Từ cuộc đua xe

Mấy ngày Tết bà Phi không ra khỏi nhà. Ban ngày bà lầm rầm khấn vái trước bàn thờ cầu xin tổ tiên phù hộ cho con. Đêm đến bà lên sân thượng thắp hương cầu nguyện cho thằng Sú tai qua nạn khỏi. Bà thương con ở nhà quen sống trong nhung lụa, bây giờ nằm trong phòng giam ẩm thấp, lạnh ngắt thì chịu sao nổi, không khéo nó chết mất.

9 giờ sáng mồng một Tết vẫn chưa thấy con về, bà Phi sốt ruột lắm. Bà đi ra đi vào, đứng ngồi không yên. Linh tính báo cho bà biết có điều gì chẳng lành đang đến. Sú là con trai độc nhất nên được bà cưng chiều từ nhỏ, nó cần gì là bà cũng đáp ứng cho ngay. Dịp Noel năm ngoái, cậu ấm Sú mang chiếc Dylan chở bạn gái đi chơi. Thiếu tiền tiêu sài, Sú bán luôn chiếc xe máy rồi điện về nhà nói dối là bị mất cắp. Ngày hôm sau, bà Phi lại mua cho con chiếc SH còn nguyên đai nguyên kiện.

Ngày thường cậu con trai quý tử bỏ nhà đi chơi mấy ngày liền bà Phi cũng không lo gỡ. Lần này nó dắt chiếc YBR 250 đi từ chiều ba mươi Tết mà đến giờ vẫn biệt tăm làm bà vừa buồn, vừa lo. Hay là nó bị tai nạn, bà thoáng nghĩ. Đang định cắm nén hương lên bàn thờ thì có tiếng điện thoại reo, ông Sìn (chồng bà Phi) hớt hải chạy đến bên chiếc máy cố định nhấc máy nghe làm rơi cả nén hương đang cháy dở xuống nền nhà.
- A lô
- Dạ. Em Mai Huyền đây.
- Có việc gì đấy?
- Thưa anh, cháu Sú đua xe máy bị công an bắt rồi.
- Từ khi nào?
- Lúc một giờ sáng nay ạ.
Vừa nghe dứt lời, ông Sìn bỏ thõng chiếc tai nghe xuống mặt bàn. Ông vốn kín đáo và bình tĩnh là thế mà sau cú điện thoại vừa rồi, ông không che nổi nỗi bực dọc xen lẫn lo âu trên nét mặt. Bà Phi đang ở ngoài sân thay nước cho lọ hoa chạy vào nhà cuống quýt hỏi:
- Thằng Sú bị sao hả ông?
- Con Mai Huyền - Chánh văn phòng báo tin thằng Sú bị công an bắt về tội đua xe đêm qua rồi.
Bà Phi rụng rời chân tay. Bà đang cầm chiếc lọ hoa bằng thủy tinh pha lê bỗng rơi “choang” xuống nền nhà vỡ tan tành. Bà nằm vật xuống giường kêu khóc thảm thiết. Ông Sìn vội vàng quát nhẹ vào tai bà:
- Bà có im đi không? Hàng xóm nghe thấy người ta kéo sang còn mặt mũi nào nữa.
- Thế ông có cách nào cứu cho nó về chứ?
- Quá tam ba bận, có mà trời cứu.
Bực, giận thì nói vậy, chứ ông Sìn cũng xót con lắm. Vả lại ông là cán bộ lãnh đạo đứng đầu một thành phố thuộc địa phương có nhiều tiềm năng. Những năm gần đây, các công trình, dự án… cứ đua nhau mọc lên như nấm nên ông có mối quan hệ rộng và quyền uy lắm. Nếu lần này con ông bị truy tố thì ông mất mặt với thiên hạ. Ngồi trên chiếc ghế sa lông cổ óng ánh màu da đồng, ông Sìn cầm chén nước chè nhấc lên rồi lại đặt xuống hàng chục lần mà vẫn chưa uống được. Có lẽ ông đang suy nghĩ, tính toán lung lắm.
