Những con ốc sên
Lấy nhau được dăm, mười năm thì bố mẹ đôi bên đều mất cả. Nhà nghèo, đôi vợ chồng chỉ có căn nhà ba gian trống tuềnh và một vườn chuối rộng um tùm và quanh năm ẩm ướt. Những chiếc lá chuối khô từ ngày này qua ngày khác chồng lên nhau trở thành nguồn thức ăn vô tận cho đám ốc sên sinh sôi nảy nở...
Minh họa: Lê Tiến Vượng.
“Vợ còng mà lấy chồng còng
Nằm phản thì rộng nằm nong thì vừa”
Bọn trẻ đi từ đầu làng đến cuối làng, giọng cứ ê a với hai câu thơ như thế.Chúng muốn ám chỉ vợ chồng nhà cô Bình Bôi ở ngay đầu làng.
Cô Bình vừa chẵn tuổi bốn mươi, anh Bôi chồng cô thì bốn mươi hai có lẻ.Tuổi ấy ai bảo đã già, ấy vậy mà lưng còng như cụ bảy, tám mươi. Cô Bình hai má sạm như vỏ củ sắn dù, lưng còng gập, khi đi hai cái tay khẳng khiu cứ vắt vẻo, vắt vẻo. Có chăng còn vớt vát lại nụ cười ấm áp, khóe miệng còn sót lại cái má lúm chỉ vừa bằng tổ của con cun cút bé.
Anh Bôi cũng gầy chẳng kém gì vợ, kéo lại có ánh mắt tinh nhanh và làn da bánh mật khỏe khoắn. Chẳng hiểu tại sao cái lưng cũng gù gập.Thật là xứng đôi vừa lứa.
Mấy cái anh chị ăn no rửng mỡ trong làng bảo nhau rằng:
- Chả hiểu cái đôi này khi làm “chuyện ấy” thế nào nhỉ?
Một chị nghe thế cười rú lên bảo:
- Thì đấy, cứ nằm nong là vừa mà.
Một anh đế thêm:
- Đừng có mà lo bò trắng răng, vẫn dôi đứa theo đúng tiêu chuẩn như lão còn giề.
Cả bọn chả biết tưởng tượng ra những gì cứ cười hú hí, hủ hỉ mãi.
*
Dạo ấy, Bình vừa độ tuổi trăng lẻ, với nụ cười ấm áp và cái má lúm cũng ối anh trong làng ao ước.Bình thì lại để ý đến cái anh Bôi tẩm ngẩm, tầm ngầm ấy.Thực ra thì cả hai cũng đều có tình ý với nhau. Có một lần, giữa trời trưa nắng nóng, Bình đi cắt cỏ đem về cho trâu ăn, qua cái ao đầu làng cô bèn dấp gánh cỏ xuống nước để trâu ăn cho mát. Bình chợt chững lại khi nhìn thấy anh Bôi đang tồng ngồng tắm ở góc ao.Anh Bôi đang khỏa nước, đứng đúng tầm nước đến ngang hông.Cái “của quý” của anh Bôi cứ dập dềnh nhìn như cụm rễ bèo lập lờ trên mặt nước.Hình ảnh ấy đập ngay vào mắt Bình, thoắt một cái mặt cô đỏ lựng như trái gấc chín trên cây.Bình quăng gánh cỏ ù té chạy.Bình còn đứng một lúc lâu dưới gốc cây thị mà vẫn chưa hết xấu hổ, cũng chẳng dám xuống đem gánh cỏ về.Giữa lúc chưa biết xử lý ra sao thì anh Bôi đã quần áo chỉnh tề gánh gánh cỏ ướt dượt lên tận nơi cho cô.
Xem như không có chuyện gì, anh Bôi mặt tỉnh khô bảo Bình:
- Tớ dấp nước cỏ cho cậu rồi này, đem về cho trâu ăn đi kẻo thầy, u mắng cho đấy.
