Tháng Tư - Về miền Đất Thép Củ Chi

Bài đăng TÁC PHẨM MỚI số 12: Ngày 30.4.1975. Hòa bình. Niềm vui thiêng liêng quá. Niềm hạnh phúc lớn lao khiến ta phải ngỡ ngàng. Ta nhớ, buổi sớm hôm ấy ở Hà Nội, Sài Gòn… Và những thành phố đến những làng quê. Dường như tất cả chúng ta đều kéo nhau đi. Những quả bóng bay đủ màu sắc được ta tung lên rợp cả bầu trời. Và hoa thì nhiều vô kể. Hoa huệ trắng, hoa loa kèn tỏa mùi hương thanh khiết, những đóa hoa lay ơn màu phấn hồng. Hoa hồng nhung. Hoa cẩm chướng đỏ… Cầm trên tay những đóa hoa mừng chiến thắng. Nhưng ta vẫn không quên nâng niu những bông hoa tưởng niệm như hoa hải đường, hoa mẫu đơn, hoa lựu… để tri ân những đồng chí, đồng bào… ngày ta trở về… không gặp mặt. Với tôi, tôi vẫn hằng nghĩ về tháng Tư như thế.

Rồi thời gian sẽ đi qua, trong cuộc hành trình luân hồi của Vũ trụ, đưa ta về gặp tháng tư
Tháng tư năm 2015, rực rỡ một mùa hoa trong nắng Sài Gòn. Nép dưới những tán lá xanh, những vòm hoa giấy khoe sắc trắng, hồng, đỏ thắm… trên đường Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Linh. Những cây phượng với những chùm hoa như những đốm lửa rực rỡ trên đường Trần Xuân Soạn. Và nổi bật hơn là những cây điệp vàng, một loài cây âm thầm, lặng lẽ tỏa bóng mát, đang mùa nở rộ, đơm những chùm hoa óng ánh trên mái phố mang tên Nguyễn Thị Minh Khai. Điệp vàng còn bay xa hơn… theo làn gió, phủ đầy những cánh hoa vàng ươm trên hè phố Nguyễn Lương Bằng.
Đi giữa dòng người và xe tấp nập trên các phố Sài Gòn, nhìn các loài hoa khoe sắc, thơm hương trong ánh nắng chói chang của một ngày đầu hạ, tôi bỗng nhớ lại một ngày tháng tư.
Ngày 30 tháng tư năm 1975, Sài gòn giải phóng đất nước, hòa bình thống nhất, Nam Bắc một  nhà.
Mới đó… mà nay đã 40 năm
Và, tháng Tư lại về.
Tháng Tư cho ta ngoảnh lại nhìn dòng chảy của lịch sử, cho ta suy ngẫm từ sâu thẳm cõi lòng tâm huyết với tháng Tư.
Ngày 30.4.1975. Hòa bình. Niềm vui thiêng liêng quá. Niềm hạnh phúc lớn lao khiến ta phải ngỡ ngàng. Ta nhớ, buổi sớm hôm ấy ở Hà Nội, Sài Gòn… Và những thành phố đến những làng quê. Dường như tất cả chúng ta đều kéo nhau đi. Những quả bóng bay đủ màu sắc được ta tung lên rợp cả bầu trời. Và hoa thì nhiều  vô kể. Hoa huệ trắng, hoa loa kèn tỏa mùi hương thanh khiết, những đóa hoa lay ơn màu phấn hồng. Hoa hồng nhung. Hoa cẩm chướng đỏ… Cầm trên tay những đóa hoa mừng chiến thắng. Nhưng ta vẫn không quên nâng niu những bông hoa tưởng niệm như hoa hải đường, hoa mẫu đơn, hoa lựu… để tri ân những đồng chí, đồng bào… ngày ta trở về… không gặp mặt. Với tôi, tôi vẫn hằng nghĩ về tháng tư như thế. Và cứ nao nao trong lòng. Bởi rằng, đã 40 năm sau chiến tranh, 40 năm hòa bình, và nhiều năm sau nữa, trong niềm hân hoan chiến thắng, chúng ta còn mắc nợ tháng tư. Nợ những lời tâm huyết sâu nặng nghĩa tình ta chưa nói hết với đồng đội, vì các đồng chí đã hi sinh. Nợ những nấm mồ liệt sĩ ta chưa tìm thấy họ tên. Nợ những bà mẹ Việt Nam, những người vợ chờ chồng nuôi con đằng đẵng những năm dài.
