Tiếng rao trưa Hà Nội

Chao ơi là tiếng rao, không ai rao miệng mà toàn rao bắng máy tăng âm. Không gian âm ỉ tiếng rao, xôi xì tiếng rao, nháo nhác tiếng rao…Cái thanh âm cuộc sống trầm bổng đáng yêu và cũng đáng bực cho giấc ngủ. Nằm trong chăn ấm, tôi thương thầm cái đội quân xung kích kia đang lặn lội trong mọi thời tiết để bán hàng. Họ là dân ngoại thành một nắng hai sương. Họ là dân nhà quê đói khổ tụ về Thủ đô, vừa rao hàng, vừa tòng teng quang gánh, vừa tóp tép gặm bánh mì cho qua bữa. Họ là một nốt nhạc lúc cao lúc thấp, lúc bổng lúc trầm của đời thường trong đục.

Hình như Hà Nội không có buổi trưa theo cái ý nghĩa vốn có là thời gian lắng xuống, dịu đi một chút để người ta nghỉ ngơi sau bữa ăn, thiếp đi một chút để mơ màng nghĩ ngợi rồi đắm vào giấc ngủ sinh lí mà con người đã tạo ra nhằm tồn tại, khôi phục năng lượng tiếp theo cho phần ngày còn lại. Càng buổi trưa thì mật độ giao thông càng lớn, càng ùn tắc và đi theo là tiếng đông âm thanh, khói bụi và ô nhiễm tăng theo …Một tỷ lệ thuận bất lợi cho con người.
Lên công tác Hà Nội tôi có rất nhiều bạn bè tá túc ăn ngủ chứ không phải vào khách sạn nhà nghỉ. Nhớ hôm lên Hà Nội để tác nghiệp cho chương trình tôn vinh danh hiệu Doanh nhân. Một đại gia mời tôi ngủ khách sạn hạng sang. Là anh nông dân cái gì cũng quy ra thóc tôi tò mò xem khách sạn chém chặt ra sao.
Ngủ đêm ở khách sạn cứ như bị lạc vào cõi âm ty địa ngục trong sự cô đơn đến thảm sầu, lẩn thẩn tôi nghĩ, có chết bất đắc kì tử, cảm mạo, tăng sông huyết áp chỉ có cái ty vi nó biết thế nên cứ ngồi trơ ra ngắm tiện nghi sang trọng. Lẩn mẩn tôi tụt thang máy từ tầng 10 xuống đất để nói chuyện với mấy em lễ tân lễ cựu. Tôi hỏi: Này em! ngủ qua đêm khách sạn này hết bao nhiêu tiền?...Em tớn cái môi đỏ thắm như mào gà lên trả lời: Đây rẻ lắm anh ạ. Hai mươi bốn giờ ở khách sạn là một triệu năn trăm ngàn, ngoài ra đồ ăn thức uống trên bàn, anh dùng cái gì tính tiền cái đó.
Ối giời ơi là giời, thế mà còn rẻ chán. Ối giời ơi là giời, mất cha nó ba tạ lúa mẩy. Ối giời ơi là giời, đặt lưng mấy tiếng đồng hồ ngủ dậy vẫn là thằng người trần tục dị mọ chứ có thành vua chúa gì đâu…Ấy là tôi toát mồ hôi hột nghĩ thế, nghĩ thế vì tôi là anh nông dân, cái hạng cuối bảng trong xã hội.
Lại kể đến ngủ trưa ở Hà Nội
Tôi có anh bạn cùng chơi Blog ở Ngõ Quỳnh Mai tên là Nguyễn Xuân Trường, làm việc tại Đài PTTH Hà Nội.
Nhà anh Trường trong ngõ hẻm, có nhiều góc thước thợ với lẩn nhẩn những ngõ và lẩn nhẩn những nhà, cái cao nghễu nghện, cái thấp tè. Đi vào cái ngõ tối mò ấy là một dịp sát hạch tay lái còn khó hơn đi thi lấy bằng Mô tô. Hai xe ngược chiều thì tay lái chạm vào tường vì vậy trên tường có vệt của các tay lái cọ vào tầng lâu tầng mới. Nhà có gác 2, lối lên là một chiếc thang gỗ, kích thước bằng cái thang hái ổi, hái bưởi nhà quê. Hãy cẩn thận khi lên gác nhé. Đầu tiên là chui qua hai cái xe máy, thót bụng vào để lách qua cái gương phản chiếu. Cẩn thận đếm bước. Đúng 5 bước thì đầu chạn lỗ ô cáo kích thước nhỉnh hơn cái bánh đa, đầu xuôi đuôi lọt tàm tạm. Nào, lại thót bụng, nhăn mặt vận nội công, lấy 2 tay bám vào tường để đu lên. Đấy là kiểu nhà vừa đủ sinh hoạt cho con người ở lâu thành quen. Tất cả là nhỏ gọn. Đái đứng, tắm đứng, còn “ thải bã” ngồi chạm cằm sát tường…Thế mà cái tổ cu ấy kẻ ra người vào vẫn rất: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An… Cái tổ cu ấy đầy đủ tiện nghi thời thượng, đầy đủ rượu ngoại rượu nội kể cả của độc bổ âm bổ dương. Tôi hỏi anh Trường: Nếu bán cái nhà này đi thì bao nhiêu tiền, anh Trường thản nhiên trả lời: Quãng gần 2 tỷ VN đồng…Ối giời ơi là giời. Hai tỷ về quê tôi mua gần hết làng, xây nhà cao tận mây xanh, nếu pháp luật không ngăn chặn, lấy 5 vợ luôn, suốt ngày uống rượu cà dê.
