Người tự ứng cử

Đây là một chuyện có thực tại khu phố tôi. Và thật mãn ý, khi đó một tuần sau đi bầu khu trưởng khu phó, y như rằng, ai cũng bầu cho anh Khu phó Cảo với số phiếu cao nhất.


Một góc Tp. Cẩm Phả

NGƯỜI TỰ ỨNG CỬ

Truyện ngắn Bùi Văn Phúc

Khu phố tôi -  một khu phố công nghiệp. Đa phần những người làm ngành cơ khí. Họ là những thợ phay, thợ bào, thợ tiện... của một cái nhà máy gần đấy. Cuộc sống của mỗi gia đình cũng như cá nhân, họ sống giản dị, khiêm nhường. Không có thói đua chen bốc khoác như những cư dân của những khu phố buôn bán khác. Ở những nơi “chợ búa” kia, tôi đã nhiều lần  chứng kiến cảnh thách độ cá cược của các tay anh chị về thắng thua  trong  đợt E - rô 2016. Thói thường, khi bập vào chuyện cờ bạc,  dĩ nhiên, có kẻ thắng người thua, nhưng sau đấy thì hậu quả thật tệ hại, những người mất bao giờ cũng cay cú người  được. Chứng minh sống động cho điều này, mới đây, dư luận đã đồn ầm lên về  một vụ bị đánh trộm ban đêm của một anh thắng cuộc. Anh ta bị vẹo xương sống vì một cú phang bằng gậy chẳng biết của ma quái nào giáng cật lực vào anh ta. Người ta cũng đồn đại, đây chính  là cách trả thù của thằng thua cuộc. Nó đã  mất trắng một cái nhà giá trị ba tỉ đồng;  vậy mà bảo thối lại cho  nó chỉ  có trăm triệu  bọ mà thằng thắng cũng lắc đầu nguây nguẩy. Ăn quả đắng là cái cầm chắc! Chỗ tôi tuyệt nhiên không bao giờ có chuyện đó. Khu  tôi tiếp giáp với khu chợ sầm uất vừa xảy ra vụ việc trên nên ai cũng biết chuyện này. Có điều lạ, biết thì biết vậy, nhưng tuyệt nhiên, những ám ảnh ấy không thể bén bảng đến cuộc sống yên bình nơi chúng tôi. Âu có lẽ, họ là những người  kiếm đồng tiền không được dư dật lắm, cho nên, họ cố tránh xa những vụ việc đó hay sao? Không những  thế, điều này cũng nên rất cần phải nói, họ lại có ý thức rất cao  về trách nhiệm công dân của mình trong thời kì hiện tại. Chính vì lẽ đó, cho nên, khi có lệnh buổi tối nay tập trung tại Nhà văn hóa khu để họp hiệp thương,  ai nấy đều hăm hở. Cuộc họp khu phố tôi  lần này là  để bầu ra anh khu trưởng, khu phó cho nhiệm kì tới. Đây là điều đơn giản ở khu phố khác, nhưng chỗ chúng tôi, quả thật là khó. Tôi ngồi cạnh anh bạn Cảo, người sát khu nhà tôi. Thấy anh im lặng, tôi đoán anh đang có ý định phát biểu chi đây. Nhưng rồi gần nửa buổi họp đã trôi qua, vẫn chưa thấy anh nói gì, tôi hơi hoảng vì thấy nhận định của mình có khi không trúng. Anh  Khu trưởng  đương nhiệm  của khu  dân phố chúng tôi rõ ràng  là một con người năng nổ, điều đó ai cũng ghi nhận. Nhà anh hầu như ngày nào cũng có người của phường đến trò truyện giao tiếp. Lúc  anh công an, khi thì một đồng chí địa chính. Còn dạng dân lành  cứ đến như cơm bữa. Bởi họ  cũng cần anh để anh kí   cốp cho họ nhiều loại giấy tờ.  Điều nữa, thấy  anh cũng là người được việc, nên người ta cũng mến anh, cho nên khả năng anh trúng  chức danh Khu trưởng một nhiệm kì nữa cũng  là điều chắc chắn. Việc nhà, tuyệt nhiên, anh Khu trưởng không quan tâm lắm. Anh hầu như  phó mặc tất tần tật mọi chuyện cho vợ điều khiển. Thì có gì đâu mà lo lắng! Hai đứa con gái của anh đã xây dựng gia đình, nhà  chồng chúng nó cũng gần đây. Vợ chồng chúng đều có công việc làm ăn, lại nhanh chóng tiến bộ. Con cái không coi được, bận bịu việc của xí nghiệp ư, cứ tống tất  về đây có ông bà ngoại coi giúp. Vợ chồng anh laị mở một cái cửa hàng bán  tạp phí lù các loại hàng hóa. Ối giời, đừng có mà coi thường mấy thứ vặt vãnh linh tinh.  Những thứ tưởng như chả ra  gì, nhưng nó laị là yếu tố để xây kết lên vấn đề tài chính  quá ư mĩ mãn của nhà anh đấy. Anh ta đã nhiều lần tâm sự với mọi người, vợ anh  không có lương vì trước đây làm công nhân thị chính một thời gian rồi bỏ, anh đi bộ đội về, có lương cơ bản. Không  bó tay vì hoàn cảnh, anh bàn với vợ làm  một  cái cửa hàng,  vậy mà ý kiến ấy “chuẩn không cần phải chỉnh” . Thu từng đồng nghìn lẻ một, vậy mà giờ đây, do biết tích cóp, anh chị đã để ra được bao nhiêu tiền. Có lẽ cũng là do ý kiến của anh bạn  Cảo hay đến nhà chơi “tư vấn” cho. Cảo cũng là thợ cơ khí vừa về hưu, nhưng Cảo là người sành chuyện làm kinh tế. Cảo có một khu đất mua đã lâu sát bờ biển. Không bỏ lỡ cơ hội khi nhiều công nhân không có nhà ở riêng, anh cho xây một lô gồm 10 cái nhà cho thuê, vậy mà thu nhập cũng khá, giờ thì về hưu anh đã có một cuộc sống  tương đối đàng hoàng. Thừa thời gian, anh thấy mình muốn đóng góp gì đó cho công tác của tổ dân. Anh cứ ấp ủ cái ý này mà chưa  muốn tiết lộ với ai.

