Thông điệp...chuồn chuồn

Cân bằng sinh thái, để có cuộc sống bền vững chính là thông điệp nữa mà ông bà muốn nhắn gửi, bắt chuồn chỉ là trò chơi của con trẻ, còn “diệt” chuồn hãy coi chừng thịnh nộ của thời tiết. Thế vụ cắn rốn thì sao? tôi sốt ruột! Vụ này, thông điệp “đừng đốt cháy giai đoạn” của ông bà, biết bơi trước hết phải nổi, muốn vậy toàn thân phải thả lỏng kết hợp hít thở điều hòa, đạp chân đẩy trọng lượng, bụng nổi trên mặt nước. Những chú chuồn bay lượn, những tưởng bông hoa nọ, lao xuống “xơi nhầm” hương vị đất trời mà thôi. Giời ạ, tư duy xưa xa của ông bà ta quả là lãng mạn.

THÔNG ĐIỆP CHUỒN CHUỒN

 

“Chuồn chuồn cắn rốn bốn ngày biết bơi”

Chuồn chuồn, loài côn trùng chẳng gì lạ mỗi ai thời con trẻ, cái đầu to, đôi mắt “thao láo” cặp cánh mảnh mai trong suốt chao lượn như bùa mê lấy đi khá nhiều thời gian tuổi thơ những ngày hè. Không ít lần thất bại trước cặp “mắt thần” của những chú chuồn với động tác khom lưng  nhẹ tiến, rình “chộp”, cách  dùng nhựa mít quấn đầu cây để dính câu, ai đó phát kiến làm con trẻ vô cùng thích thú để sở hữu những chú “khỏi chuồn”. Cắt giấy mầu giả cánh, lồng trên cặp cánh mỏng manh để nghe âm thanh “xè xè” của những chú “khỏi chuồn” bay trong không phận kiểm soát là trò yêu thích tuổi ấu thơ. Lớn chút, cao cấp hơn đưa tay khua vòng tròn liên tục, khiến đôi mắt thao láo “choáng váng, chóng mặt” nhẹ tiến “tóm” những chú “khỏi chuồn” dễ dàng.  Ấy là chuyện  những chú chuồn kim, còn gặp hàng “khủng” chuồn ngô thì khó hơn nhiều, chẳng thế một ai có được, bỗng chốc đám đông vòng trong, ngoài xô đẩy, xuýt xoa chiêm ngưỡng sắc vàng long lanh đầy kiêu hãnh của “gã họ” ngô. Đôi mắt hắn đảo “như bi” như tìm giải thoát hay than phận chẳng khiến đám đông lay động bởi niềm tin “điều kỳ diệu” đến từ “gã họ” ngô. Cầm đôi cánh lần lượt “hua” trên những chiếc bụng lép, cố rướn căng “mời chào” đủ loại: vũm, lồi, vặn vẹo… nhưng dường “gã họ” ngô chẳng mấy mặn mà, duyên số đến lượt, đôi răng nhọn hoắt của “gã” bất ngờ bổ mạnh khiến điếng lịm. Biết bơi rồi, hét to chạy nhanh ra hồ, sau vài cú “giã gạo” tròn no bụng nước, chẳng “oán” ngô, còn thầm nghĩ chắc chưa cho “gã” “xơi” đủ 3 lần nữa.

Chuyên mục hỏi gì đáp nấy, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, câu dân gian: “chuồn chuồn cắn rốn, bốn ngày biết bơi”  với "niềm tin" rằng, nếu ai đó bắt chuồn chuồn cho cắn rốn thì có thể biết bơi. Tập bơi phải can đảm, cho chuồn chuồn cắn rốn là tỏ ra can đảm với con trẻ và người ta cho rằng, đã có đủ can đảm thì thế nào cũng biết bơi. Thời ấy giá biết thông tin này chắc lũ con trẻ chẳng dại tranh nhau chìa rốn để cống nạp cho những “gã họ” ngô “xơi”.

“Thông điệp chuồn chuồn”

Anh bạn cùng cơ quan có nhiều điểm tương đồng, tuổi hơn kém nhau nhõn ngày, cùng “lính bẩy hai” (1972) anh là lính hải quân tham gia chiến trường quân khu 9, còn tôi lính sư 2 thuộc chiến trường quân khu 5. Chúng tôi thuộc “típ” người may mắn trở về sau chiến tranh cùng học chuyên ngành kinh tế, vợ anh là bác sỹ giống nghề người bạn đời tôi gắn nghiệp. Chút khác, anh đảm nhận chức vị thường trực Đảng ủy của Tập đoàn Than- Khoáng sản,  còn tôi trung thành “ôm” nghề kế toán đến khi hưu.  Thi thoảng hàn huyên, vốn sống mà anh tích lũy “nghiền ngẫm” chia sẻ khiến tôi luôn bất ngờ, thú vị. Nhân truyền hình đưa tin vụ đuối nước đau lòng mấy trẻ tại tỉnh Tây nguyên nọ, anh ưu tư, chau mày thở dài: “lại thông điệp chuồn chuồn”. Thấy anh thủng thẳng, tôi gặng: Thông điệp nghĩa sao? Có nhiều dị bản lắm “chuồn chuồn cắn rốn biết bơi”; “chuồn chuồn cắn rốn, bốn ngày biết bơi”; “chuồn chuồn cắn rốn, ba ngày biết bơi” nghĩa đen chẳng có gì, mối liên hệ chú chuồn với động từ bơi và cắn rốn mới điều quan trọng. Có thể hiểu đó là cách cho chữ, chơi chữ , hay nói khác đó thông điệp sâu xa mà ông bà nhắn gửi thông qua chú chuồn mà thôi! Ông thử nghĩ xem một đất nước “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” thì bơi có phải là “vũ khí” bất ly thân không! Thông điệp “biết bơi” quan trọng đến nhường nào khi xưa phương tiện giao thông thủy là chủ yếu.Vì sao laị gắn với chuồn ư ? Đây là loài côn trùng không thể thiếu nền nông nghiệp lúa nước, rồi nữa, xưa đâu có thiết bị dự báo thời tiết, bởi thế chuồn là  “thiết bị sống” để cảnh báo thời tiết hàng ngày “bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Đồng áng xa nhà, chuồn bay cao yên tâm trải thóc ra phơi, không để ý khi chuồn bay thấp phơi ra, chạy đến nhà có mà ăn thóc mầm. Cân bằng sinh thái, để có cuộc sống bền vững chính là thông điệp nữa mà ông bà muốn nhắn gửi, bắt chuồn chỉ là trò chơi của con trẻ, còn “diệt” chuồn hãy coi chừng thịnh nộ của thời tiết. Thế vụ cắn rốn thì sao? tôi sốt ruột! Vụ này, thông điệp “đừng đốt cháy giai đoạn” của ông bà, biết bơi trước hết phải nổi, muốn vậy toàn thân phải thả lỏng kết hợp hít thở điều hòa, đạp chân đẩy trọng lượng, bụng nổi trên mặt nước. Những chú chuồn bay lượn, những tưởng bông hoa nọ, lao xuống “xơi nhầm” hương vị  đất trời mà thôi. Giời ạ, tư duy xưa xa của ông bà ta quả là lãng mạn.

Chẳng phải nhà khoa học hay giới nghiên cứu nhưng “thông điệp chuồn chuồn” của anh bạn thấy hay hay, chép ghi mấy dòng cùng “chuồn chuồn có cánh thì bay” ./.