Anh Trường đi làm ca, con đi học, vợ đi làm, cố nhiên tôi ở nhà một mình và uống rượu bét nhè rồi vùi đầu đi ngủ. Lúc này tôi mới để ý tiếng động quanh mình. Mấy nhà bên thầm thào nói chuyện, cạnh đấy là tốp thợ xây ngủ gà ngủ gật ban trưa bên đống vỏ bao xi măng của căn nhà đang cố cơi nới lên giời. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng kéo cửa sắt như mở nhà ngục nhốt can phạm tù lâu án dài. Nhưng dễ nhận ra nhất là tiếng rao hàng rong, cứ đều đặn vài phút lại xuất hiện tiếng rao mà phần lớn là ngọng L, N
- Khoai nang khoai sọ lóng đây
- Ai đổi xoong lồi không ơ
- Ai Mua chiếu Đậu ơ
- Ai mua muối ơ ..đơ
- Ai nạc giang húng nìu.. ơ
- Ai mài dao kéo hơ
- Bánh rán bánh uôi Quán Gánh đơ
- Đậu Mơ bán lẻ đơ
- Gạo Hải Hậu ai mua nào
- Ai bấm lỗ tai nào
- Đồng nhôm sắt vụn vỏ xi măng bán đơ
- Bàn là quạt cháy máy bơm/Ti vi cát xét nồi cơm đầu màn/ Ắc quy sặt vụn tập tàng/ Hỏng không dùng nữa thành hàng bán đi.
- Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng cu châm đóm ngã quay ra nhà/ Mấy ông hàng xóm đi qua/ Ngửi phải hơi thuốc say ba bốn ngày…
- Họ còn lấy cả đố tục giảng thanh dân gian mà rao hàng: Bốn cô trong tỉnh mới ra/ Cái l…trắng hếu như hoa muống cần/ Ông quan tẩn ngẩn tần ngần/ Cái B…cửng tếu như cần câu rô (bộ ấm chén Hải Dương bán 15 ngàn)…
Văn thơ chợ đời đấy, vần vè câu cú rất “lục bát lục đĩa” rất niêm luật thi thố mà không nhờ Ban giám khảo Hội nhà văn bình luận Nó tự định dạng ngoài cuộc sống. Cũng như bài lục bát trần ngôn của Nhà thơ bán thịt chó Bùi Hoàng Tám: Thái Bình chấm giải Quý Đôn/ Giám khảo chấm cả cái l…nào to. Áy thế mà thiên hạ thuộc ngay, các ông nhà văn nhà thơ cũng nhập tâm liền chứ mấy bài lục bát được chấm giải cao ngất ngưởng thì chả ai biết nó ở đâu.
Chao ơi là tiếng rao, không ai rao miệng mà toàn rao bắng máy tăng âm. Không gian âm ỉ tiếng rao, xôi xì tiếng rao, nháo nhác tiếng rao…Cái thanh âm cuộc sống trầm bổng đáng yêu và cũng đáng bực cho giấc ngủ.
Nằm trong chăn ấm, tôi thương thầm cái đội quân xung kích kia đang lặn lội trong mọi thời tiết để bán hàng. Họ là dân ngoại thành một nắng hai sương. Họ là dân nhà quê đói khổ tụ về Thủ đô, vừa rao hàng, vừa tòng teng quang gánh, vừa tóp tép gặm bánh mì cho qua bữa. Họ là một nốt nhạc lúc cao lúc thấp, lúc bổng lúc trầm của đời thường trong đục.
Tôi lại nảy ra sáng kiến: Mình còn một đống sách văn mài đũng quần mà viết chỉ đem cho với tặng, còn khối sách của những cây bút nổi tiếng nước Nam, còn cả bao tải tác phẩm đạt giải Nô Ben nữa. Hay là gánh đi bán. Mà rao thế nào nhỉ?: Văn chương đạt giải đây, Nô ben Nô Bét đây, rẻ như giấy lộn đây, ai mua không?
Chả biết có ma nào mua trong thời buổi này, có khi lại bị tống bót và chuyển sang nhà an dưỡng Thường Tín hay Châu Quỳ thì khổ.