Tản mạn Trường Sơn

Kể những chuyện này tôi mong tìm lại đồng đội, những thanh niên mười tám đôi mươi mang quân hàm binh nhì, binh nhất đã gắn bó với tôi trong những ngày bom đạn nhiều hơn sự sống. Do thời gian đã lâu, có thể tên người ở một vài chi tiết tôi nhớ sai. Ai là đồng đội của tôi trong những ngày ấy đọc được những câu chuyện này hãy gọi điện cho tôi nhé số ĐT của tôi: Mai Giới, ĐT 0985212211. Tôi rất nhớ các đồng chí, các bạn.

1. Tình nghĩa

 

Dạo đó vào khoảng tháng 10, tháng 11 năm 1974. Tiểu đội tôi được phân công chốt lẻ ở thượng nguồn sông Bến Hải. Toàn tiểu đội có 12 thằng cùng nhập ngũ với nhau, trong đó có mình tôi là học trò vào lính, còn các anh em khác do hoàn cảnh gia đình nên có người đã đi công nhân, có người đi dân công còn lại là nông dân. Vì ăn uống kham khổ, tôi hay nói anh em đi xuống xuôi vào dân xin rau về ăn, một lần Việc đi xin đồ ăn về khóc kể: Việc gặp được người làng đi vào và được báo tin buồn ông nội Việc mất. Việc khóc rất nhiều và xin về thắp hương cho ông nội.
Việc đi lại lúc này rất khó khăn, chủ yếu là đi bộ, nếu ra đến Quảng Bình may ra mới có xe, từ đây về đến Thanh Hóa nếu đi nhanh mất cả tháng trời mới vào lại đơn vị. Tôi và anh em trong tiểu đội thương Việc quá, bàn với nhau: Thôi cứ để Việc về, không được ai nói cho Đại Đội biết.
Tối hôm ấy tôi nói với Việc: Toàn tiểu đội đồng ý cho mày về, sau một tháng nếu không thấy mày lên, tao báo cho Đại đội là mày đào ngũ.
Việc đồng ý.
Sáng hôm sau Việc về quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
Một tháng đi qua, không thấy Việc vào, có người bảo: Chắc nó không vào nữa, ai dại mà vào nơi khốn khổ này, thôi hãy báo nó đào ngũ đi. Có một số bảo: Chưa biết thế nào, chờ mấy hôm nữa hẵng báo.
Thực sự khi ấy tôi cũng hoang mang, vì nghĩ rằng: Ở đây quá gian khổ và nguy hiểm, gạo ăn mốc, sâu mọt quá nhiều, sạn cũng lắm, vậy mà ăn vẫn không đủ no, không có rau, đừng nói đến thịt cá, nước mắm theo đúng nghĩa là đại dương. Mùa mưa rét quần áo chăn màn không đủ ấm. Bom đạn trên mặt đất nhiều vô kể, nhất là bom bi và mìn, vô ý là chết. Phải thật dũng cảm, thật yêu thương nhau thì mới vào lại…
Sốt ruột đợi chờ….
Đúng một tháng rưỡi thì Việc vào, may quá tôi chưa báo Việc đào ngũ. Nhìn thấy Việc, câu đầu tiên tôi và đồng đội không nói chia buồn với Việc mà vội trách: Mày ở nhà làm gì nhiều thế, thằng nào cũng lo mày không vào.
Việc nói tao về nhà vào buổi tối, sáng hôm sau đi luôn, một đêm thôi chứ có nhiều gì đâu. Tao nhớ chúng mày lắm chứ, chúng mày tin tao, tao đâu dám đánh mất niềm tin ấy.
Việc về quê vào, chẳng có quà gì cả, nhưng đồng đội tôi ai cũng vui. Phải chăng món quà lớn nhất Việc dành cho chúng tôi là : Niềm tin và tình đồng đội.

 

 

2. Say sắn

 

