Lão Phỗng hoạn lợn làng Chiện
Nhà văn Nguyễn Hiếu quê ở Từ Liêm, Hà Nội, tốt ngiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp năm 1970, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là Hội viên Hội nhà văn năm 2000; Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nộ, Hội NS Sân khấu Hà Nội. Đến nay ông đã xuất bản trên 20 đầu sách gồm các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí… Ông cũng là tác giả nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện nổi tiếng. Hàng chục tác phẩm văn học, sân khấu, phim truyện của ông đoạt giải thưởng của Hội LHVHNT Việt Nam, Hội Nhà văn, Báo Văn nghệ v.v
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Đám tang của lão Phỗng hoạn lợn
Các nhà văn, các nhà tư tưởng càng vĩ đại bao nhiêu sinh thời họ càng không mấy được để ý, thậm chí còn bị vùi lấp, ghét bỏ do thói ghen ghét, tị hiềm thường tình của giống người, nhất là những kẻ bất tài lấy đố kị làm vũ khí. Sau khi họ chết lập tức tên tuổi của họ sáng bừng lên, nổi hơn phao cứu sinh. Ngay cả những kẻ không ưa họ lúc sống cũng tìm mọi cách để tỏ ra thân thiết bằng cách khoe với thiên hạ về những kỉ niệm với danh nhân.
Lão Phỗng ở làng Chiện của tôi không dính dáng gì đến văn chương, cũng chưa bao giờ phọt ra một câu khả dĩ có thể gán cho lão là nhà tư tưởng. Thế mà cái lão chuyên làm nghề hoạn lợn vừa bất ngờ nằm xuống, củ tỏi ở tuổi 56 dương lịch, 57 âm lịch mà tên lão bỗng không chỉ làng Chiện mà cả ba làng trên, hai làng dưới. Bốn làng phía tả, năm làng phía hữu trước cùng một huyện đang ở cấp xã nay vụt thành cấp phường tách hai quận đều biết đến lão. Mà tính gộp mười bốn phường của hai quận ở Thành phố này biết thì coi như cả thiên hạ đều thông tỏ. Mấy ngày sau khi lão mất đi đến ngõ ngách nào cũng chỉ bàn tán xôn xao chuyện lão Phỗng. Dân làng nay là dân phường từ trẻ chí già, từ đàn ông cho đến đàn bà đều nói về lão Phỗng với đủ thứ chuyện từ bông phèng cho đến nghiêm túc của lão. Ngay cả tay Kiếu con lão Thống thầy cúng ghét lão Phỗng như đổ của đi vì hình như trước đây vợ Phỗng có một thời mê tay Kiếu như điếu đổ nhưng khi Phỗng từ bộ đội về với danh hiệu thương binh loại ba trên năm thì cô nàng mắt hình lá tía tô này đột nhiên quay ngoắt sang Phỗng cũng phải tấm tắc ”Cha Phỗng tài thật, tài thật. Nhưng tài lắm thì chết nhiều”. Gật gù chán Kiếu nói chữ ”sinh ư nghệ tử ư nghệ mà lại “. “Ông nói thế nghĩa là làm sao ?”.Thằng Quậy con nhà Bạt lô đề có tiếng ngoài phường Ô tô nghếch cặp mắt hiếng hỏi. Kiếu ngó vào trong nhà ý canh chừng vợ rồi mới hạ giọng. “Thằng cha Phỗng chuyên hoạn lợn. Thế cho nên lão mới bị giời phạt. Lão chết vì bị ung thư cái của ấy đấy. Cho đáng đời cái đồ ăn tạp. Thượng vàng hạ cám, trẻ, già. Xấu như ma, bẩn như quỷ cứ ngửa ra là lão vục vào”.