Thấy tình cảnh của anh Khu trưởng, Cảo  đã đưa cho anh ta mượn  quyển sách “Học cách tiêu tiền”. Như vớ được bảo bối,  hai vợ  chồng anh  ta lao đầu vào đọc vào thảo luận. Người hay cố chấp, không chịu nghiên cứu nâng  cao trình độ cứ bảo: “Dào, tôi có tiền đâu mà học cách tiêu tiền cho phí thời gian”. Nhưng với vợ chồng anh Khu trưởng, càng đọc, cả hai người có cảm tưởng như mình đang  từ trên mây trên gió trở lại với thực tại. Họ nhận ra rằng, những người tài giỏi đã viết nên những cuốn sách trứ danh này, chắc chắn phải là những người thành đạt. Không phải vậy, sao có  những người từ tay trắng, người ta lại trở thành tỉ phú trong thời gian nhất định nhờ học hỏi trên sách và áp dụng luôn vào cuộc sống của mình.  Anh Khu trưởng đương nhiệm đã có một lần nói với Cảo là  “lần này  hiệp thương với các tổ rồi, khu mình còn thiếu một người làm Khu phó, nhưng khổ,  người nhiệt tình với công tác phường xã bây giờ hiếm như lá mùa thu” . Ý anh Khu trưởng muốn kéo  Cảo vào chân Khu phó.  Cảo lim dim đôi mắt, anh chưa đưa ra ý kiến gì cả, vì thấy điều này  hoàn toàn khó nói... Như hiểu được nỗi lòng bạn, với tư cách là đại diện của một khu với hàng nghìn dân, anh  khu trưởng đương nhiệm nói rằng, không có gì  Cảo phải lo ngại cả, anh sẽ đề suất và sẽ lấy ý kiến từ các tổ dân phố về trường hợp của Cảo. Cảo chần chừ chưa quyết, nhưng Cảo quyết định thăm dò ý kiến của Trưởng khu  ra  Ban công tác mặt trận khu phố xem sao? “Ối trời, vậy thì may cho chúng em quá rồi. Chị  Trưởng ban công tác  mặt trận tiếp nước Cảo phấn chấn. Em đã chấm anh lâu rồi mà không hiểu sao anh vẫn còn chần chừ. Tại sao lại thế? Làm đi anh Cảo ơi! Đóng góp cho phong trào xã hội của Phường, của Khu, có nhiều điều hay lắm. Sau này, em chắc là anh sẽ có những kỉ niệm tốt để lưu lại cho con cháu đấy... Mà em cứ nói thật,  thử hỏi có ai hơn anh...”  Rồi chị ta nói về nhận xét của mình khi  khi thấy anh hăng hái tham gia phong trào thể dục thể thao. Để rèn luyện tố chất sức khỏe của chính bản thân mình là một, cái nữa là anh còn tuyên truyền động viên nhiều người đủ các lứa tuổi luyện tập để nâng cao tuổi thọ. Cái đấy chẳng là một thứ có ích cho đời! Trên cả tuyệt vời!  Chị mặt trận khu phố vừa ca ngợi vừa đặt ra những câu hỏi như tra vấn Cảo liên tiếp.  “Quá xứng đáng đấy anh Cảo ạ. Để bọn em giới thiệu thì bà con các tổ đồng ý ngay... Đúng đấy, đúng đấy, dù chỉ là một tổ viên khu phố thôi, nhưng anh hoàn xứng đáng là một Khu phó của khu ta, đợt này chúng em sẽ  lấy ý kiến các tổ...”. Chưa hết,  lại một đồng chí tổ trưởng tổ dân phố phát hiện thêm tài năng của  Cảo khi đồng chí Trưởng ban Mặt trận khu phố tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến  về trường hợp của Cảo.  Anh này lại nói đến khía cạnh văn nghệ đang chứa chất tiềm tàng trong con người Cảo. “Tôi đã nghe thấy giọng hát của  anh Cảo, tuy  không  nổi hơn với ca sĩ Nghệ sĩ Vùng mỏ Ngọc Tuyết, nhưng người ta vẫn thấy anh Cảo có mặt  trong dàn đồng ca của khu phố... đúng, đúng, nên giới thiệu anh Cảo. Tôi xin đề nghị...”

