"Phượt" châu Âu

Chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific hạ cánh sân bay Nội Bài giữa trưa hè nắng nóng, kết thúc chuyến “phượt” châu Âu theo dự định. Chiếc áo khoác tôi mặc thường ngày ở châu Âu trở nên lạc lõng khi nhiệt độ ngoài trời được thông báo 39 độ C

Tác giả, vợ (bác sĩ Bình) và con gái trong chuyến "phượt"

Tác giả và con gái cùng với fan MU

 

“PHƯỢT” CHÂU ÂU

Phóng sự của Bùi Thế Bình

Chuyên gia cao cấp của Báo doanhnghiepvn.vn

 

Ngày nhập “phượt”

 

Được trực tiếp xem bóng đá giải ngoại hạng, đặc biệt là các câu lạc bộ mình yêu thích không chỉ riêng tôi còn là mơ chung của nhiều “fan” con gái út tôi không phải ngoại lệ, tổ chức “phượt” để dự khán giải bóng đá ngoại hạng Anh được hai bố con đàm đạo. Con gái bảo, nếu chỉ xem bóng đá thì lãng phí tiền máy bay lắm, vậy nên lộ trình của tuyến đi: Pháp – Thụy Sỹ- Đức – Hà Lan - Anh được thiết kế, vợ chồng tôi mặc nhiên đồng ý bởi vốn liếng ngoại ngữ “gà mờ” của chúng tôi làm sao tự “phượt” Âu châu bằng các phương tiện công cộng theo tuyến này. Với tôi dự khán trận Arsenal tại sân Emirated là điểm nhấn quan trọng nhất của chuyến đi, còn mọi chuyện trình, hậu cần và hướng dẫn thuyết minh được “ủy quyền” cho con gái đảm nhận.

Thời gian chuyến “phượt” mà con gái lựa chọn là 3 tuần cuối của tháng 5, đây là điểm giao mùa giữa xuân và hè ở Âu châu nên thời tiết khá dễ chịu. Điểm đầu đến là thủ đô Paris nguy nga, tráng lệ của nước cộng hòa Pháp. Mất hơn một giờ bay, chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific khởi hành từ nhà ga T2 sân bay Nội Bài xuất phát tuy có trễ chừng chục phút nhưng giờ hạ cánh tại sân bay Hồng Công vẫn đúng theo lịch định. Thầm nghĩ, có thể chiều nay trên trời vắng “cảnh sát” nên gã phi công nhấn ga tăng tốc độ để bù thời gian trễ. Làm thủ tục “check in” nối chuyến lúc nửa đêm để 8 giờ sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt tại sân bay Sác Đờ gôn (Charles de gaulle) mang tên cựu Tổng thống Pháp những năm 1959-1969. Thời tiết ngoài trời được thông báo 12 độ, trời xanh cao, gió nhẹ mang khí hậu ôn đới mơn man đưa  lại cảm giác sảng khoái sau 12 giờ bay bị “tù túng chân tay”. Đang ngó nghiêng tìm giấy kê khai nhập cảnh thì đám đông trước mặt cứ vơi dần, bám theo chìa cuốn hộ chiếu cho viên hải quan, gã nhoẻn nụ cười lật nhanh rồi nghe “rốp” của tiếng triện. Ngỡ đó chỉ là sơ kiểm của thủ tục nhập cảnh, bước qua cửa thì đã ra ngoài, nhập cảnh đã hoàn thành, chúng tôi như không tin ở mắt mình bởi thủ tục quá đơn giản và mau lẹ ? Đã hàng chục lần đi nước ngoài đây là lần đầu mà tôi không phải kê khai, tiêu tốn thời gian cho thủ tục nhập cảnh. Khá ấn tượng, phải ghi điểm cho “anh” Pháp này về cải cách hành chính, khởi đầu của chuyến đi Âu châu không thể tốt hơn cả thời tiết và sự thân thiện của con người.