Khi được giao nhiệm vụ đi chốt lẽ, tôi xin với đại đội cấp cho tiểu đội tôi hai tháng gạo. Đại trưởng bảo: Tiểu đội mày nhận một tháng đi, tháng sau tao cho người đưa lên. Tôi thấy như thế cũng tiện, vì như thế tiểu đội đỡ mang nặng, nên đồng ý.
Một tháng trôi đi, chẳng thấy đại đội tiếp tế, anh em tiểu đội còn ít gạo phải ăn dè, đói quá anh em bảo tôi: Cách đây gần 10 cây số có một bản có sắn, nếu xin người ta đói chắc họ không cho, hay đêm mình đi nhổ trộm.
Tôi nói: Mấy hôm nay nắng, không nhổ được đâu. Chờ khi nào mưa hãy đi nhổ
Sau mấy ngày, chiều hôm đó mưa rất to. Tôi nói đêm nay đi nhổ sắn được đấy
Anh em trong tiểu đội ai cũng phấn khởi xin đi. Thằng Tăng nhiều tuổi đã từng đi công nhân có nhiều kinh nghiệm sống, bảo:
Chỉ cần 6 thằng thôi, nếu Giới đi nữa là 7, mang theo một bì tải đựng sắn, cứ 2 thằng thay nhau khiêng. Cho Giới đi không, nhưng mang theo khẩu súng, nếu dân bản đuổi mày bắn chỉ thiên để anh em cùng chạy.
Đến nương sắn thấy nhổ dễ quá, thằng nào cũng hăng nhổ. Sắn to, củ dài bỏ vào bì được một ít thì đầy, mấy thằng tham và tiếc cởi cả áo mưa bọc sắn ôm về.
Trên đường về vì trời mưa quá to, tối vô cùng. Bọn tôi đi lạc mãi, vậy mà chẳng ai kêu ca gì, vẫn đùa vui. Đúng là có đồ ăn…
Trước lúc đi ra khỏi lều bạt, tôi nói với Cất: Trời tối đi đường rất khó nhận ra nơi ở của mình. Khoảng sau một giờ ông thác lều bạt lên một tí để có ánh sáng cho bọn tôi tìm đường về, mưa này chắc không có thám báo đâu (mưa rét nên bọn tôi đốt lửa trong lều mà - đốt nhỏ thôi).
Đi mãi vẫn không biết đâu là nơi ở của mình. Dừng lại tôi nói với anh em: Chúng ta đi chỉ dựa vào chớp, trời lại quá tối. Nếu anh em đồng ý đi theo tôi may ra tìm thấy nơi ở, còn nếu không tìm thấy sáng mai mình về anh em thấy được không?
Đồng ý.
Rồi chúng tôi lại đi, trời cứ chớp là lại bước. Đến một nơi nhìn thấy hòn đá quen quen, tôi bảo: Dừng lại. Tao thấy hòn đá này quen quá.
Mọi người dừng lại, nhờ chớp chúng tôi nhận ra lều bạt ngay bên cạnh, hòn đá này ngày trước tôi hay mài dao nên quen.
Vào lều tôi trách Cất: Bảo mày thác bạt lên tí cho có ánh sáng bọn tao nhận ra hướng về mà mà không thác.
Cất bảo: Mày xem đi, tao thác lên rồi đó.
Đúng là mưa quá, không thể thấy được…
Chưa kịp thay quần áo, thằng nào cũng bảo róc vỏ, luộc sắn ăn đã rồi ngủ. Mai ngủ muộn tý nhé Giới, thằng nào gác thì cứ gác.
Ăn no sắn, chỉ còn lại 2 thằng gác, tất cả đi ngủ, nằm một lúc tôi thấy đau đầu quá, nhân khi thằng Bốn dậy, tôi bảo nó tưới nước vào đống than hộ tôi (tôi được ưu tiên nằm cạnh đống than cho ấm mà) hình như tôi say sắn. Một lúc sau mệt quá rồi tôi cũng ngủ được. 
Sáng ra tỉnh dậy tôi vội nói: Tao say sắn chúng mày à.
Tao cũng say.
Tao cũng say.
Mười một thằng còn lại đều đồng thanh như thế, thằng Việc lôi tôi ra ngoài chỉ vào các đống nôn, tôi đếm được mười một đống.
Tôi lặng lẽ trào nước mắt, thương đồng đội vô cùng…
Thằng Việc thì vẫn vô tư hài hước như thường ngày nó bảo: Ngoài bắc mình món ni không có mô bây à, hót lại gửi viền cho mấy chú cẩu ở nhà thì tốt quá. Tội cho mấy con cẩu ở quê, chất thải của người không có phải đi ăn cỏ, mà cỏ thì cằn vô cùng, còn lại một tý phải tranh nhau với trâu bò.
- Mi lại mở loa. Cất cáu Việt.
- Mi không chịu quan sát rồi, hôm tau trả phép đi B, tau thấy một con bò tranh nhau cỏ với con cẩu to bằng bắp đùi ấy. Con bò sừng quá ngắn vẫn cứ cố húc con cẩu, còn con cẩu thì sủa gâu… gâu… nghe như nó bảo: Mày tránh cho tao ăn.
Tôi bảo thằng Việc: Sao mày không bảo chú cẩu bé bằng ngón tay, đêm đêm chạy vào quần mày ngủ.
Mi lại đá đểu tau rồi, tau nói thật mà bọn mi không tin.
Chiều hôm ấy tôi nói với Cất: Còn một hộp thịt hộp (tất nhiên hộp thịt đã quá đát lâu lắm rồi nhưng chưa bị phồng) mày bổ ra lấy nấu với sắn, vỏ hộp lấy đinh của bom đinh đục thành lỗ mài sắn ra, lấy màn tuyn của tao lọc sắn làm bánh cho anh em ăn, chứ nếu luộc ăn thế này sẽ say nữa, mà ta lại không có thuốc chống say.
Cất làm đúng như thế, chúng tôi có cái ăn kéo dài thêm mấy ngày, rồi Đại đội cũng nhớ ra cho người mang gạo lên.
Cuộc sống lại diễn ra bình thường, anh em chúng tôi vẫn thương yêu nhau, gắn bó với nhau như những người ruột thịt.

 

3. Chuyện như mới ngày hôm qua.

 