Bình mặt vẫn cúi gằm lí nhí bảo:
- Em xin…
Trước khi quảy gánh cỏ ra về, Bình vẫn còn nghe rõ một câu:
- Cậu nhìn thấy hết của tớ rồi đấy, cậu phải làm vợ tớ. Hôm nào tớ bảo thầy, u sang thưa chuyện.
Bình ra về mà cảm thấy lưng mình đỏ dựng, cả người cứ nóng ran.
Lấy nhau được dăm, mười năm thì bố mẹ đôi bên đều mất cả. Nhà nghèo, đôi vợ chồng chỉ có căn nhà ba gian trống tuềnh và một vườn chuối rộng um tùm và quanh năm ẩm ướt. Những chiếc lá chuối khô từ ngày này qua ngày khác chồng lên nhau trở thành nguồn thức ăn vô tận cho đám ốc sên sinh sôi nảy nở.Thế là vào một ngày đẹp giời hai đứa nên duyên vợ chồng.Cũng một bánh pháo tép nổ đì đẹt, rượu sắn rót tràn ly.Má Bình hồng rực như cánh hoa bích đào. Mắt anh Bôi lấp lánh như tia nắng bình minh hắt trên dòng sông quê.
Khi cô Bình sinh đứa con đầu lòng, thương vợ không có gì tẩm bổ, anh Bôi bèn ra vườn chuối nhặt những con ốc sên béo mẫm, rãi rớt trắng theo từng đường bò đi của chúng trên những chiếc lá chuối khô. Anh Bôi đem luộc chúng lên rồi làm món ốc sên om chuối xanh với mẻ cho vợ ăn.
Không ngờ ăn lại thấy ngon, thế là từ đấy món ốc sên luôn thường trực trong mâm cơm nhà vợ chồng chị Bình, anh Bôi. Lúc thì món om, lúc thì món nướng, khi lại hấp xả, cũng phải nghĩ cách đổi món cho nó đỡ ngán. Những món chế biến từ ốc sên thường được ăn với bánh sắn củ chày. Ngày ba tháng tám nhà quê đói lắm, lấy đâu ra cơm trắng mà ăn chứ. Có bánh sắn ăn là quý lắm rồi, còn hơn ăn món canh suông nấu bằng rau tập tàng và muối trắng.
Cuộc sống cái khó bó cái khôn, nghèo đói như một cái dây thòng lọng ngoắc vào cổ vợ chồng cô Bình, anh Bôi.Giời lại chả thương xót mà lại thêm nỗi đọa đầy cho gia đình cô. Ấy là đứa con đầu lòng chẳng hiểu mắc căn bệnh gì mà tự nhiên lúc nó lên bảy, người cứ xanh rớt, sốt một trận đùng đùng rồi liệt luôn đôi chân.
Thằng bé tên Yên trán cao mắt sáng như bố, nói leo lẻo mà lại phải nằm một chỗ. Cứ nghĩ đến con là cô Bình quặn thắt tùng khúc ruột.
Khi thằng Yên chưa đổ bệnh, nó chạy nhảy suốt ngày, vườn chuối là trận địa, là ngôi nhà thứ hai của thằng bé. Nó bắt những con ốc sên xếp thành hàng ngang dọc, thứ tự lớn bé rồi cất giọng lanh lảnh:
- Nghiêm. Bước đều bước.
Thằng bé nhìn con ốc sên bò lệch ra khỏi hàng, nó quát y như thật:
- Này anh kia, không chấp hành mệnh lệnh cấp trên hả?
Ai mà nhìn thấy điệu bộ của nó cũng phải phì cười.Chơi chán, nó lấy vạt áo hứng gom tất cả những con ốc sên về cho mẹ nấu ăn.