Hôm tôi gặp thằng Quậy ở ngay bến xe nó kéo tôi vào quán bia mới mở nhà Khuyển rỗ kể thao thao rằng cái của ấy của lão Phỗng đúng là bị bệnh nên nó mới sưng to như thế, của người chứ có phải của ngựa đâu mà khủng khiếp đến vậy. Nghe nói tay Phềnh em trai lão Phỗng khi thay quần áo cho anh nghiêm chỉnh để khâm liệm phải bảo chị dâu xé dọc mét rưỡi vải xô để quấn cho cái của nợ kia xẹp xuống. Dù là người chết và chỉ hơn nửa giờ rồi đưa vào nhập quan nhưng trông lão Phỗng nằm chềnh ềnh. Người thì ngắn một mẩu, bụng đã phồng lên, bóng lộn như cái gió mẹ lại thêm cái thứ ấy gồ lên trông chướng lắm.
Có lẽ sự quá khổ của của nợ ấy mang lại sự nổi tiếng đầu tiên cho lão Phỗng. Nhưng sự này thì chỉ trừ đám thanh niên lúc đã tống vào họng ba, bốn vại bia cỏ mới choang choác nói ra chứ phần nhiều người ta thì thào. Nếu chỉ có sự ấy thì tôi tin sự nổi tiếng của tay hoạn lợn làng tôi cũng không nhiều lắm. Nổi tiếng hay không đều do dư luận có tung lên, phát ra nhiều hay ít. Còn cái sự này thì đích thực ghim tên tuổi lão Phỗng thành người của công chúng. Ấy là khi họ hàng nhà lão Phỗng tụ tập đông đủ, nghiêm chỉnh chuẩn bị phát tang thì ông cả Bục dắt tay lôi xềnh xệch thằng Bịch con lão đến. Thằng Bịch mắc chứng đao từ nhỏ nên nó chỉ biết giương mắt lờ đờ, miệng rỏ dãi ròng ròng nhìn mọi người. Đến khi bị bố ấn vào đám con, cháu lão Phỗng thì nó toét miệng cười. Trong khi đó bố nó vừa thì thào vừa thọc tay vào đống khăn tang tay Phềnh đang cầm rút vội ra một cái quấn vào đầu thằng Bịch. Mọi người trố mắt nhìn việc lạ lùng ấy vì nhà lão Phỗng và lão Bục chỉ là hai thằng bạn từ nhỏ và có cùng đi bộ đội rồi phục viên về cách nhau vài tháng, chứ có dây mơ rễ má ruột thịt gì đâu. Đám tang chưa hết ngạc nhiên vì việc kì lạ của cả Bục thì từ ngoài cổng đã thấy rống lên tíếng đàn bà khóc tru tréo, rền rẫm, rồi liền một lúc là hai giọng khóc thảm thiết nữa cùng rống lên. Mọi người nhìn ra thì thấy chị Hoát rỗ, rồi lần lượt cô Đồng đen, bà Ngởi kinh kông…Mỗi ngưòi lôi lếch thếch một đứa trẻ tất tả vào quỳ dưới linh cữu lão hoạn lợn. Đứa nào đứa nấy đều có đôi mắt ốc nhồi to át đến một phần ba khuôn mặt. Cả họ, cả nhà lão Phỗng đang mở căng hết cỡ những cặp mắt ướt nhoèn nứơc mắt nhìn ba ả đàn bà thì nhà chị Oản thọt như vừa đi đâu về, quần sắn móng lợn bên thấp bên cao, tóc xoã xượi, mồm bu lù bù loa, đẩy cái Nhâm là con gái chị ta rẽ hàng rào râm bụt vừa bị lão Phỗng phá một nửa ào sang. Con Nhâm chả hiểu vì sao bị mẹ lôi sang đám tang nên cũng giương đôi mắt to tướng hệt như mắt ba đứa con của ba bà vừa kéo đến. Liền một lúc bốn cánh tay chìa ra, bốn cái mồm lắp bắp câu được câu chăng:
- Thôi thì…cũng là nghĩa tử nghĩa tận…xin chị, xin các ông các bà cho cháu nó một cái khăn để nó để tang bố nó chứ không..thì..