Paris tráng lệ

Về đến khách sạn, còn nguyên năng lượng háo hức của những ngày đầu, chúng tôi di chuyển bằng xe bus đến tháp Áp phen (Eiffel), một công trình trở thành biểu tượng của thủ đô Paris hoa lệ như chính tác giả của công trình đã nói “đây không chỉ là một công trình nghệ thuật của khoa học hiện đại, mà còn là biểu tượng của sự phát triển công nghiệp và khoa học trong thế kỷ mà ta đang sống”. Chiêm ngưỡng công trình được sơn đậm màu đen nâu phía dưới và màu nhạt dần theo chiều cao 300 mét của tháp nhằm có sự hòa hợp với cảnh sắc xung quanh, chợt nhớ về thông tin mầu đỏ nâu nguyên thủy của tháp mới cảm nhận khát vọng tầm nhìn vĩ đại của Eiffel 126 năm về trước. Với độ giãn nở của 10 ngàn tấn sắt thép xây dựng tháp, vào mùa hè tháp Eiffel cao hơn so thường khi 17 cm như muốn khẳng định sức sống ước vọng vươn cao không chỉ con người. Đi dọc hai bờ sông Seine ngắm nhìn những Block nhà được “quán triệt” thiết kế với chiều cao bằng “chằn chặn” từ 5 đến 9 tầng, trang trí bởi những họa tiết của thời kỳ văn hóa Phục hưng mới thấy tính đồ sộ nhưng đầy nguy nga của kiến trúc Pháp. Trở lại Paris lần này có thời gian bách bộ qua lại gần chục chiếc cầu bắc ngang dòng sông Seine, trải nghiệm sắc mầu những chiếc khóa tình yêu treo dầy kín thành cầu. Màu trắng, vàng các cặp tình nhân lựa chọn là như ước vọng về tình yêu đẹp đẽ nhưng thương cho đôi chìa khóa lăn lóc trôi đáy sông kia đâu biết có tới 60%  được “tháo khóa” bởi văn hóa ly hôn ở các nước phương tây này.

Chớm hè, 9 giờ tối mà trời Paris vẫn sáng như cuối chiều bên nhà, di chuyển bằng tầu điện ngầm về khách sạn, chuẩn bị cho ngày khám phá mới tại Mông mác (Montmartre) một khu phố của Paris, nằm trên quả đồi lớn thuộc Quận 18 cùng với nhà thờ Sacré-Cœur, các quán cà phê nhỏ, các cửa hàng bán đồ lưu niệm mà điểm nhấn là khu phố nhỏ có hàng chục họa sỹ say sưa sáng tác, ký họa chân dung cho khách du lịch. Sườn đối diện lối lên chính của đồi, thấp thoáng những bông hồng mềm mại, thẫm đỏ sắc mầu tô điểm cho những vườn nho xinh xắn. Tán bóng cây cổ thụ chở che ôm kín chùm hoa dại khoe sắc bên hàng rào như gọi chào mảng dây leo xanh ngát phủ che mảng tường của những căn biệt thự lấp ló lưng đồi. Đâu đó, vọng tiếng vĩ cầm réo rắt đưa ta trở lại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để hình dung con số hơn 4 ngàn nghệ sỹ đã từng về đồi quần tụ, mà trong đó có nhiều họa sỹ bậc nhất về trường phái Ấn tượngLập thể

Đến Paris không thể không đến Cung điện Véc sai (Versailles), nằm cách thủ đô Paris khoảng 20 km về phía Tây Nam, cung điện Versailles được coi là biểu tượng của quyền lực các triều đại phong kiến Pháp. Versailles nổi tiếng không chỉ bởi đây là một công trình kiến trúc đẹp với quy mô trên 700 phòng ốc mà còn bởi cung điện còn là nơi ghi dấu những tinh hoa của nghệ thuật nước Pháp thế kỷ 17 và 18. Với diện tích 815 ha khuôn viên của lâu đài Versailles để thăm quan hết khu vực này thì phải đi nhiều ngày, trong một ngày cuốc bộ khoảng 25 km (phần mềm IPhone thống kê) chúng tôi chỉ có thể thăm quan những điểm chính. Trong số 815 ha đó có 300 ha rừng, 2 khu vườn cảnh kiểu Pháp trong đó có 1 khu vốn dành riêng cho Hoàng hậu năm xưa được tạo hình như một làng quê nhỏ đầy sinh động có cả ao cá khu chăn nuôi, trồng rau… Với khoảng 900 nhân viên đang ngày đêm phục vụ cho hơn 7 triệu lượt du khách đến thăm hàng năm mới thấy cung điện Versailles hiện là máy in tiền khổng lồ mà các triều đại phong kiến Pháp đã để lại cho con cháu họ.