Những lần trước, thằng Sú bị bắt về tội đua xe máy trái phép, ông Sìn chỉ cần vài cú điện thoại, thế là con ông lại được tha và trở về nhà bình yên vô sự. Còn lần này nghe nói cuộc đua xe do chính con ông cầm đầu có tổ chức quy mô lớn, ông phải chạy vạy các cửa nhưng không ai dám hứa giúp cho ông cả. Ông chỉ còn một cửa cuối cùng là đến nhà riêng nhờ ông Chủ tịch tỉnh chỉ đạo tha cho thằng con tội nghiệp. Nếu ông ấy giúp thì thắng lợi một trăm phần trăm - Ông nghĩ vậy.
Sau khi nghe ông Sìn trình bày lý do, ông Chủ tịch tỉnh chậm rãi, chân tình:
- Hai lần trước cháu đua xe trái phép, nể anh, cơ quan điều tra đã tha cho cháu, nhưng cháu vẫn tính nào tật ấy. Anh cũng không giáo dục được cháu. Lần này anh để cho cơ quan pháp luật giáo dục, tôi tin cháu sẽ cải tạo và tiến bộ.
Nghe ông Chủ tịch tỉnh nói, ông Sìn chỉ biết cúi đầu… vâng, dạ như chính ông là người phạm tội. Ông không ngờ rằng việc đua xe của con ông hai lần trước mà Chủ tịch tỉnh lại biết tường tận đến thế. Về nhà, lòng ông nặng trĩu nỗi buồn. Chưa bao giờ ông cảm thấy cô đơn và bất lực như bây giờ. Thật tội nghiệp cho ông, mới có mấy ngày lo nghĩ, chạy vạy mà tóc đã bạc trắng, trông thiểu não quá.
***
Trong số hai mươi sáu thằng đua xe bị bắt đưa về trụ sở công an thì thằng Sú bị đưa ra xét hỏi đầu tiên. Ông Cảnh sát thụ lý vụ án nghiêm mặt hỏi:
- Cháu có biết mình phạm tội gì không?
- Đua xe trái phép.
- Ai cầm đầu cuộc đua này?
- Cháu.
- Cháu phạm tội lần thứ mấy?
- Lần thứ ba.
Sú bình thản trả lời hết các câu hỏi của ông Cảnh sát điều tra. Khi được hỏi chiếc phong bì màu hồng, bên trong có mười nghìn đô la Mỹ chưa kịp tiêu sài, Sú khai:
- Chiếc phong bì là của khách đến chúc Tết bố cháu.
- Làm sao cháu lấy được?
- Dạ. Phát hiện được chỗ mẹ cháu giấu chìa khóa, lợi dụng lúc bố mẹ cháu đi vắng, cháu đánh một bộ sơ cua.
- Thế bố mẹ có biết cháu lấy trộm tiền không?
- Không ạ. Có chăng chỉ mình mẹ cháu biết vì danh sách và toàn bộ số tiền trong phong bì của khách chúc Tết đều do mẹ cháu quản lý.
Trả lời xong, Sú ung dung ký tên vào biên bản. Trong thâm tâm nó nghĩ: Khai thì khai, kiểu gì ngày hôm sau mình cũng được trả tự do giống như những lần trước. Nào ngờ…
***
Lần theo địa chỉ trên phong bì, Lưu Quang Phả được triệu đến cơ quan điều tra. Ngồi đối diện với Phả, ông Cảnh sát điều tra khéo léo hỏi:
- Năm nay Tổng giám đốc chắc bận đi chúc Tết nhiều nơi nhỉ?
Hơn người đối thoại với mình đến gần chục tuổi, Phả vẫn xưng hô ngọt sớt:
- Dạ. Chúng em cũng có trích quỹ để đi chúc Tết một số đối tác đã giúp đỡ Công ty trong kinh doanh.
Đột nhiên ông Cảnh sát điều tra nhìn thẳng vào mặt Phả hỏi xoáy:
- Thế ông Sìn có phải là đối tác của Công ty không?
