Chương 18. CHIẾC BÚA CHÉM - tiếp tiểu thuyết SẬP HẦM

Đường lò vào khu sập đổ dốc thoai thoải, hình thang, chống giữ bằng gỗ. Bên hông lò, nhằng nhịt dây điện, ống dẫn hơi ép, ống dẫn nước, ống gió. Đây là lò độc đạo vào gặp vỉa than. Khi gặp vỉa, đường lò mở ra hai cánh để lấy than. Than khai thác được, tập kết tại chân đường lò, rồi kéo ra ngoài. Người, vật liệu từ cửa lò đi vào. Đây là phương pháp khai thác hết sức thô sơ và nguy hiểm.

Chương 18.   CHIẾC BÚA CHÉM

Đường lò vào khu sập đổ dốc thoai thoải, hình thang, chống giữ bằng gỗ. Bên hông lò, nhằng nhịt dây điện, ống dẫn hơi ép, ống dẫn nước, ống gió. Đây là lò độc đạo vào gặp vỉa  than. Khi gặp vỉa, đường lò mở ra hai cánh để lấy than. Than khai thác được, tập kết tại chân đường lò, rồi kéo ra ngoài. Người, vật liệu từ cửa lò đi vào. Đây là phương pháp khai thác hết sức thô sơ và nguy hiểm.

Chất vật liệu chống giữ, dụng cụ lao động và đồ ăn, nước uống lên hai chiếc bồ đài –loại xe goòng lật hông - ông Tạch và Đang gò lưng đẩy bồ đài, Chèo xăm xăm đi trước. Đường lò tối om, hun hút. Hơi nóng tỏa ra ngột ngạt. Đang đi, ông Tạch Già nghe tiếng rắc rắc, nước rỏ xuống, liền  quát:

-Chèo, đứng lại đã!

Nói đoạn, ông soi đèn lên nóc lò, thốt lên:

-Chỗ này nguy hiểm quá! Có thể trên đó là lò cũ của bọn “thổ phỉ”. Nhìn màu nước rỏ xuống thì biết. Phải đánh khuôn  Chèo ạ.

Chèo hỏi:

-Khuôn là cái đếch gì?

Ông Tạch giải thích:

-Khuôn là loại vì chống liên kết bằng gỗ để gia cố những  đoạn xung yếu.

-Sốt ruột! Cứ vào chỗ sụp đổ xem thế nào đã.

Ông Tạch quyết liệt:

-Không được! Gì thì gì, phải đánh khuôn chỗ này để đảm bảo an toàn. Đang, mày đưa cho tao mấy đoạn thìu (cây gỗ dài).

Một lúc, cái khuôn gỗ đã hình thành. Ông Tạch nhìn khuôn gỗ, hài lòng:

-Đây là bài thi thợ lò bậc sáu đấy các bố ạ.

-Đi thôi! – Chèo giục rồi xăm xăm đi. Ông Tạch lại quát:

-Chèo, gượm hẵng!

-Việc gì  nữa?

Ông Tạch già không trả lời Chèo, vội lấy chiếc áo bảo hộ, buộc vào đầu cây gậy, khua khua trên nóc lò. Chèo hỏi:

-Ông làm cái trò gì đấy?

-Khua khí độc.

Đang hỏi:

-Bác khua như thế để làm gì?

Ông Tạch Già hỏi:

-Chúng mày nghe đài báo nói về các vụ chết người do sưởi bằng bếp than trong phòng kín không?

Đang nhanh nhảu:

-Có. Chết do ngạt khí.

-Mày đếch biết! Đài báo giải thích cũng sai. Làm gì có chuyện ngạt khí mà chết. Con người ta bị ngạt thở thì vọt ra ngoài, chứ ai lại chịu chết vô lí như thế.

Đang hỏi:

-Vậy, vì sao ạ?

-Vì ngộ độc khí ô xít các bon. Loại khí này phát sinh do than bị cháy trong phòng kín hoặc những đường lò, những giếng hoang không được thông gió. Người khỏe mạnh, hít phải lượng khí này có thể chết tươi, máu ộc ra mồm, ra mũi, không kêu được. Vì thế, những đường lò không thông gió tốt, cần khua để khí độc tan ra, hóa hợp với ô xy.

Chèo sốt ruột:

-Thôi thôi, bố già ơi, đi nhanh lên. Bố chỉ lí thuyết.

Ông Tạch Già rọi đèn vào mặt Chèo mà rằng:

-Mày dám xúc phạm đến nghề của tao à? Tao là thợ lò được đào tạo ở Nga Xô;  còn mày chỉ là cái thằng đào than thổ phỉ mà ngoi lên làm ông chủ. Ông chủ gì thứ mày...

-Gớm, bác. Em nhỡ lời.

Đi thêm vài trăm mét, cả ba khựng lại. Trước mặt họ là cảnh tượng kinh hoàng. Hàng loạt vì chống bằng gỗ bị đổ, than lẫn đất đá bịt kín cả đường lò. Chèo thốt lên:

-Chết tôi rồi! Máy khoan, máy xúc bị vùi lấp hết cả  rồi…

Ông Tạch Già thận trọng leo lên đống đất đá khổng lồ, soi đèn. Ôi trời, trên đó hun hút như hang động; những tảng đá vách sắc lẻm nhăm nhăm như sắp ụp xuống đầu ông. Nhẹ nhàng trườn xuống, ông Tạch hổn hển:

-Hãi lắm! Phải bỏ cuộc, Chèo ạ.

Chèo rọi đèn vào mặt ông Tạch:

-Bỏ là bỏ thế nào!

-Hãi lắm! Bố ai dám leo lên đó mà xếp cũi lợn.