Cũng khoảng tháng 11, tháng 12 năm 1974. Dạo đó đồng đội tôi thằng nào nhận được thư của gia đình hay bạn bè gửi vào đều không được đọc, mà tiểu đội lựa chọn thằng nào có giọng đọc tốt, sẽ giao cho đọc để cả tiểu đội cùng nghe. Từ gửi vào cho chúng tôi thường từ 3 đến 6 tháng mới đến, có lá thư phải mất cả năm và thường khi đến thì rất nhiều, có thằng vài ba lá, nhưng cũng có thằng chẳng có, thằng nào không có thì rất buồn. Chúng tôi đọc chung là để cho thằng không có thư đừng buồn. Khi nhận được thư, chúng tôi hay gọi nhau: “Lại để hội thảo thư”.
Thư của gia đình, bạn bè gửi vào đều chỉ nói điều tốt ở địa phương, gia đình và chỉ cầu mong chúng tôi mạnh khỏe an lành. Có lẽ người ta không muốn những thằng lính ở tiền phương như chúng tôi buồn. Vì ở đây cái chết luôn đến bất thình lình bởi bom đạn nhiều hơn sự sống, có những vùng đồi cây chết cả vì chất độc màu da cam. Bom bi, mìn, đạn cối thì dầy đặc tưởng chừng không lọt bàn chân.
Trong nhiều lá thư mà tôi đã đọc cho cả tiểu đội nghe, có một lá thư thật buồn. Đó là lá thư vợ Vấn (cô ấy làm ở bưu điện Bà Chè) gửi cho Vấn. Trong thư cô ấy gửi có đoạn trách Vấn khi về phép để đi B: “Không mua cho con chút quà để con tủi thân. Viết thư cho em chồng vợ anh lại viết là trồng vợ”. Cô ấy còn cẩn thận gạch dưới hai chữ trồng vợ.
Nghe được những lời trách móc này, đồng đội lặng đi. Những thằng hay tếu táo tán dóc cũng ngồi yên. Một khoảng lặng thật buồn, nó không như khoảng lặng trước giờ nổ súng…
Mãi một lúc sau đồng đội gần như đồng thanh bảo: Lính 5 đồng, khi về phép để đi B mua đủ vé tàu xe và ăn đường, lấy đâu ra tiền để mua quà, con còn nhỏ biết gì mà tủi thân (khi Vấn về phép đi B con mới được 5 tháng tuổi). Vấn ít học đã phải đi dân công, bươn trải từ bé, viết sai chính tả sau này hẵng nói, hoàn cảnh thế này sao trách móc nhau nặng nề thế. Con người ấy sống không có tình. Vấn ơi! nếu sống được trở về chia tay thôi.
Tôi muốn làm dịu cơn tức và nỗi buồn của đồng đội nên nói: Thực ra có quà cũng tốt mà. Còn chính tả khi viết thì có thể hiểu thế này: Viết và nói là người ta quy ước với nhau vậy để trao đổi với nhau, ví như bây giờ gọi đây là lá thư thì ta hiểu đó là lá thư, sau này có khi con cháu mình không muốn gọi lá thư nữa mà gọi tờ thông tin thì mình hiểu lá thư ngày nay là tờ thông tin. Còn viết thì hiện nay có người dùng chữ C bằng chữ K, chữ Z bằng chữ D…thôi hôm nào về Vấn nói với vợ cũng được mà.
Mày nói cũng đúng nhưng mà tau thấy bực cho thằng Vấn lắm. Việc vẫn cố nói thêm.
Khi giải tán, tôi nói nhỏ với Việc: Mày vô ý quá, thằng Vấn nó buồn lắm đấy, đừng nói thêm nữa. Việc im lặng…
Bẵng đi hơn 15 năm khoảng năm 89, 90; buổi chiều trên đường đi xuống thị xã Thanh Hóa, tôi gặp Vấn đi về huyện sau xe có chở con trai khoảng tám chín tuổi. Hai thằng đạp xe đi qua nhau rồi mới nhận ra nhau.
Vấn phải không?
Giới à?
Câu đầu tiên Vấn nói với tôi: Tao chia tay vợ rồi.
Không tao không hỏi mày chuyện đó, mà muốn hỏi mày khỏe không? Cuộc sống thế nào?
Dạo ấy khi được điều động đi mỗi thằng một nơi, tao vào đến Sài Gòn, sau đó thì được ra quân, về quê tao chia tay vợ, lấy cô này tình cảm lắm. Thằng con đầu đây, tao lại chuyển về công tác ở cơ quan cũ, nói chung cuộc sống ổn lắm.
Mày thế nào?
Tao cũng ổn, nhưng vẫn còn là lính.
Chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc, trời sắp tối nên tôi bảo Vấn đưa cháu về kẻo tối.
Chúng tôi chia tay nhau từ dạo đó, ai cũng lo công việc của riêng mình mà chưa hề gặp lại.
Đồng đội tôi thế đó, mộc mạc, chân thành, Dẫu không gặp nhau, nhưng vẫn luôn nhớ về nhau.

 

 

4. Cứt cá hơn lá rau.

 

Vào khoảng đầu năm 1975, đơn vị tôi ở gần Khe Sanh. Vẫn tình trạng ăn không có rau, gạo mối mọt sạn rất nhiều. Rất thèm cọng rau hoặc tý cá.
Anh Ngô Thiên Năm quê Quảng Ninh nói với tôi: Tao làm được mấy quả bộc phá, mình đi suối đánh cá cải thiện đi.
Tôi phấn khởi đi cùng anh, đánh hết số bộc phá anh làm mà chỉ bắt được mấy con cá con mang về.
- Mày đi rửa cá đi, tao nấu cho.
Tôi mang cá ra rãnh nước rửa rồi bóp bụng cá cho phân cá ra, vì cá đánh bộc phá chết nổi nên bụng rất to.
- Mày bóp thế thì hết rồi còn gì mà ăn, cứt cá hơn lá rau đấy em à.
Anh vội chay ra giật lấy đem đi nấu. Nấu với tí nước mắm đại dương.
Khi ăn tôi cứ thấy ghê ghê nên chi ăn lườn cá, anh nhìn thấy bảo đừng vứt đi để đấy tao ăn, anh nhặt lấy rồi nhai ngon lành lại nói: Cứt cá hơn lá rau ông em à.
Chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn, chúng tôi lại mỗi người một ngã. Từ đó cho đến giờ vẫn chưa gặp lại anh, không biết anh giờ ở đâu? Làm gì? Anh có khỏe không? Cuộc sống thế nào?

 

 

5. Học tán gái.

 

