Chương 16. CUỘC MẶC CẢ LÚC BỐN GIỜ SÁNG – tiếp tiểu thuyết SẬP HẦM
Ôi trời, suốt mấy chục năm làm hầm lò như đi đánh giặc, khi về quê, gia tài lèn hết trong cái ba lô; suốt cả thời trai trẻ, chung đụng với gái ta, gái Tây, nay vẫn một mình ông trơ trọi giữa đồi hoang, gió hú rùng rợn. Bao nhiêu điều cao siêu ông học được bên Tây, trên sách báo, trên tivi hóa ra sáo rỗng và ngây thơ. Cuộc đời cơ cực và dung tục hơn nhiều.
Chương 16. CUỘC MẶC CẢ LÚC BỐN GIỜ SÁNG – tiếp tiểu thuyết SẬP HẦM
Những ngày áp Tết, công nhân Công ty Thành Đạt được lĩnh lương, lĩnh quà, lĩnh thịt để ăn Tết. Bên những chiếc phản ghép bằng gỗ cốp pha, thịt chất từng ụ, người thái, người chặt, người xướng, người ghi, nhặng xị.
Khi lĩnh mấy cân thịt về, ông Tạch Già lọ mọ tỉ mẩn lọc ra từng phần. Phần mỡ ông rán lên, lọc nước mỡ đóng vào chai; phần nạc ông làm ruốc; còn thịt thủ, thịt bụng, ba chỉ, bạc nhạc, ông gói giò. Trong chiếc ba lô, ông lèn những gói, những lọ, những túi, những đùm. Đêm, ông trở mình liên tục, thi thoảng dậy hút thuốc lào rồi cẩn trọng lôi các thứ trong ba lô ra nheo mắt ngắm nghía, hít, ngửi, gương mặt hân hoan lạ lùng.
Đã hơn ba chục năm xa nhà, nhưng mỗi lần về thăm vợ con ông đều bồn chồn rạo rực. Gần sáng, chiếc điện thoại rung. Ông giật bắn người, nhìn đồng hồ: bốn giờ sáng! Tầm này mà có người gọi điện cho ông ắt sẽ xẩy ra chuyện chẳng lành.
Đầu kia, Văn Chèo thảng thốt:
- Bác Tạch ơi, nguy to rồi, nguy to rồi…
- Có việc gì vậy, Chèo?
- Lò sập, bác ơi. Bác ra ngay hiện trường giúp em.
Ông Tạch Già lặng người một lúc, rồi rằng:
- Gay nhỉ, gay nhỉ. Bây giờ biết làm thế nào?
- Lúc này em chỉ biết trông cậy vào bác.
- Một mình tao thì làm được gì? Sao không huy động thêm công nhân?
- Em cho công nhân nghỉ tết, họ về quê hết rồi; chỉ cử mấy thằng ở lại trực bơm nước, thông gió. Lò sập, chúng nó cũng bỏ về nốt. Bác giúp em, gọi thêm cả thằng Đang, ông Nhật. Thằng Đang nhanh nhẹn, thạo việc; những lúc gặp sự cố nó thường phụ việc cho bác.
- Nhưng nó bị mày sa thải. Bây giờ làm sao mà thuyết phục được nó?.
- Thuyết phục bằng tiền mặt, bác ạ.
Ông Tạch dừng lại một lúc rồi quả quyết:
- Mày thì cái gì cũng đưa tiền ra để mặc cả. Thôi được, mày muốn mặc cả thì tao sẽ mặc cả với mày đây. Bao nhiêu?
Đầu kia, tiếng thở của Chèo hổn hển. Mắt ông Tạch chợt ánh lên ranh mãnh. Ông hỏi:
-Nào, trả lời đi, bao nhiêu?
-Em sẽ khoán cho bác trọn gói. Bác chủ động lực lượng; huy động thằng Đang hay ai, tùy bác. Công việc hoàn thành, em sẽ thưởng một cục, mọi người ăn chia với nhau.
- Nhất trí! Mày định khoán bao nhiêu?
