Ông Đại tá tìm mộ liệt sĩ và những chuyện khó lí giải
Ôi ước gì, vào buổi tối thiêng liêng, đúng 9 giờ, 9 phút, 9 giây ngày 27-7 hằng năm, ngày mà Bác Hồ đã lựa chọn để tri ân các Thương binh, Liệt sĩ, ở thời khắc ấy, tất cả các ngôi chùa và cả nhà thờ nữa ở khắp đất nước Việt Nam cùng gióng lên những hồi chuông tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và những người lính đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập tự do của nước nhà. Đó là một việc làm mà tôi nghĩ, không khó thực hiện để các thương binh, liệt sĩ và người thân của họ cảm nhận được sự tri ân của chúng ta đối với những người đã xả thân vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Ngồi trước tôi là Đại tá Hồ Trọng Bình, Đoàn trưởng Đoàn Quy tập liệt sĩ, đơn vị anh hùng thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Đó là một người lính chắc đậm, với gương mặt điềm tĩnh. Anh là lính tình nguyện, từng chiến đấu nhiều năm ở nước bạn Căm pu chia. Rồi sau đó, anh chuyển sang nhiệm vụ mới: Tìm mộ liệt sĩ trên đất bạn Lào. Bao nhiêu năm, làm việc miệt mài, từ khi còn là một lính trơn, với mái tóc còn xanh, đến nay, anh đã là Đại tá với mái đầu đang ngả bạc mà công việc vẫn còn bề bộn. Điều đó, chứng tỏ, số lượng anh em hy sinh nhiều đến thế nào. Ấy là chưa kể chiền trường Căm Pu Chia…
- Tìm kiếm liệt sĩ trên đất Lào vất vả lắm. – Đại tá Hồ Trọng Bình bắt đầu câu chuyện - Bởi địa hình Lào rất phức tạp. Cuộc chiến lại khốc liệt, nên bộ đội thường ở những nơi cheo leo hiểm trở nhất. Hành trang của chúng tôi chỉ có chiếc Gas 66 và Zin 130 cùng cuốc xẻng, nhang nến và vải niệm. Hết đường ô tô thì anh em leo bộ. Có khi phải vượt dốc lội suối suốt mấy ngày liền. Nhiều khi phải vừa quỳ, vừa đi mới tới được địa điểm tập kết. Tới nơi, nhìn thực địa lại khác hẳn. Chẳng có dấu hiệu nào được ghi trên bản đồ. Cũng có khi tới một khu rừng rậm rạp như rừng nguyên sinh, thấy quạ bay nhao nhác và bướm rừng tỏa lên như có ai vừa rũ một tấm chăn hoa. Vạch cây dại thì bất ngờ thấy nguyên một cái võng treo bùng biêng trong dây leo quấn chằng chịt. Một bộ hài cốt vẫn đắp trong chiếc chăn dù. Có lẽ một người lính nào đó mắc võng, nằm ngủ. Rồi bị sốt rét chết rất lặng lẽ. Mỗi năm cây rừng lại bao phủ, thành một ngôi mộ táng giữa trời. Còn thì rất nhiều mộ đã thành bằng địa, thành đại ngàn thâm u. Mấy chục năm qua rồi...
- Vậy thì làm sao mà tìm được những ngôi mộ bị thời gian xoá hết dấu vết?
- Phải dựa vào dân thôi. Dựa vào dân là chắc chắn nhất. Chúng tôi cũng đã đưa một số anh em cựu chiến binh sang bên này. Họ chính là những người trong cuộc, từng trực tiếp chôn cất liệt sĩ. Nhưng tới nơi, họ cũng chịu, không thể nào còn còn nhận ra được dấu tích cũ nữa. Bãi hoang thành rừng rậm. Bởi thế, có hài cốt nằm sâu dưới gốc cây to đến mấy người ôm. Lại có ngôi mộ nằm ngay giữa bụi tre. Mà tre rất rậm. Cả một rừng tre chứ đâu có ít. Trong bản đồ đơn vị để lại, có ghi dấu tre pheo nào đâu. Chính những người chôn cất liệt sĩ cũng không thể ngờ được rằng, cái cáng tre khiêng liệt sĩ mà họ đóng xuống bên mộ làm cọc đánh dấu ấy, sau mấy chục năm đã trổ thành một bụi tre dày. Rồi bụi tre lan thành rừng tre. Bởi thế, chính những người trong cuộc, lại có những hạn chế rất khó vượt qua. Vì vậy, chúng tôi phải dựa vào dân bản xứ, tìm đến các già bản. Dân Lào rất yêu quý và biết ơn bộ đội tình nguyện ta. Có cụ già bản không những nhớ kỹ từng ngôi mộ mà còn nhớ cả đặc điểm, tính nết và những kỷ niệm rất sâu nặng của những người nằm dưới mộ nữa. Bởi thế, một trong những nguồn quan trọng của chúng tôi trong việc tìm mộ liệt sĩ là dựa vào dân. Rồi dựa cả vào địch nữa...