Tôi được điều về một đơn vị giao liên, ở đó tôi sống với anh Hựu quê Hà Nam là thày giáo đi bộ. Anh Nhiễu quê Quảng Bình. Anh Thúy quê Yên Thành Nghệ an. Anh Ngân quê Vĩnh Phú.
Các anh đều là cán bộ trung đội, sống rất tình cảm. Tôi luôn được các anh xem như thằng em ruột, các anh dạy tôi cách trồng rau, trồng bí ngô (tôi quen gọi là bầu lào).
Anh Hựu làm thơ rất hay, có một câu thơ anh viết bằng than trên vách bếp thế này:
“Thức ăn đủ chất lượng nhiều
Cơm ngon canh ngọt sớm chiều Miên lo”
Cả đơn vị chỉ có Vui và chị Miên là nuôi quân và là con gái
Chị Miên người Quảng Bình, Vui là người Hà Nam.
Khi xuống bếp ăn mọi người nói câu thơ của anh Hựu hay nhưng thiếu dấu phẩy, người bảo dấu phẩy đánh sau chữ chất, người nói đánh sau chữ lượng. Bình phẩm mất mấy ngày, anh Hựu không tham gia. Bữa đó đơn vị đến ăn đông đủ cả, không ai đi đâu. Tôi nói anh Hựu: Anh là tác giả, anh nói dấu phẩy ở đâu?
- Mày bảo ở đâu?
- Em bảo ở sau chữ chất.
Anh Hựu nói rất to:
- Tôi không đánh dấu phẩy, để như vậy để người có trình độ cao đánh dấu phẩy sau chữ chất, người có trình độ vừa đánh dấu phẩy sau chữ lượng.
Mọi người nghe im lặng từ đó không bàn tán nữa.
Anh Hựu là người rất cẩn thận và chu đáo, viết thư cho bạn bè anh đều nhờ tôi vẽ hoa hoặc chim trên góc tờ giấy, anh viết rất thẳng hàng trên các tờ giấy không có dòng kẻ, nhưng anh vẫn kẻ đậm vào một tờ giấy khác rồi đặt dưới tờ giấy viết thư để làm chuẩn.
Anh Nhiễu yêu chị Miên, hai người ở gần nhau nhưng vẫn viết thư cho nhau. Một hôm anh bảo tôi: Chữ em viết đẹp, em viết thư hộ anh.
- Em biết gì mà viết.
- Anh kể tình cảm của anh, em lựa lời mà viết.
- Em không biết viết thư yêu đâu anh.
- Lão Hựu hay viết, em ngủ cùng lão, em đọc trộm thư lão, lão là thày giáo dạy văn nên chắc chắn viết hay.
Tôi đùa anh nói: Anh thưởng công cho em cái gì?
Anh bảo: Em thích ăn cháy cơm, để anh bảo chị lấy cháy cơm cho em ăn.
- Như thế em là thằng vét nồi à.
- Vét nồi thời bây giờ là nhất đó em.
Rồi có một lần tôi đọc trộm thư anh Hựu viết, suýt bị anh bắt được.
Lá thư đầu tiên tôi viết hộ anh, anh đọc thích lắm, khen hay mãi, anh bảo: Đúng với tấm lòng anh dành cho chị Miên. Từ đó tôi được anh tín nhiệm giao cho một tuần viết hộ anh một lá thư cho chị Miên. Nhờ viết thư hộ anh nên tôi biết được tình cảm anh giành cho chị rất lớn.
Không biết bây giờ anh chị sống thế nào?
Anh Thúy thì rất hay hát, gần như anh ít nói chuyện với các anh Hựu, anh Nhiễu. Anh hay nói chuyện với tôi.
Có một dạo có trung đội nữ đi qua nghỉ lại mấy tuần. Các chị rất quý tôi và cũng rất hay nhờ tôi vẽ chì trên gối để các chị thêu. Mỗi lần như thế các chị hay trêu tôi, tôi chỉ đỏ mặt chẳng nói được gì.
Thấy thế anh Thúy bảo: Mày có lớn mà tồ bỏ mẹ, bọn con gái thích mày mà chẳng biết tán gì cả. Học tán gái đi em ơi. Cách đây mấy cây số có đơn vị thanh niên xung phong, hôm nào mày đi với tao, mày ngồi nghe tao tán mà học.
Một thời gian sau, anh bảo tao quen một cô rồi, tối nay mày đi với tao nhé.
- Vâng, em theo anh nhưng không nói gì đâu nhé.
Trời sáng trăng, anh đưa tôi đi qua một ngọn đồi, đến một bụi cây anh bảo: Mày ngồi đây, chờ anh đưa cô ấy ra, nếu thấy cô ấy ra cùng anh, mày nấp đi nhé, ngồi nghe anh tán, đừng nói gì đấy.
- Vâng.
Một lúc sau anh đưa cô ấy ra thật, anh và cô ấy ngồi bên kia bụi cây, tôi ở bên này nghe hai người nói, trời sáng trăng nên vẫn nhìn rõ hai người.
Anh và cô ấy nói chuyện một hồi, rồi anh xin với cô ấy cho anh hôn, vừa nói anh vừa hôn, còn cô ấy cứ đẩy anh ra. Lúc đầu thì xô anh ra, sau thì ứ ừ…
Anh và cô ấy cứ thế, làm tôi buồn cười quá, mà chẳng dám cười. Tôi bịt mồm lại, bỏ dép ra cầm tay, đi thụt lùi cho đến khi tôi nghĩ hai người không thể nghe được mới dám quay đầu lại đi dép và chạy một mạch về lán, vừa chạy vừa cười một mình như thằng dở hơi.
Khoảng hơn mười giờ đêm anh về hỏi tôi:
- Mày về lúc nào? Tiễn nó về tao ra tìm mày không thấy.
- Em về khi anh xin hôn cô ấy, cô ấy cứ đẩy anh ra, em buồn cười quá, nên về.
- Thì tán gái là như thế. Mày nhớ lấy nhé em.
- Dạ, nhưng mà cứ thấy sao ấy.
- Sao là thế nào, chữ nghĩa đẹp, vẽ giỏi mà dốt bỏ mẹ.
Các anh ơi! Bây giờ các anh đang ở đâu? Các anh có nhớ thằng em ngố này không?

 

 

6. Màn tuyn kéo cá.

 

(Em rất nhớ anh, anh Siêu à. Mong gặp anh rất nhiều, chắc chẳng thể nào anh quên được những chuyện này)

 

