Chương 22. DI CHÚC – tiếp SẬP HẦM (bỏ qua 2 chương)
-Mẹ mày chứ! Làng mày nghèo xác. Sao mày không đầu tư làm kênh mương mà trồng cấy xóa đói giảm nghèo? Sao mày không đầu tư làm đường mà đi? lại đi xây cái cổng làng. Cái đồ trọc phú…Thôi, bỏ qua. Mày di chúc, căn dặn lại với với vợ con điều gì, nói đi để tao ghi vào nào…
Chương 22. DI CHÚC –tiếp SẬP HẦM (bỏ qua 2 chương)
Hôm khánh thành nhà vệ sinh tập thể có người gác, nhà báo Sơn Thủy phỏng vấn Chèo:
-Trên mặt đất, anh cho xây nhà vệ sinh hoành tráng như vậy, còn dưới lò, có nhà vệ sinh không, anh?
Chèo ngẩn mặt một lúc, rồi nói:
-Làm đếch gì có. Hầm lò của ngành Than cũng vậy thôi. Từ xưa đến nay, ai lại làm nhà xí trong lò bao giờ!
-Ô hay, hàng ngày, Công ty anh có hàng trăm người liên tục làm việc ba ca trong lò. Đã đồng hóa thì phải có dị hóa, chứ anh.
Chèo ngây ngô:
-Tôi không hiểu ý nhà báo. Đồng hóa, dị hóa nghĩa là sao?
-Tức là sự ăn uống và sự đi đồng, đi tiểu, anh hiểu không? Con người ta, đã ăn, đã uống, ắt phải đi ỉa, đi đái. Trong thời gian làm việc dưới lò, công nhân đi đái, đi ỉa vào đâu, thưa Tổng giám đốc?
Chèo tưởng nhà báo muốn tìm hiểu công tác vệ sinh môi trường trong lò, liền hào hứng:
-Gớm, nhà báo cứ nho nhe. Đơn giản thôi mà. Anh nào mót, cứ đi vào rãnh thoát nước hoặc đi xong phải chôn lấp, chứ bạ đâu xả đấy, ngửi thế nào được. Hộp đựng cơm, túi ni lon đựng thức ăn, thức ăn thừa, tôi cũng chỉ đạo anh em đem chôn lấp. Công tác bảo vệ môi trường trong hầm lò tốt lắm, nhà báo ạ.
…Bây giờ, những thứ “đảm bảo vệ sinh môi trường” từ lò thổ phỉ xả xuống đen sì, thối hoắc. Chèo ôm cái chân cụt, tay chới với xuống vũng nước nhầy nhụa mà rằng:
-Bác Tạch ơi, nước! Bác múc cho em mũ nước. E chết mất.
Ông Tạch bất lực:
-Nước lò kinh lắm, mày nốc vào, nổ bụng!
-Kệ em. Bác cứ múc cho em.
Ông tạch soi đèn vào vũng nước. Nhìn những mảnh ni lon, mảnh hộp xốp bị vỡ, những búi giẻ rách lều bều trên mặt nước đen ngòm, nổi váng dầu khiến ông rùng mình. Ông nhẹ nhàng gạt những thứ gớm ghếc, dùng mũ lò, vục nước nâng lên, ngửi. Ôi trời, đó là mùi của cống rãnh, của chuột chết.
Chèo rọi đèn về phía ông Tạch, cuống cuồng:
-Không phải ngửi. Bác đưa cho em.
-Kinh lắm!
-Kệ! Bác đưa đây.
Chèo lẩy bẩy, bê mũ nước, ngửa cổ uống. Bỗng, người anh rung lên dữ dội. Anh khạc khạc mấy cái rồi nước từ trong mồm ộc ra. Dưới đũng quần anh phát ra mấy tiếng nổ lục bục; hơi xộc lên thối lựng. Ông Tạch đỡ lấy Chèo. Người anh nóng hầm hập:
-Thôi chết. Mày bị nhiễm trùng rồi. Sốt cao lắm.
Nói đoạn, ông soi đèn vào cái chân cụt. Cẳng chân sưng vù, rung bần bật. Búi giẻ quấn đoạn chân bị cụt nhoe nhoét bùn đất lẫn máu nom như gỉ sắt.
Chèo run lập cập, giọng bất lực:
-Thôi. Bác cho em nhát búa. Đằng nào em cũng chết!
- Để tao còn tính.