- Sao? Dựa vào địch à?
- Vâng! Nhờ cả địch dẫn đi tìm mộ...
- Nghĩa là những người trước đây ở trong hàng ngũ địch...
- Vâng, đúng thế! Trước đây họ ở trong hàng ngũ địch và bây giờ, có người vẫn tiếp tục làm việc cho địch. – Đại tá Hồ Trọng Bình xác định - Chúng tôi biết rất rõ điều ấy. Nhưng vẫn phải tận dụng họ, vận động họ. Giải thích cho họ biết điều hay, lẽ phải. Có khi phải “ba cùng” với họ, không quản ngại nguy hiểm, ở nhà họ đến hàng tháng trời. Rồi nai lưng giúp đỡ gia đình họ, vợ con họ. Thấy mình làm việc thiện, lại chân tình, tốt bụng, nên rồi họ cũng hiểu ra và giúp mình rất thật lòng. Ví như một người lính của phỉ Vàng Pao. Anh chàng này trước đây đã từng bị ta bắn mất mũi. Bây giờ, anh ta vẫn tiếp tục làm việc cho phỉ. Tôi trực tiếp cùng anh ta vào rừng. Anh ta đi thì mình đi. Ngủ thì mình cùng ngủ. Nhưng phải rất cảnh giác. Có động tĩnh gì là phải ứng phó được ngay. Cũng may là chưa có điều gì xảy ra. Anh ta chỉ mộ rất chính xác. Chính anh ta đã giúp chúng tôi tìm được hơn một trăm ngôi mộ...
- Liệu có sự nhầm lẫn không? Người Lào với ta lại cùng hình dáng, kích cỡ...
- Không, không thể nhầm lẫn được. Chỉ trông thoáng qua mộ là chúng tôi nhận ra được ngay. Mộ của người Lào họ chôn rất thẳng hàng. Xung quanh lại khoét rãnh thoát nước. Mộ của bọn phỉ thì thường xếp đá. Hài cốt của anh em bộ đội ta thường được bọc trong võng và tăng. Cứ nhìn tăng với võng là không thể lẫn đi đâu được. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn gặp cả những ngôi mộ tươi. Nghĩa là mộ đào lên, anh em vẫn nguyên vẹn, chưa hề bị phân huỷ, dù đã nửa thế kỷ nằm dưới đất. Vậy mà có người vẫn còn nguyên cả ria mép, cả vết trổ ngày tháng năm sinh nơi cánh tay. Có lẽ đó là những người lính hy sinh mấy ngày mới tìm được xác, nên có mùi, anh em phải gói kín trong mấy cái tăng, nên xác không phân huỷ được...
- Có phải đó là mộ kết không?
- Không, mộ kết hoàn toàn khác. Trong hơn ba mươi năm bốc mộ anh em, tôi mới chỉ gặp có hai mộ kết. Đó là hai ngôi mộ chôn cất rất đàng hoàng bằng quan tài. Hai người lính này đều chết trong bệnh viện. Mộ kết, đất rất cứng và nóng. Xung quanh quan tài có giăng một lớp vàng óng như tơ tằm. Quan tài mở ra thấy một lớp băng đầy lùm và trắng xoá như tuyết. Vài phút sau, mầu trắng tuyết chuyển sang mầu hồng tím rồi lại vàng óng như tơ tằm. Chừng mươi phút sau, tất cả các màu sắc rực rỡ như ảo giác ấy tan biến, để lộ ra nguyên hình một bộ xương người đen sẫm như mun. Dưới đáy quan tài lại xuất hiện những hạt nâu lổn nhổn như những hạt đậu...
- Vậy trong hơn ba mươi năm quy tập hài cốt liệt sĩ, có kỷ niệm nào đối với anh là ấn tượng nhất?