Bà Phỗng đứng ngẩn ra một lúc, rồi đột ngột khóc ré lên, nức nở:
- Ới ông Phỗng ơi là ông Phỗng. Ông chết rồi mà còn để tiếng nhục cho tôi thế này ư….Có thứ người nào mà như ông…ăn đời ở kiếp với nhau…Con sống, con chết, đủ trai, đủ gái vậy mà nỡ lòng nào ông ăn ở mấy lòng với tôi. Ông đã làm gì khi đi hoạn lợn mà ông vừa nằm xuống cả làng đến xin khăn để đội cho con rơi, con vãi của ông …. Ới ông ơi là ông ơi.
Cuộc gặp với Phềnh- em lão Phỗng
Thế là lão Phỗng hoạn lợn làng tôi thành nổi tiếng. Mà sao lại không nổi tiếng cơ chứ. Tay Bát méo mồm hồi máy bay Mĩ đánh bom làm bật gốc cây si cổ thụ ở gò Văn Chỉ lúc say rượu tự nhiên đọc ông ổng hai câu vè “anh đi bộ đội mười năm. Ở nhà em sẽ đắp chăn em chờ” mà dân làng đã gọi là nhà thơ đến nay mỗi khi có đám cưới, hay hội nghị gì người ta vẫn nhắc. Có nhà báo còn về phỏng vấn vợ gã xem có đúng câu vè này có nói về bà ta không. Rồi ông Cổn cải mả đến dư chục năm rồi mà câu “nông dân chùi chân đi ngủ” của ông vẫn được đám chồng lười tắm ở làng vẫn hì hì nói lại khi vợ giục đi rửa chân trước khi lên giường. Huống hồ lão Phỗng, một hoạn lợn bình thường nhưng lại có công làm cho hàng đống đàn bà ế ở làng này có con để tuổi già đỡ cô quạnh. Hôm tay Văn Thi chủ nhiệm (đáng ra phải gọi là Chủ tịch mới đúng nhưng vì quen gọi chức tứơc của hợp tác xã nông nghiệp một thời rồi) Hội thơ làng gọi điện eo éo bảo tôi phải về bằng được để dự cuộc ra mắt tập thơ của ông lang Tán một vị tiền bối của làng. Cuộc này có thể gọi là long trọng vì có sự chủ trì của cả Đảng uỷ và Uỷ ban xã ( nay là phường). Tôi về hơi muộn, nên mặc dù Văn Thi giới thiệu trân trọng tôi vẫn giơ tay xin được ngồi hàng ghế dưới. Đang lúi húi tìm thế ngồi cho thoải mái thì bỗng nghe tiếng ghế xê dịch, rồi một tiếng phịch khá to bên cạnh. Liền đó là mùi hơi miệng hăng hăng như mùi măng chua ngâm quá ngày thì thào bên tai :
- Em chào anh. Anh có nhận em không?
Tôi ngẩng lên, quay đầu sang bắt gặp ngay cái nhìn chòng chọc của người đàn ông có đôi mắt lồi to qúa khổ.
- Em là Phềnh, em anh Phỗng …
Tôi bật cười:
- Nhớ rồi, nhận ra rồi. Anh chú nổi tiếng cả làng à quên cả phường như thế …
- Đấy chính vì anh em như thế nên hôm nay biết anh về, tuy em không là thành phần được mời dự. Vì em…
Phềnh vừa gãi đầu khiến mái tóc rậm rì đã qua kì phải cắt rối bù lên, đôi môi dầy sụ giống anh nẩy bần bật khiến mùi măng chua lâu ngày càng toả ra đậm đặc.
- …Vì em có biết văn thơ là gì đâu. Nhưng anh Phỗng em lúc mất đi có để lại một cuốn vở. May là em còn giấu đi, chứ như chị dâu em thì nhất quyết là đốt đi hết…Hị hị.
Vừa nói Phềnh vừa rút túi sau quần ra một cuốn vở loại ba hào hai dầy sụ cũ kĩ bìa màu vàng nhạt bẩn lem nhem đưa cho tôi, cái đầu rối càng nghiêng hệt như quả gấc trên nhánh dây quá nhỏ đậu trên giàn.
