Những chuyện bạo hành

Nhà giáo Ưu tú Lê Vạn Quỳnh quê ở xã Quảng Hùng - Quảng Xương - Thanh Hóa. Đã dạy môn Hóa học tại các trường: THPT Tĩnh Gia I - Thanh Hóa, THPT chuyên Lam Sơn – Thanh Hóa. Đt: 0913306725; Email: lequynh_lamson@yahoo.com *Tác phẩm đã xuất bản: Với nhà thơ Văn Đắc trò chuyện 365, Nxb Văn học, HN - 2015; Lan man xê dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, HN – 2015.

“...Trong những trí thức, những văn sỹ, thi sỹ Việt Nam tên tuổi mà tôi quen biết hoặc may mắn được nhiều dịp hầu chuyện có người vốn là giáo sư, tiến sỹ, nghệ sĩ nhân dân hay bác sĩ y khoa hoặc chuyên gia ngành pháp luật..., họ đã làm rất nhiều nghề, nghề nào cũng dấu ấn thành đạt, kể cả nghề quản lý. Cuối đời họ bỗng  cho ra sách văn học, đọc thích đến mê hồn làm xôn xao dư luận. Bạn tôi, Lê Vạn Quỳnh vốn là nhà giáo dạy môn Hoá trường chuyên Lam Sơn - Thanh Hoá. Những tưởng anh bị ngập chìm trong bộn bề tương tác hoá học của ống nghiệm bình cầu, nhưng hiện anh đang miệt mài thực hiện sở nguyện văn chương nẩy mầm từ buổi đầu đời thì đó cũng là một hiện tượng tương tác liên tài đáng trọng và hi vọng...” (Nhà văn Lê Ngọc Minh giới thiệu).

Tacphammoi.net trân trọng đăng tải bài tản văn Những chuyện bạo hành, trích trong tập sách Lan man xê dịch của tác giả Lê Vạn Quỳnh.

 

NHỮNG CHUYỆN BẠO HÀNH

Lê Vạn Quỳnh

 

Không rõ nhặt được từ sách hay nghe ai trò chuyện mà tôi cứ nhớ câu “Con người phải có đam mê dù là tội lỗi”. Xét ra, quanh ta không thiếu những tội lỗi do mê đắm gây ra. Chuyện tôi sắp kể ra đây có lẽ nên xếp vào những tội lỗi, phần vì tôi cũng có nhiều lần là nạn nhân hay có lúc lại vô tình là tội đồ trong chuyện này. Nói tội lỗi, vì nhiều ít có gây chút “bạo hành”. Trước hết, chuyện bạo hành thứ nhất phải kể là bóng đá.

Hồi nhỏ, sân trường, đám ruộng trước nhà mùa hanh khô hay bất kể khoảng trống nào trong làng vừa tầm chân chúng tôi chạy đều trở thành bãi bóng. Qủa bưởi chúng tôi trộm vườn nhà ông Diễn Dậu thay cho bóng da xịn. Công phu hơn thì lấy lá và dây chuối khô vận thành quả bóng, công phu nữa thì đốt lửa hơ cho mềm quả bưởi, đá vừa nhẹ vừa đỡ đau chân lại có chút đàn hồi. Bóng đá chẳng mang lại cho tôi điều gì lớn lao. Năm 1975, trận chung kết cùng học trò cấp 3 Tĩnh Gia tôi bị đứt gân chân trái, liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài. Bàn chân rũ quặp xuống. Hết bay nhảy. Hôm đi ăn hỏi, ông già vợ cứ thắc thỏm, con gái mình như vậy lại đi lấy thằng cà nhắc, còn bà già bảo cái số nó vậy. Nghiệp bóng thế là hết. Không lăn lóc được với bóng trên sân nữa, tôi chuyển sang bóng trên tivi, lên mặt báo giấy. Đêm đêm, có trận đội tôi hâm mộ lại mò mẫm “ đi nhẹ nói khẽ”, hãm tivi tiếng thật bé. Đột nhiên bóng vào lưới. Hét lên. Nhà mất ngủ. Rõ ràng tình yêu nào cũng có chút “tội lỗi”, cũng đều gây ra nạn “bạo hành” cho người và cho mình. Nhưng so trong cả vạn mớ bạo hành, mê mải bóng đá là thứ tội lỗi đáng yêu. Vợ có bực tức chút ít cũng chưa nhằm nhò gì với chán vạn thứ khủng bố khác. Mẹ bé quá yêu con, sính sữa ngoại gặp lúc giá trên trời, gặp nạn. Sân Mĩ Đình trận hai đội U19 Việt Nam và Nhật Bản, vé chợ đen một đôi chỉ có…6 triệu. Mua xem, bớt được vài trăm để lấy may cho đội nhà. Bị đánh mà không dám đau.