- Ấn tượng thì rất nhiều. Có những hiện tượng tôi không còn biết giải thích như thế nào. Tôi không phải là người duy tâm. Nhưng quả thật có những chuyện rất khó lý giải. Phần lớn mộ anh em ta không có tên. Thi thoảng mới có mộ có ống Penicilin, bên trong ống tiêm là dòng tên liệt sĩ. Có khi vẫn có ống tiêm nhưng mảnh giấy ghi tên anh em lại mục mất rồi, không thể đọc được nữa. Chúng tôi phải kết hợp với sơ đồ, với cơ quan chính sách của các đơn vị để xác định tên tuổi các liệt sĩ. Nhưng đó là một việc không hề đơn giản. Thi thoảng trong hàng trăm hài cốt liệt sĩ nằm chờ đưa về nước mới có một phụ nữ...
- Làm sao có thể biết được họ là phụ nữ?
- Cái đó thì lại đơn giản thôi. Phụ nữ, xương sọ thường nhỏ, nhưng xương chậu lại to. Rồi còn đồ trang sức, như lược, gương, rồi cả những lọn tóc. Người phụ nữ nằm kia có thể là văn công hoặc y tá. Cô còn có cả một sợi dây chuyền vàng, chúng tôi niệm luôn cùng với hài cốt. Điều ấn tượng rất khó giải thích đối với tôi lại là chuyện này. Một lần, chúng tôi chở 45 hài cốt liệt sĩ về nước. Xe chở liệt sĩ thì các anh biết đấy. Nó là loại xe tải, phủ bạt kín mít. Về đến Kỳ Sơn, chúng tôi dừng lại ăn cơm trưa. Ai ngờ bọn kẻ cắp lại tưởng chúng tôi chở hàng hoá gì quý hiếm lắm. Chả gì thì cũng là xe từ nước ngoài về. Thế là một thằng leo lên xe, ăn trộm luôn một bọc. Chúng tôi về bàn giao cho các cơ quan chức năng rồi làm lễ truy điệu, đếm đi đếm lại mãi vẫn thấy thiếu một bộ hài cốt. Nghĩ bụng, quái, hay là mình đếm nhầm. Nhưng chả lẽ từng ấy con người mà lại nhầm được? Chúng tôi trở lại đơn vị tìm cũng vẫn không thấy. Lòng rất bứt dứt. Còn tên trộm khi mở vuông vải đỏ ra, biết không phải hàng hoá, hắn táng tận lương tâm ném luôn vào bụi tre. Và thế là một sự việc rất lạ lùng xảy ra. Một cô bé học sinh lớp 11 rất xinh xắn và ngoan ngoãn nết na nhất trong làng bỗng nhiên phát điên. Cô bé cứ rót rượu uống ừng ực và quát tháo om xòm, gọi đúng đích danh tên kẻ trộm, rằng muốn sống phải mua vé cho tao về Nghệ An. Đồng đội tao đã về hết rồi. Tại sao lại vứt tao vào bụi tre, để mối xông vai tao thế này. Mọi người thấy lạ, ra bụi tre tìm thì quả có thế thật. “Anh lính” qua miệng cô bé còn nói vanh vách tuổi tên, quê quán, đơn vị, ngày tháng hy sinh. Quê anh ở Nghi Diên , Nghi lộc, Nghệ An. Huyện đội Kỳ Sơn về nhận lại bộ hài cốt và điện cho chúng tôi. Khi đó cô bé mới dứt khỏi những cơn mê hoảng. Hai tháng sau, chúng tôi mới về được để nhận lại bộ hài cốt. Thế là trong số 45 liệt sĩ chúng tôi đón về nước đợt ấy, chỉ duy nhất có một người có tên, và đó lại là người lính xấu số ấy...
- Anh có tin có thế giới bên kia không?