*
Vào mùa xuân ấp áp, cô Bình sinh thêm đứa thứ hai, vẫn là một thằng cu. Vợ chồng cô đặt tên con là Tĩnh. Khi thằng cu Tĩnh tròn một tuổi thì cu Yên bị bệnh. Đứa em lẫm chẫm biết đi suốt ngày quanh quẩn chỗ anh nằm. Nhìn chúng đùa vui với nhau, vợ chồng cô Bình Bôi cũng đôi phần được an ủi.
Cu Tĩnh lớn hơn bắt đầu ra ngoài khám phá, vườn chuối um tùm là nơi bí hiểm mà nó rất thích.
Ngoài việc chạy đuổi những con chuột suốt ngày chí chóe tranh ăn với nhau trên những buồng chuối xanh ra thì nó cũng đặc biệt thích chơi với những con ốc sên. Nhất là vào mùa xuân, khi những bông hoa cứt lợn bé xíu biêng biếc tím, âm thầm khoe sắc, ấy là lúc ốc sên sinh sôi nhiều nhất. Những con ốc bé xíu với những vằn nâu nhạt, cùng hai cái râu như cái cần ăng ten tivi, thò lưỡi dài ngoẵng la liếm trên những tầu lá chuối non nhan nhản khắp vườn.
Cu Tĩnh đặc biệt chỉ thích chơi với những con ốc sên bé. Tĩnh thu gom lại rồi dùng chúng xếp thành hình những con thú ngộ nghĩnh. Chơi chán rồi lại thả chúng vào vườn.
*
Mùa xuân lại nối tiếp mùa xuân, vợ chồng cô Bình, anh Bôi giờ đã ngoại lục tuần. Cái lưng còng gập, khi đi cái đầu lúc nào cũng như cách hai bàn chân chỉ chừng nửa mét.
Bọn trẻ nhìn thấy từ xa đã kháo nhau:
- Vợ chồng ông Bình Bôi đấy.
Rồi chả đứa nào bảo đứa nào, tất cả lại đồng thanh ngân nga: “Chồng còng mà lấy vợ còng…”.
Cu Yên nay đã bốn mươi, hai mắt vẫn sáng rực, chỉ có điều kỳ lạ nó cũng còng như bố mẹ. Quanh năm suốt tháng chỉ nằm nghiêng mà không bao giờ nằm ngửa được.Thân hình khẳng khiu cong như cái liềm cắt lúa.
Cu Yên ăn rất khỏe và đầu óc vẫn cực kỳ minh mẫn. Vợ chồng bà Bình Bôi buồn lắm, chỉ lo sau này khuất núi ai cơm bưng nước rót cho thằng con.
Vì ăn ốc sên từ bé nên thiếu nó vài ba bữa là Yên không chịu nổi. Thịt ốc vẫn thường xuyên có mặt trong bữa cơm thường nhật của nhà bà Bình Bôi.
Vườn chuối vẫn quanh năm xanh tốt um tùm, ốc sên vẫn hàng đàn, hàng đàn bò trên thân trên lá khô lá non của cây chuối. Rãi trắng rớt thành hàng theo vết bò của chúng.
*
Anh cu Tĩnh đã ngoài băm chưa có một mảnh tình vắt vai.Cái lưng của anh Tĩnh cũng đã khòm khòm.
Giời thương nhà ông bà Bình Bôi, mùa đông năm ấy nhờ có người mối lái, anh cu Tĩnh lấy vợ.Một cô gái ở làng bên quá lứa, dáng to khỏe như đàn ông.Thôi thì có khỏe thế mới xốc vác được công việc nhà chồng.
Sau đám cưới vài ngày, cô dâu mới tên Thêm đã đi một vòng quanh nhà khảo sát. Tối trước khi đi ngủ, cô bảo chồng:
- Em thấy cái vườn chuối không ổn mình à. Em nghĩ mình sẽ biến chúng thành vườn cây ăn quả và mảnh vườn trồng rau, làm thêm cái chuồng nuôi mấy con gà đẻ trứng mình ạ.
