Xôn xao Trường Sơn

Địa chỉ: 74 Trần Quang Huy, Tp Thanh Hóa. Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Luật gia Thanh Hóa, nguyên Viện trưởng Viện KSND Thanh Hóa. Đã xuất bản 5 tập thơ. Dưới đây là chùm thơ trích trong tập thơ “Thương nhớ ngày nao” - Nxb Thanh Hóa - 2015 được trao giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2016.

Đang ngon giấc sau một ngày huấn luyện, Hà bỗng giật mình bởi có người đập nhẹ vào chân:

- Dậy dậy, có báo động đấy!

Hà choàng tỉnh, thấy trung đội trưởng đang lúi húi thắt dây giày, anh cũng vội gom đồ đạc vào ba lô rồi chạy đến điểm tập trung.

Mấy anh em trong tiểu đội hỏi Hà xem có biết đi đâu không? Hà cũng chịu, chỉ đoán chắc là đi chiến trường, nhưng không biết sẽ vào chiến trường nào. Sau khi điểm danh, các chiến sỹ được phân lên các xe không kịp chia tay bà con bản Cao Răm.

Hà được đưa đến một làng ven quốc lộ thuộc khu vực Tin Thương rồi được quán triệt về công tác bảo mật và nộp lại tất cả giấy tờ tùy thân cho đơn vị. Tuy nhiên, anh chỉ ở đó mấy ngày rồi lại được điểu sang đơn vị khác cách đó không xa. Sau này Hà mới biết, đơn vị đầu tiên anh đến là Đoàn A còn đơn vị sau đó là Đoàn B. Những ngày ở Đoàn B, anh em được nghe phổ biến về chiến sự và yêu cầu nhiệm vụ sắp tới. Bộ đội tuyệt đối không được ra khỏi nơi đóng quân để chờ lệnh lên đường. Vài hôm sau, vào một buổi chiều họ lên đường. Những chiếc xe vận tải quân sự không ký hiệu, không biển số sơn màu xanh nhạt chờ bộ đội hành quân về hướng nam; Hà được giao phụ trách xe thông tin gồm lái xe và một báo vụ viên, có nhiệm vụ đảm bảo liên lạc cho đoàn trên đường hành quân.

Tối hôm đó, đoàn nghỉ lại tại xã Bình Thành trong khu vực một đơn vị hậu cần sát đường quốc lộ. Nhớ nhà quá Hà đánh bạo báo cáo với thủ trưởng đơn vị để xin về qua nhà. Thủ trưởng hỏi anh: “Nhà đồng chí cách đây bao xa?”. Hà đáp: “Dạ chỉ khoảng 9 cây số thôi ạ”. Thủ trưởng đồng ý cho Hà về thăm nhà và dặn phải có mặt trước 5 giờ sáng để hành quân. Hà mừng rơn vội thông báo ngay cho anh Sung biết. Anh Sung là lính lái xe được đào tạo tại trường quân sự Tây Sơn rồi bổ sung về đoàn B cùng thời gian với Hà. Hai người cùng quê với nhau; nhà anh cách nhà Hà khoảng 6 cây số. Khi xe về đến đình làng, Hà hẹn anh quay lại đón vào lúc 4 giờ sáng để kịp xuống đơn vị. Anh nổ máy xe rồi vẫy vẫy tay cười: “Yên chí, tớ sẽ đến sớm”. Thấy Hà về, cả nhà vui lắm. Chuyện trờ với mẹ quấn quýt với các em được hơn một giờ đồng hồ, Hà xin phép mẹ lên đường. Mẹ lui cui một lúc rồi dúi tay Hà 5 đồng bạc. Hà nhìn mẹ mà ứa lệ, anh biết đây là những đồng bạc duy nhất mẹ dành dụm được, vì nhà Hà nghèo lắm, bố anh công tác ở xa. Một mình mẹ hà quần quật nắng mưa nuôi năm anh em. Hà an ủi mẹ rằng ở đơn vị anh không thiếu thốn gì nên không cầm, nhưng mẹ khóc, thế là Hà đành phải nhận; anh đã mang theo 5 đồng bạc mẹ đưa trong suốt thời gian trong quân ngũ và giữ gìn như báu vật cho đến mãi sau này.

