Cuộc cờ

Ông Hai cứ ngóng ra cổng đợi thằng Tâm đến đánh cờ như mọi bận. Anh bảo vệ ngồi trước cửa nhà ngoái nhìn ông Hai mỉm cười: “Sốt ruột chi vậy ông, nó đến con gọi ông”.

Ông Hai ậm ừ. Tiếng dép lẹt xẹt từ xa đánh động con chó bông đang nằm cạnh ông Hai. Nó vểnh tai nghe ngóng, ông Hai ngoái nhìn ra cổng, tiếng anh bảo vệ vọng vào: “Tình yêu của ông đến rồi kìa!”.

Ông Hai vội xỏ đôi guốc, bước lộc cộc ra vườn với nụ cười nhẹ nhõm. Thằng Tâm lí lắc gì đó với anh bảo vệ, chào ông Hai, rồi nó sà vào cái bàn đá quen thuộc trong vườn nhà bày cờ.
Khu vườn trước nhà mát rượi thảm cỏ chỉ xanh mướt. Con trai ông Hai đã bỏ ra mấy trăm triệu đồng cải tạo khu vườn kể từ lúc ông lìa quê vào Sài Gòn ở chung.
Khu vườn nhỏ nhắn, xinh xinh này chính là nơi giúp ông Hai đỡ nhớ cỏ cây hoa lá quê nhà, và cũng chính là nơi ông Hai vui nhất mỗi ngày khi đấu cờ với thằng Tâm - người bạn trẻ duy nhất của ông.
Thằng Tâm quê tận Tiểu Cần, làm thợ hồ cách nhà ông Hai mấy căn. Cứ 12 giờ trưa, lúc thầy thợ nghỉ ngơi, thằng Tâm tranh thủ tót qua nhà ông Hai đánh cờ.
Vợ chồng con trai ông Hai khó chịu khi kiểm tra camera, cứ thấy tầm giờ trưa có một thằng nhóc lạ hoắc vào nhà đánh cờ với ông Hai.
Chúng càm ràm ông, ông buồn quá, chúng nó thấy tội bèn thuê công ty bảo vệ cử người về trông nhà, trông ông. Ông mặc kệ, ván cờ và thằng Tâm là phần thưởng cho một ngày dài vô vị của ông.
Ông Hai nhớ trận đấu cờ đầu tiên với thằng Tâm, chỉ hai mươi nước cờ, thằng Tâm bại trận, ông vuốt râu cười khà khà. Dần dần thằng Tâm tiếp ông đến ba mươi, bốn mươi nước nó mới chịu thua.
Chỉ sau hai tháng, thằng Tâm đã có trận thắng oanh liệt trước ông Hai - chưa có thằng bé hai mươi tuổi nào thắng nổi ông ở quê nhà Sa Huỳnh.
Những lúc như vậy, ông Hai chỉ chống chế: “Tại hôm nay tau mệt”. Thằng Tâm cười nắc nẻ, rồi lật đật chào ông Hai để chạy ù về công trình cho kịp giờ.
Hôm nay thằng Tâm có vẻ tinh tươm và ít hoạt bát hơn mọi ngày. Nó kín đáo nhìn ông Hai rồi thỏ thẻ: “Con đánh cờ với ông bữa cuối, chiều con về quê luôn, không sống ở Sài Gòn nữa”.
Vừa khai cờ thế pháo đầu, ông Hai choáng váng nhìn nó: “Sao vậy con, sao lại bỏ về... rồi con sống sao...?”. Con pháo ông Hai vẫn cầm trên tay chưa đặt xuống nước đi.
Thằng Tâm im lặng đợi ông Hai xuống cờ. Nó lặng lẽ lên con mã phòng thủ rồi tiếp. “Sống ở đây con buồn quá. Làm cả ngày cả tháng, hết công trình rồi lại đi, con nhớ quê quá trời ông Hai ơi!”.
Ông Hai không nói gì, tay thì bó gối, tay thì triển khai quân lòng vòng. Thằng Tâm đã kể ông nghe về Tiểu Cần quê nó.
Nó còn khoe với ông quê nó có giống dừa sáp đặc biệt nhất thế giới, quả dừa bổ ra sền sệt nước như trái lê khổng lồ. Ông Hai vừa tấn quân xe qua sông vừa nói bâng quơ như giận dỗi: “Tau ở đây cả năm trời hổng buồn, bây còn trẻ mà buồn với phiền”.