Anh cu Tĩnh ú ớ định cự lại nhưng nhìn dáng vẻ dứt khoát của vợ lại thôi.
Nói rồi Thêm quay sang chồng làm bộ ỏn ẻn ôm ghì chồng trong vòng tay to khỏe.
Anh cu Tĩnh sướng đến rủn người, bươn bả trên tấm thân phốp pháp của vợ.
*
Thêm nói là làm.Sáng ngày hôm sau quần xắn tận bẹn, cô hăm hở xách con dao phay lăm lăm vào vườn chuối.
Sau một ngày quần quật, thân chuối đổ ngổn ngang đầy vườn. Ốc sên lớn bé có đến cả tạ cô Thêm gom lại, đào một cái hố to đổ tất cả chúng vào đó. Thêm xếp mỗi lượt lá chuối khô lại một rổ to ốc sên.Cứ thế lần lượt và cô mồi lửa đốt.
Khói đen mù mịt bốc lên. Mùi ngai ngái khen khét, mùi thơm thơm của ốc nướng phủ đầy nhà.
Ông bà Bình Bôi ngẩn ngơ tiếc nuối.Đến anh cu Yên nằm trong nhà cũng ngóc đầu hít hà cánh mũi, miệng thì nuốt nước bọt.
*
Từ ngày cải tổ cái vườn chuối không còn thấy bóng dáng một con ốc sên đâu cả.Nhưng ông bà Bình Bôi cứ ốm quặt quẹo mãi.
Anh cu Yên biếng ăn hẳn đi, Yên nhớ và thèm món thịt ốc sên béo ngậy. Đôi mắt tinh nhanh giờ lờ đờ như rắn ngủ ngày.Cái lưng còng cuộn tròn trong đống chăn cũ nhàu. Đến cánh tay cũng không nhấc lên được. Làn da vàng như trái thị ủng.
Một buổi sáng thức dậy, bà Bình thấy anh Yên cứng ngắc lạnh toát. Chắc là hồn đã lìa khỏi xác lúc nửa đêm.
Bà Bình ngã gục tại chỗ không một giọt nước mắt chảy ra.Nỗi đau đã hóa cục hóa hòn.
Thôi, âu cũng là hóa một kiếp được gọi là con người.
Con dâu hiếu thảo Thêm thương bố mẹ, sau khi lo chôn cất cho anh chồng xong bèn đưa bà Bình, ông Bôi đi khám bệnh.
Qua một số xét nghiệm, bác sĩ kết luận trong máu của bà Bình và cả ông Bôi nữa có một loại vi rút lạ mà khoa học chưa nghiên cứu ra. Hỏi về chế độ ăn uống, bác sĩ mới biết bà Bình, ông Bôi ăn món ốc sên mấy chục năm rồi.
Bác sĩ chỉ biết nói một câu:
- Loài vi rút lạ này có khả năng từ con ốc sên mà ra.
Sau đó kê cho bà Bình, ông Bôi một loạt thuốc bổ.
*
Mùa hè năm sau, giữ trưa nắng oi ả, cháu nội ông bà Bình Bôi chào đời.
- Oa oa… !
Tiếng đứa trẻ khóc váng cả nhà.Nó đạp đôi chân bụ bẫm, hắn tè, vót một cái dòng nước trong vắt cao vồng. Bà đỡ cười phe phé bảo rằng:
- Thằng này khỏe gớm, đái vót cần câu kia mà.
Bà Bình cố hếch cái đầu rướn chân để nhìn thằng cháu nội.
Ngoài vườn, những bông hoa Chanh nở muộn thoảng đưa hương ngan ngát trong gió.
- Cục ta cục tác…
Tiếng con gà mái mơ đang rướn cổ ngơ ngác dọn ổ đẻ.
Nắng một mầu vàng rực, trời cao xanh vời vợi.
Theo báo Văn nghệ Công an