Giải phóng Sài Gòn, tôi lại được về đơn vị cũ.
Đầu năm 1976 đơn vị cử tôi cùng anh Siêu (chính trị viên đại đội) ra Thường Tín nhận quân học trung cấp lâm nghiệp giao cho sư đoàn 471 đóng ở thị trấn Gia Nghĩa (thủ phủ tỉnh Đắc Nông ngày nay).
Khi đi cũng chỉ vài bánh lương khô mù (lương khô 701 quá đát không có tem nên bọn tôi gọi là lương khô mù, ăn vào ợ ra toàn mùi xà phòng), phương tiện không có vừa đi bộ, vừa vẫy xe, ra đến Vinh mới có tàu.
Đêm lên tàu ở ga Vinh, khi lên tàu anh bảo: Đêm này tàu chạy chắc đêm mai tàu mới đến ga Thường Tín.
Trên tàu anh hỏi tôi: Từ ga Thanh Hóa về nhà em có xa không?
Tôi nói: Khoảng 5 km theo đường chim bay.
- Em mong về nhà thăm các cụ lắm phải không?
- Em nhớ lắm.
- Thôi chịu khó đi cho xong việc, rồi khi nào có điều kiện anh cho về.
Tôi im lặng nghĩ nhiều đến cảnh thày tôi chạy theo con tàu chở chúng tôi đi B, chân thấp chân cao trên đá khi tàu vào ga Thanh Hóa (không biết làm sao thày tôi biết chúng tôi đi B nên đón ở đó từ chiều hôm trước).
Mới đó mà đã gần 2 năm, khi đi đồng đội tôi nói với nhau: Nhìn quê hương đi, có thể chúng mình nhìn quê hương lần cuối. Rồi những lá thư viết vội không tem, không dán, có cả những lá thư không có phong bì vứt xuống ga nhờ bà con gửi về cho cha mẹ người thân. Ước gì tôi được về lúc này, thày mẹ, các em tôi và bà con chòm xóm sẽ vui lắm…
Chỉ ăn có lương khô mù đói vô cùng, tiền lại không có. Hình như đoán được tôi đói, anh Siêu động viên: Chịu khó em nhé, nếu tàu về ga Thương Tín còn sớm rẽ về nhà anh tí mình ăn cơm. Nhà anh bên sông Nhuệ, từ ga đi bộ về nhanh thôi.
Tàu đến ga Thường Tín vào khoảng 19, 20 giờ. Xuống ga tôi đi theo anh về nhà anh.
Nhìn thấy anh. Mẹ, vợ và các con anh vui lắm, hỏi chuyện rất nhiều, nhưng vẫn không quên đi nấu cơm.
Bữa cơm không có thịt cá, chỉ có rau muống luộc, tôi ăn mà thấy thật là ngon, như chưa bao giờ được ăn ngon như thế.
Tôi được anh giành cho ngủ một mình một giường, đi đường mệt lại mất ngủ, nên nằm xuống là tôi ngủ được ngay, ngủ rất sâu. Hơn 4 giờ sáng anh gọi tôi dậy để đi vào đơn vị nhận quân.
Chào bà, chị và các cháu tôi cùng anh vào đơn vị nhận quân trời mới bắt đầu sáng.
Dọc đường đi tôi nhìn thấy tấm biển viết nguệch ngoạc, lấp ló sau cửa sổ của một nhà dân: Cày tơ bảy món, tôi hỏi anh: Anh ơi cày tơ bảy món là gì?
Anh giải thích: Cày tơ bảy món, cày là chó, tơ là non. Đây là thịt chó nấu thành bảy món đó em. Ở ta không cho buôn bán nên họ nấu và bán lén thôi, vì thế mới để biển như vậy, khi thấy công an là họ cất đi.
- Ồ ra thế, lần đầu tiên em biết thịt chó được nấu thành bảy món, cày tơ là chó non. Chính quyền cấm mà dân vẫn lén làm.
Em kể anh nghe: Ở quê em làm thịt con vật gì mặc dù nhà mình nuôi cũng phải giấu. Gà, lợn, chó, mèo… làm thịt phải bóp chết trước khi cắt tiết, lông và các bộ phận bỏ của lòng đem chôn. Ai nấu rượu là bị bắt ngay. Tất cả không được làm kinh tế tư nhân mà phải tập trung cho hợp tác xã. Mỗi người làm việc bằng hai mà.
Có câu chuyện vui thế này: Một ông nông dân đói quá muốn làm thịt bò ăn, bò mình nuôi nhưng do hợp tác xã quản lý nên khó làm thịt. Ông ấy bèn làm cái đơn nói bò ốm yếu, đề nghị cho được thịt mang ra xin chủ tịch xã. Chủ tịch xã bực quá viết vào đơn: Bò cày không được thịt.
Về nhà ông ấy vẫn thịt, chính quyền đến bắt ông ấy nói: Chủ tịch xã cho thịt, rồi mang tờ đơn ra làm chứng. Mấy ông công an và chính quyền đọc thấy: Bò cày không được, thịt. Vậy là họ im lặng ra về.
Anh à ông nông dân này khôn lắm, vì chủ tịch xã viết câu: Bò cày không được thịt không có dấu phẩy, nên ông đã dùng mực cùng loại đánh dấu phẩy sau chữ được để thịt.