- Em nói thật cuốn sổ này của anh em còn dầy hơn cuốn của ông lang nhiều. Thế mà thằng Tản còn in cho bố nó thành cuốn sách rõ đẹp. Mà ông lang này làm sao nổi tiếng bằng anh em được. Ông ấy chết từ đời tám hoánh nào ấy. Khối người ở làng này còn không biết ông ấy là ai. Trong khi đó anh em, chả cứ làng này mà…
- Tức là chú định in tập này cho anh chú chứ gì.
- Hị hị. Ông anh đúng là sáng dạ. Chứ còn gì nữa. Tiền nong không thành vấn đề. Cốt là nó in ra được.
- Nhưng để tôi phải xem nó thế nào đã chứ.
- Hị, hị. Ùi. Anh là nhà văn. Có gì anh sửa cho anh em. Nếu thấy còn mỏng thì anh viết thêm vào, rồi đề tên anh em. Tất nhiên em không để anh thiệt đâu.
- Nhưng dứt khoát phải in à?
- Vâng. Cái này em học thằng Tản. Nó bảo người nổi tiếng đến đâu mà không có sách vở để lại thì lâu lâu người ta cũng quên đi, thế cho nên..
Tôi suýt bật cười, nhưng cố nhịn:
- Sao không nhờ anh Văn Thi làm cho tiện chứ anh ở xa …
Phềnh quay đầu ngó xung quanh, rồi cúi thấp hơn hạ giọng:
- Hị hị. Anh là nhà văn trên trung ương chứ ông Văn Thi chỉ quanh quẩn ở làng không oai .
Ghi chép trong cuốn vở của lão Phỗng
Cuốn vở của lão Phỗng là một cuốn sổ tạp nham, ghi đủ thứ. Trang thì dầy đặc những con số, ngày giờ, tên gia đình, số tiền đã thanh toán và chưa thanh toán xung quanh việc hoạn lợn. Rồi cả tiền mua rượu lão đã trả, hay vẫn nợ. Thỉnh thoảng còn có cả những khoản tiền kèm theo những dòng cộc lốc kiểu “đưa cho Hoát để đưa thằng bé ra trạm xá” . ”Nhớ đưa cho Ngởi năm chục đồng”. “ Thọt xin trăm hai mua phân hoá học”…Xen vào giữa những trang, những dòng ghi đầy những con số đó là những đoạn ghi chép mà bất kì người nào đọc vào thì có lúc cười toé ra như bị cù vào nách, hay lặng đi vì tự nhiên bị đẩy vào tâm trạng không rõ là cảm động hay u hoài vì những cảnh sống của con người. Tôi xin lẩy ra đây đôi ba đoạn để các vị cùng tham khảo rồi góp ý với tôi xem có nên bỏ tiền ra in cuốn vở này như ý của tay Phềnh em lão Phỗng hoạn lợn không.
Đoạn 1 không thấy ghi ngày tháng, câu chữ , chấm phẩy bất chấp hết luật lệ. Khi chép lại, tôi thêm dấu má vào cho tiện đọc.
“Con mụ vợ tớ hay thật. Vì mụ chả bao giờ đọc một thứ gì. Vớ tờ báo thì mụ gấp lại bảo” để nhỡ phải gói cái gì thì có. Tiện. Vớ cuốn sách, mụ dúi luôn vào bồ thóc cho đỡ vướng. Gỉa dụ thấy cuốn sổ này, mụ cũng để gọn lên bàn ngay cạnh ấm nứơc. Tớ đi đâu về. Bất kì lúc nào hễ mụ ở nhà thì chỉ hỏi độc một câu ”hôm nay được mấy đồng. Sáng thằng Phụng xin tiền mua sách. Con Phượng chiều qua cũng đòi mấy đồng đấy” nên tớ cóc lo mụ có thể đọc nhưng gì tớ viết trong này”
Lật qua vài trang rặt số với ngày giờ hẹn khách đến một trang lão Phỗng viết chi chít, dầy đặc
….” Không biết có chuyện gì mà thằng cha Bục sáng nay gặp tớ ở gần cổng chùa bảo chiều nay không ăn cơm nhà đến nhà hắn uống rượu. Tớ hơi ngạc nhiên hỏi lại. Cha này có vẻ buồn buồn bảo” để nhớ ngày hai chúng mình cùng đi bộ đội”.
