Tham nhũng và tham mưu
Cảm giác trống trếnh, hoang mang...tôi rời nhà lão Trần Quê để về ngôi nhà riêng cao nhất khu phố mà lúc nào cũng vắng vẻ, buồn tẻ và có một mong muốn ngược đời! Về hưu mà được sống vui, sống khỏe, thanh thản như Trần Quê thì sướng thật...một giấc mơ giữa ban ngày xuất hiện trong đầu: Vào một ngày đẹp trời tôi sẽ đến đổi, trao với lão...!!!
THAM NHŨNG VÀ THAM MƯU
Lão Trần Quê càng về già càng viết vẽ ra lắm chuyện, chả là lão được nghỉ hưu về làm dân lao động tự do nên lão có thời gian để tổng kết chiêm nghiệm lại những gì đã đi qua cuộc đời của lão... Năm cũ đã đi qua, Xuân với Tết cũng đã lùi lại phía sau, từ trong Tết Nguyên đán cho đến giờ vẫn cứ thấy thời sự câu chuyện“ Đẩy lùi tệ tham nhũng, bỏ tệ phong bì, quà biếu xén cấp trên...” do người đứng đầu Chính phủ khởi xướng nên nhìn lão cứ thấy vui hơn hớn và phấn khởi ra mặt. Tôi là người đã cùng công tác nhưng có may mắn hơn là được làm lãnh đạo của lão dăm năm. Cậy mình là cấp trên nên tôi lười học tập và rèn luyện nên không tiến bộ trên con đường hội nhập trong một thế giới phẳng đầy rẫy thông tin. Về đường quan lộ thì hơn hẳn lão, tiền của cũng như tài sản, bất động sản... nói chữ là “Vật thể và phi vật thể” thì lão “bất khả so sánh”! Nhưng lại có điều không bao giờ có được nguồn tri thức như lão ở mọi mặt của cuộc sống, về bạn bè tôi không nhiều bằng lão, có bằng hoặc hơn chẳng qua lúc còn đương chức. Còn khi đã nghỉ thì bói cả ngày chả có ai đến chơi kể cả dịp lễ, Tết...Ngày còn tại vị tôi không nhớ ngày sinh của mình và vợ bởi đã có các đệ tử cấp dưới nhớ và nhắc mình từ trước hàng tháng, quà cáp, phong bì, hoa tươi... đến cả bữa ăn ở nhà hàng nào cũng đã có người chuẩn bị. Giờ về thì mới thấy hối tiếc, tôi không biết thế nào là máy tính điện tử, không sử dụng được laptop, không biết ngoại ngữ, càng không hiểu phây búc (facebook)... là gì nên việc giao lưu bên ngoài coi như đóng kín. Nhà cao, cửa rộng, xe ô tô loại đẳng cấp thượng lưu đắt tiền được thay đổi lên đời nhanh nhưng chả để làm gì và đi chơi ở đâu vì không có chỗ và chả mấy ai mời. Cực chẳng đã tôi lại đến chơi với lão Trần Quê, thấy lão giương mục kỉnh chát chít nhoay nhoáy trên chiếc máy tính cổ lỗ rẻ tiền được cơ quan cho mua thanh lý khi về hưu. Lại nghĩ khi còn đương chức tôi đã bảo lão mua cho tôi chiếc máy tính cao cấp, tuy để bàn cho oai nhưng chỉ biết được mỗi việc đánh bài Tú lơ khơ, ngoài ra chả biết dùng làm gì vì nghĩ rằng mọi thứ đã có tham mưu, giúp việc. Giờ nhìn lão sử dụng lại tiếc cho đời nhưng nhờ lão dạy bảo và hướng dẫn thì lại sợ lão coi thường nên tính tự ái, tự cao nổi lên vậy nên không muốn học.
- Sau khi yên vị trên bộ bàn ghế rẻ tiền nhà lão, tôi hỏi:
Dạo này có gì mới và vui không ông?
