Hai nhà sát nhau
Nhà hai ông: Hoàng Bỉ, Bí thư kiêm Chủ tịch hội đồng nhân dân và Nguyễn Thế Chu, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện của một tỉnh nọ, sát nhau. Là do khi được phân đất hai vị đều được chỉ tiêu chỗ đẹp nhất tại thị trấn nơi cơ quan hành chính của huyện đóng. Thế nên hai ông nhờ thiết kế cũng gần na ná nhau một trệt hai lầu. Cứ tết đến xuân về các loại cán bộ chức sắc dưới quyền, đều đến nhà các ông để chúc tết. Tuy nhiên khi đến chúc hai ông, các khách khứa đều phải vào cả hai nhưng tâm trạng hoàn toàn khác nhau.
Nhà hai ông: Hoàng Bỉ, Bí thư kiêm Chủ tịch hội đồng nhân dân và Nguyễn Thế Chu, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện của một tỉnh nọ, sát nhau. Là do khi được phân đất hai vị đều được chỉ tiêu chỗ đẹp nhất tại thị trấn nơi cơ quan hành chính của huyện đóng. Thế nên hai ông nhờ thiết kế cũng gần na ná nhau một trệt hai lầu. Ông Bỉ hơn ông Chu 5 tuổi, nói chung cả hai đang cùng công tác luôn phối hợp chặt chẽ ăn ý, để cùng lãnh đạo huyện. Ông Chu vì ít tuổi hơn nên rất nể trọng ông Bỉ. Thành thử mọi công tác sắp xếp đề bạt bổ nhiệm, điều động cán bộ trong huyện ý ông Bỉ thế nào ông Chu đều thuận, nói cách khác là ông Bỉ quyết hết. Vị Chủ tịch không phải không biết nhưng nể, và cũng là nhằm cho mọi việc luôn êm ái suôn sẻ. Càng đoàn kết thì nhiệm vụ lớn của toàn huyện càng hoàn thành tốt, ông Chu tâm niệm vậy. Ông Bỉ rất thạo việc xử lý sắp xếp con người, hiểu theo cách là ông đầy thủ đoạn nanh nọc cũng được. Ông làm cho anh em cấp dưới luôn bị lệ thuộc và hàm ơn, ngầm sợ. Cho nên cứ tết đến xuân về các loại cán bộ chức sắc dưới quyền, đều đến nhà các ông để chúc tết. Tuy nhiên khi đến chúc hai ông, các khách khứa đều phải vào cả hai nhưng tâm trạng hoàn toàn khác nhau.
Họ đến với chủ tịch Chu lòng biết ơn, tình cảm trên dưới… còn họ đến với vị Bí thư Bỉ là sự trả nợ là sự bắt buộc, nếu không chắc gì được còn tại vị để đến “chúc mừng” lần sau, tết sau? Mỗi khi xe con hoặc xe máy dừng trước cửa nhà hai ông là các vị khách xuống, đi sang nhà này trước nhà kia sau hoặc ngược lại đều được, tùy các bạn! vô tư đi. Nhưng ông Bỉ nhớ lắm đấy, không quên một trường hợp nào đâu. Ông Bỉ vui thật, có lẽ ông mong tết đến sớm, tết cả năm luôn. Đoàn quân dưới trướng của ông thì ngại tết vô cùng, vì phải đi hết người này người khác mặc dù có được biếu một chút, vẫn không bù nổi việc biếu sếp lớn, lạm cả vào lương mà không đi không được. Có người bảo: “Nền văn minh phong bì” thay cho lời nói, có thật không? đối với người nhận? Còn người phải đi méo mặt, vì nạn “phong bì” thì có?