Đêm khuya, một mình Hà đứng đợi ở sân đình; càng ngóng càng chẳng thấy bóng dáng anh Sung/. Khi đó, chưa có điện thoại di động mà trong làng cũng không có điện thoại để bàn, nên chẳng có cách nào để liên lạc, Hà chỉ biết số ruột đi đi lại lại ở sân đình. Chờ mãi rồi anh Sung cũng đến; anh nói xe hỏng nên không sang kịp. Hà vội giục anh cho xe chạy xuống thị xã, vừa lên xe Hà nhanh chóng mở máy để bắt liên lạc và báo cáo tình hình cho đơn vị biết. Xe vừa đến nơi, Hà thấy thủ trưởng và một số anh em đang đứng bên lề đường quốc lộ đón chờ. Bụng bảo dạ, Hà chắc là mình sẽ bị kỷ luật nặng vì sai giờ hẹn. Xe đến nơi, thủ trưởng hỏi ngay có việc gì? Hà báo cáo do xe hỏng nên về chậm giờ. Thủ trưởng bảo bây giờ xe có chạy được không? Anh Sung nhanh nhảu trả lời: “Báo cáo thủ trưởng xe vẫn chạy tốt ạ”. Nghe thế, thủ trưởng không nói gì thêm mà quay sang nói với đồng chí trợ lý đứng bên cạnh truyền lệnh cho đơn vị lên đường ngay. Thật may, suốt chặng đường hành quân sau đó không xảy ra trục trặc gì về xe pháo, nhưng Hà cứ thấy ân hận mãi về lỗi của mình, nhất là khi nhớ lại ánh mắt của thủ trưởng lúc nhìn anh và dặn dò có mặt đúng giờ để hành quân. Hơn chục năm sau, Hà gặp lại anh Sung, khi đó anh đã chuyển về công tác tại một xí nghiệp thuộc Ty Công nghieepjl lúc đó anh mới thú thật với Hà, khi anh về đến nhà thì vợ lại đang đi học cách đó gần 20 cây số; thế là anh đánh xe một mạch đến tận nới vợ đang trọ học nên trễ giờ về đón Hà xuống đơn vị; nhưng sợ bị kỷ luật nên anh nói dối với Hà là hỏng xe.