Chợt thằng Tâm vỗ quân xe ông Hai mới đi cái cốp làm ông giật nảy mình, rồi nó reo lên: “Bắt con xe, ông Hai chấp cờ sớm vậy”, miệng nó cười ríu rít.
Sai nước cờ, ông Hai tự nhiên bực bội mơ hồ trong lòng. Thằng Tâm len lén nhìn ông Hai nói tiếp: “Ông Hai nói sao chứ con thấy ông Hai cả ngày ở nhà hoài, không buồn mới lạ. Cha con ở quê, ngồi nhà một tiếng là trời sập.
Hết mần ruộng rồi đánh cờ, rồi nhậu lai rai trong xóm, đời nào ổng ngồi nhà suốt ngày như ông Hai”. Nói xong nó bắt đầu xua quân ào ào để phá thế cờ của ông Hai.
Đã gần hai mươi nước cờ, nhưng sao ông Hai cứ tưởng như mới khai cuộc. Ông Hai nhìn bàn cờ đăm chiêu, tay ông vân vê chùm râu bạc trắng dưới cằm.
Ông từng có cuộc sống như cha thằng Tâm. Mỗi ngày, ngay quán cà phê gốc me nhà bà Nẩu đầu làng, ông Hai ngồi tỉ cờ với mấy ông bạn già hàng xóm như quên hết trời đất mà vẫn chưa chịu về. Bà Hai vì lo nên biết bao lần phải đội nắng, đội mưa ra quán bà Nẩu gọi ông về.
Ngày bà Hai mất, ông Hai như chết lặng, ông dần ít nói và lầm lũi suốt ngày với bàn cờ khắp nơi trong làng. Từ sáng đến trưa, ông quên mình bên những trận cờ ở quán bà Nẩu, chiều muộn, bộ cờ lăn lóc bên chai rượu gạo cùng ông nhìn xa xăm một phương.
Con trai ông tỉ tê ông vào Sài Gòn sống với nó. Ông tư lự phút đầu, nhưng rồi ông nghĩ thế gian cũng như cuộc cờ, tàn cuộc rồi, của cải nào bằng tình thân. Bán nhà cửa, ông vào Sài Gòn sống cùng con.
Thằng Tâm phá được thế cờ của ông Hai và xua quân tiến công. Nó vừa tấn quân, vừa suy tư nhìn bàn cờ: “Sống đâu cũng chẳng bằng ở quê ông à. Vào đây lạ nước lạ cái, chẳng quen biết ai, nhớ quê chịu không nổi. Cha con ngày nào cũng gọi trách”.
Ông Hai im lặng, chầm chậm đẩy những quân cờ loạn xạ. Thằng Tâm đẩy nhẹ quân cờ rồi nói tiếp: “Bạn con chết vì bị điện công trình giật hôm trước. Tụi con cùng quê, cách nhau một con phà. Tối nằm ngủ con chợt thấy sợ.
Lên Sài Gòn sinh sống, con sợ mình giống phận con chốt trong bàn cờ, qua sông rồi dễ lắm lông bông. Con về quê, tình làng nghĩa xóm cũng vui hơn ở đây nhiều ông Hai à”.
“Chiếu bí” - thằng Tâm nói, mỉm cười đẩy nhẹ quân mã. Con tướng đỏ của ông Hai đã bị hai quân chốt trắng chặn đường thoát.
Chỉ mới ba mươi nước cờ, ông Hai đại bại. Thằng Tâm cười buồn: “Thôi, con về quê đây ông Hai”. Nó còn kịp nhắc ông: “Con thấy ông Hai hôm nay không khỏe. Nhớ giữ sức khỏe nhé ông. Con về đây...”.
Ông Hai ngồi thừ, nhìn thằng Tâm lẹt xẹt đôi dép từ từ khuất ngõ. Anh bảo vệ ngoái đầu nhìn ông Hai. Ông Hai ngồi lom khom, gối đầu nhìn bàn cờ. Hai con chốt trắng của thằng Tâm qua sông tự lúc nào...