Tham lam và ích kỷ

Tôi tự kiểm điểm diễn biến tư tưởng là một người hay thu thập thông tin và cực kỳ thích hóng hớt... xã hội bây giờ họ mải mê làm ăn và hầu hết dành sự quan tâm đặc biệt đến tiền bạc, chức vụ, chỗ ghế ngồi ... nên ít có người muốn ngồi được với tôi.

THAM LAM và ÍCH KỶ

Truyện ngắn của Nguyễn Quang Tình

 

Tôi tự kiểm điểm diễn biến tư tưởng là một người hay thu thập thông tin và cực kỳ thích hóng hớt... xã hội bây giờ họ mải mê làm ăn và hầu hết dành sự quan tâm đặc biệt đến tiền bạc, chức vụ, chỗ ghế ngồi ... nên ít có người muốn ngồi được với tôi. Tự đọc báo, nghe đài, xem Ti vi thấy đang rộ lên chuyện không ít cán bộ Nhà nước tham lam, làm giầu không chính đáng...Ngồi nghĩ mà không tự lý giải được vì căn bệnh lười đọc sách, báo... Xuất thân cũng là một thằng nhà quê chính cống diện “chân đất, mắt toét” chả có tý hơi hướng “danh gia, vọng tộc” nào! Nhờ gặp may nên cũng có chức, quyền lại làm cán bộ lãnh đạo quốc doanh nên tiền ăn, của để không thiếu. Giờ đã nghỉ “hiu” nhưng ít bạn bè, bởi sự bán, mua đã sòng phẳng chẳng có ai nợ nần gì mình nên mọi mối quan hệ nhạt dần theo năm tháng. Tự thấy mình chả ưa gì cái lão Trần Quê, nhưng cái gì muốn biết thì chỉ có cách đến chơi và hỏi lão là ra vấn đề. Ngồi bên bàn trà nhà lão, ấm chén sạch sẽ, nước sôi đủ nhưng lương hưu thấp, chả có cổ đông, cổ tức gì... thu nhập ngoài chỉ có thêm mấy đồng nhuận bút còm cõi của các đài, báo, tạp chí... trong thời buổi tràn ngập thông tin mạng. Lão dốc chổng ngược lọ chè bằng sành mà vỏ lọ đã lên nước bóng như bôi mỡ để trút nốt số chè còn non cỡ già nửa ấm chè cám vụn. Cũng tráng ấm chén bằng nước sôi đàng hoàng và cũng để chờ cho chè ngấm lão phải rót qua một cái lọc bằng thép không rỉ mới có được hai chén chè loãng để uống và mời tôi. Tôi tự nhiên thoáng nghĩ “ Chả bù cho nhà mình, chè các loại đầy ra với gói lớn, lọ bé, hộp nhỏ, hộp to...tồn lại từ hồi còn đương chức mà chả có ai đến để pha, chả lẽ pha ra uống một mình thì chán chết”!

Chọn chủ đề để mở bài, tôi hỏi lão: Dạo này ông có nghe đến chuyện thời sự cán bộ Nhà nước nhiều người “làm giầu bằng ghế” không?

Vẫn bản chất ung dung, tự tại nhưng cứ tưng tửng từng tưng và cẩn thận khi phát ngôn khi nhìn vào đối tác, lão bảo: Biết cả rồi! Nhưng hôm nay sẽ nói với ông về chuyện Tham lam và Ích kỷ. Nếu đã nghe có cái gì nó giông giống với ông thì đừng có mà tự ái vận vào mình rồi bực tức dẫn đến tổn thọ nhé! Cuộc đời này vốn nó đã ngắn lắm mà... he he...

- Sau đây tôi kể lại một vài gương mặt chính của các vị “ QUAN THAM” liên quan chủ đề này. Đầu tiên phải nói rõ là không lạm bàn đến những ông “quan tổng” này nọ ở cấp Trung ương khi sắp hạ cánh đã đề bạt, bổ nhiệm hàng trăm người thân, họ hàng... để lấy “nhuận ghế” xây biệt thự và lấy ngoại tệ gửi nhà băng nước ngoài! Đây cũng nói đến cấp tổng nhưng cấp tổng của giám đốc quốc doanh (100 phần trăm vốn Nhà nước). Khi biết gần đến tuổi về hưu mới thấy họ đẩy mạnh tốc độ bán ghế, vị trí... nhanh đến cấp độ nào. Họ liên kết với nhau thành nhóm lợi ích để bán, bán tất, bán tuốt, bán bất kỳ cái gì có thể bán để ăn chia và đổ vào cho cái bị không đáy đã đầy căng của họ. Đời làm cán bộ như ông, tôi chắc có ít cũng có đến hàng chục tỷ đồng, còn loại như tôi chưa bao giờ biết được tiền tỷ nó to, tròn, vuông méo... như thế nào? Kể cả trong giấc ngủ nằm mơ rất ngắn ngủi giữa ban ngày...!!!???