Châu âu mùa lãng mạn

Có thể nói như vậy về thời điểm giao hòa giữa xuân và hè của các nước châu Âu, đây là thời điểm không thể lý tưởng hơn bởi nhiệt độ luôn giao động từ 12-20 độ, sau những ngày xuân cánh đồng cỏ trải dài xanh ngắt trông đã mắt, những chú bò thủng thẳng dường chẳng thèm để ý cái non xanh ngọt của cỏ. Cách ngăn đồng cỏ là vạt rừng sạch sẽ của khí hậu vùng ôn đới thỉnh thoảng thoắt hiện những chú Sóc làm nên bình yên đáng yêu của xứ sở Âu châu này. Những cánh đồng hoa cải vàng mút mùa như muốn  lấn át cái nắng vàng nhạt đầu hè mà chính ngọ ta có thể ngửa mình trên bãi cỏ để hít thở không khí trong lành, thỏa thích ngắm nhìn bầu trời xanh cao với những vệt khói trắng đan ngang dọc do máy bay chuyên dụng  lọc khí mà các nước châu Âu thường dùng . Đến châu Âu mùa này chúng tôi có cơ hội thưởng thức vườn hoa Câu-ken-hốp (Keukenhof ) của Hà Lan. Gọi là vườn nhưng diện tích tới 32 ha, nơi đây ươm trồng khoảng 7 triệu bông hoa mà chủ yếu là hoa Tulíp, loài hoa vốn được xem như biểu tượng tinh khiết của tình yêu từ hàng trăm năm qua. Hoa Tulíp ngày nay là sản phẩm xuất khẩu chính của Hà Lan mang về cho đất nước này hàng tỷ USD mỗi năm. Đến vườn hoa ta như lạc vào thế giới huyền ảo đầy sắc mầu của hoa Tulíp, các nghệ nhân ở đây không chỉ tạo ra sự đa dạng về màu sắc của hoa mà còn khéo léo phối hài hòa màu các luống hoa bên những con suối, dưới những tán cây cổ thụ rủ bóng đầy thơ mộng. Ngoài thế giới của hoa, không gian vườn là công viên phong phú về  trò chơi dân gian cho trẻ nhỏ, ta có thể trèo lên tầng lửng của chiếc cối xay gió khổng lồ để  lý giải vì sao nó là niềm tự hào của đất nước thấp hơn mực nước biển này. Nếu muốn gửi gắm thông điệp của cuộc sống bạn có thể lưu lại tên và đất nước mình trên hình tượng trái tim tím đỏ sắc mầu. Bạn có thể cầm cọ trải nghiệm cảm giác bay bổng để nhớ về danh họa Van gốc (Van Gogh) vĩ đại của đất nước Hà Lan. Đặc biệt vườn là nơi tụ hội các dàn hợp xướng được dàn dựng, chỉ huy bài bản của các câu lạc bộ tuổi già. Nhạc cụ, âm ly, loa máy hiện đại, sân khấu lắp ghép cơ động dùng riêng cho mỗi đội, chất lượng giọng “solo” khá tốt quyện hòa trong thanh âm rền vang của dàn hợp xướng với khoảng ba mươi cụ trang phục khá “nghệ sỹ” tạo sự thu hút sôi động của vườn. Các bài biểu diễn được thu đĩa với chất lượng cao nhằm phụ thu kinh phí nếu khách ngưỡng mộ, hơn thảy chỉ cần “đất diễn” đủ thấy chất lượng sống của người già đất nước này cao ở mức nào. Cơ hội thưởng ngoạn ở vườn hoa Keukenhof là không nhiều nếu thời gian đến với Hà Lan không phù hợp, bởi mỗi năm vườn hoa chỉ mở cửa 2 tháng, khoảng giữa tháng ba đến thượng tuần tháng năm là đóng cửa. Cũng là vườn nhưng đến được quanh năm đó là vườn thực vật hoàng gia Kew ở tây nam LondonAnh được thành lập năm 1840 với diện tích 121 ha. Vườn bao gồm 30 ngàn loài thực vật sống khác nhau, trên 7 triệu mẫu cây khô, đây cũng là bộ sưu tập mẫu cây khô lớn nhất thế giới. Năm 2003, vườn được UNESCOcông nhận là di sản thế giới và thu hút 2 triệu lượt du khách mỗi năm với bộ sưu tập thực vật ngoạn mục mà khi đến chúng ta không thể bỏ qua về các sắc hoa, dáng hình các cây thực vật để thu vào ống kính sưu tập của mỗi người. Đi trong vườn thưởng ngoạn chợt nhận ra sự khác biệt lớn về diện tích và không gian mà khái niệm vườn ở ta quen cảm nhận, còn cái cơ bản giống nhau có chăng đó là nơi có sự đầu tư chăm chút của con người.

