Tản văn của Đinh Quang Vinh (Thái Nguyên)
Sau này mình vận động anh em trong đơn vị gom góp và phối hợp với địa phương làm cho chị ngôi nhà cấp bốn, thay thế ngôi nhà tranh vách đất tơi tả ở quê của chị. Hôm bàn giao nhà, chị bảo đời em chả bao giờ dám nghĩ mình có nhà xây để ở. Nhưng em có điều còn mừng hơn nữa cơ. Mình hỏi điều gì vậy? Chị bảo ngày xưa còm cõi một mình làm việc nuôi gia đình thấy cực thân lắm. Bây giờ vẫn phải làm việc nhưng có thêm nhiều bạn bè, thấy đỡ tủi hơn, vui hơn. Đời vẫn còn nhiều người tốt anh ạ. Tiếc là không có nhiều người tốt có chức có quyền.
CA DAO LÀNG
Ca dao có thể là một kinh nghiệm, một triết lý nhân sinh hay một câu chuyện đời được diễn đạt có vần vè, dễ thuộc với một nghệ thuật độc đáo. Ở làng Trung Trữ quê mình, các ông các bà hay đưa ca dao vào trong câu chuyện một cách tự nhiên và thú vị. Có thể thấy những câu ca dao đều chứa đựng một ẩn ý gì đó trong chuyện của làng.
Ví dụ chuyện ông nội mình mất khi bố mình mới có bốn tuổi. Khi bà nội đi bước nữa bố mình muốn đi theo bà lắm. Nhưng ngày xưa luật lệ ở làng không cho phép chuyện ấy. Mất cha còn chú. Thế là bố mình về ở với chú thím. Dân làng đặt vè khuyên:
Đói thì ăn sắn ăn khoai
Đừng đi theo mẹ điếc tai họ hàng.
Ở làng mình không hiểu sao có vài cô đến già vẫn chưa lấy được chồng, dù không xấu xí cũng không khờ dại. Nói trộm các bà, hình như làng nào cũng có mấy bà cô già. Ở làng cũng có câu ca dao:
Đi chợ thì đi sớm mai
Chợ trưa rau héo cố nài ai mua.
Có thể đó là lời bà mẹ chồng khuyên con dâu nhưng cũng có thể ám chỉ gì đó đến những người phụ nữ cành cao ấy chăng?
Rồi thì có những lời khuyên như:
Khuyên con vun đắp nền Nhân
Trồng cây Phúc Đức muôn phần tốt tươi.
Hay:
Ở ăn cho hợp lòng người
Ở rộng người cười ở hẹp người chê.
Hay:
Khách đến phải khéo chào thưa
Khách đi còn nhớ mới là người ngoan.
Toàn là những lời vàng ngọc cả.
Ngày xưa cụ Vũ Ngọc Phan đi sưu tầm ca dao dân ca nhưng chắc chưa về làng mình. Nếu cụ về thì tác phẩm “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” chắc phải dày dặn hơn nữa.
Làng mình có chùa làng, tên cổ là Anh linh sơn động, rất cổ và rất thiêng. Các vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và nhiều nhà hảo tâm đã cúng nhiều đất ruộng cho chùa. Các tấm văn bia ở chùa vẫn còn ghi lại đầy đủ. Thời phong kiến chùa còn kiêm luôn làm trường học. Đến thời chống Pháp, chống Mỹ học sinh vẫn còn học ở đây. Bây giờ đất chùa còn lại chẳng bao nhiêu. Một số kẻ làm đủ mọi cách để chiếm đất chùa. Nhưng thật lạ, chẳng ai chiếm của chùa mà con cái nên người cả. Âu cũng là quả báo. Còn các cụ bảo: Của thiên hạ là của phù vân.
Ngày xưa, các cụ ông ở làng mình phần lớn không chỉ có một vợ. “Tập hai”, thậm chí nhiều hơn “tập hai” là phổ biến, bất kể giàu có hay đói nghèo. Các cụ tài thật!. Thời ấy luật lệ cũng như lề thói đạo đức khắt khe với phụ nữ hơn, cởi mở với đàn ông hơn. Đó là dấu ấn của chế độ phụ quyền vẫn còn ảnh hưởng dai dẳng đến bây giờ. Các bà vợ ở trong hoàng cung thì gọi là chánh phi , thứ phi, ở giới nhà giầu thì là chánh thất, thứ thất hay mợ cả mợ hai, còn làng mình cứ gọi bà cả, bà hai, bà ba, bà bốn, bà n... cho dễ nhớ. Mình có ông anh họ làm nghề cưa xẻ, ít hơn mình vài tuổi nhưng có năm vợ trải dài từ Thanh Hóa lên đến Điện Biên. Toàn những bà không vẩu thì lác. Khiếp thật.