Sau khi nghỉ qua đêm tại đồi cát Binh Quang, đơn vị bắt đầu vào Trường Sơn. Lúc này đơn vị Hà mang phiên hiệu đoàn ĐB223. Anh em trong đơn vị hầu hết là học sinh cấp ba, nên ngày đầu thấy Trường Sơn thật đẹp và thơ mộng; nào là núi non trùng điệp hùng vũ, rừng xanh bát ngát bao la.  Nhưng chỉ vài ngày sau khi mưa rừng trút xuống xối xả, thác cuốn ầm ầm muỗi, vắt thay nhau tấn công, rồi những cơn gió lào hầm hập cùng với sốt rét đã xóa dần màu da học trò của họ. Hà bị sốt rét ngay sau khi vào Trường Sơn được ít ngày. Khi lên cơn sốt rất thèm ăn chua, nhưng càng ăn chua càng sốt nặng. Không ít đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm lại trên đại ngàn vì sốt rét ác tính. Sốt rét rừng đã để lại cho Hà rất nhiều di chứng sau này với các loại bệnh và cả tổn thương tinh thần. Sau khi giải phóng Miền Nam ít năm, Hà trở ra Miền Bắc rồi chuẩn bị cưới vợ; có người đã dè bỉu với vợ anh: “Tưởng cô lấy được ai chứ lại lấy anh lính da xanh như tàu lá chuối”. May mà vợ Hà kiên định, không giao động. Rồi có một đồng chí lãnh đạo, khi đánh giá, nhận xét về Hà – khi anh đang công tác tại một cơ quan cấp tỉnh – cũng nói: “Cậu này có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao, công tác tốt nhưng trông xanh xao vàng vọt quá...”. Có anh bạn biết được đã nổi giận thay Hà; nhưng anh chỉ cười: “Biết làm sao được, vì anh ấy không đi bộ đội, chẳng vào Trường Sơn thì làm sao có thể thông cảm cho cánh lính tráng chúng mình được”. Anh bạn của Hà vẫn chưa hết ấm ức: “Đành rằng là thế, nhưng cán bộ là bộ đội chiến trường chuyển ngành có hoàn cảnh khác với cán bộ không phải là bộ đội chiến trường chuyền ngành chứ, sao lại...;”. Khi Hà trở về quê, một tháng đôi lần sốt rét lại hành hạ. Anh chữa bệnh ở nhiều nơi, dùng đủ loại thuốc, nghe ai mách gì cũng dùng; kể cả hãm chè xanh với giun đất để uống, nhưng sốt rét vẫn đeo đẳng hàng chục năm sau và kéo theo nhiều bệnh khác; song Hà tự động viên, an ủi mình để vượt qua bệnh tật vì thấy mình vẫn còn may mắn hơn so với những đồng đội đã hy sinh trên đường mòn Trường Sơn. Nam giới đã đành, nhưng bộ đội nữ và nữ thanh niên xung phong trên Trường Sơn bị sốt rét còn cơ cực hơn nam giới rất nhiều. Nhiều người sau này không lập gia đình hoặc lấy chồng nhưng không có con hay sinh con cũng chẳng vuông tròn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có di chứng của sốt rét rừng. Dạo 30/4/1975, khi mới giải phóng Sài Gòn, đơn vị của Hà trú quân tại khu cư xá gần Thảo Cầm Viên. Do yêu cầu nhiệm vụ, họ không được ra ngoài nên mấy cô y tá nuôi quân của đơn vị cứ chiều đến lại ra sát hàng rào để ngắm phố phường vì mới trên rừng xuống nên cái gi cũng lạ; chẳng ngờ một hôm có một tốp thanh niên của Sài Gòn đi qua nhìn thấy rồi thốt lên: “Chu cha, giải phóng sao mà xanh lét quá ta”. Từ hôm đó mấy đồng chí nữ không dám ra hàng rào để nhìn ra phố nữa và ai cũng buồn thiu; lúc đó, Hà không biết chuyện này xảy ra; mãi đén khi về quê, gặp lại một nữ chiến sỹ cùng đơn vị thời đó chuyển công tác về bệnh viện đông y nhưng không lấy chồng kể lại khi cùng nhau hàn huyên chuyện cũ. Hà hỏi cô về chuyện gia đình, cô nói trong nước mắt: “Các anh sốt rét còn có người lấy, chứ chúng em về quê thì tuổi đã cao, lại da xám, tóc rụng thì ai lấy và lấy ai...;”, sốt rét không chỉ để bệnh tậ trong người họ mà còn để lại những vết thương lòng không bao giờ lành miệng.

Trường Sơn không chỉ có mưa rừng, sốt rét mà còn là đạn bom ác liệt. Khi vượt ngầm Bạc trong đêm, đơn vị bị máy bay chặn đánh. Hà chỉ kịp hét to: “Anh Sung cho xe tạt sang bên trái” thì bom nổ, Hà không biết gì nữa, khi tỉnh dậy, lửa cháy rần rần khắp nơi; bộ đội binh trạm đang khênh những người bị thương và hy sinh đi. Mấy xe ô tô của đơn vị bị cháy rụi, một số xe hư hỏng nặng, anh em chết và bị thương hơn chục người. Rất may, xe thông tin vẫn hoạt động được; Hà chỉ bị choáng, một bên tai điếc đặc nhưng một tai vẫn còn nghe được. Sau trận đó, đơn vị còn bị máy bay giặc dội bom, oanh tạc mấy lần nữa. Do đó, khi vào đến binh trạm cuối cùng của đường dây 599, đơn vị không còn đủ quân số và chỉ còn lại một ít xe ô tô, nhưng cũng không nguyên vẹn. Thuận lợi hơn các đơn vị khác, đoàn của Hà hành quân vào chiến trường bằng xe cơ giới do yêu cầu nhiệm vụ nên được các binh trạm dọc đường Trường Sơn chăm lo rất chu đáo; tuy nhiên, cũng không tránh khỏi sự hy sinh mất mát dọc đường. Có thế mới biết, những đơn vị hành quân đường bộ ròng rã ba tháng, sau tháng trên núi rừng hiểm trở; những binh trạm treo leo trên vách núi, những chiến sỹ công binh, cao xạ, giao liên, thanh niên xung phong... ngày đêm bám trụ trên suốt chiều dài Trường Sơn còn gian khổ, hy sinh biết nhường nào. Khi hy sinh có người may mắn còn biết danh tính để báo về hậu phương công nhận liệt sỹ hoặc được chôn cất, đánh dấu phần mộ để sau này có thể tìm lại; nhưng còn rất nhiều chiến sỹ ngã xuống không toàn thây, không có điều kiện chôn cất và còn bao nhiêu người không còn biết tên tuổi hay quê quán. Hồn cốt họ vãn còn đâu đó trên vách núi, dưới khe suối hay hố bom sâu hoắm của Trường Sơn. Vì thế, đêm Trường Sơn lạ lắm. Trong màn đêm dày đặc, ánh sáng pháo lập lòe như ma trơi; thỉnh thoảng máy bay địch lại gầm rú điên cuồng rồi bom nổ ầm ầm, rung chuyển núi đồi. Sau trận bom, trong tĩnh lặng của rừng, những âm thanh rì rầm của những đoàn quân cả đi bộ lẫn cơ giới vẫn âm thầm nối đuôi nhau ra mặt trận. Những quần sáng le lói hắt ra từ các binh trạm, nơi quân y đang lo chạy chữa, chăm sóc thương binh, nơi chị em hậu cần đang chuyển lương thực, vũ khí vào kho...; và líu ríu tiếng tích tà phát ra từ máy hông tin hòa lẫn trong tiếng í ới của thanh niên xung phong đang tranh thủ sửa đường cho những chuyến xe vận tải đang hối hả chạy ngày chạy đêm; tất cả tạo nên âm thanh đêm Trường Sơn không ngủ; nhưng về gần sáng, khi không gian lắng xuống, màn đêm phủ đầy trĩu nặng, lại nghe như những tiếng thì thầm của vong linh đồng đội đang nằm lại quanh quẩn đâu đây và văng vẳng tiếng chim từ quy tìm bạn từ hai đầu núi nghe thật não nề.