Mảng mầu ấn tượng

Cứ ngỡ văn hóa vỉa hè là thứ “đặc sản” của Việt Nam, chẳng biết cái “anh” Pháp có “trộm” bản quyền hay không mà sao thấy gần đến thế. Những bộ bàn ghế giả song, mây xinh xắn, gọn gàng đặt dưới mái bạt (thường là mầu đỏ, nâu) đua ra hè của các quán ăn, nhà hàng rất phổ biến ở các góc phố Paris, nơi được mệnh danh là kinh đô của ánh sáng này. Khác biệt có chăng khoảng cách đua thường chỉ là 1 bàn và mặt hè đủ để thuận tiện cho người đi bộ. Người Pháp rất thích ngồi những bàn đặt ra ở vỉa hè dù trong nhà còn trống nhiều chỗ, phải chăng họ muốn thưởng ngoạn không khí phố xá một cách gần hơn hay mong đón nhận những tia nắng quý hiếm của những ngày hè đầy ấm áp. Chưa có điều kiện tìm hiểu việc “nhô” ra vỉa hè có phải thuế gì cho chính quyền không, nhưng cách người Pháp cho tồn tại sự “lấn chiếm” ít nhiều làm mềm mại, duyên dáng thêm nét văn hóa đáng yêu của thành phố vốn “thừa thãi” tinh hoa về kiến trúc này.

Văn hóa xếp hàng chẳng biết xuất xứ từ đâu nhưng có lẽ đã lâu trong lịch sử phát triển của loài người. Chẳng lạ văn hóa xếp hàng của các nước châu Âu, ăn xếp hàng, sân bay xếp hàng, vệ sinh xếp hàng, 2 người cũng xếp hàng… tóm lại chốn công cộng là xếp hàng, chuyến “phượt” lần này, mục sở thị dòng người xếp hàng tại tháp Eiffel và cung điện Versailles mới thực sự trải nghiệm đầy đủ sự sâu xa về văn hóa xếp hàng. Thăm cung điện Versailles vào ngày thứ bẩy dự tính trước sẽ đông người nên chúng tôi chủ động đi sớm, vé được con gái mua qua mạng nhưng đến nơi đã có cả ngàn người phủ kín diện tích sân lớn chừng vài sân vận động. Cảm nhận “choáng” và ít tin trong buổi sáng có thể vào được cung, bởi mỗi hàng có đến năm, bảy người được nối loằn ngoằn hình sin giống trò rồng rắn lên mây. Liên tưởng thời bao cấp về song sắt định vị xếp hàng mua thực phẩm mà thấy rùng mình cái thời chưa xa lắm. Nửa đêm thức dậy đi xếp hàng, ai đó nhờ thì mang thêm cục gạch để “xí nốt” phía sau. Ấy vậy gần sáng, quầy chuẩn bị mở, sự lốn nhốn từ “trên trời” trỗi dậy, đẩy bay những cục gạch ra khỏi hàng, thậm chí bám song sắt không chắc thì “cục thịt” xếp từ nửa đêm cũng bị đánh bật ra như bỡn. Vậy mà xứ người xếp hàng được thiết lập một cách tự giác, không hề có bóng dáng nhân viên hướng dẫn hoặc làm công tác trật tự như ở ta, không hàng rào định hướng che chắn, ai đến sau chủ động tìm đến đuôi hàng để định vị trí của mình. Không có biểu hiện sốt ruột của cả rừng người, tất cả chậm rãi di chuyển theo thứ tự và hiệu quả thật kinh ngạc sau chỉ non 1 giờ tuân thủ quy trình ấy chúng tôi cũng vào được trong cung.