- Ờ cũng hay đấy nhỉ. Nhưng để thằng này xem hôm nay có vướng đám nào hẹn không.
Bục thở dài đánh sượt:
- Ông hi sinh cho tôi chiều nay đi. Nếu hụt bao nhiêu tiền tôi đền. Lợn không hoạn hôm nay thì ngày mai. Nói chuyện ở nhà kín đáo, mà con vợ tôi vừa về trông mẹ mai mới xuống. Có mụ ấy ở nhà nói năng cũng không tự do.
Chính vì mấy câu Bục nói sao nên tớ dẹp mọi việc sang một bên nhận lời Bục.
… Đến nơi thấy Bục ngồi khoanh vòng tròn trước một mâm tươm tất. Liếc qua thấy một đĩa lòng lợn, một bát rau sống, đĩa đậu nướng, đĩa cá rô rán mềm. Cạnh mâm là bi đông cùng hai cái chén tống. Vừa nhìn thấy tớ mặt Bục có vẻ tươi hơn ban sáng, giọng lệt xệt bảo:
-May bà tớ cũng vừa sang nhà dì Ngọt. Trước khi đi cụ nói có vẻ bức bối lắm…
- Chắc bà giận cậu chuyện gì hả ?.
Bục nâng chiếc bi đông lên, tay kia xua xua:
- Thôi uống cho ngon đã. Có chuyện gì đâu. Hôm nay tôi rắp tâm đựng rượu vào anh bi đông quân dụng này để nhớ hồi ở chiến trường một tý
Tớ cười khì khì rồi đưa tay cầm chén rượu.Hai thằng tớ thi nhau lia liền tới năm, sáu chén mới hạ xuống mâm. Bục ta lấy đũa gắp cho tớ miếng dồi kẹp díp với miếng dạ dày, giọng đã hơi nhừa nhựa.
- Chén đi. Rượu được đấy chứ”.
- Được. Đậm nhưng êm.
- Chuyện, Bồng Lai, Bá Giang chính hiệu đấy. Kìa lên đũa đi chứ
Tớ cũng gắp lại cho Bục miếng dồi kẹp miếng gan. Hai thằng cạch chén lần nữa. Tớ nuốt xong miếng mồi, chợt nhớ ra:
- Hôm nay uống kỉ niệm đời lính. Tưởng gì ?.
Tớ hỏi nhưng bỗng chột dạ khi thấy Bục thở đánh sượt một cái rồi lại đưa chén rượu về phía tớ. Lại tiếng cạch khẽ vang lên. Bục hít mạnh một hơi, rồi ngửa cổ đổ chén rượu vào lỗ mồm đang há hoác. Nuốt ực một cái mặt Bục lỳ ra trơ như mặt bê tông láng xi măng. Một lúc sau nó mới khò khè nói liền tù tỳ như sợ ai chen ngang.
- Nhà tôi hai anh em. Ông biết rồi đấy. Nhưng giờ tôi lại là con một. Thế mới chó chứ. Tôi bị thương trong chiến trường. Ông biết rồi đấy. Bác sĩ bảo vì vết thương hiểm nên tôi không có khả năng sinh con. Bà tôi thì nhất quyết bảo nhà này không thể tuyệt giống được. Thế là vô phúc. Ông biết rồi đấy”.
Tớ nhíu mắt nhìn gã cùng làng chưa kịp nói gì thì Bục lại tuôn ra một tràng:
- Con vợ tôi thì yêu tôi tha thiết. Nó dứt khoát chờ tôi về bằng được. Ông biết rồi đấy. Tôi cũng rất thương nó, thành ra…”.
Nghe Bục nói tớ thốt ra
- Cũng nan giải đấy chứ”.
- Chả có gì mà nan giải cả. Ông uống đi, này chén miếng cổ hũ đã.