Cuộc họp diễn ra trong không khí hơi căng thẳng. Nhất là phần đưa  vấn đề có ai tự ra ứng cử không. Mọi việc tưởng như chìm lắng phải  “cầu cứu” ý kiến của cán bộ mặt trận  hoặc những người  có cảm tình thực sự với Cảo thì sự việc mới thành. Nhưng  không, chỉ sau đấy mấy giây, Cảo đã từ từ đứng dậy. Anh  nói trong nỗi hổn hển của một người tin tưởng trước sau rằng, nếu mình có lòng tận tâm với phong trào của phường, khu, thì dứt khoát người dân nơi mình cư trú sẽ  bầu mình vào vị trí xứng đáng. “Thưa bà con,  Cảo thở những làn hơi phấn kích,  tuy tôi chỉ là một công dân bình thường... Nhưng tôi thấy, tham gia vào phong trào của khu cũng là một đóng góp gì đó cho sự an bình và văn minh khu phố. Đây có thể nói, chính là một vinh dự. Tôi thấy trong thời gian qua, khu ta đã được Phường và Thành phố quan tâm, đường đã được mở rộng, khu sân bóng chuyền hoang nằm im lìm mấy chục năm nay đã được dỡ  bỏ để xây một khu chung cư cho công nhân ở là một tiến bộ không ngờ. Vì chính cái khu hoang tàn ấy bấy lâu nay là nơi chứa chấp những  bọn chích choác nghiện  ngập. Nhà tôi gần đó nên tôi thấy rõ hết. Nhưng có điều, trong các cuộc họp tôi thấy mọi người cứ né tránh việc này, hình như họ hiểu,  không phải việc của họ. Nên đây là điều rất bức xúc trong tôi. Thời gian tới, đường xã được lát nhựa bi tít, tôi nghĩ phải tổ chức những đội tự quản, phải có những quãng đường do Phân hội Cựu chiến binh Khu  hoặc  Tổ hưu trí tự đứng ra quản lí...” Và  ngập ngừng đôi chút, anh nhìn sang anh  Khu trưởng  đương nhiệm. Những cái gật đầu chầm chậm ý tứ, nhưng Cảo biết đâu được anh ta đang nghĩ gì? Anh Khu trưởng như nín thở chờ đợi câu sắp nói của Cảo. Thì lời Cảo đã bung ra: “Tôi thấy nói điều này cũng hơi mạnh bạo, nhưng tôi cứ nói  luôn, tôi có thể ứng cử vào khóa tới  với chức vụ Khu phó... Nếu trúng cử, tôi xin hứa, sẽ mang hết khả năng của mình để phục vụ bà con. Tôi thấy tôi  hoàn toàn có đủ năng lực...” Chỉ nói đến đó, những tiếng vỗ tay như pháo của  bao  người tham dự đã vang lên. Điều đó cỗ vũ cho những ý kiến cháy bỏng của một công dân tự mình thấy có đủ khả năng tham gia công tác xã hội tại khu dân cư.

Đây là một chuyện có thực tại khu phố tôi. Và thật mãn ý, khi đó một tuần sau đi bầu khu trưởng khu phó, y như rằng, ai cũng bầu cho anh Khu phó Cảo với số phiếu cao nhất. Còn anh Khu trưởng cũ, vẫn được chấp nhận chức danh Khu trưởng khóa nữa vì thành tích nổi trội của  mình, tuy nhiên, không hiểu sao số phiếu lại còn thấp hơn số phiếu của Cảo đôi chút.  Lại cũng nghe người ta đồn đại, anh khu trưởng  cũng có lúc này lúc kia to tiếng khi giải quyết chuyện công vụ... Nhưng đấy là cái tật hoàn toàn có thể sửa được, như nhân gian  vẫn thường hay nói: “nhân vô thập toàn”./.

Cẩm Phả 2.1.2017

Hưởng ứng đợt sáng tác năm 2016 của Hội văn nghệ  Thành phố Cẩm Phả.