Phương tiện “phượt” trong chuyến châu Âu này của chúng tôi chủ yếu là tầu điện và tầu điện ngầm. Với tốc độ khoảng 150 km/giờ, đây là phương tiện khá phổ biến ở các nước châu Âu. Đó là hạ tầng mang lại sự khác biệt lớn so với các nước châu lục còn lại, sự  liên kết nhất thể hóa các tuyến đường tầu điện giữa các nước đã thỏa mãn cho người dân châu Âu về nhu cầu đi lại của mình. Về cơ bản hệ thông giao thông tầu điện ngầm này đã hoàn chỉnh  từ 1 vài thế kỷ trước, chỉ có toa xe được thay thế hiện đại theo công nghệ hiện hành. Ngày nay người châu Âu đã giảm tối đa nhân công trong khâu bán, kiểm soát vé, tất cả do hành khách tự phục vụ thông qua hệ thống máy và thiết bị tự động. Lĩnh vực Hàng không “check in” vé và hành lý cũng  phổ biến do khách hàng đảm nhận. Các cửa hàng ăn nhanh, phương thức tiết kiệm nhân công cũng được khai thác triệt để: Khách xếp hàng tự phục vụ, ăn xong tự bê dọn bỏ nơi quy định. Tầu điện ngầm, chính là tài sản lớn mà những người dân châu Âu được hưởng lợi do sự đi đầu phát kiến của ông cha họ về loại phương tiện hữu hiệu này. Gần 20 chục ngày di chuyển bằng phương tiện tầu điện ngầm, trải nghiệm quy tắc do con gái hướng dẫn mà trước tiên phải tìm trên bản đồ Line có ga mà mình cần đến (mỗi Line có tên riêng thường biểu thị màu sắc khác nhau nhằm dễ nhận biết) tiếp nữa là xác định hướng di chuyển cần đến theo chiều Đông - Tây (từ phải qua trái trên bản đồ), Bắc- Nam (từ trên xuống dưới theo bản đồ). Tuy nhiên xuống ga chờ thường ở giữa các đường ray (Platfrom) được đánh số thứ tự nên phải tìm tầu cần đi đỗ ở đường ray nào. Quy tắc là vậy nhưng thực hành không hề đơn giản, đặc biệt những ga có điểm nối chuyển, thì di chuyển để tìm được tầu cần đi cả là vấn đề bởi thiết kế ga mỗi nước không giống nhau, có cảm giác như lạc vào trận đồ bát quái. Ngẫm lại bên nhà, mấy năm rồi tuyến đường tầu điện của Hà Nội vẫn “chềnh hềnh” trên không mà thấy chạnh lòng, chưa biết hiệu quả của công trình đơn tuyến này ra sao nhưng lâu dài việc xuống sâu đi ngầm là điều tất yếu. Thầm nghĩ nếu vài ba chục năm nữa Hà Nội có hệ thống tầu điện ngầm với các Line chằng chịt ở dưới sâu khi ấy tuyến đường tầu điện độc đạo trên không của ta chắc là “hiện vật quý” của một thời để nhớ.