Bị bất ngờ, một thoáng biến sắc trên nét mặt, nhưng với kinh nghiệm của người từng trải, Phả lấy lại bình tĩnh, lễ phép trả lời:
- Là chủ tịch thành phố, ông Sìn rất quan tâm, giúp đỡ công ty em triển khai các dự án, nên em đại diện Công ty có chút quà mọn biếu sếp nhân dịp Tết thôi ạ.
Nghe Phả nói xong, ông Cảnh sát điều tra lấy ra từ trong cặp chiếc phong bì đặt lên bàn rồi ra góc phòng lấy phích nước rót thêm vào ấm. Liếc nhìn chiếc phong bì màu hồng có in hoa văn rất đẹp, lại có tên người gửi, người nhận rõ ràng, Phả giật mình, mặt tái mét. Tiết trời đầu xuân se lạnh mà trán Phả lã chã mồ hôi. Một loạt câu hỏi thoáng qua rất nhanh trong đầu, Phả không thể lý giải nổi tại sao chiếc phong bì là quà Tết mình biếu ông Sìn, mà giờ đây nó lại nằm trong tay ông Cảnh sát điều tra. Rót nước mời Phả uống, ông Cảnh sát lạnh lùng hỏi:
- Anh có biết chủ nhân của chiếc phong bì này là ai không?
Phả lấy khăn lau mồ hôi trên trán, miệng ấp úng:
- Dạ…ạ.
- Số ngoại tệ trong phong bì này mà Tổng giám đốc coi là quà mọn sao ?
Biết không thể chối cãi, Phả thành thật trả lời:
- Thú thật với anh, sắp tới Thành phố có dự án xây dựng khách sạn và khu vui chơi giải trí cao cấp, chúng em muốn nhân dịp này tranh thủ sự ủng hộ của sếp, cũng vì công việc chung thôi, xin anh bỏ qua cho.
Ông Cảnh sát lắc đầu rồi yêu cầu Phả khai tiếp những “đối tác” mà Phả đến chúc tết…
Trước khi miễn cưỡng ký vào biên bản tội “đưa hối lộ”, Phả khéo léo lấy ra chiếc phong bì đã chuẩn bị trước đặt vào tay ông Cảnh sát:
- Em có chút quà mừng tuổi anh, mong anh thông cảm.
Ông Cảnh sát đứng dậy bình thản bóc phong bì, lấy ra năm ngàn USD giơ trước mặt Phả rồi nghiêm nghị nói:
- Tôi sẽ lập biên bản thêm tội danh hối lộ cán bộ điều tra của anh.
Người run bần bật, Phả quỳ sụp xuống đất, ngửa mặt van xin:
- Xin anh tha tội cho em. Đây chỉ là tình cảm của em đối với anh nhân dịp Tết đến xuân về, chứ em không có ý gì khác.
- Thôi được. Anh cầm lại số tiền này rồi về, khi nào cần chúng tôi sẽ triệu tập.
***
Mấy ngày Tết bà Phi không ra khỏi nhà. Ban ngày bà lầm rầm khấn vái trước bàn thờ cầu xin tổ tiên phù hộ cho con. Đêm đến bà lên sân thượng thắp hương cầu nguyện cho thằng Sú tai qua nạn khỏi. Bà thương con ở nhà quen sống trong nhung lụa, bây giờ nằm trong phòng giam ẩm thấp, lạnh ngắt thì chịu sao nổi, không khéo nó chết mất. Những lúc khách đến chơi, ông Sìn cố gắng bình thản nhưng trong lòng ông cứ như lửa đốt. Nhìn vợ khóc đỏ cả mắt, người héo hon như dọc mùng phơi nắng, ông Sìn thương vợ lắm. Ông an ủi:
- Thằng Sú bây giờ lớn rồi, nó làm sai nó phải chịu. Bà cứ suy nghĩ, âu sầu mãi rồi lại ốm liệt ra đấy thì khổ cả nhà.
Ông Sìn lấy cam vắt nước rồi pha chút đường vào cốc đưa cho vợ. Bà Phi nhấp một ngụm rồi lại đặt xuống. Được chồng động viên, bà cũng nguôi ngoai được phần nào. Không ngờ, đùng một cái bà có giấy gọi lên trụ sở công an.