Bục đặt miếng mồi vào bát tôi. Hai thằng lại chạm, lại uống. Xong xuôi Bục lia một hồi như liên thanh.
-Tôi với ông là bạn thân, cùng làng.. Ông biết rồi đấy. Lại cùng đi bộ đội tức là thành đồng đội. Mà đã là đồng đội thì ông biết rồi đấy. Sống chết không bỏ được nhau. Vì thế việc này ông phải gíup tôi.
- Giúp cái gì?.
Tớ bắt đầu ngạc nhiên hỏi. Giọng Bục nghiêm lại:
- Giúp vợ tôi có đứa con chứ gì nữa.
- Món này tớ mù tịt. Thuốc thang cậu phải xuống Vệ hỏi mấy ông lang, hay ra bác sĩ “.
- Thôi, ngắn gọn thế này nhé. Cậu thay tớ làm chồng con vợ tớ để…. Bục lầm rầm nói. Tớ giẫy nẩy lên:
- Không được, dứt khoát không được. Ai lại làm thế bao giờ .
- Sao lại không được. Đây là tớ nhờ cậu. Cậu biết rồi đấy.Tớ chỉ tin cậu thôi. Đừng từ chối tớ. Tớ van cậu đấy. Vì vợ chồng tớ. Vì mẹ tớ. Cậu hiểu không ?”.
Bục rót đầy hai chén rượu nghiêng người dúi vào tận tay cho tớ. Mắt Bục nhìn thẳng vào mắt tớ nhắc đi nhắc lại “cậu phải gíup tớ. Phải giúp tớ. Cậu biết rồi đấy. Biết rồi đấy”.
Đoạn này cũng không thấy ghi ngày tháng, nhưng ngắn cụt lủn.
… Từ hôm ấy tớ trốn không gặp Bục. Nhưng đúng là số trời. Hôm trước vào làng Noi hoạn lợn nhà Vế Tài. Lúc về gặp giời mưa to. Ướt như chuột lột. Có thể vì ngấm nứơc mưa nên lăn quay ra ốm. Mình mẩy đau như dần. Không biết ai mách cho Bục mà đúng hôm tớ bắt đầu rời rợi thì thằng cha lò dò đến. Tớ nhăn nhó bảo mình đang cúm. Mà có khoẻ cũng không thể làm cái trò ấy. Bục gần như xốc nách tớ đến nhà nó, dọc đường thằng cha còn bảo “ông giúp cái Hoát rỗ, mụ Đồng đen, ả Ngởi còn được. Tôi là đồng đội mà ông nỡ từ chối tôi à?”. Tớ oằn oài trong tay Bục chối bai bải ”ai bảo cậu thế”. “Mắt con nhà mấy mụ đứa nào cũng mắt ốc nhồi. Làng này làm gì có mắt như thế ngoài cậu “. Tớ im lặng để Bục lôi vào nhà. Trên bàn nhà Bục lại một mâm tú ụ thức ăn. Vợ Bục nhìn thấy hai thằng dìu nhau vào đon đả “ gớm hai ông cứ như nhân tình, nhân bánh…Ờ, nhà em bảo em từ sáng làm mấy món để mời anh sang kỉ niệm ngày đi bộ đội. Thôi mời hai anh vào đi cho khỏi nguội. Em chạy sang bên thím Méo xin nắm húng đã. Lòng lợn mà thiếu húng mất ngon”…Nói chưa dứt vợ Bục nguây nguẩy đi ra cổng…
Cố tợp vài ba chén do Bục ép quá, tớ nghĩ kế đánh bài chuồn bảo”hôm nay tớ đang cúm giả dụ có làm bậy thì tớ thấy cô Đăm y tá xã bảo lúc có chửa mà bị cúm là con sinh ra sẽ…gì gì ấy”. Bục lắc đầu”cậu không lừa được tớ đâu”. Thế rồi loay hoay không hiểu trời tối lúc nào không biết, tớ thì thấy chuếnh choáng tợn…
Đoạn này thấy viết đến đây thì dừng, tôi lật thêm mấy trang nữa, chăm chú xem đi xem lại thêm có đoạn nào nối với đoạn này, nhưng tìm mãi không thấy. Gỉơ thêm khoảng hơn hai mươi trang gặp một đoạn viết kéo đến gần ba trang. Cũng không thấy đề ngày giờ gì cả.