Xem bóng đá

Để kịp dự khán trận cầu Manchester United và Arsenal vòng áp chót của giải ngoại hạng vào chiều chủ nhật, chúng tôi bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến thành phố Manchester trong chiều thứ bẩy sau hơn giờ bay. Di chuyển về nhà nghỉ Ibis buaget (thiết kế cho khách từ 1-3 người với diện tích khoảng 4m2/ người). Đây là thương hiệu hệ thống, kinh doanh khá phổ biến ở các nước châu Âu dành cho khách với giá bình dân. Đối với khách “phượt” mức thu nhập như ở ta, giá nghỉ qua đêm hệ thống này kinh doanh là chấp nhận được bởi trang thiết bị, độ vệ sinh sạch sẽ không khác gì khách sạn. Manchester là thành phố có lịch sử phát triển công nghiệp dệt và đóng tầu  sớm ở Anh và thế giới. Mác, Ăng ghen đã từng sống tại thành phố này nghiên cứu  thực tiễn về chủ nghĩa Tư bản. Với hơn 3 triệu dân nhưng GDP hàng năm của thành phố đạt mức 92 tỷ USD (xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam) phải chăng đó là trong số nguyên nhân thành phố này có đến 2 đội bóng to “vật vã” Manchester United (Man đỏ) và Manchester City (Man xanh). Vé bóng đá ở Anh phần lớn được bán cả mùa (được thiết kế giống thẻ tín dụng có mã vạch) cho hội viên của các câu lạc bộ (members ship) vì thế việc có vé vào sân, đặc biệt là những trận cầu “đinh” như Manchester United và Arsenal không hề dễ. Giá chợ đen gấp nhiều lần giá gốc như ở ta nhưng khác việc giao dịch không trực tiếp (thanh toán qua mạng còn vé được giao tại địa chỉ người mua chỉ định, khách sạn hoặc nhà người thân). Nhận cặp vé từ Reseption của nhà nghỉ, tôi sướng rơn thầm mong thời gian trôi nhanh để đến sân Old Trafford. Đây là sân có sức chứa 76 ngàn khán giả  thiết kế khá đẹp, mặt chính của sân là tượng của 3 danh thủ của MU sống sót thảm họa máy bay năm 1958 sau trận đấu với Bayern munich. Con đường ngắn phía phải hướng cổng chính và khán đài lớn nhất của sân được mang tên ngài Alex Ferguson, vị huấn luyện viên huyền thoại với 26 năm trị vì, dẫn dắt câu lạc bộ MU 1500 trận mang về 38 chiếc Cup các loại. Thế mới thấy mấy “anh Tây” nặng mùi thực dụng, sinh nhật mừng vui say “tới bến” còn ở ta giỗ thì “mâm cao cỗ đầy” cho “có hiếu”. Văn hóa phương đông ta không có thói quen tôn vinh những người giỏi giang có công đối với đơn vị, Quốc gia khi còn sống mà phải chờ khi khuất núi, rồi quy định niên hạn nhất định mới được dựng tượng hoặc đặt tên đường. Mấy “anh Tây” thì chỉ giỏi làm ngược, đúc tượng, đặt tên đường cho người thụ hưởng lúc còn sống để thả cửa mà “tự sướng”. Sân Old Trafford được thiết kế chuyên cho thi đấu bóng đá (không có đường chạy với tính chất đa năng như ở ta) nên khoảng cách đường biên khá gần với khán giả (khoảng 3 mét, trong đó có 1 mét bao quanh dành cho phóng viên tác nghiệp). Mặt sân thực chất là ụ đất đắp nổi với chiều cao chừng 2 mét, phía dưới là hệ thống ống dẫn nước ấm để sưởi cỏ chống đóng băng những ngày đông giá, hệ thống tưới mặt cỏ với 8 dàn phun hoàn toàn tự động “thò lên, thụt xuống”. Việc tưới nước mặt sân được thực hiện trước, sau lúc khởi động và giữa hiệp của trận đấu. Thế mới biết để duy trì ngành công nghiệp “không khói” này cũng lắm “nhiêu khê” mà đó có thể  là cách bảo vệ những đôi chân trị giá hàng chục triệu đô để khán giả  được những trận cầu mãn nhãn. Văn hóa xem bóng đá của người Anh không chê vào đâu được, các pha bóng hay, ngoạn mục bất kể đội nhà hay đối phương đều vỗ tay “rầm rầm”. Khán đài 2 phía cầu môn thì tất cả đứng trọn buổi đấu, ca khúc truyền thống đội nhà liên tục dậy sóng, “fan” của câu lạc bộ và được phân khu rõ ràng. Chiếc ghế tôi dự thuộc khán đài mang tên ngài Alex Ferguson rực đỏ màu áo câu lạc bộ mà con gái tôi là “fan” ruột. Gần cuối trận đấu, đội Arsenal mà tôi là “fan” có bàn thắng gỡ hòa, phản ứng tự nhiên vỗ tay “rần rần” vài giây định thần nhận ra sự lạc nhịp, đoạn thu người xuống ghế nhằm tránh tai họa. Thật hú vía về quán tính “tự nhiên chủ nghĩa” . Trận Arsenal và Sunderlad mà tôi dự khán tại sân Emirated ít ngày sau đó, ghế tôi ngồi thuộc khán đài đội nhà nên việc cổ vũ thoải mái hơn. Do tính chất trận đấu không quá quan trọng, lại không phải ngày nghỉ, nên sân Emirated không kín chỗ, vì thế giá vé mềm hơn trận ở sân Old Trafford nhưng câu chuyện mua vé “chợ đen” kéo theo phức tạp khâu giao nhận vé qua đường bưu điện (địa chỉ nhà người bạn con gái tôi) cả là câu chuyện dài có lúc tưởng chừng không thể có vé đến sân. Hai trận chúng tôi dự khán đều có kết quả hòa dù mỗi trận cầu mang cảm xúc khác nhau, dư âm nặng nghiêng về văn hóa cổ động, thầm ước giá như hội cổ động các câu lạc bộ bóng đá của Việt Nam có được bài hát truyền thống, giống tại sân Old Trafford dẫu không phải fan MU và chẳng biết lời nhưng tôi vẫn buột miệng phát theo những giai điệu hào hùng đầy xúc cảm.