Tình yêu thời @, chát chít ở mạng, sẻ chia trên fei (facebook) bị bạo hành là mấy em mới lớn. Phụ nữ khi yêu hết lòng dâng hiến sẽ bị bạo hành nhiều hơn. Đến con Cún vàng, hớn hở nhảy dựng lên chạm lưng áo bà chủ về mở cổng còn bị đánh đòn nữa là. Suy cho cùng, những bà vợ trong thiên hạ yêu có thể cam chịu nhiều bạo hành nữa từ chồng: tệ bia rượu, thuốc lá, tật ngáy to, thói ba hoa tàng tếnh, chém gió chém chuối miệng cứ vèo vèo…, riêng khoản phụ bạc, chia xẻ cùng ai thì không thể.

Mê đắm văn thơ là thứ tội lỗi ít đáng yêu hơn mê muội bóng bê. Cũng may. Tôi chỉ có mê chứ chưa đắm. Hồi nhỏ hay tới nhà ông Kiểm Ngậu mượn sách Tam Quốc bệt mông xuống đất. Đọc. Ông nằm nghe ngủ say trên võng từ lúc nào. Mình cứ thế mê mải. Học cấp 2, thầy Phiên giảng Kiều nghe mê tơi. Chê Thúc Sinh. Quý Kim Trọng. Giờ bia rượu chém gió cùng bạn nơi quán xá lại thấy khác. Hình như Kim lo đường công danh. Tiếc cho Thuý Kiều không có di động, email báo việc 300 lạng, để thử Kim đáng yêu đến mức nào. Thúc Sinh mộ tiếng Kiều nhi đến bia Hải Xồm (Hà Nội), thấy đẹp thấy tài “ trước còn trăng gió sau ra đá vàng” bèn đưa về làm vợ lẽ. Thật đáng mặt nam nhi, không dấm dúi cặp bồ cơ quan như mấy  bác thời nay. Chẳng thế mà, cặp đôi Thúc – Thuý được Cụ Nguyễn Tiên Điền dành cho những vần thơ tình bậc nhất:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Mê đắm văn chương rồi bị chính nó hành hạ là mấy bác văn xuôi và đặc biệt cái giống mà ta gọi là loài thi sĩ. Nhà văn Tạ Duy Anh (dựa theo “Còn và mất” của tác giả, Nghệ Thuật Mới số tháng 7/2014) sau những lần dấn thân cho cuộc tình văn chương thì sắc thần nhợt nhạt. Vợ bảo, kiếp trước nợ nần cướp bóc gì để kiếp này chịu cảnh đày đoạ. Thi sĩ Văn Đắc tự trào cái thói đa đoan “Vợ mình không nhớ đi nhớ người ta”. Chuyện không tắt quạt, quên cúp điện, ra khỏi nhà chẳng thèm…đóng cửa, cứ mặc nhiên tồn tại và được bạn thơ định danh “lãng đãng kiểu Văn Đắc”. Đau thương nhất phải kể đến mấy chàng văn nhân đang đợi ngày thoát xác. Họ viết và gặp ta, tâm thế như lên đồng, cảm xúc luôn úng ngập. Mặt không còn là gương, trông nhàu nhĩ thảng thốt thật bất an. Đọc tác phẩm của mình không chán, càng đọc càng thấy hay chính là văn nhân loại này. Nghe và thưởng văn cùng họ, không phải bạn thân coi như bị bạo hành. Cũng theo Tạ Duy Anh, trong bài “Sống để viết và viết để sống” (Nghệ Thuật Mới số tháng 4/2014), một nhà thơ nổi tiếng, phụ  trách của một tờ báo trung ương bảo: “Mỗi tháng bọn tớ bán cho bà lông gà lông vịt cả tạ thơ”. Từ đó, ta nhẩm ra, thành phố có tới mươi tờ báo văn học, hàng chục nhà xuất bản, chưa kể “dòng văn chương” lưu hành nội bộ không nhà vẫn xuất. Thế giới ngày càng phẳng, cơn bão truyền thông càn quét với đủ loại phương tiện nghe nhìn hiện đại thì có cả tấn văn thơ ném ra đường mỗi ngày. Chọn lọc và giá trị, qui luật luôn hiện hữu. Mà cũng chẳng sao, dù chưa thực sự đáng yêu như đĩa bánh cuốn Hà Nội lúc vào đêm, “bạo hành” có gốc nguồn thi hứng lại cho ta chút dư vị đắng đót của đời sống ồn ả đến vô vị mỗi ngày. Khí văn có được sẽ vơi nhẹ cái không gian mỗi lúc một bốc lên mùi đồng (tiền) của đời sống đương đại .