Hôm ấy vợ tớ đi mời họ hàng nội ngoại để chuẩn bị giỗ lề bố tớ. Mụ này đúng là con vợ trời cho tớ. Bây giờ có ai hỏi tớ là giỗ bố tớ, mẹ tớ, ông bà tớ ngày nào tớ chịu nhưng vợ tớ thì nhớ vanh vách. Bao giờ cũng thế cứ còn cách một ngày đến ngày có việc là mụ ta lại lóc cóc đi mời tất cả mọi người xem ai đến, ai bận không đến được để dự trù xem kì này cần mấy mâm. Kì này cũng thế. Mụ vắt vẻo hai tay ra đến ngõ thì quay vào bảo "Cám lợn tôi nấu xong rồi đấy nhưng độ nửa tiếng nữa nguội thì múc cho nó ăn. Đừng có quên vì con mẹ đang cần ăn để lấy sữa. Kì này nó đẻ sai hơn mọi lần”. Vợ đi rồi, tớ nhởn nha một lúc thì ra thực hiện lời vợ dặn. Múc cám đổ đầy hai phướng rồi nhìn lợn mẹ lặc lè lê hai chùm vú đến vục mõm vào bãi cám còn loe hoe vài làn hơi mỏng bốc lên. Đàn con đến hơn 20 ỉn nhỏ xíu mũm mĩm, trắng hồng nom đến thích mắt. Đang khom lưng nhìn chăm chú thì thấy sau lưng có cái gì cưng cứng, nhòn nhọn cà vào áo. Tớ quay lại giật mình thấy ả Oản hàng xóm đang cầm be rượu trắng xoá, tay kìa một đùm bù đài lá chuối. Bộ ngực phưỡn ra. Hai chấm bạc phếch nhô cao như chực bục ra. Tớ cau mặt:
- Làm cái gì thế ?
- Này rượu ngon lắm đấy. Cả nem nữa đây này. Thôi không phải nhìn ra cổng đâu, bà ấy vừa đi đúng không?
- Sao cô biết ? Hỏi ả hàng xóm mà tớ thấy bực mình vì sự nhút nhát. Ở chỗ khác thế nọ thế kia gấp trăm nghìn không thấy sợ. Vậy mà ở nhà .
- Thì em vừa gặp bà ấy đi ra cổng chứ còn gì nữa. Uống đi này. Rượu Đăm, nem Phùng hẳn hoi đấy.
- Sao hôm nay cô lại giở chứng thế ? Kinh nghiệm bao lần với những ả đàn bà giở dương, túng mình nên tớ lại buông câu hỏi quen mồm
- Thôi ra chỗ thềm kia ngồi uống, chứ đứng ở chỗ này mùi chuồng lợn bốc lên mất ngon.
Ả hàng xóm đung đưa hai tay, mắt lóng lánh, nhưng giọng lại nỉ non:
- Em nghĩ chán rồi. Đàn bà, con gái lãi vì con. Giờ em có một mình, Đất cát mênh mông, trong năm cắt ra trăm mét vườn bán lấy tiền gửi tiết kiệm ăn dần cũng chả làm gì. Nên em muốn có đứa con. Em xin anh đấy.
- Cô dớ dẩn. Tớ bĩu mồm.
Không ngờ Oản thọt nhấp nhểnh hai chân mà nhanh thế. Nhẩy tách đến ngay cạnh tớ nghiêng đầu, đôi mắt lá dăm long lên:
- Anh cho mụ Hoát rỗ bằm rỗ vằm. Mụ Đồng đen như củ ấu. Còn mụ Ngởi gấu thì được. Còn em thì kém các mụ ấy điểm nào.
- Thôi, thôi….Tớ vừa nói thế thì ả láng giềng choe choé lên như bị bọ giọt đốt.