- Tôi đã nói rồi. Tôi không phải là người duy tâm. Tôi cũng không tin có ma tà hay thần thánh gì cả. Nhưng trong công việc cụ thể mà chúng tôi đã gặp, có những chuyện rất khó lý giải. Ví như một lần chúng tôi đi tìm mộ. Đang giữa rừng, lại gặp một trận giông. Mây đen kéo đầy trời. Nếu mưa thì rất gay. Những trận lũ rừng của Lào thì anh thấy rồi đấy. Nằm bẹp mấy ngày là chuyện thường. Mà chưa kể suối lũ. Riêng mưa rừng thôi, cũng chẳng biết lấy gì che. Có bao nhiêu tấm nilon, dành hết gói liệt sĩ rồi. Bây giờ che cho mình, lại để anh em ướt ư? Họ đã nằm bao nhiêu năm dưới đất rừng lạnh lẽo. giờ lại phải chịu mưa gió nữa ư? Thế là anh em chúng tôi thắp hương khấn. Mặc dù không tin nhưng vẫn khấn: “Chúng tôi được Đảng và nhân dân giao phó cho nhiệm vụ đi tìm và đưa các anh về với đất mẹ. Xin các anh hãy phù hộ chúng tôi thoát cơn mưa giông này và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Thế rồi như có phép nhiệm mầu, mười phút sau giông tan. Nắng bừng lên rực rỡ. Mặc dù ở quanh chúng tôi, ngoài những miệt rừng xa, mưa vẫn trút xối xả? Vậy thì anh bảo hiện tượng ấy là hiện tượng gì? Ly kỳ lắm! Hay như có lần, chúng tôi đã đến địa điểm tập kết. Theo như sơ đồ chỉ dẫn thì ở đó có đến mười hai ngôi mộ liệt sĩ. Chúng tôi đào bới suốt ba ngày, tìm khắp vẫn không thấy. Mộ đã thành bằng địa. Sau anh Đồng, đoàn phó phụ trách chính trị thắp hương khấn, rồi nhắm mắt chạy. Anh chạy chừng được 50 mét thì vấp ngã ở ngay chỗ đất bằng phẳng nhất. Chúng tôi đào ngay dưới chân anh. Quả tìm thấy 5 bộ hài cốt. Rồi đào lân ra bốn xung quanh, chúng tôi tìm thấy trọn vẹn cả mười hai ngôi mộ. Rồi lại một lần khác, chúng tôi ra đi, trước khi lên đường, chúng tôi thắp hương, xin các đồng chí phù hộ để hoàn thành nhiệm vụ. Đi được một đoạn đường, tôi cứ thấy bồn chồn rất lạ. Linh tính có điều gì không bình thường. Tôi quay lại, đi tắt con đường khác. Quả khúc đường ấy có thổ phỉ phục kích. Đúng là “anh em” đã “báo” cho mình..
- Như thế hoàn toàn có một thế giới mà chúng ta vẫn gọi là Thế giới Tâm linh?
- Điều ấy tôi xin nhường các nhà khoa học lý giải. Trong thâm tâm, quả thật, tôi cũng không hiểu gì về Thế giới Tâm linh. Tôi cũng không duy tâm. Nhưng tôi tin vào sự kỳ diệu của con người, về vẻ đẹp vĩnh hằng của những người lính đã khuất. Quy tập hài cốt liệt sĩ là một công việc rất vất vả và không kém phần nguy hiểm. Đã có không ít những người lính của chúng tôi ngã xuống trên con đường đi tìm đồng đội này. Mới đây ở đơn vị tôi có Vi Văn Khanh. Anh bị sốt rét ác tính, nằm lại giữa rừng lào, trong lúc đang đi tìm kiếm đồng đội. Danh sách những liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào lại nối dài thêm. Tuy vất vả, nguy hiểm như thế, nhưng khi nhìn những người mẹ, người vợ đón nhận hài cốt của chồng, của con sau bao nhiêu năm đằng đẵng xa cách, chúng tôi lại thấy yên lòng. Có một chị vợ liệt sĩ đến viếng chồng tại nghĩa trang Việt Lào ở Anh Sơn. Mấy chục năm nay, giữ tờ giấy báo tử của chồng, chị chỉ biết anh hy sinh ở mặt trận phía Tây. Nhưng phía Tây thì biết ở đâu? Được tin hài cốt anh đã được đưa về nghĩa trang, chị lặn lội tìm đến, sau khi thắp hương cho chồng, chị quay lại vái chúng tôi. Tôi phải đỡ chị dậy. Khổ, chúng tôi có công lao gì đâu. Nếu cần cám ơn thì chị nên cám ơn một ông già Lào. Chính ông đã dẫn đường cho chúng tôi tìm được mộ chồng chị. Hoặc biết đâu chính chồng chị đã “chỉ dẫn” cho ông già Lào làm được một việc thiện, một việc phúc đức. Thì tôi đã nói rồi. Tôi không tin có thần thánh, ma quỷ, nhưng tôi tin vẻ đẹp vĩnh hằng của con người. Vẻ đẹp ấy không bao giờ mất dù đời người rất đỗi ngắn ngủi. Biết đâu, mỗi việc thiện tốt lành mà chúng ta làm được cho cuộc sống hôm nay, chả có sự “giúp đỡ, chỉ dẫn” của những người đã khuất?