Nói chung các bà căm các ông lắm, vì chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai. Bây giờ coi hôn nhân như một hợp đồng, dễ làm khó bỏ, thời ấy hôn nhân được coi là quyền chiếm hữu, mà mất của hay phải xẻ chia của cải là ruột đau con xót lắm. Căm nhưng không làm ầm ĩ lên được, gái ngoan phải thế, các bà lại đưa vào ca dao với tinh thần oán trách chứ không phải tinh thần phản kháng:
Đàn ông năm bảy lá gan
Cái ở cùng vợ cái toan cùng người
Hóa ra đàn ông thời trước cũng giống thời nay thôi, cấu tạo buồng gan chả khác gì nhau. Chỉ có điều thời thế đã thay đổi. Luật lệ ủng hộ chế độ một vợ một chồng văn minh, phụ nữ đã độc lập về kinh tế hơn nên cũng tự chủ cuộc sống hơn, đàn ông cũng đã khôn ngoan hơn, chỗ chơi cũng phong phú hơn, không như nhà quê ngày xưa, trừ ngày hội làng thì chỉ còn mỗi thú tắt đèn đi ngủ. Đời người đàn ông nhiều việc lớn phải lo, nhiều thú chơi phải vui, chả tội gì đi rước các phiền phức do tội đông vợ lắm con mang đến. Chưa kể gặp phải đối thủ cực đoan, lại bị chơi ca thuốc diệt chuột hay ca a xit thì khốn.
Nhưng thỉnh thoảng cũng thấy có ông theo được các cụ, chỉ phải cái tội người chẳng ra hồn người, đời chẳng ra hồn đời thôi./.
BẠN CŨ
Mình có nhóm bạn học, chơi thân với nhau từ thời thò lò mũi xanh. Trẻ con bây giờ thò lò mũi xanh là nghiêm trọng lắm, chứ thời bọn mình là chuyện thường ngày ở xóm. Thế hệ bọn mình vẫn tự bảo nhau “sinh chống Pháp – chết chống Mỹ”. Thế mà trải qua chiến tranh trường kỳ từ phía Nam lên biên giới phía Bắc, cả nhóm vẫn còn lành lặn, thật là may mắn hết chỗ nói. Không những thế có một thằng bạn khù khờ nhất nhóm, vào bộ đội làm làm quân y sỹ, học mót được mấy bài thuốc của đồng bào Vân Kiều, bây giờ thành lang y nổi tiếng, chuyên trị chữa gan và đàn ông yếu sinh lý, đàn bà hiếm muộn con. Đúng là trong cái rủi lại có cái may. Dịch lý phương đông thật huyền bí, chẳng biết thế nào mà lần.
Nàng xinh gái nhất nhóm. Đương nhiên rồi vì cả nhóm có mỗi mình nàng là con gái. Nhưng mà nàng xinh thật. Dáng cao thon thả, da trắng, tóc dài, mặt trái xoan, duyên thầm, thời thanh niên nàng làm khối cu cậu phát rồ. Mấy thằng trong nhóm cứ gườm gườm nhìn nhau, cuối cùng để nàng lọt vào tay kẻ khác, cả nhóm tiếc hùi hụi.
Nàng đi dạy học, lương giáo viên thấp, phải theo nghề gia truyền của gia đình là nấu rượu. Gạo, ngô, khoai, sắn, tinh bột nói chung, cứ vào tay nàng là thành rượu tất. Mà là rượu ngon cất nặng, theo kiểu men Bắc tự úp, mai rùa bằng gỗ mít già, nên hàng bán chạy lắm. Chồng nàng là chuyên gia nếm rượu, cứ nếm một ngày thì hai ngày sau mới tỉnh, thường xuyên quên nghĩa vụ làm chồng. Nàng nửa đùa nửa thật bảo, tớ là loại đàn bà hết lòng vì gia đình, chứ là loại khác thì đầu lão chồng tớ không còn chỗ để cắm sừng.