- Nông dân mình học ít vẫn có nhiều ông giỏi, chữ nghĩa biết nhiều hơn mấy ông lãnh đạo đó em, đừng bao giờ coi thường họ.
- Dạ.
Tôi và anh vào đơn vị nhận quân, có 16 người học trung cấp lâm nghiệp. Trong đó có 6 nam, còn lại là nữ. Mỗi người một quê, Vĩnh Phú, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Đưa họ ra ga Thường Tín đi vào Vinh. Khi đi anh bảo lần này mình vào Vinh có xe quân đội đón ở Vinh chở vào đến cầu Hiền Lương, từ đó anh em mình đi xe ngoài.
Đến Vinh anh bảo tôi em bảo anh em ngồi chờ anh đi gọi xe. Một lúc anh dẫn ra một chiếc xe Vọt Tiến, tôi và 16 anh em lên thùng còn anh vào Cabin. Cứ đi, đến buổi ăn chúng tôi dừng lại nấu cơm ăn rồi lại đi…
Qua cầu Hiền Lương có đoạn chúng tôi đi nhờ xe Quân đội, có đoạn đi nhờ xe dân rồi cũng vào được đến Gia Nghĩa. Bàn giao quân xong tôi và anh lộc cộc quay về và vẫn phương châm: Vẫy xe đi nhờ, đoạn nào không đi nhờ được thì đi bộ. Ăn uống thì xin dân và còn mấy phong lương khô mù.
Về đơn vị được một ngày, anh gọi tôi bảo: Ăn uống kham khổ quá, gạo mốc ẩm, rau xanh không có. Quanh năm gạo mốc với nước mắm đại dương sót ruột quá, chiều nay anh với em đi ra các hố bom cạnh suối bắt cá về ăn đi.
Bắt bằng gì được anh, khi hố bom to nước nhiều, tát thì lâu lắm mới cạn.
Kéo bằng màn tuyn của anh.
Tôi và anh mang màn ra suối, tung màn ra anh bảo tôi một đầu, còn anh một đầu, khi kéo thấy nặng quá, tôi bảo:
Khéo rách màn mất anh à.
Màn tuyn Liên Xô bền lắm, không rách được đâu, em cứ kéo mạnh vào, kéo nhanh lên mới được cá, không nhanh nó chạy đi hết.
Anh nói vậy nhưng tôi vẫn không dám kéo nhanh, còn anh thì sợ cá chạy mất nên kéo rất nhanh và mạnh.
Bổng nghe xoạc một cái, tôi và anh dừng lại rơ màn lên thấy rách một khoảng dài đến hơn 40cm.
Anh bảo túm chổ rách lại mà kéo. Túm lại, tôi và anh kéo tiếp cả buổi chiều chẳng được con cá nào, đành phải về không.
Trên đường về anh bảo: Buồn quá chẳng được con cá nào cho đơn vị cải thiện. Em về đừng nói anh em mình đi bắt cá nhé, nếu được cá thì không sao, đàng này lại không được con nào chúng nó cười chết.
Anh là vậy đấy, anh chẳng tiếc, chẳng buồn khi cái màn rách. Chỉ buồn vì thương đồng đội ăn uống kham khổ.
Phơi màn tuyn khô, không có kim chỉ anh lấy dây buộc tạm đoạn bị rách, vẫn sử dụng màn như bình thường (vì không có cái thứ 2)
Rồi một bữa tôi thấy anh ngồi khâu lại màn, nhìn thấy tôi anh bảo: Anh xin được kim và đoạn chỉ nên khâu lại cho đẹp.
Khâu xong anh rơ màn lên bảo: Ổn rồi, cũng đẹp ra phết.
Hơn buộc một tẹo thôi anh à.
Anh hỏi mày nhé, màn để làm gì? Màn để chống muỗi khi ta ngủ, hoàn toàn không phải để khoe với chị em, mà ở đây muốn khoe với chị em chẳng bói đâu ra mà khoe. Kín đáo như thế này là được rồi, muỗi tha hồ khóc mà thèm khi ta nằm ngủ ha ha.
Đàn ông bọn tôi là vậy đấy, đồng đội của tôi như thế đấy, sống rất tình cảm, rất biết chăm lo cho mọi người, luôn biết nhường thuận lợi cho người khác, còn khó khăn gian khổ thì giành phần mình, nhưng cũng rất phiên phiến và vụng về.
Anh Siêu ơi! Anh đang ở đâu thuộc đất Hà Tây cũ (Hà Nội 2 như dân ta vẫn gọi ngày nay) bên dòng sông Nhuệ, em cứ tìm và hỏi thăm mà chẳng biết anh ở đâu, anh đang sống thế nào? Trên đồng ruộng quê mình bây giờ phun thuốc sâu cá chết cả, sông Nhuệ bây giờ nước bẩn vô cùng cá không thể sống được. Chỉ còn lại các vùng rừng núi ngày xưa nơi ta đã sống may ra còn cá. À mà rừng dạo này người ta tàn phá thế, ngay ở Hà Nội có vài cây xanh họ còn chặt đi nói gì đến rừng. Kiếm được con cá không nuôi tăng trọng khó quá đúng không anh.

