Nhân tính
Cái ngôi miếu thành hoàng của làng, không biết từ khi nào đã trở thành nơi trú ngụ của anh Kiều. Đấy là sự lựa chọn của anh Kiều hoặc có lẽ là sự sắp đặt của một vị thần linh nào đó muốn sửa lại cái lỗi đã trót tạo ra anh trên cõi đời này chăng? Hay đó cũng là lẽ tự nhiên của tạo hóa; bởi lẽ, con người ta khi đã được sinh ra trên đời thì sẽ phải có một chỗ nào đó chui ra chui vào mà tránh mưa, tránh nắng chứ; ví dụ như con sâu thì có cái kén, còn lũ kiến thì biết đào lỗ làm tổ, vậy thôi mà! (Bài đăng TPM số 12)
Ảnh tác giả Trần Hồng Giang
Anh Kiều là con cầu tự của ông bà đồ An. Khi đã ngoài bốn mươi tuổi mà bà đồ An vẫn không sinh nở được, ông đồ mới bàn với vợ sửa lễ rồi lọ mọ ra tận chùa Hương để cầu kiếm mụn con. Rồi chả biết thần phật linh ứng thế nào mà hai ông bà kéo nhau ra chùa Hương năm trước, thì năm sau bà đồ An đẻ ra được anh Kiều. Khỏi phải nói là hai ông bà sung sướng đến cỡ nào, họ mổ lợn mời họ hàng và bà con xóm giềng đến chè chén mấy ngày liền. Rồi sẵn có chút chữ nghĩa và cũng là để cảm tạ trời phật nên ông đồ đặt tên cho con là Kiều, kiều có nghĩa là cầu đấy mà.
Đấy đã là chuyện của nhiều năm về trước. Bây giờ thì cả hai ông bà đồ An đều đã khuất núi, còn anh cu Kiều cũng đã lớn tuổi. chỉ tội một nỗi là năm đó các đức phật ở chùa Hương chỉ ban cho ông bà đồ An một cái thân hình của đứa con chứ không cho cái phần hồn người. Anh Kiều sinh ra, lớn lên rồi già đi nhưng không có trí tuệ, suốt ngày cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nhìn thấy ai cũng toét miệng ra cười hềnh hệch.
Ông bà đồ An mất đi để lại cho anh Kiều một cơ ngơi đủ cả vườn cây, ao cá và ngôi nhà năm gian mái ngói; tuy thế nhưng anh Kiều lại không biết đấy là nhà mình nên cứ thế lang thang đầu làng, cuối xóm, nơi này nơi khác. Chẳng bao lâu sau thì cái cơ ngơi ấy lọt vào tay ông chủ nhiệm hợp tác là em họ ông đồ An, chả là ông này có thằng con trai mới lấy vợ, muốn ra ở riêng nhưng lại chưa có chỗ. Ban đầu thì là danh nghĩa vợ chồng thằng em đến trông coi nhà cửa, vườn tược cho ông anh họ ngớ ngẩn; sau rồi người ta cứ thế quen dần đi chẳng ai hơi đâu mà nhớ đấy là ngôi nhà của ông bà đồ An để lại cho anh Kiều nữa. Cái câu thành ngữ: “Cứt trâu để lâu hóa bùn” của các cụ từ đời nảo đời nào mà vẫn còn nguyên giá trị. Cho tới bây giờ chỉ cần mỗi khi anh Kiều lai vãng đến gần cổng ngôi nhà (mà lẽ ra nó là của anh) là thằng em họ đã suỵt chó ra đuổi anh chạy trối chết.
Thói đời vẫn thường như thế, người ta chẳng vạ gì mà đi bênh vực cái thằng thân cô thế cô, ngây ngây dại dại; trong khi ông chủ nhiệm đang lúc quyền thế lẫy lừng, mỗi lời ông nói ra xem như là một ân huệ với người ta rồi. Nói rằng người trong làng vô tình, không ai thương cảm cho cái thân phận bọt bèo của anh Kiều thì cũng không hẳn, thỉnh thoảng vẫn có người chạm mặt anh trên đường làng, họ bước qua anh và buông một tiếng thở dài, cũng có người còn xót xa, ngậm ngùi thêm một lúc nữa nhưng khi bước chân đi tới những công việc đã định thì họ cũng sẽ không còn vương vấn gì nữa. Thế cũng phải thôi mà, vì việc ai người ấy lo chứ!