Chính vì nghĩ về tháng tư như thế. Cho nên, sáng nay không hẹn mà gặp… chúng tôi một số nhà thơ, nhà văn và phóng viên đã cùng ngồi trên một chuyến xe, vượt qua một chặng đường hơn 70 km- từ thành phố mang tên Bác về với miền đất thép Củ Chi.
Nhớ lại, từ những năm 60 của thế kỷ trước, nơi đây là những xóm ấp thân thương, quây quần trong những miệt vườn trái cây sum suê bốn mùa trĩu quả.
Vậy mà từ năm 1960 đến năm 1975, giặc Mỹ đã trút xuống vùng đất Củ Chi hàng nghìn tấn bom, biến nơi đây thành bình địa. Rồi những cuộc hành quân càn quét. Những ấp chiến lược do giặc Mỹ và bọn tay sai lập nên để uy hiếp, bắn giết đồng bào vô tội, hòng chia cắt mối liên kết máu thịt giữa nhân dân với lực lượng du kích.
Song, với quyết tâm, giữ đất để sống và chiến đấu “một tấc không đi, một ly không rời” du kích và nhân dân huyện Củ Chi đã dồn sức, dồn tài, huy động mọi tiềm năng kiến tạo một địa đạo của quê hương mình làm phòng tuyến đánh giặc.
Cho đến hôm nay, 40 năm sau chiến tranh, tôi nghĩ, có lẽ chưa ai có thể thống kê hết được, có bao nhiêu chiếc cuốc, bao nhiêu lưỡi xẻng đã cùn, bao nhiêu chiếc xà beng đã quằn mũi… bao nhiêu máu và mồ hôi đã đổ… để Củ Chi tạo nên một hệ thống hầm, hào nằm sâu trong lỏng đất với chiều dài hơn 200 km . . Trong có có nhiều tầng hầm, ngách hầm sâu  đến 5, 10 mét. Dường như trên trái đất này, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, chưa có một quốc gia nào, chỉ trên một vùng đất phía ngoài thành phố, như huyện Củ Chi có một hệ thống địa đạo dài như thế.
Về Củ Chi, tôi đã hiểu, vì sao bà con , cô bác và các bậc cao niên ở đây thường nói. Miền đất thép nơi đây có “một mặt trời trong lòng đất”.
Quả đúng như thế, dưới những miệt vườn, dưới những ngôi nhà, xóm ấp bị đổ sập, cháy rụi, ở sâu trong đất, chiều dọc, chiều ngang là những chiến hào, nối tiếp bên nhau những căn hầm bí mật. Hầm tư lệnh, hầm may quân trang, rèn vũ khí, hầm quân y, hầm làm nhà bếp, nhà ăn trong đường hầm, những người du kích đã đào giếng, khơi nguồn nước mạch ngầm để uống, lấy tre trúc làm ống thông gió luồn qua vách hầm đón gió ngoài trời.Trong những căn hầm nhiều đôi trai gái đã yêu nhau, nên vợ nên chồng. Và những đứa trẻ cất tiếng chào đời dưới ánh sáng lờ mờ của đường hầm thay vì ánh sáng trong ngần trong buồng hạnh phúc. Để duy trì cuộc sống chiến đấu lâu dài, suốt hệ thống đường hầm đặc biệt ở các trọng điểm du kích đã đào những hố chông, giăng mìn, dàn thế trận như thiên la địa võng, khiến mỗi lần giáp trận, lũ giặc phải bạt vía xiêu hồn.