Tháng mười một Âm lịch nay, đùng một cái trên thông báo là ông Bỉ sẽ nhận quyết định nghỉ hưu vào đầu tháng mười hai tới. Chà! ông nghe tin như sét đánh điện chập, cách đây mấy tháng ông có nghe Ban tổ chức Tỉnh ủy thông báo nhẹ, ông cho rằng nhắc để mà nhắc chứ khi đến, ông gõ các cửa là xong. Ông cố chạy các cấp xin nghỉ qua tết hãy thông báo, với lời lẽ:
- Sắp tết rồi công việc nhiều, xin phép cho tôi chỉ đạo qua tết để mọi cái ổn thỏa vì tết rất nhiều thứ phải làm, giữ gìn an ninh, phòng chống các tệ nạn trong dịp tết… Thay đổi lãnh đạo lúc này thì bất tiện, xong tết sẽ bàn giao ngay.- Không được.- Trên cho biết: “Quyết tâm hiện nay của Tỉnh ủy là ở mọi cấp, đều phải quán triệt sâu tinh thần sống và làm việc theo pháp luật. Việc nghỉ hưu sắp xếp cán bộ cũng cần phải dứt khoát về thời gian, đó là một trong những nội dung chính của luật hưu trí”. Ông chép miệng, đến: “Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẩn dường” (Kiều). Khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỏ thái độ kiên quyết, nhắc lại một lần nữa là phải bàn giao trước tết. Ông toát mồ hôi hột, giật mình đánh thót mà mặt vẫn cố vẻ tỉnh bơ. Gần tuần nay ông buồn quên cả cạo râu. Người ta thế đó có những điều đã dự báo trước nhưng khi tới thật, thì hẫng hụt bàng hoàng. Thế rồi tin ông Bỉ sắp bật bãi (theo cách nói của dân chợ búa) trước tết cứ rì rầm lan nhanh, như mưa phùn thấm sâu tóa ngang mọi hướng. Ông xuống một số cơ quan đơn vị, thị, xã kiểm tra và quán triệt nội dung trước tết, lời nói của ông như cơm nguội rời rạc không mỡ không hành. Thái độ tiếp đón và cách nhìn của không ít cán bộ cấp dưới vào ông xem khác thường, ông nhận thấy qua ánh mắt họ. Ông trách cấp trên: “cạn tình quá!”. Nhưng rồi ông tặc lưỡi, thôi được! Đây cũng là lần cuối là dịp cho rất nhiều cán bộ đến cảm ơn mình, vì bao năm mình nâng đỡ bố trí sắp xếp đề bạt nâng lương cho.
Hôm nay đã 26 tết, mọi năm là hàng loạt cán bộ dưới quyền nườm nượp đến nhà chúc tết gia đình ông, cung phụng đủ thứ nào rượu ngon bánh ngọt, nhất là khoản phong bì. Vợ ông bóc mỏi tay có cái tới 9-10 triệu. Năm nay chưa một bóng ai. Gió mùa Đông bắc đã qua mưa đã tạnh, mà trời vẩn còn lạnh, chưa bao giờ ông thấy một mùa xuân buốt rát u ám thế này. Hơn bốn mươi năm công tác liên tục, hiện sang tuổi 60 ông vẩn còn khỏe. Nhìn trời ảm đạm từng đám mây mỏng đục vẩn vơ, hàng cây hoa giấy trước cổng nhà ông chạy dài sang cả nhà ông Chu xào xạc trút lá. Vài cánh hoa rơi rụng lìa cành, nó vô tình ném vào thiên nhiên một cảnh buồn man mác cô liêu. Ông Bỉ đi đi lại lại trên hiên lầu hai. Đầu ông nóng mà lòng se lạnh, thỉnh thoảng giơ tay vuốt tóc ngược phía sau để lộ cái trán hói to. Ông nhìn ra cổng sắt nhà mình, không một tiếng bấm chuông không một tiếng lách cách gõ cửa. Cái cổng sắt im lìm kia, bằng giờ năm ngoái chính nó liên tục đóng mở không hề mệt, chính nó luôn phát ra tín hiệu vui. Giờ đây nó cũng khốn khổ chìm trong yên lặng, ông thấy mình vô vị rẻ rúng vô cùng: Không lẽ mình nghỉ hưu chưa đầy hai chục ngày mà chúng không đến nữa sao? Người ta ăn ở phải có trước có sau, có hậu chứ?...