- Chuyện thứ nhất: Có một tay Giám tổng họ Quốc, học hành xoàng xĩnh nếu không nói là kém cỏi lại không hoạt khẩu... nói vo hay phát biểu ở hội nghị được một lúc là mặt cứ đen tím lại. Nhìn người qua gương mặt thì chả được cái vẻ gì kể cả Tinh lẫn Tướng, nhưng số phận lại mỉm cười và nói như người ta vẫn nói là nhà nó đến lúc “ Mồ mả phát”! Gã cứ từ từ đi lên hết phó rồi lên trưởng như Giám đốc xí nghiệp, Công ty con rồi lên Công ty mẹ. Có quyền có tiền rồi cũng tập làm sang theo kiểu trưởng giả, thói đời xuất thân từ đâu thì bản chất dù có trộn hoặc đem lột da mình từ đen để làm thành trắng rồi cơ thể cũng không tương thích nó vẫn đào thải để trở về nguyên bản theo cái thuyết lý di truyền. Chuyện hình hài là do duyên trời ban, ta không nói nhiều mà chủ yếu nói về “đề tài” tham lam. Cứ ở mỗi vị trí lão lại kiếm được hàng chục tỷ do làm chủ đầu tư dự án, rồi chủ ký hợp đồng mua bán vật tư, mua thiết bị cơ khí sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài...Có nhiều những quy định rất chặt chẽ nhưng cái khoản đã “bất thành văn” là lão cứ đương nhiên ngồi nhà mà hưởng 10 phần trăm giá trị. Trong những năm làm giám con(Công ty con) rồi lên đến Giám tổng (Công ty mẹ) mỗi năm đơn vị Nhà nước kia đã đầu tư thêm dăm mười dự án, mua bao vật tư, thiết bị...lão mặc nhiên hưởng đủ. Quà cáp biếu xén cấp trên thì đã có tiền của công quỹ mang đi, lộc chung  và tiền thưởng thì mang về nhà hưởng riêng đưa vợ chuyển đổi ra vàng, ngoại tệ. Ngoài ra tiền, quà  hối lộ, phong bao, phong bì... của cấp dưới và đối tác cũng không thể dưới hàng vài tỷ đồng mỗi năm.