Quanh ta thật lắm chuyện. Dở khóc dở cười việc Duy Thái cưới vợ lại. Cơn mưa đêm bất chợt đã cho anh cơn mơ có thật. Anh làm nghề ảnh có khiếu văn thơ, nói năng điệu đà ý vị, đương nhiên giao tiếp phải “mở” mới phát huy được tay nghề. Vợ đảm đang nghiệp gia truyền, gom cá từ vùng cửa bể lúc hừng đông tại các vạt lưới rùng. Cá lổn nhổn đủ loại, to nhất cũng chỉ bằng hai ngón tay. Dân phố thị thích cá không qua ướp lạnh, bán tí đầu sớm hết veo. Gom đầy thúng chở xe lên phố. Hôm không đạp nổ thì gọi xe ôm. Thúng cá đặt trước, chị ngồi sau ôm chặt. Có bận, xe lao nhanh đụng ổ gà. Thúng cá nguyên trên xe, chị văng xuống đường đau điếng. Bò dậy, còn giục anh xế ôm nhanh kịp giờ. Duy Thái bị vợ bỏ với lí do lãng xẹt. Cũng một phần tại đàn bà cửa bể quen làm lụng dâng hiến, tính khí xồn xồn vùng vẫy như cá bị lưới rùng quây cuốn, họ không mộng mị day dứt như đám nữ công chức thành phố. Số là hôm đó, chị lục tìm giấy loại để gói cá cho khách quen từ đống sách chỗ đầu giường thì đụng phải mấy cân . . .thơ. Lại là thơ tình, em anh thật ngọt. Chị cho đó là thứ rượu lậu của mấy người dở hơi. Con gái đang ôn thi trung học lại vô tư cho mẹ xem fei( facebook) của anh toàn các chị đẹp như tranh. Những lời ba hoa từ thói văn thơ nông nỗi cứ thế cất cánh đậu vào phía dưới từng trang mạng. Lại còn tin nhắn trong di động. Trước mắt chị không còn loi choi tôm cá. Những lườn sóng cứ thế hiện ra vỗ nhẹ vào bờ cát. Dâm tang đạo tích, từ đó Duy Thái gặp cảnh oan gia ngõ hẹp, tình ngay lí gian. Chị xuống ở riêng tại nhà dưới, ngang dãy phòng anh. Ở quê mỗi hộ, nhà trên và nhà dưới được xây vuông góc với nhau. Công việc vẫn vậy, chị hào hởi gom cá mỗi ngày, anh từ sáng đến tối lui cui săn ảnh đẹp từ người quê vùng quê cho kịp đợt thi ảnh nông thôn. Ăn cơm chung. Ngủ riêng. Cuộc chiến không thể kéo dài. Vợ chồng lúc toan về già thỉnh thoảng muốn làm mới chút tình yêu cũ càng. Duy Thái kể, đêm ấy trời xui mưa to gió lốc, cửa sổ nhà dưới bật tung, nước tạt xối vào nhà. Không kịp đi dép, anh vội chạy xuống tìm dây buộc cửa. Chậu nước chị vừa hứng từ mái kè, chị giội cho anh rửa tay. Anh khẽ cúi để chị lau vết nước ướt bờ vai săn chắc. Căn phòng lắng lại, phả hơi ấm da thịt đàn ông. Xong việc, anh tần ngần nơi bậu cửa, chị bảo trời còn mưa to…Ơn trời, cơn mưa đêm bất chợt đã cho Duy Thái thoát cảnh “tù đày” vài tháng. Đôi khi, cái tủ cái giường trong phòng lâu ngày cũng còn cần phải xê dịch cho mới nét cũ mòn huống nữa chồng vợ dài dặc trăm năm.

Bạo hành, dưới bất kì hình thức gì, ở bất cứ cấp độ nào cũng không nên và không được phép tồn tại. Buồn thay! Nó đang thật “khủng”!. Hãy thử mở một tờ báo, lướt vài trang mạng hay nhìn lên tivi mục Chuyện thường ngày, chúng ta không khỏi thắt đau trước nạn bạo hành mà nhân loại đang phải gánh chịu. Những mẩu vụn trong đoạn vừa kể hầu quí vị, không thể gọi là bạo hành, chỉ nên xếp chúng vào hàng tội lỗi đáng yêu. Nó mặc định tồn tại và chừng như làm cho cuộc sống chúng ta có thêm vẻ người hơn.

10/2014 - LVQ