Sang đến 27, 28 ông vẩn thấy im lìm, không lẽ chúng nó cũng không đến cả nhà Chủ tịch Chu đang đương chức đương quyền à? Vì mọi năm chúng đến đây còi xe bim bim, tiếng xe máy rền rã đứng trước cổng hai nhà. Rồi sang nhà này vào nhà kia tiếng cười nói râm ran, tiếng chào hỏi bắt tay ấm áp lạ. Tự dưng mấy ngày nay im bặt, vì cổng tường hai nhà xây cao nên không nhìn rõ sân hiên hai nhà nhau. Nghĩ vậy, ông quyết định ra hẳn ngoài cổng nhà mình khi trời nhá nhem, đèn đường bắt đầu sáng, đứng quan sát xem có ai đến không. Hành động này ông thừa biết quá tiểu nhân đê tiện, ông vẫn làm. Ông bất ngờ thấy người vào nhà Chủ tịch cứ nối nhau: Kia cái xe con của cậu Trưởng phòng thuế, biển số nó thường đi ta lạ gì. Nó đến cách cổng của hai nhà chừng 30m đậu ở đó, hắn nhẹ nhàng xuống xe, tay xách một túi quà đi thẳng vào nhà Chủ tịch Chu rồi đi ra. Lát sau lại thấy một xe máy đến gần cổng nhà Chủ tịch thì ngừng nổ máy, đúng là tay Trưởng phòng Địa chính nhà đất rồi, cái dáng lòng khòng ngoẹo cổ về một phía, cùng với con vợ đầu đội mũ bảo hiểm khẩu trang kín mít. Chúng tắt máy từ xa và dắt thẳng xe vào cổng nhà ông Chu, trong khi mình chỉ đứng cách đấy gần chục mét. Bọn hắn chúi đầu đi thẳng, không rõ có nhìn thấy mình hay không? Năm ngoái là hắn ngẩng cao thế thẳng đầu, thấy mình chào nhanh lắm: “Bọn em vào chúc tết Thủ trưởng đây, chốc nữa bọn em mới sang nhà sếp Chu”. Giờ thì im bặt hay hắn mới bị câm?
Vợ chồng tay Trưởng phòng Địa chính nhà đất chưa ra, lại thấy một tay nào đó chắc Trưởng ban của một cấp nào ở đơn vị dưới đi tắc xi đến, xe dừng lại từ xa thấy cậu ta ngó trước nhìn sau. Bất tiện quá ông lùi vào trong một chút, lập tức tay kia xách túi quà bước nhanh vào nhà bên. Chao ơi thế là liên tục người vào chúc tết nhà Chủ tịch ủy ban. Có điều khác hẳn trước đây: Là đều im lặng, giảm thiểu tiếng động, đi nhanh không thấy bắt tay cười nói râm ran như trước hình như chúng sợ lộ. Đã thế ta cố gặp được một tay quen thân xem sao, chờ một lúc: Kia rồi dáng đậm lùn thấp trán dô, đích thực cậu Trưởng phòng Vật tư nông nghiệp mới được bổ nhiệm trong năm, đi cùng hắn là con vợ cao gầy. Ông Bỉ liền chủ động:
- Cậu đến chúc tết các sếp đấy hả?
Miễn cưỡng lắm, tay Trưởng phòng đành dừng xe máy:
- Dạ vâng, vợ chồng em vào chú Chu, chốc sang nhà bác.
Nói rồi hắn ta bẽ bàng đẩy xe máy vào phía trong cái sân hẹp trước nhà của đồng chí Chủ tịch huyện. Ông Bỉ có phần vui vẻ liền vào nhà pha sẵn tách trà, để chờ chốc nữa vợ chồng cậu Trưởng phòng Vật tư nông nghiệp vào chúc tết.