Nếm rượu quá đà, cuối cùng chồng nàng bị xơ gan nặng. Chỉ sau một tháng phát hiện ra bệnh thì người đã trông như mớ giẻ rách rồi. Nàng lo quên ăn quên ngủ. Bọn mình bảo đừng lo, còn nước còn tát. Thế rồi gom góp tiền, vàng, giao nhiệm vụ cho thằng quân y sỹ vào rừng tìm thuốc quý. Thuốc hay, thày giỏi, thế mà cũng phải hơn một năm bệnh mới dứt hẳn. Lúc ốm, cho đào tiên chồng nàng cũng chẳng đoái hoài. Thế mà vừa dứt bệnh lão đã mon men lại gần mấy chum rượu rồi. Đúng là đến chết cái nết chẳng chừa. Nàng bảo tôi nợ các ông. Mình bảo bọn mình kiếp trước nợ nần lẫn nhau, kiếp này cứ vô tư đi.
Bây giờ đứa nào cũng hai con bốn cháu rồi nhưng vẫn còn thân thiết. Ai có khả năng thì phải lo cho con bạn, cấm được lý gio lý trấu. Không gặp nhau thường xuyên được nhưng cứ có dịp gặp nhau là vui quá trời luôn. Thế mới biết tình bạn thuở thiếu thời bền chặt thật. Trong quan trường hay trên thương trường cũng có thể có bạn, nhưng hiếm có bạn có thể sống chết vì nhau như vậy.
CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI
Chị trạc tuổi mình nhưng nom già hơn nhiều. Những người đàn bà nông dân lam lũ, vất vả thật khó giữ bền nhan sắc. Thời chống Mỹ chị ở đại đội TNXP 916, có thời đóng gần ga Quan Triều để giải tỏa hàng hóa và lấp hố bom, sửa đường khi khu vực bị đánh bom. Chị bảo, số em may mắn, mấy đứa bạn em ở đại đội 915 đen đủi hơn, chết hết anh ạ. Lúc đó đại đội TNXP 915 đóng ở gần ga Lưu Xá, làm nhiệm vụ tương tự như đại đội 916. Sau họ bị trúng bom B52 vào cuối năm 1972, thương vong rất lớn.
Hết chiến tranh chị về quê lấy chồng, anh là thương binh, sức khỏe cũng không được tốt. Chị bảo lứa gái già như bọn em lấy được chồng là may rồi. Họ sinh được cậu con trai nhưng không hiểu sao cháu không được khỏe và khôn như những đứa trẻ khác, phải chăm sóc vất vả lắm. Làm mấy sào ruộng không đủ nuôi chồng yếu, con dại và bố mẹ chồng già, chị bảo anh ở nhà trông con, chị về thành phố kiếm việc làm thêm. Người ta chả bảo giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố đó sao. Cái gánh đời nặng thế, chị sớm già là phải. Thời chiến tranh ai cũng khổ, nhưng có lẽ phụ nữ là khổ nhất, khổ trường kỳ. Hết chiến tranh rồi cái gánh nặng hậu chiến tranh vẫn chất lên vai họ.
Mình cùng mấy người bạn thuê chị làm vườn, lau dọn nhà cửa. Chị chăm chỉ, thật thà ai cũng quý. Lại bảo chị khỏe làm, yếu nghỉ, đừng cố, việc nó không chạy đi đâu mất mà lo. Thỉnh thoảng mọi người lại gom góp đồ đồng nát, đồ cũ cho chị để bán. Nhà nghèo, nhặt nhạnh được đồng nào quý đồng ấy.
Một bận mình bị ốm, phải nằm viện. Bạn bè, đồng nghiệp tới thăm, cho quà nhiều lắm, mình phải nhờ cô y tá đem biếu các phòng bệnh khác giải quyết giùm. Bỗng một tối thấy chị đến thăm mình, mang theo một túi cam sành. Chị bảo cam này nhà em trồng, ngọt lắm, anh dùng thuốc tây nhiều, ăn cam là tốt nhất đấy. Mình hơi áy náy nhưng rồi cũng bảo chị, cam nhà chị chắc là cam an toàn rồi, nhất định tôi sẽ ăn. Mình ăn hết túi cam của chị thì cũng khỏi bệnh, ra viện.
Sau này mình vận động anh em trong đơn vị gom góp và phối hợp với địa phương làm cho chị ngôi nhà cấp bốn, thay thế ngôi nhà tranh vách đất tơi tả ở quê của chị. Hôm bàn giao nhà, chị bảo đời em chả bao giờ dám nghĩ mình có nhà xây để ở. Nhưng em có điều còn mừng hơn nữa cơ. Mình hỏi điều gì vậy? Chị bảo ngày xưa còm cõi một mình làm việc nuôi gia đình thấy cực thân lắm. Bây giờ vẫn phải làm việc nhưng có thêm nhiều bạn bè, thấy đỡ tủi hơn, vui hơn. Đời vẫn còn nhiều người tốt anh ạ. Tiếc là không có nhiều người tốt có chức có quyền.