ở làng quê của lão hiện giờ đổi mới ra sao? ...vv và vân vân

Nhìn khuôn mặt gầy gò lại méo mó, già nua, nhăn nheo, còm cõi... tất cả đã làm mờ phai gần hết vẻ đẹp trai, lịch lãm, phong trần... trong cái thời tuổi trẻ của lão. Thấy lão đăm chiêu, mặt dài như cái bơm, mắt cứ nhìn đi đâu như vào cõi vô hồn.

- Tôi hỏi lão: Có gì mà ông có vẻ suy tư, lại đang lo việc  quốc gia, đại sự, việc sống chết hay việc gì mà trông bộ mặt buồn thê thảm như chuẩn bị đi chết thế...???

Lão không thèm nhìn lại mà thủng thẳng:

- Tài nhỉ! Ông không bị mù mắt bẩm sinh hoặc do tai nạn rủi ro và cũng không thấy phải đeo kính dâm đen mà cái gì cũng nhìn thấy, thậm chí còn rất rõ tim gan của người khác thế? Thực ra là tâm trạng của tôi lúc này là đang muốn chết quá đây ông ạ!

- Liệu ông có bị điên hay thần kinh bị ẩm chập, ở nhà quê thì gọi là dở người hay là bị ma ám hoặc bị làm sao nữa đấy? “Tự dưng lại muốn chết?”! Ông không đọc những câu nói nổi tiếng của một ông cựu Thủ tướng Trung quốc là Chu Dung Cơ, đại ý là “Sống một ngày, vui một ngày, vui một ngày lãi một ngày...”! Ông đang khỏe mạnh nhanh nhẹn, viết lách như điên...mà lại mong chết liệu có hoặc thích đi trước thời đại để trở thành gã điên nổi tiếng?

- Có lẽ bị cả hai thứ ông hỏi và còn thêm mấy bệnh nữa cơ! Tự chữa nhưng khó quá không khỏi được mà nó cứ đeo đẳng bên mình, mà không cần phải uống thuốc hay kê đơn giỏi của bác sỹ hoặc thầy lang! Thế nên mới muốn chết mà tập giãy để chết mà mãi không được nên buồn đến méo mặt như ông thấy đấy!

Rồi...! thế là tôi ngồi nghe lão nói và trút ra những bài học kinh nghiệm, sự từng trải của thời kỳ đã qua và hiện tại...đại ý là như thế này:

Lão bảo: Có mấy điều, mấy việc... để muốn chết!

- Thứ nhất: “Trên bảo, dưới không nghe”! Hôm dự cuộc họp lãnh đạo lần cuối cùng để chia tay mình về nghỉ, lãnh đạo đương chức nói “Anh là một cán bộ nhiệt tình, trí tuệ, mẫn cán, kinh nghiệm công tác của anh là sự tổng hợp những bài học quý để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, mong anh tuy về nghỉ nhưng vẫn luôn luôn quan tâm đóng góp xây dựng để phát triển đơn vị lúc khó khăn và càng trong khó khăn lại rất cần những kinh nghiệm thực tiễn của Anh. Lúc nào và bất cứ khi nào chúng em cũng trân trọng và chú ý lắng nghe ạ”! Nghe chúng nói vậy, mình tưởng thật, năm rồi thấy sản xuất tiêu thụ sản phẩm khó khăn mình cũng nghĩ suy và tìm tòi giải pháp rồi ngồi viết ra mấy trang giấy để “đóng góp, giúp đỡ doanh nghiệp..”! Chọn được ngày tốt và đầu tuần đi xe buýt đến để mong gặp được lãnh đạo trình bày. Khi đến cổng cơ quan, bảo vệ chặn lại hỏi: “ Bác đến gặp ai?”!

- Cậu cho mình gặp Giám đốc!

- Nhưng bác là ai?

- Tôi là cán bộ cũ của cơ quan mà!

- Thế à! Giám đốc hôm nay đi vắng không có nhà bác ạ, mong bác thông cảm nhé!

- Hôm nay đầu tuần thì phải họp giao ban, mà tớ vẫn thấy xe ô tô ở đội xe và  phòng làm việc vẫn sáng đèn mà?

- Nhưng cháu được “lệnh” thế bác ạ!