- Lão chậm rãi chêm nước pha chè, rót ra chén mời tôi rồi thủng thẳng: Có khối chuyện đấy ông ơi! Hôm nay tôi nói với ông hai chủ đề với tư cách của một kẻ “Cóc ngồi đáy giếng” thôi nhé! Có gì không phải thì ông bỏ qua và nếu không bỏ thì cũng chả có cơ hội để kiểm điểm nhau làm cho không khí căng thẳng như trước hay họp hành liên tục nữa nhỉ?
Thứ nhất nói về chuyện Tham mưu: Ngày trước thấy tôi có chuyên môn sâu, nghiệp vụ chắc nên Cơ quan hay cử tôi đi giảng nghiệp vụ cho các lớp cán bộ lãnh đạo cấp dưới. Hồi đó tôi đã tự chia ra thành ba hạng Tham và Mưu. Với tầng lớp cán bộ từ Kế toán trưởng trở lên đến Giám đốc, phó giám đốc, Bí thư và phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch và phó chủ tịch công đoàn...là xếp vào dạng lãnh đạo thu nhập cao hơn anh em cán bộ nhân viên thì Mưu phải chiếm 70 phần trăm còn Tham chỉ 30 phần trăm cũng được nhiều rồi. Tầng lớp “Trung gian, nịnh thần” như Trưởng, phó phòng thì 50/50 tức là Mưu và Tham cân bằng. Với anh em cán bộ, nhân viên thì tăng cho họ phần Tham lên 70 phần trăm, Mưu chỉ 30 phần trăm, vì họ có quyền gì đâu mà tham được? nên có nâng cao lên cũng chả nhiều. Thành phần Tham thuộc hầu hết về cấp trên mặc dù xếp tỷ lệ thấp nhưng lương, thưởng cao nên họ hưởng gần hết cả lộc rồi!
Thứ hai là chuyện về Tham và Nhũng. Chỉ những ai có quyền, có chức thì mới thực hiện được đầy đủ và hoàn chỉnh, nhất là những người nắm trong tay quyền sinh, quyền sát người khác như Giám đốc, Bí thư, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tổ chức... Họ tham thế nào chả được, nhũng thế nào mà người khác chả phải chịu vì họ cậy có quyền, mà đã có quyền thì có tiền và có đủ thứ. Chỉ có cấp dưới là phải chịu đủ, lãnh đủ, hưởng đủ hậu quả của mối quan hệ hữu cơ này. Cách để phát hiện ra các loại quan tham, quan hèn ...trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thì dễ nhưng phải chú ý quan sát thì mới nhận ra được. Cũng như việc phân biệt mối quan hệ của những đôi trai, gái đi với nhau. Muốn biết họ là bồ bịch, vợ chồng hay bè bạn thì phải học cách phân biệt của một ông nhà văn cận đương đại, ông viết đại ý là: Nếu muốn đoán đúng và trúng thì hãy xem lúc họ ăn xong đứng lên ra về, ai là người trả tiền thì biết ngay. Nếu vợ chồng thì người vợ trả tiền, nếu là bồ bịch thì gã đàn ông trả, nếu là bạn bè thì cả hai đứa tranh nhau trả...