***
Cái ngôi miếu thành hoàng của làng, không biết từ khi nào đã trở thành nơi trú ngụ của anh Kiều. Đấy là sự lựa chọn của anh Kiều hoặc có lẽ là sự sắp đặt của một vị thần linh nào đó muốn sửa lại cái lỗi đã trót tạo ra anh trên cõi đời này chăng? Hay đó cũng là lẽ tự nhiên của tạo hóa; bởi lẽ, con người ta khi đã được sinh ra trên đời thì sẽ phải có một chỗ nào đó chui ra chui vào mà tránh mưa, tránh nắng chứ; ví dụ như con sâu thì có cái kén, còn lũ kiến thì biết đào lỗ làm tổ, vậy thôi mà!
Anh Kiều cứ ở và sống nhờ vào cái gọi là hương thừa lộc vãi nơi cửa thánh. Đêm, anh Kiều nằm ngủ còng queo ngay dưới gầm ban thờ quan ngài; sáng dậy, việc đầu tiên là quờ tay lên bệ thờ xem có thứ gì ăn được không, khi thì một vài quả chuối, lúc là đĩa xôi phiến oản. Tới chiều, anh Kiều lại thất thểu ra chợ, sà vào hàng này chộp cái bánh rán, quẹo vào hàng kia nhón trộm củ khoai, chỉ có thế mà cũng sống được từ ngày này qua ngày khác.
Cứ nhác thấy bóng anh Kiều là lũ trẻ trong xóm lại gọi nhau bu đến để trêu đùa, chọc ghẹo. Ban đầu bọn trẻ cũng chỉ chạy theo nô giỡn, co kéo với anh Kiều nhưng rồi dần dà không thấy người lớn quở trách, la mắng gì thì chúng càng được thể lấn tới bằng những trò đùa ác nghiệt. Chúng luôn xem anh Kiều như một thứ đồ chơi thú vị, khi thì chúng lấy đất bùn trát lên đầu tóc anh, khi thì chúng trói nghiến anh lại rồi hò nhau khiêng anh đi lòng vòng như người ta khiêng một con lợn; thậm chí có lúc chúng còn lột hết quần áo anh ra rồi giấu biến đi để anh cứ trần như nhộng chạy theo chúng mà van xin…
Cả làng đều gọi anh là Kiều điên nhưng thật ra anh chỉ ngờ nghệch chứ không điên, bằng chứng là mỗi lúc bị lũ trẻ trêu chọc như vậy anh không hề có phản ứng gì mà chỉ biết yên lặng cam chịu. Phải những khi bọn trẻ quá trớn đùa ác thì anh cũng chỉ kêu la rồi khóc tấm tức, thế thôi! Vậy nhưng, đã mang tiếng là điên thì ai còn muốn dây vào làm gì cho thêm phiền phức, có họa mà điên theo à!
***
Chiều nay, cu Hòa đi học về đến đầu xóm thì bắt gặp lũ bạn cùng lứa đang hành hạ anh Kiều. Nhìn cảnh tượng ấy cu cậu chợt thấy chút gì đó xót xa, thương cảm. Cậu đứng tần ngần nghĩ ngợi một thoáng rồi dường như có một sự thôi thúc nào đó, cậu liền bặm môi xông vào đẩy lũ bạn ra:
- Thôi đi chúng mày, đừng bắt nạt chú ấy nữa! Chúng mày không thấy chú ấy đã khổ lắm rồi à!? Đứa nào không nghe tao nói thì đừng có trách đấy!
Cu Hòa nói rồi đứng chạng chân ra thế thủ, hai bàn tay nắm chặt dứ dứ ngang mặt. Từ trước tới giờ chưa từng nghe ai la mắng nhắc nhở gì về chuyện trêu chọc anh Kiều nên lũ trẻ cứ đứng ngây ra, ngơ ngác không hiểu chuyện gì, mãi hồi sau thấy thái độ của cu Hòa mỗi lúc càng có vẻ dữ dằn thì chúng mới chột dạ và chạy tản đi. Vài ba người đi ngang qua, bước chân họ chậm lại một chút, liếc mắt ngó cu Hòa rồi quay gót bước đi, vội ngoảnh mặt như muốn cố giấu một nỗi thẹn thùng.
Cu Hòa kéo anh Kiều đứng dậy, rồi vừa phủi bụi đất bám trên người anh vừa lẩm bẩm:
- Chú dại thế! Sao lại cứ để cho chúng nó làm tình làm tội mãi như thế chứ!
Anh Kiều không nói gì, lại chỉ toét miệng ra cười hềnh hệch…
Tin cùng chuyên mục
Chút hy vọng mong manh
22/06/2015
Niềm tin và ảo vọng
19/06/2015
Người đàn bà tội lỗi
19/06/2015
Từ cuộc đua xe
16/06/2015
Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi
11/06/2015
Khi chúng ta không còn trẻ
11/06/2015