Suốt chặng đường hành quân, thật hiếm hoi mới có một buổi chiều đơn vị được nghỉ lại ven một dòng suốt. Tổ đài của Hà tranh thủ xuống suối tắm, Hà chợt thấy mội tốp bộ đỗi nữ đang giặt quần áo. Anh bần thần nhìn họ, những cô gái còn trẻ lắm nhưng nước da ngai ngái do sốt rừng đang chuyện trò rất rôm rả. Hà cứ nghĩ, nếu không có chiến tranh họ sẽ là cô giáo, là bác sĩ, kĩ sư, là những nàng dâu nết na hiền thảo, yêu chồng thương con...; Anh đang miên man liên tưởng, chợt có người gọi: “Hà à, có đúng Hà không?” rồi một cô bộ đội vận quân phục bạc thếch đứng trước mặt Hà. Anh định thần rồi nhận ra: “Mười phải không, Mười ở đây à?”/ Đúng là Mười thật, cô bộ đội đóng quân ở làng Hà hồi nào.

Dạo đó, Hà đang học lớp 10 thì bộ đội về làng, đó là đơn vị phòng không tham gia bảo vệ cầu núi Ngọc. Nhà Hà nghèo nên năm thì mười họa Hà mới đượcbữa cơm độn sắn gạc nai, còn hầu hết là ăn cháu độn rau má hoặc rau khoai, có ngày ăn củ dong thay bữa. Vì thế, mỗi khi đi học về, Hà thường mang bát cháo độn rau mà mẹ để phần cho ra sau cây rơm để ăn, tránh không cho bộ đội nhìn thấy. Chắc là biết Hà đói, một hôm có cô bộ đội chờ Hà đi học về đã mang cho Hà hai chiếc bánh bột mỳ. Lần đầu tiên được ăn bánh bột mì hấp là cảm giác Hà không bao giờ quên. Rồi những ngày sau đó, cô bộ đội thường xuyên cho Hà bánh bột mì, thế là họ quen nhau, cô bộ đội tên là Mười. Một chiều, Mười tìm gặp hà rồi nói: “Ngày mai Mười đi rồi”. Tối hôm đó Hà thập thò vào nơi Mười ở. Thấy Hà, Mười và các cô bộ đội ở cùng vui vẻ kéo Hà vào nhà rồi hỏi đủ thử chuyện; Hà chỉ trả lời câu một rồi ngồi cười là là chính vì không biết nói chuyện gì. Khi tiếng kẻng trực ban của bộ đội vang lên, Hà biết đã 21g30 nên xin phép ra về. Mười tiễn Hà ra ngõ rồi nói: “Mai Mười đi rồi, Hà ở lại cố gắng học tốt nhé”. Hà cảm thấy bịn rịn và gắng mãi mới ấp úng được một câu: “Mười ở đâu nhớ viết thư báo tin nhé”. Đêm hôm đó Hà trằn trọc mãi, cứ thấy bâng khuâng khó tả. Sớm mai, Hà nhìn sang nơi Mười ở, nhà vắng hoe và làng của Hà cũng như vắng hơn khi bộ đội chuyển đi nơi khác.