-Bác tính kiểu gì? Lò bị bịt hai đầu, không có gió tươi, không có nước uống, không có cái ăn. Đằng nào em cũng chết. Bác làm ơn cho em nhát búa.
Ông Tạch đứng chết lặng. Trong ánh đèn leo lét, người ông loang lổ than bụi, nom như thủ lĩnh da đen. Lúc sau, ông nói:
-Thôi được. Ở đây mày không chết vì cái chân cụt đang nhiễm trùng cũng chết khát, chết đói, chết vì khí độc. Tao sẽ cho mày một nhát búa rồi tự kết liễu đời tao; kéo dài sự đau đớn này làm gì. Ba chúng ta sẽ có chung một cái mả lớn nhất thế giới. Nhưng khoan đã…
Nói đoạn, ông Tạch sang chiếc bồ đài bên cạnh. Đang nằm đó, co quắp; chiếc áo bảo hộ của ông Tạch chỉ đắp một nửa thân thể của Đang. Ông lập cập kéo cái áo. Gương mặt Đang đen nhẻm, hàm răng nhe ra, trắng ởn. Ông vội lấy cuốn sổ, cây bút nơi túi áo.
Soi đèn ắc quy, ông đọc lại những trang viết trong cuốn sổ: “Ngày 15/10, cậu Dương cưới vợ, nhờ Lương đóng 2 triệu mừng cưới (chưa trả); Ngày 12/11, con gái tốt nghiệp đại học, vay chị Hiền 200 triệu, không tính lãi, nhờ chị Luyến xin việc cho con, ĐT chị Luyến: 0913…; Ngày 18/12, tìm được địa chỉ lấy thuốc khớp cho vợ: ông lang Hòe, xóm Cây Gạo, xã Quyết Chiến, điện thoại: 0983…Sau Tết sẽ đưa vợ đến ông lang Hòe; Ngày 28/12, hứa với bà Xuyền sẽ làm chủ hôn đám cưới cháu Tùng. Đám cưới cháu Tùng tổ chức ngày… ”.
Đọc đến đây, nước mắt ông ứa ra. Ông hỉ mũi, quệt nước mắt. Gương mặt ông bỗng nham nhở thảm hại. Ông cố ghìm xúc động, nói với Chèo:
-Trước khi cho mày nhát búa, mày nói lời cuối cùng đi. Tao sẽ ghi lại để may ra đội cứu hộ tìm thấy chúng ta. Tiền bạc, của cải, mày cất giấu đâu?
Chèo rên lên:
- Làm gì có, hả bác. Bao nhiêu tiền bạc em dốc hết vào dự án Khe Mua và khu chế biến hải sản Bến Mắm. Biệt thự của em và cái ô tô lếch xù cũng thế chấp ngân hàng để đầu tư vào dự án rồi. Riêng tiền lót tay cho quan chức đã mất hơn chục tỷ bạc, bác ạ.
- Ôi trời. Mày lót tay cho những ai mà mất ngần ấy tiền?
Mặt Chèo co rút lại, không hiểu vì đau chân hay xót của:
-Nhiều lắm. Một dự án xin cấp phép khai thác tài nguyên phải qua hàng chục khâu, nào báo cáo kết quả thăm dò, kết quả thẩm định đánh giá tài nguyên; nào dự án khả thi; đánh giá tác động môi trường; rồi thiết kế, thẩm định thiết kế; rồi hồ sơ cấp đất. Hàng loạt thủ tục như thế phải qua hàng trăm cửa từ xã, lên huyện, lên tỉnh, lên bộ. Cửa nào cũng có phong bì mới qua được, bác ạ.
-Vậy. có ai nợ mày tiền bạc, của cải không?
Chèo phều phào:
- Công nợ của Công ty vợ em nó có sổ sách theo dõi rồi. Em chỉ một món nợ, lớn lắm, nhưng có lẽ không làm được nữa rồi.
- Món nợ gì? Nói đi để tao ghi vào.
-Món nợ với làng Đồng Xa, quê em. Em đã hứa với dân làng rồi.
-Mày hứa với dân làng thế nào?
-Em hứa sẽ xây tặng làng cái cổng…
Ông Tạch văng tục:
-Mẹ mày chứ! Làng mày nghèo xác. Sao mày không đầu tư làm kênh mương mà trồng cấy xóa đói giảm nghèo? Sao mày không đầu tư làm đường mà đi? lại đi xây cái cổng làng. Cái đồ trọc phú…Thôi, bỏ qua. Mày di chúc, căn dặn lại với với vợ con điều gì, nói đi để tao ghi vào nào…