Đại tá Hồ Trọng Bình ngồi lặng. Khóe mắt ngân ngấn nước. Hơn ba mươi năm miệt mài tìm mộ liệt sĩ ở đất bạn Lào, anh đã đưa về bao nhiêu đồng đội rồi, mà công việc vẫn ngổn ngang. Có lẽ còn phải chờ đến thế hệ con anh, cháu anh tiếp sức. Ấy là chưa kể còn chiến trường Căm pu chia, với hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống bè lũ diệt chủng Pôn bốt. Có lẽ không ở đâu, lại có nhiều người chết trận như ở Việt Nam. Hầu như làng nào, xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Có xã có đến mấy nghĩa trang. Chỉ riêng tỉnh Quảng Trị đã có 72 nghĩa trang rồi, trong đó có nghĩa trang quốc gia đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn, mỗi nghĩa trang hàng mấy vạn ngôi mộ. Còn bao nhiêu hài cốt anh em vẫn còn nằm trong những cánh rừng, những ngọn núi xa khuất mà chúng ta còn chưa quy tập được? Hiện nay, theo con số của Bộ LĐTBVXH, chúng ta vẫn còn hơn 300.000 liệt sĩ mà chúng ta chưa tìm được hài cốt. Đấy là nỗi day dửt của tất cả những ai còn có lương tri.
Tôi lại nhớ, có lần đi cùng đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào nghĩa trang Trường Sơn cũng dịp trong dịp 27-7. Đoàn đi trong đêm. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch nước đi bằng tầu hoả, ăn cơm nắm với muối trắng, uống nước gạo rang như những người lính ra trận năm xưa, và dọc đường, hai bên thành tầu, trong mỗi toa tàu đều vang lên những bài ca của thời chiến trận. Khi Chủ tịch nước cùng các tùy tùng thả hoa xuống dòng Thạch Hãn, lập tức nhói lên hai bên bờ là bản nhạc Hồn tử sĩ và ca khúc phổ bài thơ của thi sĩ Lê Bá Dương, một người lính của Thành cổ Quảng Trị năm xưa: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Tôi chợt bàng hoàng nhận ra rằng, hóa ra, con sông trong vắt và buốt như nước mắt kia lại là một nghĩa trang bằng nước. Và khi tôi trở lại Trường Sa, trước khi vào đảo, chúng tôi thả hoa xuống biển để tưởng nhớ những đồng đội không còn trở về của mình, tôi cũng choáng ngợp nhận ra cả một dải Biển Đông mênh mông bát ngát kia cũng là một nghĩa trang bằng nước. Trên dải đất hình chữ S này, còn bao nhiêu những con sông, con suối là những nghĩa trang bằng nước như thế?
Nếu mỗi ngôi mộ chỉ thắp lên một ngọn nến thôi thì đêm đêm cả nước ta sẽ sáng rực lên như một dải Ngân hà. Một dải Ngân hà cháy trên mặt đất. Chỉ thế cũng đủ biết, sự hi sinh của cha anh cho cuộc sống yên bình của chúng ta hôm nay lớn đến mức thế nào.
Ôi ước gì, vào buổi tối thiêng liêng, đúng 9 giờ, 9 phút, 9 giây ngày 27-7 hằng năm, ngày mà Bác Hồ đã lựa chọn để tri ân các Thương binh, Liệt sĩ, ở thời khắc ấy, tất cả các ngôi chùa và cả nhà thờ nữa ở khắp đất nước Việt Nam cùng gióng lên những hồi chuông tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và những người lính đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập tự do của nước nhà. Đó là một việc làm mà tôi nghĩ, không khó thực hiện để các thương binh, liệt sĩ và người thân của họ cảm nhận được sự tri ân của chúng ta đối với những người đã xả thân vì nền độc lập tự do của dân tộc. Người chết chỉ chết khi chúng ta quên họ, không còn nghĩ đến họ nữa. Chúng ta luôn biết ơn họ thì họ còn sống mãi. Và cùng với mỹ tục đó, chúng ta thiết tha mong các địa phương, hãy rà lại trên địa bàn mình những bố mẹ, vợ con các liệt sĩ, rồi các thương binh bệnh binh, để chúng ta cùng chung tay giúp đỡ họ, để không ai phải đói rét, thất học và bần hàn. Và như thế, đối với chúng ta, ngày nào cũng là ngày 27 tháng 7…