Tản mạn trước Xuân
Tự nhủ, đừng bàn luận lung tung nhưng chẳng đặng. Nhân chủ nhật, ngày nghỉ ở nhà chờ Xuân Đinh Dậu, gõ phím tản mạn mấy dòng chẳng biết có làm mất thì giờ các bạn quan tâm?
Xuân về, tết đến là lòng người lại rưng rưng niềm thương lòng nhớ đến ông bà, cha mẹ, tổ tiên; đến xóm làng quê hương bản quán; đến phong tục tập quán ngàn đời. Vâng! Người Việt xưa nay thường là vậy, cho dù bận rộn lam lũ, xuôi ngược mưu sinh chân trời góc bể quanh năm, nhưng hễ tết là về, là sum vầy bên những người thân yêu nhất.
Cuộc sống hiện đại đã có thêm trào lưu khác. Tết không về quê. Mà là, vợ chồng con cái dắt díu nhau đi du lịch tết. Hưởng tết tại những khu nghỉ dưỡng trong Nam ngoài Bắc, hay tận nước ngoài, tùy thuộc túi tiền mỗi gia đình.
Dù về quê hay ở lại; dù đi du lịch trong nước hay nước ngoài thì ý nghĩa của tết cũng không nằm ngoài sự đoàn tụ. Là dịp thích hợp nhất trong năm để những người trụ cột gia đình nhân cơ hội đó, giáo dục con cái tấm lòng thành kính hiếu đễ với các bậc sinh thành, trân trọng và phát huy nề nếp gia phong mà cha ông đã gầy dựng; sống có đức độ với đời với người; làm tròn bổn phận của con người trong cõi trầm luân thật ngắn ngủi “trăm năm chớp mắt là bao” này.
Mỗi người có những suy nghĩ khác nhau. Mỗi gia đình có cách tiếp cận con cái khác nhau. Dòng chảy văn hóa của mỗi dân tộc cũng không dừng lại ở một chỗ. Nó giao thoa, tiếp thu và trộn lẫn với các dòng văn hóa khác. Nhất là, thời đại toàn cầu hóa, thời đại in-nơ-nét này, sự hỗn tạp lại càng gấp gáp hơn bao giờ hết.
Tôi không phải là người cổ hủ đến mức ôm khư khư những giá trị cha ông. Nhưng hình như đã từ lâu, gia đình, nhà trường, xã hội chúng ta đã quá chú tâm giáo dục những tư tưởng cao siêu, phi thực tế, con người mới này nọ để rồi hầu như không thu được kết quả gì. Mà lại, bỏ qua gốc rễ của mọi vấn đề, đó là giáo dục nhân bản, thường thức gia đình, đơn giản như: lời ăn tiếng nói với ông bà cha mẹ, thầy cô, cách thức í nhị cầm bát cầm đũa khi ăn…Sợ rồi, truyền thống không còn mà tiếp thu thiên hạ cũng chẳng đến đầu đến đũa. Thực tế chứng minh, những thứ xấu, những thứ rác rưởi dễ truyền bá, dễ tiếp thu và dung nạp hơn những cái hay, cái đẹp.
Mong rằng, mỗi một chúng ta đều có ý thức nhặt nhạnh rác rưởi, gạn đục khơi trong, giữ gìn cho dòng sông văn hóa dân tộc trong mát đến muôn đời để không hỗ thẹn với tiền nhân.
Tự nhủ, đừng bàn luận lung tung nhưng chẳng đặng. Nhân chủ nhật, ngày nghỉ ở nhà chờ Xuân Đinh Dậu, gõ phím tản mạn mấy dòng chẳng biết có làm mất thì giờ các bạn quan tâm?