Với việc “Mua quan, bán chức” như thế nào, kẻ bán, người mua ra sao, giá cả sòng phẳng hay còn chênh lệch thì hãy đến các cuộc liên hoan, các lễ kỷ niệm và dự đám cưới con cán bộ lãnh đạo ở những khách sạn sang trọng...Hãy để ý kỹ một chút là phân biệt được ngay. Thông thường là có mấy dạng như sau: Lấy một vị Tổng giám đốc đương chức hoặc cựu làm ví dụ, ông ta ngồi bàn nào, ai ngồi cạnh ông và xem trong bữa tiệc ai đến chúc rượu là biết. Kẻ nào bất tài, giỏi luồn lọt, đi đêm, biết cách buôn quan, mua ghế...thì bán nhà hoặc vay tiền, vàng, ngoại tệ hoặc kéo bè cánh để “ đầu tư” nó đã mua phải giá đắt hay rẻ...thì biết! Hầu hết họ đều xun xoe, cười nịnh, đi cong người, không dám nhìn thẳng vào đối tác đã mời và chén rượu chúc được uống nhiệt tình đến cạn chổng ngược không còn rớt ra giọt nào để chứng tỏ lòng “nhiệt thành” tuyệt đối với bề trên. Ở dạng này nếu là cựu lãnh đạo khi tại vị bán chức, bán ghế quá đắt mà kẻ mua chưa thu hồi đủ vốn thì trên mặt lộ rõ thái độ, không còn lợi ích gì thì vị cựu Tổng giám đốc kia hiếm hoặc giả thỉnh thoảng mới có người đến chúc. Chỉ ngồi ăn một mình và sau đó cũng ra về một mình vì mọi thứ đều đã bán, mua sòng phẳng! Cái sự nịnh bợ trơ trẽn, lộ liễu... mình nhìn trực diện mà nhiều lúc thấy ghê ghê. Hồi còn tại chức, tôi đã chứng kiến nhiều kẻ mua được ghế có chỗ ngồi nên trước mặt lãnh đạo chúng tỏ ra việc giống “ tư cách” của con chó trung thành với chủ nhưng nhìn thấy cách nịnh bợ, cúm rúm, trơ trẽn... thì thấy rất tởm lợm. Trên một chuyến xe công tác nhân nói đến chủ đề nuôi chó như chó ta, chó nhà, chó cảnh... tôi có góp một ý là muốn làm cho nó ra dáng một con chó, nghĩa là tiếng sủa phải đanh gọn, dứt khoát, đuôi vẫy cũng phải có hướng, có đường...chứ đừng mù quáng nịnh chủ quá đà mà sủa không thành tiếng, đi thì chụm chân lại, dở đứng, dở quỳ, đuôi ngoáy tít mù thì đến con chó khác nó cũng không sợ, vậy thì những cử chỉ và hành động như thế chỉ để làm cho chủ nó khinh. Trước sau thì nó cũng thanh lý loại chó lởm khởm này. Và quả đúng như thế, giám đốc về hưu, người khác về thay nó “ thanh lý” ngay để “con chó trung thành” kia lại trở lại điểm đã xuất phát...!!!
Còn với những bậc lãnh đạo cấp trên biết “ nhìn xa, trông rộng” biết dùng người tài, đức vào làm lãnh đạo đúng vị trí để họ phát huy được năng lực, sở trường...dù không bán ghế nhưng nếu doanh nghiệp làm ăn tốt họ vẫn có bổng lộc không sợ mất phần. Chỉ riêng việc sử dụng cán bộ lãnh đạo cấp dưới vô tư, trong sáng, không mưu lợi mà biết lo cho người khác, mặc dù đã hưu nhưng khi vào tiệc dù ông có khiêm tốn, ẩn dật hoặc “trốn” ở góc ngồi nào cũng được các bậc đàn em đến tìm và còn phải xếp hàng để chúc tụng nhiệt tình với tình cảm kính trọng, biết ơn một cách chân thành sâu sắc. Cũng là chuyện chúc rượu, hãy nhìn những người đi đứng đàng hoàng, nói năng chuẩn chỉ, mang chén đến chúc cấp trên với vẻ tự tin với bộ mặt rạng rỡ và nụ cười sảng khoái. Đó là những người có thực lực, được học hành tử tế, có chuyên môn nghiệp vụ sâu và họ đi bằng chính đôi chân của mình. Người đó không mua ghế, và cũng không biết với chả có ai chỉ chỗ cho mà mua.
Còn việc xem các chức sắc ai có thực lực, có học hành và chuyên môn tốt được bổ nhiệm đề bạt bằng khả năng của mình thì cũng cần quan sát kỹ tý là biết. Việc tìm hiểu những việc này chỉ có những kẻ viết lách “giả cầy” như tôi mới để ý và nói ra thôi, ngày nay người ta khôn lắm, giữ mình cẩn thận nên dù có biết mười mươi họ cũng chả bao giờ nói, họ đề cao khẩu hiệu “ Im lặng là vàng”!
