Chương 17. CƠ HỘI ĐỔI ĐỜI – tiếp SẬP HẦM
Một cơn gió bấc thốc ào ào qua chuồng lợn khiến Đang run lập cập. Nhìn gương mặt Đang hốc hác, đen sạm; đôi mắt to như lồi ra; bụng lép kẹp, hai dải xương sườn trơ ra; hai bả vai nhô lên, Nhàn chợt tê tái. Nhàn thương cho Đang và thương cả cho mình. Từ ngày ra mỏ, hai người quẩn quanh trong than bụi với đám người ầm ĩ, thô lậu để kiếm ăn. Họ chưa kịp yêu đương thì đã sắp làm cha làm mẹ
Chương 16. CƠ HỘI ĐỔI ĐỜI – tiếp SẬP HẦM
Khi đã tích lũy được ít vốn, vợ chồng anh Đang mua cả vạt đồi, dựng tạm ngôi nhà ven suối. Sau mấy tháng trời lao động cật lực, vạt đồi của họ đã hình thành trang trại. Chỗ này là vườn cây ăn quả, chỗ kia trồng rau; kia nữa là hệ thống chuồng trại, phía dưới là ao cá. Đêm, Nhàn thường thổi sáo cho Đang nghe. Thi thoảng, chị sai anh cầm sáo xuống suối dấp nước để tiếng sáo trong hơn. Trong hoang vu, tiếng sáo não nùng, tha thiết loang cả vạt đồi.
Họ chưa có con nên tất cả tình cảm dành hết cho…lợn. Trận lũ hồi tháng Chín, nước dâng ngập chuồng lợn. Anh Đang cuống cuồng nhảy tùm xuống dòng lũ, cứu đàn lợn. Phân nổi lều bều quanh cổ, quanh miệng anh. Họ đang định xuất chuồng đàn lợn để sắm Tết và chuẩn bị tiền cho chị Nhàn sinh con, thì hôm qua, mấy con lợn lăn ra ốm. Đang chống tay lên song chuồng lợn, thở dài:
- Cả ngày nay cấm ỉa đái gì.
Nhàn trách Đang:
-Tại ông ăn tạp, mua lòng ở chợ về. Bây giờ dịch lợn tai xanh đầy ra, rước của nợ ấy về lợn mới bị thế này.
-Tại bà thì có. Cho lợn ăn phản khoa học. Lợn cũng như người, phải cho nó ăn đúng bữa, đúng khẩu phần, ăn đủ chất xơ. Đằng này, bà cứ cho nó ăn vô tội vạ…
Nhàn xuống giọng:
-Hay chúng bị táo bón, anh?
- Tôi không biết, có nuôi lợn bao giờ đâu. Bà vào lấy cho cuốn sách Cẩm nang Thú y.
Bên chuồng lợn, họ mở sách ra tra cứu. Đối chiếu với nôi dung trong sách, họ xác định lợn nhà họ bệnh táo bón. Rồi họ làm theo hướng dẫn trong sách.
Tờ mờ sáng, Nhàn bật dậy. Con chó tru lên, nhung nhăng đi về phía chuồng lợn như mách bảo Nhàn một sự kiện quan trọng. Nhàn phát hoảng; không biết mệnh hệ gì với đàn lợn đây? Tới nơi, nhìn đàn lợn nằm ngổn ngang, gáy phì phì, cạnh đấy là mấy bãi phân, Nhàn mừng quýnh, gọi toáng lên:
-Anh Đang ơi, chúng ỉa được rồi, ỉa được rồi!
Anh Đang bật dậy, không kịp mặc áo, chạy ra, mắt hấp háy:
-Đâu, đâu?
Chị Nhàn chỉ tay vào mấy bãi phân góc chuồng lợn, tay kia cầm cái que, chọc chọc khèo khèo. Anh Đang chun mũi, thốt lên:
-Cứt đẹp lắm rồi!
Một cơn gió bấc thốc ào ào qua chuồng lợn khiến Đang run lập cập. Nhìn gương mặt Đang hốc hác, đen sạm; đôi mắt to như lồi ra; bụng lép kẹp, hai dải xương sườn trơ ra; hai bả vai nhô lên, Nhàn chợt tê tái. Nhàn thương cho Đang và thương cả cho mình. Từ ngày ra mỏ, hai người quẩn quanh trong than bụi với đám người ầm ĩ, thô lậu để kiếm ăn. Họ chưa kịp yêu đương thì đã sắp làm cha làm mẹ. Bất chợt, Nhàn kéo Đang vào lòng, sờ nắn thân thể Đang. Đang tưởng Nhàn vui mừng vì lợn khỏi ốm, muốn đòi hỏi nhục dục, liền gấp gáp:
-Vào nhà, vào nhà cho đàng hoàng.
