Người tử tế

"Tao chán, bỏ nghề luôn. Mày cho tao vay ít tiền để đi buôn, vào chiến trường xưa đánh hàng cà phê, hạt tiêu xem sao. Khuyên giải thế nào nó cũng không nghe, mình bèn đưa tiền cho nó, bảo làm được thì trả, không làm được thì thôi, đừng nghĩ. May mà trời cũng chiều nó, làm ăn được nhiều hơn mất, bây giờ cũng là ông chủ khá rồi. Nghĩ bụng, làm người tử tế khó thật, nhưng đừng nản, thế nào trời cũng có mắt thôi"...

NGƯỜI TỬ TẾ

Mình có anh bạn tên là Liên, người  Thanh hóa, đánh giặc gan cóc tía. Vì thế được Bộ chọn là một trong 10 người đầu tiên đi học sử dụng tên lửa vác vai loại A72, do Liên Xô mới đưa sang chiến trường Việt Nam. Đó là tên lửa tầm nhiệt, có điều khiển hữu tuyến, dùng cho bộ binh, sức công phá cực mạnh, tầm bắn hiệu quả khoảng dưới 3000m, rất cơ động nhưng cũng rất nguy hiểm cho người sử dụng vì dễ bị địch phát hiện. Vì thế những người được chọn, ngoài khả năng tiếp thu ra thì cũng phải rất dũng cảm, rất thông minh thì mới dám sử dụng và sử dụng có hiệu quả được.

Học xong nó được đưa về Sư 2 của tướng Nguyễn Chơn, đánh thử nghiệm ở chiến trường Quảng – Đà. Gọi là thử nghiệm nhưng gian nan vất vả lắm. Bắn xong vừa phải điều khiển tên lửa, vừa phải di chuyển khéo léo, nếu không địch nó phản pháo hoặc giã cho phát cối cóc là toi đời. Thế mà trong vòng sáu tháng,  nó cũng tiêu diệt được 6 xe tăng, hai tàu chiến, hai lô cốt, hai tàu há mồm, nổi tiếng toàn quân. Thành tích sánh ngang với nó chỉ có anh hùng Lục vĩnh Tưởng thôi. Nhưng nó chỉ là chiến sỹ thi đua toàn quân, không được phong anh hùng, vì hai cái tội. Một là tội nói bậy, không có câu nào nó nói ra mà không đệm một hai từ tục tĩu vào. Chính nó sáng tác hai câu thơ: bướm nào bướm chẳng có lông/đại đội nào chẳng có mấy ông răng vàng, để trêu mấy chú lính vùng Thái Bình, Nam định, thi thoảng có ông bịt răng vàng. Lính vùng cao thì hay bịt răng bạc hơn. Nó nói tục mãi thành quen mà đồng đội nghe mãi cũng thành quen, nhưng anh hùng thì phải gương mẫu mọi mặt chứ. Hai là tội...trực tính quá. Ông nào nhát gan hay bàn lùi, hoặc loại dấm dớ ăn chặn của lính là nó phang thẳng thừng luôn. Thành thử một số cán bộ không thích nó, nó cứ có tí khuyết điểm gì là bé xé ra to ngay. Ở đời, ai nắm tay cả ngày được. Còn nó, năm năm lặn lộn chiến trường, thành tích như thế, thế mà cũng chỉ thượng sỹ i nốc thôi.

Hết chiến tranh nó lại về trường cũ, học lớp Trắc địa mỏ K19. Đánh nhau vất vả đã đành, học cũng vất vả không kém, nó than thở thế. Cuối cùng hết khóa, nó cũng kiếm được cái bằng. Chia tay nhau, mình về ngành Than còn nó về phòng xây dựng huyện ở quê.

Mười năm sau nó mò ra chơi với mình, bảo tao bỏ nghề rồi mày ạ. Mình hỏi sao thế? Nó bảo có công trình làm đường, lãnh đạo bảo tao tính khống khối lượng để ăn chia. Tao không làm. Nó bày trò bẫy mình tội hay nói xấu lãnh đạo, chuyển đi làm bảo vệ trên một công trình thủy lợi. Tao chán, bỏ nghề luôn. Mày cho tao vay ít tiền để đi buôn, vào chiến trường xưa đánh hàng cà phê, hạt tiêu xem sao. Khuyên giải thế nào nó cũng không nghe, mình bèn đưa tiền cho nó, bảo làm được thì trả, không làm được thì thôi, đừng nghĩ.

May mà trời cũng chiều nó, làm ăn được nhiều hơn mất, bây giờ cũng là ông chủ khá rồi. Nghĩ bụng, làm người tử tế khó thật, nhưng đừng nản, thế nào trời cũng có mắt thôi.