- Xử lí xong sự cố, đưa gương lò vào trạng thái an toàn, em sẽ thưởng các bác ba tỷ.
- Mày nói đùa. Mạng sống của chúng tao đặt cọc vào đấy để lấy mấy tỷ bọ của mày à?
Tiếng Chèo:
-Ôi giời, em làm lò mãi. Chẳng qua mấy thằng thợ lò nhà quê nó dát. Lò đổ là chuyện vặt. Đổ thì củng cố. Chẳng qua, một mình em không làm được.
-Thì mày cứ làm một phép tính: Bỏ ra mười tỷ, để được hàng trăm tỷ. Hay mày muốn mất trắng?
Tiếng Chèo gầm lên:
- Bác định đòi mười tỷ? Bác quá đáng vừa chứ! Bác định lợi dụng lúc khó khăn để vặt tiền của em chứ gì! Thôi được, em sẽ đi thuê…
Nói rồi, Chèo cúp máy.
Ông Tạch biết, Chèo chỉ dọa ông. Để giải quyết vụ sự cố này, không ai khác, ngoài ông. Đường lò của Công ty Thành Đạt như những hang chuột, qua khu vực lò cũ do nạn đào than thổ phỉ để lại, vô cùng nguy hiểm, không ông thợ lò nào dám liều mạng chui vào đó để giải quyết sự cố. Chỉ có ông. Ông là người thông tỏ hệ thống đường lò và điều kiện địa chất ở khu vực này. Chỉ có tay nghề và kinh nghiệm của ông mới có thể ứng phó trước những diễn biến khôn lường của đất đá trong vùng sụp đổ. Được rồi, để xem thằng Chèo có thể thuê được ai?
Quả nhiên, vài phút sau, điện thoại di động của ông lại rung lên:
-Nói đi –giọng ông Tạch lạnh tanh.
-Bác Tạch ạ. Em nghĩ lại rồi. Năm hết, tết đến, đi thuê mướn thêm lằng nhằng, chi bằng bác cố giúp em. Công việc chẳng cần nhiều người, chỉ cần gọi thêm thằng Đang, ông Nhật và em phụ giúp.
-Nhưng nguy hiểm lắm mày ơi…
-Vâng, vâng. Em biết. Nhưng kinh nghiệm của bác đầy mình…Về tiền công, bác thông cảm cho em…Em đổ vào đấy cả trăm tỷ, chưa thu hồi được vốn…
-Biết rồi. Vậy, mày định chi cho vụ này bao nhiêu?
-Năm tỷ! Em sẽ làm hợp đồng đàng hoàng…
Tình huống và mức thưởng này khiến ông Tạch không thể làm cao, không thể từ chối. Một tháng, Chèo trả cho ông mức lương trị giá mấy chỉ vàng, làm chuyên gia kỹ thuật hầm lò. Hợp đồng đã ghi rành rành như vậy, chẳng lẽ lúc này ông lại bỏ cuộc. Hơn nữa, số tiền Chèo đưa ra, cả đời ông không dám nghĩ tới.
Ông biết, đây là quyết định liều thục mạng. Lúc này, không có ai bên cạnh để bàn bạc, sẻ chia. Ông lặng người nhìn khắp gian nhà. Chiếc tủ ghép bằng gỗ cốp pha, chuột khoét nham nhở; mấy hòm thuốc mìn, cái đựng gạo, cái đựng xoong nồi; trên giường, cạnh đống chăn đen đúa là cái đài bán dẫn chạy bằng pin và mấy cuốn sách; góc nhà, lủng củng những chai, những lọ và hũ rượu thuốc; sau cánh cửa treo bộ quần áo loang lổ, ống quần một bên lộn trái. Ông mở ba lô, lôi ra những bọc, những đùm, đưa lên mũi hít hít rồi bỏ vào cái xô, đậy tấm ván, chặn lên đó hòn gạch. Ôi trời, suốt mấy chục năm làm hầm lò như đi đánh giặc, khi về quê, gia tài lèn hết trong cái ba lô; suốt cả thời trai trẻ, chung đụng với gái ta, gái Tây, nay vẫn một mình ông trơ trọi giữa đồi hoang, gió hú rùng rợn. Bao nhiêu điều cao siêu ông học được bên Tây, trên sách báo, trên tivi hóa ra sáo rỗng và ngây thơ. Cuộc đời cơ cực và dung tục hơn nhiều.