 

7. Bị ám.

 

Anh Ngân trước đây là trung đội trưởng trinh sát, khi anh ở với tôi anh đã lớn tuổi nhưng chưa có vợ, anh nói ở nhà mẹ anh đã dấm cho anh một số đám nhưng một thời gian sau do không chờ được nên họ đi lấy chồng.
- Năm ngoái sau giải phóng vài tháng khi đấy chắc chắn là sống rồi, anh được về một tháng sao không cưới vợ đi.
- Em biết không? Hồi đó về được một ngày mẹ anh có dẫn đi xem mặt một cô. Bà phởn chí thế nào lại mặc cái áo phin trắng, khi đến nhà người ta, ông bố bà mẹ và cô ấy vui lắm, tiếp chuyện rất vui vẻ. Cô ấy coi bộ cũng thích anh. Mẹ anh hẹn với gia đình bên ấy ngày mai mẹ anh sẽ đến nói chuyện với họ.
Khi về anh chở mẹ anh đi trên đê, trăng sáng mờ thôi, bọn trẻ ngồi hóng mát tưởng mẹ anh là bạn gái của anh nên chúng nó đùa: “Đẹp đôi quá”. Có mấy đứa còn đọc:
“Đôi ta như lửa mới nhen.
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.”
“Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương.”
Thấy mẹ anh không nói gì anh cứ tưởng mẹ đã bỏ được cái tính đánh đá cá cày, chua ngoa nhất làng rồi, anh đã vội mừng thầm.
Không phải thế em à, khi có một đứa ngân nga đọc thật to câu ca dao chế thế này:
“Anh còn son em cũng còn son.
Đêm nay ta quyết làm con một nhà.”
Nghe đến đây thì mẹ anh nhảy xuống xe. Mẹ anh xỉa xói: Một nhà một nhiếc cái mả cha chúng mày à, đây là con trai bà chúng mày biết không? chúng mày mù à, đồ con chó, bà thì bà….
Mẹ anh cứ chưởi vậy đến cả tiếng đồng hồ, bọn trẻ thì chạy đi hết, anh giục mãi mẹ mới lên xe. Ngồi trên xe mẹ vẫn chưởi.
- Sao anh không nói với bà là chúng nó nhầm.
- Anh nói với mẹ anh nhiều là bọn trẻ nhầm, có sao đâu. Nhưng mẹ anh đâu có nghe, về đến nhà bà vẫn chưởi, gần trọn đêm em à. Ngày hôm sau gần như mẹ anh không nói được nữa vì khan cổ. Thế là kế hoạch lấy vợ bị hoãn lại.
Mà em biết rồi đấy mang tiếng là được về một tháng nhưng đi tàu xe rất khó, anh chỉ ở nhà được vài hôm thôi đã vội vàng về đơn vị. Phải liều lên cả nóc tàu, vẫy xe ô tô tải nằm trên thùng, đi như thế mà còn chậm mất mấy ngày, may mà đơn vị cũng hiểu nên thông cảm cho. Em à anh nghĩ cô nào có ý lấy anh, gặp bà mẹ chồng vậy chắc chắn bỏ dép tháo thân mất.
Nghe anh nói vậy nỗi buồn như cũng đè nặng trong tôi, thương anh quá.
Đơn vị tôi không có con gái, thỉnh thoảng mới có một tốp dăm bảy cô đi qua, họ chỉ ở lại một ngày, một đêm rồi lại đi, có tốp ở lâu hơn ở được hai ngày. Không biết ai bảo mà họ cũng biết tôi vẽ và viết đẹp nên họ hay nhờ tôi vẽ, viết lên khăn mùi xoa, áo gối bằng bút chì (bút chì tôi giấu mang theo khi đi B ghi nhật ký) để họ thêu. Trên những cái khăn, cái gối ấy được vẽ và viết những nội dung theo yêu cầu của chủ nhân, nào là: Đôi chim bồ câu đang bay với thắm mãi Trường Sơn hoặc gửi tặng yêu thương; Hoa sen với giữ trọn tình thương; Đôi chim bồ câu đang đậu với thương mãi nhé anh…
Đem những chuyện này tôi nói với anh: Hình như những chị này đã có chốn cả rồi anh à.
Anh Ngân bảo: Sao em biết.
Em định làm mối cho anh, nhưng thấy họ nhờ vẽ viết như vậy thì tức là đã có người yêu rồi, nếu họ bảo vẽ một con chim và viết tìm anh, mãi cô đơn hay em vẫn chờ thì lại khác.
Anh cười bảo: Ông em ngớ ngẫn vậy thì làm sao mà làm mối được.
Một hôm anh lấy đồ trong ba lô ra. Tôi hỏi anh làm gì?
Anh định mang ba lô đi giặt, nó bẩn quá rồi.
Tôi sán lại mới biết anh có rất nhiều huân huy chương và danh hiệu: Huân chương chiến công giải phóng; Chiến sỹ giải phóng…Danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt Ngụy, dũng sỹ diệt xe tăng…
- Anh nhiều huân huy chương và danh hiệu thế
- Trước đây anh là trung đội trưởng trinh sát mà em, dân trinh sát bọn anh thằng nào cũng gan dạ, nhanh nhẹn khéo léo, Chuẩn bị cho một trận đánh phải vào tận nơi địch ở nắm chắc quân số vũ khí trang bị, nhiều lần anh trực tiếp đếm từng thằng đang ngủ, đang gác.
- Anh à! Hay là anh giết nhiều địch quá nên nó ám anh, nên bây giờ không lấy được vợ.
Tôi nói với anh điều này vì có hai câu chuyện linh hồn mà tôi luôn nghĩ tới đó là chuyện của tôi và của anh Thúy.
Trên đường đi B, khi đến Quảng Bình vào một nhà dân nấu cơm, thấy nhà toàn treo chân gà khô tôi không biết gì cả, thằng Tăng nói nhỏ với tôi: Nhà này có người xem chân gà giỏi lắm. Tôi bảo nó: Chân gà có mấy ngón nhìn là biết, có gì mà giỏi với không giỏi. Nó mắng tôi mày chẳng biết cái đếch gì. Tôi định cự nó thì ông chủ nhà về, tôi xin phép ông cho bọn tôi nấu nhờ cơm, nói được dăm ba câu ông nhìn tôi bảo: Nhà con có người thiêng lắm, anh con đang đứng kia kìa, anh ấy đi theo để bảo vệ con đó. Với con việc viết lách phải cẩn thận nghe.
Bọn tôi vội nấu cơm ăn để đi cho kịp đội hình nên tôi cũng chỉ nghĩ đó là chuyện làm quà của ông. Sau này khi tôi bị chính trị viên đại đội nói tôi về việc tôi viết nhật ký (chẳng là khi đi B tôi có giấu mang theo được cuốn vở do tôi đóng rất dày và mấy cái bút chì để ghi nhật ký) ông bảo tôi viết rất phản động, tư tưởng tiểu tư sản… rồi tiểu đội, đại đội kiểm điểm tôi, cách chức bí thư liên chi đoàn của tôi. Ông chính trị viên còn bảo tôi: Với nội dung cậu ghi người ta có thể đưa cậu ra tòa án binh cho cậu đi tù, giờ cậu phải đốt nó đi và hứa không được ghi nhật ký nữa. Tôi đành ngậm ngùi đốt cuốn nhật ký đi, mặc dù cuốn nhật ký tôi ghi hoàn toàn đúng sự thật về chuyện hành quân về những gì tôi và đồng đã gặp, chuyện vui có, chuyện buồn cũng nhiều. Đặc biệt là chuyện bom đạn.
Khi ấy tôi mới nghĩ đến lời ông già ở Quảng Bình nói và khẳng định ông nói đúng về chuyện viết lách của tôi, về việc tôi có một người anh đã mất sớm. Có lẽ nhờ anh bảo vệ mà khi xuyên rừng tôi không gặp địch, gặp mìn…vì thế mà khỏe mạnh.
Còn chuyện của anh Thúy là do anh kể cho tôi và anh Quế nghe rằng hằng đêm anh ngủ đều có bóng người con gái mặc bộ đồ trắng đến ngủ cùng, có khi còn có cả chuyện ấy nữa…
Anh Quế bảo: Mày mơ lung tung thôi.
Không phải ở đây mà những ngày trước ở Khe Sanh cũng vậy, tao lo lắm, nếu cứ có người ám thế này về quê ai thèm lấy tao.
Khi nghe tôi nói thế anh Ngân lặng đi một lúc sau anh mới nói: Em à anh dám chắc anh không giết được ai cả. Anh là lính trinh sát, anh chỉ nắm tình hình địch để báo cho cấp trên thôi mà. Anh chắc chắn với em như thế vì trận đánh cuối cùng trước ngày giải phóng anh tham gia, đó là đêm đi trinh sát xong ra đến rừng mệt quá bọn anh nằm lại ngủ, khi nghe thấy tiếng cười cả 3 thằng anh cùng tỉnh lại, nhìn xuống bờ suối thấy mấy cô me Mỹ tắm truồng bọn anh thằng nào cũng ngứa mắt bảo bắn chết nó đi. Quá bị động, không giữ gìn vài trò chỉ huy nữa, anh nằm ngắm bắn đàng hoàng. Bóp cò bọn chúng ré lên chạy, chẳng đứa nào chết.
- Sao anh biết không ai chết.
- Chúng chạy hết có ai nằm lại đâu em, hai thằng đi cùng còn chê anh bắn dở mà.
Sau chuyện này anh bị kiểm điểm và bị kỷ luật, may mà bị kỷ luật nhẹ vì trận đánh vẫn diễn ra đúng kế hoạch, ta đã thắng.
Những ngày sau đó anh được điều đi đơn vị khác tôi không gặp lại anh nhưng vẫn rất nhớ và thương anh. Với anh cái chết anh xem thật nhẹ, nhưng chuyện nho nhỏ này anh lại lo lắng và bận tâm. Phải chăng người lính của chúng tôi ra trận chỉ là như thế, đơn giản mà cũng rất tinh tế, thấm đẫm nhân ái.