Xem ra những “vị quan ngày nay” có số phận may mắn khi được lộc họ đều hiểu một câu đơn giản mà ai cũng phải biết là “lộc bất tận hưởng” để chia bớt đi nhằm giảm nhẹ được tai ương, nghiệp chướng khi về già, nhưng với lão họ Quốc kia chắc cũng biết nhưng sẵn sàng bỏ qua vì mắt đã bị kim ngân làm mờ đi. Tiền lương với tiền thưởng vào bậc cao nhất đơn vị nhưng lão không biết sử dụng phép tính chia mà chỉ biết mỗi phép tính cộng và nhân lên thành tích số cao nhất. Qua mấy chục năm “phấn đấu và hy sinh cho sự nghiệp” lão kiếm được kha khá. Nhìn nhà cửa, xe ô tô liên tục lên đời... có một cậu kỹ sư làm giám đốc công ty tư nhân là hàng xóm hỏi tôi : “Nhà ông họ Quốc kia giờ đã về nghỉ liệu có được đôi trăm tỷ không chú?” Tôi bảo: Ta chịu, làm sao mà biết được lão có biết bao nhiêu! Thói đời, đã giầu thì lại giầu thêm, khi làm xong nhà mới cao và hiện đại nhất ngõ phố, lũ xu nịnh đương chức họp bàn quyết định mua những loại đồ dùng đắt tiền của ngoại như bàn ghế tiếp khách bằng da thật, thiết bị nghe nhìn giá trị hàng trăm triệu mang đến tặng riêng cho gia đình lão. Một công ty con (ma) còn đem tiền cổ đông đóng góp mua cả chiếc ti vi 3 D siêu mỏng hiện đại bậc nhất mang đến “ cúng tiến” để cho dễ đường làm bậy. Tham đến thế, tiền của nhiều vậy mà hắn vẫn không dừng lại, như trên tôi đã nói, lúc cuối đời tức là đã có thông báo của trên cho lão chuẩn bị nghỉ hưu nhưng mỗi ngày vẫn thấy nhiều người ra vào phòng lão. Gần hết giờ làm việc một cô nhân viên của tôi có bố là Giám con (Công ty con) lại xin phép về sớm. Hỏi về sớm có việc gì? Được trả lời: Cháu mang mấy bộ hồ sơ này về cho bố cháu tiếp nhận vì đã có lời phê của tổng Quốc chuyển! Tôi bận nhiều việc nên ít quan tâm vả lại không phải việc của mình nhưng nghe một cậu nhân viên nói với tôi: “Mỗi đứa được nhận vào làm thì ít nhất cũng hàng đôi nghìn Đô đấy chú ạ”! Hai gã theo mối quan hệ hữu cơ trên và dưới cùng nghỉ hưu một năm lập lại thành kế “hợp tung” năm cuối vội vã tiếp nhận người xin việc đều đều như vắt chanh, cứ đơn giản là một tuần dăm, mười  bộ hồ sơ thì số tiền chia nhau không hề nhỏ. Thật đáng “khen” cho những kẻ nhanh nhẹn cập nhật thời thế...! Nhưng có điều là Trời ở trên cao cũng ăn ở công bằng, không cho ai được tất mà cũng không nỡ lấy đi hết của ai. Số tiền những tay giám mẹ và giám con kia kiếm được dễ dàng trên mồ hôi, nước mắt của người lao động chắt chiu lo cho con có việc làm để mà “yêu quý, gắn bó với Ngành” thì chả biết làm thằng công nhân, nhân viên vài ba triệu đồng một tháng đến bao giờ mới thu hồi đủ một phần! Bản chất của một gã “nhà quê” khi đã biến chất thì thành ra một sản phẩm người lạ lắm ông à! Cái gã họ Quốc kia có tiếng là rắn mặt như sắt nguội, tối như đêm ba mươi, nhìn kỹ tịnh không thấy tia bình minh sáng sủa nào. Đối xử với cấp dưới thì răn đe, mạt sát, ngồi ghế cao nhất nhưng lão sờ đến cả việc làm  của những đứa nhân viên tột cùng là “nhân viên nhà ăn, trông kho, tạp vụ...Cho lũ tay nhân thân tín theo dõi tất cả những cán bộ có năng lực nhưng tính nết trung thực không vào bè cánh lão. Tất cả  đều do lão và cắt cử lâu la thân tín điều tra rồi báo cáo để lão quyết định hết. Mặc dù rắn mặt, đểu cáng có thừa nhưng không hiểu thế nào mà nhiều người được chứng kiến “sự mềm yếu” của gã trong một cuộc chia tay vị thủ lĩnh của ngành đến tuổi nghỉ hưu. Cầm một bài phát biểu do tay Trưởng phòng TC soạn sẵn, gã đọc được mỗi đoạn ngắn là lại khóc nấc lên, mặt mũi ướt đẫm, nước mắt ngắn dài cứ chảy ràn rụa. Mọi người dự cuộc họp này đều ngạc nhiên đến bất ngờ không hiểu sao mà lão lại đau khổ đến mức ghê gớm thế. Lão Phú Võ đồng niên ngồi chứng kiến bảo nhỏ với tôi “ Có phải đâu ông Cựu Tổng... chết, mà giả dụ cho chết cũng không thể hiện được sự xúc động “mất mát lớn lao” đến thế được chứ! Lạ quá ông nhỉ” ?!

Tôi bảo: Ừ! tôi cũng đi nhiều, làm nhiều kịch bản các cuộc chia  tay cấp trên mà chưa thấy cuộc nào như thế này. Ông Cựu Tổng trên là người có chữ lại  học hành tử tế, du học Tây về, thể nào ông cũng thấy ngạc nhiên và bất ngờ, thậm chí có thể tự thấy xấu hổ vì cử chỉ cảm động quá mức cần thiết chưa từng có trong đời. Nếu là tôi được ở vị trí chia tay ấy thì tôi sẽ bảo: Ta có chết đâu mà “đệ tử” khóc nấc nghẹn ngào lên được ghê gớm thế? Mình lại nghĩ đểu: Nếu vị quan cựu Tổng kia có chết thật thì chưa chắc lão Tổng giám họ Quốc kia đã đến viếng, bản chất của nó là tham lam rồi, nếu không có lợi thì viếng cũng còn phải tính toán chứ nói gì đến việc “diễn khóc” như thế kia? Chuyện này tạm dừng đây để kể sang chuyện tiếp.