- Sao lại có lệnh gì mà kỳ quặc thế?

- Mời bác ngồi xuống đây uống nước ạ! Nhìn bác lành hiền, phúc hậu, ngày trước cháu chưa làm ở đây nhưng vẫn biết bác làm cán bộ quản lý ở cơ quan này. Cháu nói thật với bác, nếu bác thương cháu thì bác đừng lên gặp Giám đốc  ạ! Chúng cháu làm bảo vệ đã được lệnh mồm “khẩu dụ” quán triệt của lãnh đạo là “ Không được cho khách là cán bộ hưu lên phòng làm việc của Giám đốc, có ai đến phải hỏi rõ tên tuổi ghi lại vào sổ rồi bảo là: Giám đốc đi vắng hoặc đang bận họp không tiếp khách” Tháng trước anh tổ trưởng bảo vệ có cho một bác nghe nói là cán bộ cũ đến gặp giám đốc, chả biết bác ấy đến đóng góp ý kiến gì mà khi chia tay bác ấy về ở cổng, giám đốc quay vào mắng cho anh ấy một trận. Rồi sau đó lão trưởng phòng Tổ chức xuống thông báo cho anh ấy nghỉ việc từ đầu tháng sau. Bây giờ mà cháu để bác lên phòng Giám đốc, thì cháu mất việc mặc dù lương chỉ có gần năm triệu một tháng, vợ con cháu chết đói”!

- Nghe cậu bảo vệ nói như sắp khóc, thương nó mình vứt bỏ ngay mấy trang “trí tuệ cũ” vào sọt rác rồi lẳng lặng ra về tự nghĩ lẩm cẩm: Đi đóng góp ý kiến mà để cho nhân viên mất việc thì mình thành kẻ bất nhân, bất nghĩa, thật đức... mình ngu và thật thà thì đến chết vẫn thế! Cứ tưởng chúng cần ý kiến đóng góp như chúng nói. Thế mới biết lời nói của lãnh đạo đến thực tế là một điều không tưởng! Thất vọng ra về ức quá nên muốn chết...!

Còn khi ở nhà và xung quanh, ở vào cái tuổi này thì nói ai nghe, nói với đứa ngoan có học thì nó vâng, còn đứa hỗn thì nó cãi: “ Khi còn đương chức nói thì người ta phải nghe, giờ về làm dân thì nói ai nghe”! Chuyện tình yêu, tình dục... với tuổi già cũng chán, chả có đam mê mà có muốn đam mê một chút cũng không điều chỉnh được, vẫn mang mãi cái điệp khúc “Trên bảo, dưới không nghe”! Phàm đã bảo mà không nghe mà không còn yêu, còn mê, thiếu cảm hứng... thì đời người chỉ có sống, tồn tại, ăn rồi ngủ... người chỉ như cái máy, sống cuộc sống thực vật, mỗi ngày bóc một tờ lịch đếm thời gian để đi đến cái nghĩa trang đang chờ chỗ cho riêng mình ở phía trước!

- Thứ hai là chuyện ăn uống và ngủ nghỉ! Ngày còn đi làm việc thì ăn được, cái gì cũng thèm khát thì chả có để mà ăn. Mỗi tháng được cung cấp hơn yến gạo mậu dịch, mấy tờ tem phiếu thực phẩm, phải chia ra theo lạng mà ăn cũng không đủ. Giờ thì gạo và thực phẩm đầy ra, muốn ăn cái gì cũng bảo là độc. Ăn nhiều cơm thì bảo có nguy cơ tiềm ẩn bệnh tiểu đường, phải ăn rau nhiều nhưng rau thì phun toàn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Ăn hoa quả thì ngâm chất bảo quản cực độc, ăn trứng và thịt thì thừa đạm nguy cơ mỡ máu...vv. Còn uống cũng vậy, rượu bia thì tăng men gan, huyết áp gây đột quỵ. Uống chè thì phun thuốc kích thích, cà phê thì người ta làm hầu hết là đồ giả bằng bột ngô, bã đậu trộn lẫn, lại còn gây mất ngủ, uống buổi tối thì đêm phải dậy nhiều lần ảnh hưởng người khác...Ngủ thì khó và không sâu giấc vì môi trường ồn, bụi bặm, nhạc nhẽo ầm ĩ, sản xuất công nghiệp ở ngay trong khu dân cư, mùi xú uế, hóa chất, nước thải cống rãnh nồng nặc... đến thở còn khó thì ngủ sao cho nổi?