Cũng như chúng bạn, Hà không thi tốt nghiệp cấp ba mà nam giới cả lớp tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trước khi lên đường một ngày, Hà nhận được thư của Mười. Cô bái tin đơn vị đã di chuyển về phía nam; do yêu cầu bí mật quân sự nên Mười không thể nói rõ địa điểm nơi đơn vị đóng quân. Hà cầm lá thư như có rong tay một thứ rất quý giá và vội vàng viết thư báo cho Mười biết Hà đã vào bộ đội dù chưa biết ở đơn vị nào. Ra đến đơn vị, Hà viết thư ngay cho Mười, kể về những ngày đầu vào quân ngũ kèm theo hòm thư của đơn vị. Sau mấy tháng, Hà nhận được thư của Mười; trong thư, Mười dặn Hà đủ thứ để thích ứng với cuộc sống quân nhân và thật bất ngờ Mười viết: “Thế là Hà đang đóng quân trên quê hương của Mười đấy”; rồi Mười thổ lộ về những ngày xa quê, Mười nhớ U, nhớ xóm làng, nhớ con sông chở cả thời thơ ấu... Nhưng cô quên không nói rõ địa chỉ nên Hà vội ghi thư để hỏi. Ngày đó là thời buổi chiến tranh, thư đi thư lại còn rất khó khăn, huống hồ thư của bộ đội gửi cho nhau khi đơn vị liên tục di chuyển lại càng trắc trở. Thật lâu sau đó Hà mới nhận được thư của Mười, khi lá thư nhàu nhĩ đã trải qua những chặng  đường bom đạn để đến tay anh vào những ngày háng Hà chuẩn bị ra đi nhận nhiệm vụ mới, sau khi đã hoàn thành khóa huấn luyện. Đọc thư của Mười, Hà sững sờ, hóa ra quê của cô ở chân núi Thiên Thai, nơi anh và đồng đội thường xuyên dã ngoại huấn luyện. Hà ra bờ sông; bên kia sông là dãy Thiên Thai xanh thẳm. Anh mường tượng thấy Mười đang chờ Hà ở nhà. Chưa biết cách nào để sang sông thì thấy anh Tranh thuộc tiểu đội Hà chạ đến: “Hà ơi, về ngay, đơn vị báo động”. Hà ngẩn ngơ rồi cùng anh Tranh hối hả chạy về đơn vị; ngay sau đó chừng một giờ, Hà lên đường tạm biệt Phú Xuân đi đến đơn vị mới tận Vi Ba. Từ dạo đó, là người lính thời chiến tranh, anh không có dịp nào trở lại Phú Xuân để đến Thiên Thai tìm quê của Mười.

Bất ngờ gặp nhau giữa rừng Trường Sơn, Hà hỏi Mười đủ thứ và Mười cũng líu ríu hỏi anh như sợ không đủ thời. Mười gầy và già đi nhiều so với dạo ở làng Hà; cô cứ dặn đi dặn lại là phải giữ gìn sức khỏe. Nghe tiếng anh em gọi, Hà biết đã đến lúc chia tay, anh mạnh dạn nắm lấy bàn tay của Mười rồi nói: “Hà đi đây, Mười cố gắng nhé”. Mười lặng đi một lúc rồi nói vừa đủ cho hai người nghe: “Hà đi sớm”, Hà nhìn sâu vào ánh mắt đang ngấn lệ của Mười rồi bước đi. Bất chợt Mười chạy theo: “Hà ơi, Hà có còn thứ gì của Miền Bắc không?”, Hà sững lại rồi chợt hiểu rút vội chiếc bút máy Trường Sơn đang cài ở túi ngực – vật bất ly thân của báo vụ viên – đưa cho Mười; thế rồi ho chia tay. Đoàn đã đi xa, Hà còn nhìn thấy bóng cô bộ đội nhỏ nhoi giữa rừng già giơ tay vẫy vẫy; Từ đó anh vào chiến trường Miền Đông Nam Bộ và cũng là lần cuối Hà gặp Mười trong màu áo lính. Hình ảnh của cô và lời dặn dò: Đi sớm, về sớm của Mười cứ theo anh trong suốt năm tháng ở chiến trường.