- Nói về loại “ quan tẹp nhẹp” không tham được lớn nhưng ÍCH KỶ! Gã này hàm chỉ cỡ trưởng phòng cấp tổng, lão nhặt nhạnh vơ vét chả thiếu thứ gì của cơ quan. Chồng làm quản lý một bộ phận, vợ thì làm nhân viên ở phòng khác, vậy mà cứ có liên hoan hay ra quân sau Tết là vợ lão có mặt ngay lập tức. Lão giao cho phu nhân đi mua đủ loại từ văn phòng phẩm, kẹo bánh, hoa tươi, than tổ ong đến cả giấy vệ sinh và nước tẩy rửa toa lét. Sau Tết Nguyên đán cơ quan thường có tổ chức ra quân đầu năm, vợ chồng lão mua sắm tất rồi lại tự bày ra đĩa...Vợ lão cứ luôn mồm ca cẩm kêu mệt mỏi vì nhiều việc, chả có nhân viên nào dám mở miệng nói gì kể cả mụ tổng quản (tổ trưởng tạp vụ kiêm tổ trưởng công đoàn bộ phận). Tôi tự nhiên thấy ngứa mồm bảo: Sao chị làm tận trên tầng 5, phòng xây dựng cơ bản thì liên quan gì và dưới này có thiếu người đâu mà để chị phải vất vả quá mức thế? Thật tội nghiệp! Kết thúc liên hoan, số kẹo bánh còn lại được vợ lão trưởng phòng Ích kỷ thu lại vào túi giấy bóng màu đen mang đi tất...!!!

Lão thấy tôi (Trần Quê) hay phải đi công tác với ông tổng để ghi chép nghị quyết và “chỉ dụ, khẩu dụ” với lãnh đạo cấp dưới trong việc điều hành sản xuất kinh doanh. Lão ngồi nhà nghĩ thế nào rồi lão ghen, đi khắp cơ quan nói xấu là tôi không làm được việc gì và cũng không biết bố trí việc gì cho tôi trong khi đó tôi đang làm việc Thư ký tổng hợp. Tìm cách phân hóa, nói xấu chán chả được và kết quả sau hơn một năm điều hành do vợ chồng ghen nhau đánh lộn, chị vợ chửi lão ngay tại cơ quan với những lời lẽ bẩn thỉu và tởm lợm...đỉnh cao là một buổi gần trưa vợ gã cầm con dao sắc lao vào đâm lão, lão dơ tay lên đỡ và sau đó y tá cơ quan phải có mặt ngay để băng bó cho cánh tay lão. Tưởng mình ngồi được bền ở vị trí này để triệt hạ tôi, nhưng đời không chiều lão. Lão được điều đi làm quản lý một đơn vị dịch vụ, lão “băm nhỏ” các phòng làm việc thành các ô như tổ chim khuyên để bán cà phê và chè nóng, nhận giặt rũ đồ cho khách sạn...vì bản chất hẹp hòi nhỏ nhen, bần tiện nên lão cứ làm việc gì hỏng việc đó. Sau vài ba năm đơn vị lại lỗ vốn vài tỷ đồng, không biết số lỗ kê khai ấy vào túi lão được bao nhiêu mà thấy mua được đất xây được nhà? Tổng (mẹ) lại điều về cơ quan cấp trên làm thay một vị trí của cán bộ miền Nam chuyển vùng, hơn một năm lãnh đạo tổng mới về xóa tên sáp nhập cái phòng ấy vào một phòng khác do một nữ trưởng phòng phụ trách. Đúng là trái đất quay tròn lão lại về đúng nơi lão đã ra đi vài năm trước nhưng cái khác là lão không còn chức vụ cũ nữa mà Trần Quê tôi đã ngồi vài năm rồi. Tưởng yên phận làm ăn nốt số thời gian cuối đời nhưng chả ai ngờ khi tôi đi công tác xa lão đến gặp giám tổng(mẹ) để xin được phục hồi chức của năm xưa và đề  nghị cho tôi đi làm ở bộ phận chuyên môn khác. Ông tổng giám(mẹ) nghe rồi cười vì nhận thấy bộ mặt thật của lão rõ rệt và bẩn thỉu quá mức đến khó tưởng tượng. Thế rồi đến đúng tuổi lão phải về, nếu có về trước thì còn được hưởng mức phụ cấp của trưởng, giờ tham thêm được hai năm lại về mức phụ cấp phó.  Đúng là “ăn chả bỏ ỉa” và tham cũng chả được với Trời.