- Anh mà không cho em thì em sẽ mách vợ anh là anh đã….
- Nhưng mà nhà tôi với nhà cô gần gựa thế này làm gì có điều kiện.
- Xì, thích thì lúc nào chả gần được. Ngay cả tối nay…
Tớ lắc đầu.
- Cô cứ nói thế.Vợ tôi nó tinh lắm.
Oản vung tay lên:
- Anh nhìn thấy đống rơm kia không ? Đấy. Lúc nào thích. Em cho mồi lửa, đống rơm cháy. Mọi người lao vào chữa. Trong lúc đó anh em mình…Hị, hị .
Nghe mụ nói tớ cười toé lên. Ngay lúc đó mụ hàng xóm ngoắt người một cái đã nhảy tách qua hàng rào khúc tần về bên nhà mình.
Gặp lại Phềnh bàn bạc
Tôi đọc đi đọc lại mấy lần cuốn sổ của lão Phỗng để khi gặp Phềnh có thể giải thích cho gã mọi chuyện liên quan, còn tuỳ gã quyết định việc in ấn. Phềnh nghe tôi xong nhăn nhở bảo:
- Em nói với anh rồi. Cái chính là in thành sách cho anh em để mai sau họ hàng, rồi con cháu nhà em nó có cái mà tự hào về anh Phỗng. Còn viết lách thế nào bác cứ sửa thoải mái cho em, kể cả bác viết hẳn lại từ đầu, rồi để tên anh em cũng được cơ mà.
Nói đến đây gã lại ghé sát vào mặt tôi thì thào, mùi măng chua dội lên.Tôi cố không nhăn mặt.
- Em đã phân tích ngọn ngàng chị dâu em là. Anh nhà mình mà có sách thì mấy đứa cháu trở thành con nhà văn. Oai lắm.Lúc đó, đi xin việc hay làm gì thiên hạ cũng nể hơn. Chị ấy thích lắm. Bảo thế thì tuỳ chú. Chị ấy còn giao cho em bán hơn 30 mét đất rau để lo cho việc này cơ mà. Chỗ đất ấy bét ra cũng được non tỷ, xông xênh chán.
- Thôi được rồi. Thời nay có tiền thì muốn in gì chả được. Chỉ có điều…
- Điều gì ạ ? Phềnh giật nẩy mình nhìn tôi.
- Tôi chỉ sợ in những điều ông Phỗng viết vợ ông ấy đọc được nổi đóa lên thì tan cửa nát nhà, mà tôi cũng mang tiếng là biết mà không ngăn để cả làng, cả nứơc biết chuyện …của ông ấy
Nghe tôi nói Phềnh phá ra cười sằng sặc một hồi lâu, mãi sau mới dừng được. Gã đưa bàn tay ram ráp vỗ mạnh vào tay tôi đau rát:
- Anh định nói là chuyện xấu của anh em chứ gì …Ông anh yên tâm đi. Bà ấy biết hết rồi, nên mới bảo em nguyên văn thế này này: "Bây giờ ông nằm xuống rồi. Cáu lên cũng chả ăn cái giải gì. Cơ mà…Tôi thì tôi không thèm chường mặt với cái đám đàn bà thối thây ấy mà chú phải nói rõ cho họ biết. Giỗ chạp là một. Mà không chỉ giỗ ông ấy mà cả bố mẹ ông ấy tức là bố mẹ chú. Hai là những gì dính tới ông ấy như thay áo, xây mồ xây mả ông ấy hay sửa sang mộ cho bố mẹ ông ấy thì mấy con mụ ấy dứt khoát phải có nghĩa vụ đóng góp vào. Chứ đừng tưởng chỉ đưa con, vác mồm đến ăn là không xong với tôi đâu”.
Quỳnh Mai 26/3/2014
Nguyễn Hiếu
Tin cùng chuyên mục
Đâu rồi, võng đay?
02/07/2017
Đứa cháu ngoại
23/06/2017
Nhớ ngoại
16/06/2017
Một thủa vàng rơm
15/06/2017
Con người máy
31/05/2017