Hơn bốn mươi năm trôi qua, đường mòn Hồ Chí Minh đã rộng mở thênh thang; dấu vết chiến tranh cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Cùng một số cựu chiến binh, Hà đã trở lại Trường Sơn để tìm về kỉ niệm và đến nghĩa trang tưởng nhớ những đồng đội cùng một thời đánh Mĩ đã ở lại với con đường. Bâng khuâng trên đường Trường Sơn, dẫu không thể nhận ra những địa danh xưa cũ và càng không thể tìm lại nơi anh đã gặp Mười, Hà cứ nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát của Nghệ sĩ Trung Đức diết da giữa núi rừng hoài niệm:“...Kỷ niệm về em cô gái Trường Sơn.../ Ngày chiến tranh em như cánh chim rừng Trường Sơn/ Em như đóa hoa rừng Trường Sơn.../ Dọc đường chiến tranh anh không gặp lại em.../ Để lại nhớ thương suốt cuộc đời anh.../ Tìm em sau ngày chiến tranh em về đâu em về đâu

Hà đã nhờ một ca sĩ thể hiện bài này cho riêng mình như nỗi nhớ khôn nguôi về Trường Sơn một thời máu lửa đạn bom nhưng đầy kiêu hãnh của tuổi trẻ vượt chết chóc xông pha vào chiến trận với niềm tin mãnh liệt và tình yêu bất yêu tử.

Khi mái đầu đã bạc màu sương gió, nghỉ hưu một thời gian, Hà được cơ quan cũ mời về Kinh Bắc để tọa đàm nhân ngày truyền thống. Trời mưa, đi muộn nên ra đến thành phố không còn phòng nghỉ trong khách sạn; Hà và chú lái xe đành thuê trọ tại nhà nghỉ tư nhân. Mặc dù nhà nghỉ chỉ chuyên cho người Hàn Quốc thuê lâu dài để làm việc tại khu công nghiệp, nhưng khi biết Hà ở nơi xa đến lại chưa tìm được nơi ở trong đêm, ông chủ nhà rất thông cảm dành phòng cho họ và làm món ăn Việt theo yêu cầu của Hà.

Sau một ngày tụ họp vui vẻ, Hà trở về nhà nghỉ để ăn cơm chiều. Anh xuống phòng ăn chờ chú lái xe thấy bà chủ nhà đang dọn dẹp. Thấy Hà ngồi xuống bàn, bà hỏi: “không biết mấy món ăn có hợp khẩu vị của các anh không?”. Hà nhìn bà định trả lời, thì trời ơi, trước mặt Hà là cô Mười ngày nào. Hà lặng một lúc lấy lại bình tĩnh rồi hỏi: “Thưa bác, bác có phải là bác Mười không?”. Bà sững sờ nhìn một lúc rồi ào lại nắm lấy tay Hà: “Ôi, ông Hà phải không? Đúng là ông rồi, ông có khỏe không, ông đi đâu mà ra đây?”. Thế là hơn 40 năm họ mới gặp lại nhau. Tối hôm đó cả gia đình vui lắm; họ đón chào Hà như gặp lại người thân; chuyện xưa, ngày cũ cùng thức với cả lũ đến sáng. Sau khi ở Trường Sơn ra, Mười lấy chồng rồi về làm dâu Kinh Bắc. Hôm sau tiễn Hà về, bà Mười trao cho Hà gái quà đặc sản Kinh Bắc cùng một phong bì nhỏ rồi dặn: “Khi nào về đến nhà ông hẵng mở ra nhé”. Hà nói đồng ý, nhưng quá hồi hộp nên khi xe đang chạy trên đường Hà đã mở ra xem. Trời ơi, chiếc bút máy Trường Sơn ngày xưa dù đã cũ nhưng vẫn còn nguyên vẹn.

Hà bồi hồi cầm trên tay chiếc bút máy mà tưởng như còn ấm nóng bàn tay của Mười mới ngày nào ở rừng Trường Sơn và thầm hứa trong lòng sẽ trở lại Thiên Thai.