Chợt, tiếng chó sủa ran. Đó là ông Tạch Già, lụ khụ trong chiếc áo bạt. Nhàn hỏi:
-Kìa, bác Tạch. Có việc gì mà bác đến với vợ chồng em sớm thế, bác? Mời bác vào nhà.
Ông Tạch Già cười hề hề:
-Có việc đây. Chà, trang trại của cô chú hoành tráng quá hầy.
Đang gãi đầu:
-Trang trại gì đâu bác, chúng em tăng gia chăn nuôi xóa đói giảm nghèo, ấy mà.
Vợ chồng Đang nồng nhiệt đón tiếp ông Tạch Già và hào hứng nói về dự định của họ. Rằng, sắp tới, xuất chồng lứa lợn này, họ sẽ vay thêm vốn ở ngân hàng, đầu tư mở rộng ao, nuôi cá hồi; sẽ xây thêm chuồng trại để nuôi nhím, nuôi lợn rừng…
Nghe họ nó về dự định cho tương lai, ông Tạch Già bỗng ái ngại, ngập ngừng:
-Cô chú này, tình hình chỗ ông Chèo, gay go lắm.
-Anh Chèo em bị làm sao ạ?
-Lò bị sập, công nhân bỏ về quê hết rồi.
Nhàn tỏ ra hả hê:
-Em biết ngay mà. Làm ăn chụp giật kiểu ấy thì sớm muộn cũng có ngày…
-Kìa em – Đang ngắt lời vợ - Vậy, bây giờ anh Chèo định thế nào, bác?
-Phải cho người vào kiểm tra, củng cố; nếu không, cả hệ thống đường lò sẽ sụp đổ, chôn vùi hàng trăm tỷ đồng. Khổ cái, công nhân bỏ về quê hết cả. Lúc này, ông Chèo chỉ nhìn vào anh em mình.
Nhàn nói:
-Anh Đang nhà em thì giúp được gì cho ông Chèo, hả bác? Chính ông Chèo đã sa thải chúng em, bây giờ sao không vác mặt đến?
Ông Tạch Già:
-Tôi biết, cô chú còn giận ông Chèo lắm. Ông Chèo cũng biết vậy nên nhờ tôi đến nói khó với cô chú. Lúc này, chỉ có tôi, chú Đang và ông Nhật có thể giúp được ông Chèo. Công việc cũng chẳng mất nhiều thời gian và công sức. Chú Đang từng làm trong ấy, chú biết, chỉ cần đưa gỗ vào củng cố, chèn chống cho chắc chắn; ra Giêng lại đưa gương lò vào hoạt động bình thường thôi mà.
Nhàn:
-Kệ ông Chèo. Tết nhất đến nơi, nhà em còn bao nhiêu là việc.
Đang:
-Kìa em, cứ để bác Tạch nói đã. Lò sập chỗ nào hả bác? Gần năm nay, em không biết tin gì về Khe Mua.
- Chưa biết được. Nhưng chắc anh em mình xử lí được. Mà này, ông Chèo ra mức thưởng cao lắm, năm tỷ đấy chú ạ. Củng cố xong chỗ sập đổ, đưa gương lò vào trạng thái an toàn, anh em mình sẽ được năm tỷ. Bỏ ra năm tỷ, ông Chèo cứu được cả trăm tỷ, mà chú.
Mắt Đang chợt sáng rực lên:
- Sao anh Chèo không thuê chuyên gia ngành Than để xử lí sự cố?
-Chuyên gia ngành Than quen với công nghệ hiện đại; đụng vào lò thổ phỉ của chúng mình, anh nào cũng sợ. Với lại, cung cách quản lí nhân sự của doanh nghiệp nhà nước, tôi còn lạ.
Nhàn chen vào:
-Có tiền tỷ em cũng không cho anh Đang vào chỗ chết ấy.
-Kìa em, chết nó có số mà. Mấy năm trời anh làm lò, có sao đâu. Dù sao anh Chèo là chỗ anh em. Mình không thể bỏ anh ấy trong hoạn nạn được, em ạ.
Với Đang, ngoài tình nghĩa như anh nói còn vì mức thưởng. Nếu xong vụ này, Đang sẽ có tiền tỷ. Có tiền tỷ Đang sẽ đầu tư vào trang trại; Đang sẽ thành ông chủ; Nhàn sẽ thành bà chủ. Cơ hội đổi đời là đây! Nghĩ vậy, Đang quả quyết:
-Được, em sẽ tham gia cùng các bác.
Đang đi rồi, tự nhiên chị Nhàn thấy con trong bụng đạp dữ dội, đau điếng. Chị gượng dậy ôm bụng, loạng choạng rồi ngã ập vào cánh cửa.