Vẫn là chuyện về “lão Ích kỷ”! Tôi (Trần Quê) là người nhà quê chính cống lại trưởng thành từ nhân viên cùng đinh nên thấu hiểu tất cả nỗi khổ của người lao động “thấp cổ bé họng”. Làm quản lý chỉ nghĩ làm sao mà nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, nhân viên dưới quyền. Ai có ý định làm nhà, mua đất, đổi nhà...đến mua xe máy làm phương tiện đi lại tôi đề giúp đỡ hết lòng, trong đó có nhiều người ngang cấp trưởng phòng như mình. Thương anh chị em nhân viên phục vụ quanh năm chả được đi xa, tiệc tùng cũng ít nên Trần Quê bàn với Công đoàn lập ra một quỹ nho nhỏ do mình phụ trách, tiền thưởng cũng như quà cấp dưới biếu tặng lão gửi vào đó giao cho công đoàn chi tiêu cho việc nghỉ ngơi cuối tuần, đi chợ tết, quà mừng thọ cho bố mẹ cán bộ nhân viên...Mỗi năm gần đến Tết ông Táo ( Hai ba tháng Chạp) tổ chức liên hoan gặp mặt toàn bộ vợ  hoặc chồng cán bộ nhân viên ( có cả lãnh đạo cũ đã nghỉ hưu) đến gặp mặt ăn Tết tại cơ quan. Ngoài số tiền của lão và cấp phó đóng góp là chính, còn mọi người thì tự nguyện, lão Ích kỷ cũng được mời hàng năm cả vợ lẫn chồng và lão góp được được đến 50 nghìn đồng trong 10 năm. Lão góp cuối năm thì đầu năm mẹ lão chết được trích quỹ viếng 100 nghìn, tiếp là cưới con gái lại được mừng tiếp 100 nghìn. Vậy mà khi Trần Quê chuẩn bị nghỉ hưu có làm một cuộc liên hoan kết hợp để báo cáo và giải tán quỹ cũ. Lão Ích kỷ nhận được giấy mời lão nhắn cho Trần Quê một cái tin nhắn rất dài đại loại là phải yêu cầu thật “công khai, minh bạch, phải chia lại quỹ cho những người đã đóng góp...” Trần Quê lấy sổ ghi chép ở Công đoàn để sẵn ở bàn làm việc, lão Ích kỷ đã chủ động đến trước mấy tiếng đồng hồ để xem lại toàn bộ số tiền mà đã dừng đóng góp từ 5 năm. Lão xem sổ, xem kỹ từng chi tiết thấy không còn gì để chia, chả biết xấu hổ hay thế nào mà lão bảo phải về “ để đi đón cháu, rồi đến sau”! Nhưng quá giờ khai mạc liên hoan chả thấy mặt lão đâu cả...Thế mới gọi là thói đời nhiều thứ tư duy mà không biết đặt là khôn lỏi, đểu giả, lật lọng đổi mới kiểu gì...?

Dừng lại để rót thêm nước trong ấm chè nhạt đã nguội ngắt, chuông đồng hồ ODO treo tường nhà lão thong thả buông 11 tiếng, Trần Quê bảo tôi: Thế thôi hôm nay chuyện tạm dừng ở đây đã nhé, những người về hưu thì ít thông tin nên toàn kể dở những chuyện cũ mèm của thời quá khứ xa xăm, ông nghe hay không, thẩm thấu đến đâu thì tùy, nhưng theo tôi nghe xong thì bỏ ngoài tai cho đỡ bận đầu óc.

Biết tính lão, tôi đành phải đứng lên chào để ra về, trời chưa có mưa chuyển mùa mà đầu óc cứ ong ong, chả biết nên vui hay buồn và cũng thấy chạnh lòng vì nó cũng có đôi nét hao hao như chính mình hồi tại vị...!!!

 

Viết ở Xứ Đoài, ngày 16 tháng 3 năm 2017

Nguyễn Quang Tình