Cũng nhân tiện câu chuyện mà ông muốn nghe, còn tôi thì muốn kể nên tôi cũng nói thêm ý kiến riêng về phẩm chất của một số cán bộ. Một số ít những trí thức lớn có tầm nhìn, họ ít để ý đến chuyện lặt vặt, nhỏ nhen... mà mục tiêu là vì đất nước, vì ngành nghề mà mình gắn bó yêu quý nên khi lo những việc lớn, đề bạt cán bộ đều cân nhắc cẩn trọng để có lợi cho việc chung. Những cán bộ có tri thức lớn nói như ngày xưa là “ Quan Thanh liêm” thì nay cũng hơi khó tìm nhưng không phải là không có. Còn những vị được lên chức này nọ do cơ cấu, chạy chọt, quan hệ, tiền tệ, hậu duệ...thì họ vẫn phải liên kết với nhau thành nhóm lợi ích, bè cánh hẩu... để đục khoét, vơ vét...là chính. Nhìn chung thì họ vẫn là con người, chưa từ bỏ được lòng tham, sân, si, vẫn cân nhắc hiệu quả mà vốn ban đầu thì bỏ ra rồi mong thu hồi cho đủ và phải có lãi để đầu tư cao hơn, lớn hơn. Chúng ta cũng không nên nhìn một ai đó mà mình đang yêu quý, kính trọng như thần thánh, bởi dù sao họ vẫn là một con người.
Để kết thúc buổi nói chuyện phiếm hôm nay, ông cũng cho tôi nói thật với ông vài lời. Ông cũng như tôi đều xuất thân từ một thanh niên nhà quê, học hành cũng chả giỏi giang gì, vào thời điểm ấy ai học giỏi đã được Nhà nước chọn cử đi học ở nước ngoài. Ông chỉ là một anh cán bộ tốt nghiệp Trung cấp kỹ thuật rồi học đại học tại chức để tiến thân, may mắn số phận đã mỉm cười với ông, khi ông về làm việc ở cơ quan này anh em cán bộ đã nhận xét về ông: “Trình độ anh ta thì làm một anh Phó phòng cũng khó”! Vậy mà ông đã lên được chức cao nhất, kiếm được nhiều tiền của rồi vẫn không biết dừng lại để đến khi nghỉ hẳn do trên buộc phải thực hiện thì lại để mất hết cả danh dự và uy tín...chắc chỉ có tôi nói thật mong ông đừng giận nhé, tôi đã nói ở phần đầu câu chuyện rồi mà!
Nghe lão Trần Quê nói gần xa rồi chọc thẳng vào tận tim gan, tôi uất quá, đầu óc choáng váng, mắt mũi hoa cả lên, nhưng lão nói đúng. Giờ có cố mà sửa lại cũng không được, mọi thứ đều đã muộn, người xưa đã nói: Cái gì đã mất đi thì không bao giờ lấy lại và làm lại được nữa, cũng như thời gian và lịch sử nó chỉ đi qua một lần trong cuộc đời mỗi người. Biết là không giải quyết được cái gì nữa nên tôi chép lại ra đây và coi như lời nói cuối cùng của mình để mong cho những ai đã biết về quá khứ của tôi nới rộng lòng “từ bi đại xá”! Rất mong cho những thế hệ hôm nay và ngày mai sẽ cố gắng làm việc và sống cho trung thực, vô tư, thật thà... để đến khi kết thúc “sự nghiệp” ra về cho thanh thản, không bị mang tiếng bẩn tướng, tham lam... ra đường và đến với họ hàng, làng xóm, phố phường... không bị dè bỉu coi khinh!!!
Cảm giác trống trếnh, hoang mang...tôi rời nhà lão Trần Quê để về ngôi nhà riêng cao nhất khu phố mà lúc nào cũng vắng vẻ, buồn tẻ và có một mong muốn ngược đời! Về hưu mà được sống vui, sống khỏe, thanh thản như Trần Quê thì sướng thật...một giấc mơ giữa ban ngày xuất hiện trong đầu: Vào một ngày đẹp trời tôi sẽ đến đổi, trao với lão...!!!
Đêm xuân, Xứ Đoài, 28 tháng Giêng ta
24/2/2017