Đã có những nhà thơ, nhà văn và các phóng viên mặt trận, trong chiến tranh, luôn đến với miền đất thép. Có nhà thơ đã viết lên những câu thơ giàu lòng yêu nước và rực lửa căm thù. Từ Sài Gòn đến Củ Chi sáng nay, tôi chợt nghe trong tâm thức mình vọng về những câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc.
“Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh”
Đường đến Củ Chi mỗi lúc một thêm gần trong nhịp bánh xe reo – những câu thơ vẫn như rộn rực lòng tôi…
“Đất quê ta mênh mông
Quân thù không xăm hết được
Lòng mẹ rộng vô cùng
Mẹ giấu cả sư đoàn dưới đất
Nơi hầm tối là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”
Và… chen trong âm thanh miệt vườn, xóm ấp Củ Chi vang tới.
…. “Những đoàn quân từ lòng đất – xông lên.
Quân thù bạt vía
Xung quanh chúng đâu cũng là trận địa”
Và nhiều phòng viên thuở ấy, đã viết nên những thiên phóng sự về một Củ Chi anh dũng bất khuất. Về một Củ Chi là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy quân khu Bộ tư lệnh Sài Gòn – Gia Định, là thành lũy đánh giặc vô cùng biến hòa, kiên cường của nhân dân và lực lượng du kích Củ Chi, góp phần vào chiến công của toàn dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Xe về đến Củ Chi ngay trong buổi sáng tháng tư với niềm khâm phục một miền đất anh hùng, điểm đầu tiên chúng tôi đến là đài tưởng niệm và nhà bia ghi danh liệt sỹ đền Bến Dược. Đây là một công trình văn hóa lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 19-12-1993 và khánh thành vào ngày 10-12-1995. Công trình rộng tới 70.000m2 bao gồm cổng tam quan, nhà văn hóa, tháp 9 tầng cao hơn 40 mét. Sau lễ dâng hương, tạ ơn liệt sỹ. Đoàn nhà văn nhà báo chúng tôi vào điện thờ chính của ngôi đền. trong không khí trang nghiêm, mọi người cùng ngước nhìn lên bức tường cao, rộng, ốp đá trong nhà sảnh lớn… ghi danh tên tuổi, quê hương của hơn 50 nghìn liệt sỹ đã ngã xuống trên đất Sài Gòn, Gia Định, Củ Chi. Chúng tôi đứng hồi lâu, cúi đầu, tưởng niệm, tri ân.
Phút giây này, tâm hồn tôi xúc động, thay vì niềm tri ân của tôi là những câu thơ:
Ôi! tôi đã tin
Tôi mãi mãi mến yêu
Một Củ Chi anh hùng bất khuất
Thuở ấy… Hôm nay
Vẫn gần gũi với chúng ta trong nụ cười ánh mắt
Nơi các anh chị sinh ra – đẹp nhất trên đời
Nơi các anh chị hy sinh xanh thẳm sắc trời
Việt Nam yêu dấu!
Từ Sài Gòn về với Củ Chi trong một ngày tháng tư, tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh thân yêu của một miền quê trung dũng kiên cường, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ của quân dân một miền đất thép, hiểu nguyện vọng cuộc sâu sắc của nhân dân Củ Chi trong lòng Đất Nước Việt Nam. Đó là nguyện vọng yêu hòa bình, độc lập, tự do. Vĩnh viễn Huyện Củ Chi đã được Nhà nước tặng danh hiệu: “Đất thép anh hùng”
Thay cho lời kết của thiên bút này. Tôi xin gửi lại Củ Chi những dòng viết về một thời hoa lửa.
Củ Chi đã kiến tạo nên một địa đạo của lòng dũng cảm
Đó là một mặt trời trong lòng đất
Sẽ còn kể nhiều cho thế hệ mai sau.

 

 

LƯƠNG SƠN