 

 

8. Thằng sữa hộp

 

(Biên ơi em ở đâu, chẳng thể nào anh quên được chuyện này)

 

Dạo đó vào khoảng giữa năm 1976. Các anh Hựu, Ngân, Quế, Nhiễu, Thúy được điều đi nới khác, lán trung đội còn lại mình tôi, mấy ngày sau có thêm Biên ở đơn vị khác điều về. Biên dân tộc Mường ở Thường Xuân, Thanh Hóa. Đi bộ đội tháng 2/1975 ít hơn tôi một tuổi.
Biên chân thành, hiền lành lắm, Biên có giọng hát hay, nếu được học thanh nhạc, chắc chắn Biên sẽ là ca sỹ được công chúng mến mộ, Biên hay hát bài: Bèo dạt mây trôi, dân ca quan họ Bắc Ninh. Tôi cũng rất thích nghe Biên hát bài này.
Thời kỳ này chúng tôi không nằm ngủ sạp nữa, sạp nằm được 20 đến 30 người, nhưng đứa nào mất ngủ cựa mình là tất cả cùng dậy vì nó kêu và rung. Bây giờ có điều kiện hơn nên nằm giường, giường của bọn tôi cũng giống sạp nhưng nhỏ hơn, nghĩa là đóng 4 cái cọc, buộc vào cọc các thanh dọc, ngang rồi rãi nan giường, chú ý đầu cọc không được nhô cao khi rãi chiếu, làm như vậy vừa bằng cái chiếu một, cho một người nằm.
Giường tôi và Biên ở cạnh nhau. Đêm nào cũng vậy trước khi nằm ngủ Biên lại sang giường tôi, ôm lấy tôi rồi hát: Anh ơi em vẫn đợi vẫn chờ…tôi cứ đùa Biên: Mày ái rồi em à, Biên cười, giả giọng con gái: “Còn nâu em mới ái, hôm khám đi bộ đội, chị bác sỹ bắt em cởi quần khám, nhìn của em chị ấy lói chị ấy rất chi nà thích nhá. Chị ấy còn biểu: Em để lại cho chị đi. Chị cất giữ cẩn thận, khi mô giải phóng Miền Lam viền nhận nại, chị đảm bảo còn nguyên si ờ, không mất dấu tí mô”.
Nghe Biên nói tôi cười rất to, rồi gọi Biên là thằng sạo.
- Eng không có sạo mô, nhìn thấy cổ chưn con gấy là eng thích niền, hổng tin anh đem làng tiên đến đây mà coi. Lằm một mình cô đơn lên eng mới sang với anh thui, chứ lằm với anh chán chết đi được ấy. Người mô mà toàn mùi rau má, rau má từ chong ra ngoài nì. Ổng ni phải phá nát vài ngàn cây số đường tàu rồi mí có được mùi đặc trưng như ri. Vì rứa mà đường sắt chỉ vào được đến Vinh. Mà răng mấy ông đường sắt không bắt ông hè. Soong nghĩa vụ viền quê mềnh tui phải kiện mấy não đường sắt cho coi.
Không thể nhịn được cười và cũng chẳng nói lại nó, tôi bảo nó: Thôi về giường ngủ đi ông tướng.
Tối đến bọn tôi đi ngủ rất sớm, không cần theo quy định: 21 giờ đi ngủ, vì cả trung đội mới có cây đèn dầu làm tạm bằng chai, bữa thắp bữa không, tiết kiệm dầu mà. Có dạo không còn dầu còn phải chẻ tre nứa làm đóm đốt thay đèn.
Cũng vào thời gian đó, lần đầu tiên bọn tôi được cấp mỗi thằng một hộp sữa bột Trung Quốc loại 5 lạng và 3 lạng đường.
Hôm nhận sữa về tôi và thằng Biên mỗi thằng khui một hộp, đổ ba lạng đường vào hộp sữa rồi trộn ăn khô.
Ăn sữa bột rất khó, nếu những năm đói kém ngoài Bắc, ai đã ăn cám rang rồi thì biết (cám giành cho lợn, nhưng người đói quá phải rang cám lên ăn - Hồi đấy được ăn cám rang cũng là quý lắm), ăn nó phải biết cách nếu không thì sặc chết. Đổ vào mồm, nhai phải ngậm môi lại, ăn vài miếng lại uống vài hớp nước cho đỡ khô miệng.
Ăn sữa bột cũng vậy, nếu trộn thêm đường thì ăn dễ hơn, ngoài sữa bột trộn đường, tôi và Biên còn có mỗi thằng một bát nước, ăn vài miếng lại uống vài hớp nước, cứ vậy tôi ngồi ăn, khi còn trong hộp khoảng dăm thìa thì tôi đóng nắp hộp lại, thấy tôi đóng nắp hộp. Thằng Biên hỏi: Anh còn nhiều không?
- Còn gần một nửa nữa.
Vừa hỏi, vừa nghe tôi trả lời, Biên nhảy sang giường tôi bảo: Cho em kiểm tra.
Tôi không cho Biên xem, mà hỏi lại: Mày còn nhiều không?
- Cũng còn gần một nửa.
- Mang lại anh xem.
- Anh xem làm gì.
Chúng tôi cất sữa vào ba lô, qua một ngày vào buổi chiều lại mang ra ăn tiếp, hai thằng ăn một tẹo thì hết. Tôi nói với Biên: Hôm trước anh ăn sắp hết rồi, sợ em cười nên cất đi, chứ vẫn còn thèm lắm.
- Em cũng rứa, em sợ anh gọi em là thằng sữa bột thì xấu hổ lắm. Biên sữa bột nghe hấn cứ mần rằng ý. Nếu vậy đơn vị hấn lại nói mềnh ăn nhiều.
Vậy đó dù ở cương vị nào đồng đội tôi cũng rất thật thà, rất chân thành. Sợ cả những điều bé nhỏ nhất không hay trong cuộc sống.
Ở với tôi gần hai tháng thì Biên được điều động về đơn vị khảo sát, lần đi này Biên được ô tô đón, ô tô Vọt Tiến nhé. Biên chuẩn bị ra xe cứ ôm tôi mãi, tôi và Biên khóc, Biên ngồi trên thùng xe, xe bắt đầu chạy Biên nhoài người vẫy tay, tôi chạy theo xe. Phần vì bụi, phần vì nước mắt trào ra, xe chỉ chạy một đoạn ngắn là tôi không nhìn thấy Biên nữa.
Tôi cũng đã nhiều lần hỏi thăm người ở Chòm Khằm, Thường Xuân, Thanh Hóa xem có ai biết Biên có ở đấy không, nhưng ai cũng không biết. Buồn quá.