Ông rút cuốn sổ trong túi áo bảo hộ lao động. Đó là cuốn sổ nhỏ, bọc da, viết từ hai đầu. Đầu này, ông ghi những việc đã làm và cần làm. Thường ngày, ông xuề xòa, đôi lúc tầm phào, cợt nhả nhưng trong cuốn sổ ông ghi chép rất tỉ mỉ. Chữ ông lởm chởm như chông: “Ngày 15/10, cậu Dương cưới vợ, nhờ Lương đóng 2 triệu mừng cưới (chưa trả); Ngày 12/11, con gái tốt nghiệp đại học, vay chị Hiền 200 triệu, không tính lãi, nhờ chị Luyến xin việc cho con, ĐT chị Luyến: 0913…; Ngày 18/12, tìm được địa chỉ lấy thuốc khớp cho vợ: ông lang Hòe, xóm Cây Gạo, xã Quyết Chiến, điện thoại: 0983…Sau Tết sẽ đưa vợ đến ông lang Hòe; Ngày 28/12, hứa với bà Xuyền sẽ làm chủ hôn đám cưới cháu Tùng. Đám cưới cháu Tùng tổ chức ngày… ”.
Đến đây, ông viết tiếp: “Ngày 27 Tết, lò Thành Đạt bị đổ, phải ở lại giải quyết sự cố.”
Đầu kia cuốn sổ, ông ghi những cảm xúc bất chợt. Lâu nay, ông “xuất khẩu thành thơ”. Gọi là thơ, thực ra đó là những bài vè trào lộng. Nhưng trong cuốn sổ này, những cảm xúc bất chợt thật ám ảnh. Đây là cảm xúc về bố mẹ khi ông sang Liên Xô học nghề mỏ:
Thành phố Donetsk, ngày 17/2/1973:
… “Con đi qua những thành phố nguy nga
Nhìn cảnh phù hoa con rơi nước mắt
Thương mẹ cha thắt ruột
Thì con lưng dài vai rộng mà chi!”
Và đây là tình cảm với vợ con, khi con gái tròn 1 tuổi:
…Cha là công nhân mỏ
Mà biết nói tiếng Nga
Diện com - lê về nhà
Mẹ tưởng cha thần thánh.
Bao lo toan mẹ gánh
Bao vất cả mẹ lo
Khi con sốt con ho
Mẹ trắng đêm cầm quạt.
Cha khắp nơi lang bạt
Học hỏi nhiều điều hay
Về với con một ngày
Vụng về bên chậu tã”.
…Bây giờ, khi nỗi cô đơn dâng lên cực độ, ông lại viết:
Trơ trọi giữa đồi hoang
Mựa xuân về lạnh giá
Cả năm trời vất vả
Buồn vui nào ai hay
Sờ bàn tay thấy chai
Nghe lòng mình đắng ngọt
Cuộc đời thật cơ cực
Không dễ gì thương yêu
Thôi cũng cố sống liều
Món nợ từ kiếp trước…
Viết đến đây, nước mắt ông chợt ứa ra. Miệng ông chợt đắng ngắt. Ông gói cuốn sổ vào bao ni lon, nịt dây chun, bỏ vào túi áo rồi xúc một bát hẩu lốn, nhai nhồm nhoàm. Ông nghẹn. Ông nấc. Ông ho. Rồi ông bê hũ rượu lên. Dưới ánh điện, rượu đỏ lòm như máu. Ông cẩn trọng rót rượu ra bát, tợp một ngụm rồi mở cửa. Hơi lạnh tràn vào khiến ông rùng mình. Phía Mỏ Dương Sơn, công nhân mỏ rậm rịch chuẩn bị về quê ăn Tết. Tết đang đến gần. Mưa xuân mịt mùng và hoang dại…