Chèo nổi nóng:

- Ông là thợ lò bậc sáu, chẳng lẽ chưa bao giờ xử lí sự cố như thế này à?

-Nhều. Nhưng lò của nhà nước chống giữ bằng sắt, có chỗ để gác cooc se. Lò của mày ọp ẹp thế này, lấy gì che chắn để xếp cũi lợn?

Cũi lợn là thuật ngữ của ngành mỏ. Đó là những đoạn gỗ xếp thành hình cũi lợn để chèn vào những khoảng trống khi đất đá bị sập hoặc thay thế phần tài nguyên sau khi khai thác. Chèo hung hăng:

-Chẳng lẽ bó tay à? Tôi đã tốn biết bao nhiêu tiền là tiền làm luật mới được cấp giấy phép; đã đầu tư vào đây hàng trăm tỷ đồng, chưa thu hồi được vốn…

Ông Tạch:

-Biết làm sao được. Của đi thay người.

Chèo gầm lên:

-Không! Để tôi…

Dứt lời, Chèo xăm xăm leo lên đống đất đá, ngửa mặt soi đèn ắc quy rồi cầm choòng gõ gõ. Ông Tạch Già quát:

-Chèo! Không được liều!

Không kịp! Một tảng đá vách sập xuống chặn vào cái chân tổ đỉa của Chèo. Chèo rú lên kinh hoàng. Đang cũng rú lên rồi lao vào Chèo, kéo. Cái chân của Chèo bị chặn bởi hòn đã quá to, Đang không thể kéo được đành lấy xà beng, bẩy, hòn đá không nhúc nhích.

Ông Tạch Già quát:

-Thằng Đang, dừng ngay! Mày đào bới, hẫng chân, đất đá sập xuống, chôn sống cả nút.

Đang lạc giọng:

-Nhưng bây giờ biết làm thế nào, bác?

-Để tao tính.

Chèo gào lên:

-Còn tính gì nữa! Mau lên, kéo tôi ra. Tôi chết mất.

Dường như ông Tạch không quan tâm đến tiếng kêu gào thống thiết của Chèo. Lặng người một lúc, ông dò dẫm soi đèn lên  nóc lò, hông lò, rồi nói gấp gáp:

-Không rút ra khỏi đây nhanh, đất đá sập xuống, chết hết cả!.

Nói rồi ông lao ra ngoài. Chèo gồng mình lên tảng đá, rống lên tuyệt vọng:

-Cứu…cứu…em. Đừng bỏ em, bác Tạch ơi…

Đang khóc rống, ôm lấy chân ông Tạch:

-Bác Tạch ơi, cứu anh Chèo. Bác đừng bỏ anh Chèo, bác ơi.

-Câm mồm!

Ông Tạch gỡ tay Đang, chạy ra chỗ cái bồ đài lấy cái búa chém, chặt một đoạn ống gió, xé nhỏ ra, nối lại với nhau rồi chạy đến chỗ Chèo. Từ từ soi đèn quan sát trên nóc lò, ông Tạch soi vào tảng đá đang chặn lên cái chân của Chèo[CM1] . Chỗ cái bị gãy, máu sùi bong bóng. Ông Tạch nói với Chèo:

-Không cách nào khác, tao phải chặt cái chân của mày mới bảo toàn tính mạng. Thà mày  mất một cái chân còn hơn cả ba cùng chết.

Chèo há hốc mồm, lắp bắp:

-Kh – ô- ng…Ông…không…

Ông Tạch ra lệnh cho Đang:

-Mày cởi áo ra!

Đang kinh ngạc:

-Bác…bác…

Ông Tạch:

-Nhanh lên không chết cả nút!

Nói rồi ông Tạch cầm búa lên. Đó là chiếc búa chém của thợ lò, sắc lẻm. Thợ lò bậc cao khác với thợ lò bậc thấp và các ngành nghề khác là vào lò thường khoác búa chém trên vai. Kể cả những mỏ áp dụng công nghệ hiện đại, thợ lò vẫn cần đến búa chém. Chiếc búa chém như phương tiện đa năng của thợ lò, đầu này dùng để chặt gỗ, chặt văng, bổ chèn, khoét mộng; đầu kia dùng để đóng đinh, đóng nhói, đánh văng. Chiếc búa chém gắn liền với hình ảnh người thợ lò đã đi vào văn, thơ, nhạc, họa. Bây giờ, chiếc búa chém của ông Tạch Già dùng để chặt chân Tổng Giám đốc của mình.

-Thằng Đang, soi đèn vào đây.

Đang hốt hoảng, ôm chân ông Tạch:

-Kh-ông!

Ông Tạch đạp Đang ngã dúi vào hông lò rồi rọi đèn vào cái chân gãy. Ba nhát búa liên tiếp mạnh mẽ, chính xác, cẳng chân có cái tổ đỉa của Chèo đứt lìa, máu vọt ra lênh láng. Chèo hộc lên, đầu ngật lên trên tảng đá, ngất lịm.

-Đồ dã man!

Đang thét lên rồi nhào tới ôm lấy chân Chèo khóc rống. Máu từ chân Chèo vọt lên mặt, lên cổ Đang. Ông Tạch đẩy Đang vào hông lò rồi nhanh chóng lấy áo bảo hộ, bịt vết thương, dùng đoạn dây băng bó, rồi vác Chèo lên vai chạy thục mạng. Sau lưng họ đất đá rơi ào ào; đường lò rùng rùng chuyển động, cột chống vặn răng rắc.

Chạy được một đoạn, họ khựng lại. Một đống đất đá ập xuống, chặn kín lối ra. Ông Tạch thốt lên, tuyệt vọng:

-Thôi rồi…