Không chỉ thiên đường

Sự phát triển của châu Âu về kinh tế và những thành tựu đạt được không phải bàn cãi, văn hóa của các nước phương Tây cũng nhiều điểm tiến bộ và đáng trân trọng ngưỡng mộ. Tuy nhiên dù đạt thành tựu từ khá sớm những mặt trái không dễ được loại bỏ trong đời sống xã hội, người xin ăn vẫn hiện hữu phổ biến ở các nước được mệnh danh văn minh này. Các nhà ga, tụ điểm đông người qua lại không hiếm gặp những “nghệ sỹ đường phố” nhạc cụ biểu diễn tuy khác nhau, điểm chung có mũ đặt ngửa dưới chân. Hình thức phổ biến khác là trang phục hình nộm, mặt nạ hoặc giả những người già thu mình bên chiếc mũ và những con vật yêu (chó, mèo) của họ. Điểm khác, những người xin ăn xứ người không dùng bài gào thảm khốc hoặc ngửa tay theo cách thường thấy ở ta. Ngày đầu đến Paris đang tìm tầu vào trung tâm thành phố, đứng cửa toa là gã trung niên tuổi chạc “đầu ba, đít chơi vơi” hỏi nơi mà chúng tôi cần đến. Ngỡ nhân viên của nhà ga thì ít phút sau, gã tiến đến đặt trên bàn mảnh giấy dầy to bằng cái nhãn vở  viết 2 mặt (tiếng Anh và Pháp) với nội dung tạm dịch: “Tôi là… có vợ và 2 con, hiện thất nghiệp và không có nhà ở. Tôi mong nhận được sự giúp đỡ từ quý ông (bà) để có tiền nuôi con. Cầu mong chúa phù hộ cho quý ông (bà)”. Ít phút sau gã quay lại,  nhận cái lắc đầu nên gã xin phép thu lại mảnh giấy đầy hoàn cảnh ấy để đi toa khác. Về “khoản xin ăn” chẳng dám so với nước nhà nhưng nếu mang thành phố Đà Nẵng của ta ra chọi thì quả thật mấy “anh Tây” còn phải chạy dài dài…