Bà Phi như cái xác không hồn. Ông Cảnh sát điều tra mời bà ngồi xuống ghế mà bà vẫn đứng ngay như trời trồng. Khi ông Cảnh sát đưa chén nước mời bà uống bà mới từ từ ngồi xuống, tay bà run bần bật làm đổ cả chén nước nóng lên đùi khiến bà giật bắn người. Chờ một lát để bà Phi lấy lại bình tĩnh, ông Cảnh sát lấy chiếc phong bì màu hồng đưa cho bà rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Bà biết người có tên ghi trên chiếc phong bì này không?
- Dạ. Chú ấy là Tổng giám đốc công ty Thành Lợi .
- Có phải chiếc phong bì này là của ông Phả biếu ông nhà không?
Bà Phi lắc đầu trả lời: “Không ạ”.
- Sao tên người nhận là ông Sìn - Chồng bà ?
Im lặng một lát, như sực nhớ ra điều gì, bà thanh minh:
- À, tôi nhớ ra rồi. Tôi có nhận chiếc phong bì này của chú Phả đến chúc Tết ông Sìn nhà tôi.
- Thế bà có biết số tiền trong phong bì này là bao nhiêu không?
- Tôi không biết chiếc phong bì này nó nằm ở đâu nữa nên cũng không biết số tiền là bao nhiêu.
- Bây giờ tôi sẽ cho biết lý do chiếc phong bì của bà bị mất cắp.
Vừa dứt lời, ông Cảnh sát bật băng ghi âm đoạn lời khai của thằng Sú - con bà. Chưa nghe hết đoạn băng, bà Phi đã gục đầu xuống bàn khóc thút thít. Một lát sau, bà ngẩng mặt lên lấy tay gạt những giọt nước mắt còn vương trên gò má nghe ông Cảnh sát nói tiếp:
- Việc ông bà bị thằng Sú lấy trộm tiền là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho nó phạm tội. Nếu chúng tôi không kịp thời ngăn chặn thì hậu quả sẽ khôn lường.
Mở ngăn kéo, ông Cảnh sát lấy ra thếp giấy có dòng kẻ đưa cho bà Phi, nói:
- Còn những aiđến chúc Tết ông nhà nữa, bà khai hết ra đây?
Tay bà run run cầm bút ghi tên và số tiền của các vị khách rồi ra vẻ thật thà:
- Ngoài chiếc phong bì màu hồng, còn năm người nữa biếu ngoại tệ và ba người đưa bằng tiền mặt.
Ông Cảnh sát nghiêm giọng quả quyết:
- Chưa hết. Bà có cần tôi cho bà về nhà lấy quyển sổ nhật ký đến đây không?
Bà Phi sợ xanh mặt, ngước đôi mắt ngấn lệ ấp úng:
- Xin ông bỏ quá cho. Tôi xin khai tiếp.
Bà Phi mệt mỏi liệt kê đầy đủ danh sách những người biếu quà trong dịp Tết kín hết bốn tờ giấy, trong đó có đến quá hai phần ba quà biếu bằng ngoại tệ. Nhìn lướt qua danh sách, số tiền người đến chúc tết ông Sìn ít nhất cũng là năm triệu đồng, nhiều nhất tới hai mươi ngàn đô la, ông Cảnh sát thầm thán phục về trí nhớ của bà Phi. Sau khi ký vào biên bản, bà được tại ngoại. Vừa về đến nhà, ông Sìn hớt hải hỏi:
- Công an nó hỏi gì bà?
Bà Phi vừa lo, vừa sợ, miệng nói như mếu:
- Họ biết hết cả rồi. Tôi phải khai tất cả…
- Thế bà khai cái gì?
- Tôi khai những người đến biếu phong bì ông trong dịp Tết ấy.
- Thế là bà giết tôi rồi…ồi.
Ông Sìn rũ rượi như ngọn rau muống bị nhúng vào nước sôi, người run lẩy bẩy, chân bước loạng choạng rồi đổ quỵ xuống nền nhà./.