- Thứ ba là chuyện chơi bời, quan hệ. Ngày còn đương chức đi làm cho doanh nghiệp Nhà nước cứ tiêu tiền thoải mái, ăn ngon, mặc đẹp. Mỗi năm đi du lịch trong và ngoài nước vài chuyến do doanh nghiệp và cơ quan chi phí, tiền lương chi tiêu không đáng kể. Giờ thì đi chơi đâu phải có tiền ăn, tiền xe, tầu lửa... máy bay thì chỉ dám mơ và đăng ký mua vé trước với giá rẻ, tiền chơi thì phải chia đều đóng góp vì không còn người tài trợ. Đi đám ma, đám cưới, tân gia, tất niên, đồng niên, đồng môn... đều phải chi ra mà không có nguồn thu ngoài sổ sách vì lương hưu đã bị vợ thu hồi từ đầu tháng. Quần áo, đồng hồ, đồ trang sức...bây giờ bỏ xó, hàng trăm cái ca vat đắt tiền treo như đống rẻ trong tủ, Comple cả năm chả dùng đến một bộ chứ nói gì đến việc một ngày thay ba bộ như còn đi làm ở công sở...

Càng nghĩ càng thấy bế tắc nên lại càng cảm thấy thèm khát cái thời đã qua, nghĩ về thời hiện tại cảm thấy mình đã bị thừa. Cái ngày xưa ấy vừa giàu có, khỏe mạnh, phong độ, ăn mặc đi đứng nghiêm chỉnh vừa oai vừa oách khi ra phố, về làng, đến nhà bạn cũ chơi con chó sủa cũng phải dè chừng khi nghe tiếng giày đen nện xuống nền gạch cồm cộp làm cho nó sợ bóng, sợ vía chạy mất dạng. Giờ mà đến chơi nhà bạn thì cả đàn chó mẹ và con ùa ra sủa ông ổng, lão bạn còn chậm chạp hỏi với giọng khê nồng: “Ai đới...”? Rồi nó nghe tiếng mình cũng chẳng buồn mắng chó, chỉ xùy một tiếng! Anh em, họ hàng ở quê họ cứ tưởng mình làm “quan” Nhà nước thì oai lắm, giầu lắm. Nhờ gì chả được thì cạnh khóe, nói hờn, nói mát, có cho họ mượn chút thì họ quên trả hoặc không muốn trả, họ nghĩ mình “phải có trách nhiệm” cho và biếu họ vì tổ tiên và quê hương đã phù hộ hết cho mình nên mình có đời sống khá hơn phải bù trì cho người nghèo hơn. Câu nói “ Giầu ghen, khó ghét” bây giờ về rồi mới thấy rõ chứ không như ngày trước chỉ về một chút lại tắm trong “ vinh quang” nên nhìn đời lúc nào cũng tươi hơn hớn...!!!

Nói xong cả ba điều trên lão kết luận: Đấy! Ông bảo sống mà phải chịu đến cả chuyện nói không nghe, muốn ăn uống thoải mái không được, chơi bời thì hết chỗ... thì còn sống làm gì mà chả muốn đi chết cho xong...!!!???

- Nghe lão giãi bầy tâm tư và sự thực làm cho tôi là một kẻ ngoại đạo về học hành, văn chương, chữ nghĩa. Cả đời chỉ làm thằng đầu sai suốt ngày nghe câu nói “phải” của cấp trên. Giờ về “ hiu” như lão cũng suy nghĩ động não một chút, chắc việc nghĩ của tôi lần này là lâu nhất trong đời... Cả hai kẻ “ dở người” nghĩ suy mỗi người theo một hướng. Cuối cùng khi nghĩ xong, tôi cũng kết luận một cách chắc chắn:

- Lão Trần Quê nói quá phải và đúng, đến như lão mà còn muốn thế thì tôi cũng rất và lại càng “TỰ DƯNG MUỐN CHẾT”!

 

Chiều cuối đông ở Xứ Đoài

10/01/2017