Sau những ngày khám phá tại Paris đầy thú vị, bà xã tôi vốn lần đầu đến châu Âu không tiếc lời dành thiện cảm cho người Pháp. Đến Thụy Sỹ chúng tôi chọn thành phố Geneva là điểm nối tuyến, muốn đặt chân nơi ký kết hiệp định đình chiến, khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Geneva là nơi có hồ nước ngọt diện tích lớn bậc nhất châu Âu và lần đầu được chiêm ngưỡng bơm áp lực đẩy cột nước có chiều cao tới 140 mét. Cột nước bung vãi tạo hình cánh buồm trên mặt hồ trong xanh màu biển tạo nên bức tranh hoành tráng, sự kết hợp hoàn hảo của tự nhiên với ý tưởng con người. Trong thời gian chờ đợi giờ lên tầu du ngoạn hồ Geneva, mục sở thị người Thụy Sỹ dẫn chó “vệ sinh” cũng để kỷ niệm khó quên. Một thao tác khá “diệu nghệ” của chủ chó, luồn tay túi Ni nông, cúi vơ gọn dị hóa mà những chú chó vừa “ị” xong, đoạn kéo ngược bao túi đem tới thùng rác công cộng để kết thúc quy trình. Ý thức người Thụy Sỹ về môi trường công cộng càng củng cố sự thiện cảm của chúng tôi đối với con người ở xứ sở này. Phần lớn thành viên gia đình tôi liên quan đến nghề y, được đến nơi sáng lập ra tổ chức Chữ thập đỏ của thế giới, sự ngưỡng mộ  dành cho người Thụy Sỹ là điều dễ hiểu. Nhưng sự đời vẫn là câu chuyện dài mang tên chữ ngờ mà tôi đọc đã lâu ở một nước Đông Âu. Trên chuyến tầu, hành khách nọ mang theo chiếc cặp có khá nhiều tiền,  anh ta ôm “khư khư” trước ngực mặc tầu lắc lư êm như ru ngủ. Ghế đối diện là gã thanh niên to con mà anh ta “bụng bảo dạ” luôn phải đề phòng. Khuya, con tầu lao nhanh như hối thúc cặp mắt của hành khách nọ khép lại, giả bộ nhắm mắt đôi phút chợt thấy đôi ủng như được nới ra. Khoảng lặng xuất hiện, phương án đạp thẳng mặt đối thủ khi ủng được rút khỏi chân được nằm trong dự tính, chờ mãi chỉ là nới thêm tý chút đôi ủng. Tầu dừng bánh tại một ga lẻ, nhanh như chớp gã thanh niên giằng mạnh chiếc cặp chạy biến xuống ga. Hành khách nọ nhao người nhưng chân thì giậm tại chỗ. Thì ra việc rút ủng chỉ là động thái làm mất tập trung giữ cặp, bàn chân ngáng ngang ủng là mánh khóe được tên trộm lưu manh tính toán khá chuyên nghiệp. Phương thức cổ điển mà bọn trộm cắp chuyên nghiệp thường dùng dường như vận vào chuyến tầu chúng tôi từ Geneva đến thành phố Basel. Một kịch bản được 2 gã da đen nọ sắp sẵn, những đồng tiền xu văng ra vị trí đôi giày mà tôi đã tháo. Một gã cúi nhặt còn gã kia ra hiệu như còn xu trong giầy, phản xạ tự nhiên tôi cúi, giỗ giỗ chiếc giầy, linh cảm có chuyện, quay lại thì chiếc Ba lô đã không cánh mà bay. Tôi hô, lao đuổi theo 2 gã da đen nọ, con gái thất thanh gọi bố quay lại, tầu đã có tín hiệu chuyển bánh. Đến Basel, vợ chồng tôi về nơi nghỉ, con gái đến đồn cảnh sát, chương trình khám phá thành phố bị hủy bỏ, viên nữ cảnh sát nghe trần thuật rồi nhận định: Hy vọng tìm được Iphone và Ipad, và các vật dụng là rất thấp bởi cũng giống Việt Nam bọn trộm cắp sẽ tháo sim để bán và khuyến cáo thông báo cho cơ quan Bảo hiểm của Việt Nam. Thấm, đến quen “căn bệnh giấy tờ” chúng tôi trở lại đồn cảnh sát. Đó là căn nhà một tầng, gian ngoài trống được ngăn đôi bởi cửa kính, gian trong cửa kín đầy bí hiểm. Nhấn chuông, viên cảnh sát trắng trẻo bước ra, ô kính rộng mỗi chiều chừng 20 cm được kéo ngang để tiếp chuyện. Cái văn mà chúng tôi cần không được chấp thuận, một mực hắn cho rằng: Thông tin đã có trong hệ thống. Dù giải thích đây là quy định của của cơ quan bảo hiểm nhưng hắn lắc đầu quầy quậy, xổ liên thanh tràng “nâu..nâu” rồi đột ngột đóng ô cửa giao tiếp, lẩn vào gian trong không một lời chào. Nhấn vài lần chuông cho bõ ghét dù biết chắc hắn chẳng thèm ra. Rời sở cảnh sát được ít phút như sực nhớ, con gái tôi quay lại nhấn chuông viên cảnh sát nọ xuất hiện, đề nghị về cái số văn bản mà hắn nói cập nhật trên hệ thống được “Ok” mẩu giấy chừng ngón tay cái được nhận. “Méo mó có hơn không” âu cũng là an ủi cho buổi chiều tỳ vết hình ảnh người Thụy Sỹ.

Chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific hạ cánh sân bay Nội Bài giữa trưa hè nắng nóng, kết thúc chuyến “phượt” theo dự định. Chiếc áo khoác tôi mặc thường ngày ở châu Âu trở nên lạc lõng khi nhiệt độ ngoài trời được thông báo 39 độ C./.

Hà Nội, cuối tháng 5 năm 2015