Sau khi chuyện trò ở nhà đồng chí Chủ tịch xong, hai vợ chồng Trưởng phòng Vật tư nông nghiệp xin phép ra về, thường là tết họ đến chúc nhau thời gian rất ngắn để còn người này người khác. Ra đến cổng tay Trưởng phòng Vật tư dừng lại chần chừ suy nghĩ, hắn nói với vợ:
- Ta vào chúc tết sếp Bí thư cũ cái nhé- Con vợ hắn hừ, nói:
- Mình có chuẩn bị gì đâu mà vào.
- Để anh kiếm cái phong bì trong cốp xe bỏ một hai trăm vào đó, gọi là quà tết cũng được. Không gặp thì thôi chứ đã nói vào mà không áy náy lắm, dù sao bác ấy cũng là Thủ trưởng giúp mình trước đây. – Cô vợ cau có:
- Giúp giúp mẹ gì, cái chức Trưởng phòng của anh đáng lẽ được từ lâu, ông ấy gìn dứ, om kìm bầy trò bắn tin. Làm vợ chồng mình qua lại không biết bao nhiêu lần, tốn kém vất vả. Tết năm ngoái mình đi phong bì cho ông ấy mười triệu liền có ít đâu, trong khi đồng chí Chủ tịch chỉ có một triệu. Tốt tốt gì, chỉ giỏi vòi vĩnh! Về, không vào.
Mụ vợ vừa nói vừa bẻ tay lái hướng ra ngoài và giục chồng nổ máy thắng ra lộ lớn. Chiếc xe chồm lên mang theo bóng hai người cao sau thấp dưới, lẫn hòa vào trong bóng đèn đêm. Ông Bỉ chờ mãi, không thấy vợ chồng cậu Trưởng phòng Vật tư nông nghiệp vào: Thật là một lũ ăn cháo đá bát. Ông bực mình hắt cả chén nước ra ngoài sân. Ông lại đi ra tiếp xem xét một lần nữa, gần 10 giờ đêm tưởng khách đã vãn. Ông thấy một chiếc xe mang biển số mà Giám đốc Bệnh viện huyện thường đi, đến trước cổng nhà ông dừng lại, ông thấy vui: Thế chứ, cũng còn có kẻ nhớ đến mình. Cửa trên của chiếc MazĐa du lịch mở ra, chắc cô Giám đốc mới được bổ nhiệm xuống chúc tết mình đây. Có chân người thò ra khỏi cửa nhưng rồi dừng lại thụt chân vào, ông nghe thấy tiếng cô Giám đốc bệnh viện nói trong xe:
- Ta nhầm rồi, cổng nhà Chủ tịch Chu phía trên kia, không phải vào cổng này nữa, tiến thêm vài m nhanh lên.
Chiếc xe nhẹ nhàng dích lên chừng 5m, đậu chính ngõ nhà Chủ tịch. Giám đốc bệnh viện ăn mặc rất sang, guốc cao trong bộ áo khoác mầu hạt dẻ bóng lộn, theo sau là một trợ lý gì đó, xách túi quà to bước thẳng vào cổng nhà ông Chu. Tiếp đó xe của cậu Trưởng phòng Công thương lại xuất hiện. Tay đá lác và điệu cười răng quặp vào này, ghê lắm. Trước đây tuần nào chả la cà đến Văn phòng huyện ủy, tháng nào chả mời mình đi khách sạn với những lời dẻo ngọt như kẹo kéo. Hôm nay hắn đứng từ xa bấm điện thoại di động nói với ai đó rồi cúi mặt, cố ý tránh ánh mắt của tất cả ai vô tình nhìn nó. Chỉ thấy hắn xách một cái túi rất nhẹ lịch sự, một mình đi thẳng vào nhà Chủ tịch huyện - “Tay chơi phong bì sành lắm” - Ông nhớ lại. Có người kể rằng, khi cần việc, hắn đi bao giờ cũng chuẩn bị ba phong bì liền mỗi cái bỏ một túi. Trong ruột có mệnh giá khác nhau. Xét thấy được việc vui vẻ hắn liền rút phong bì số một ra mừng hoặc biếu. Xét không được việc như ý, hắn sẽ rút phong bì ngược lại. Còn lòng vòng nước đôi hắn rút cái nằm giữa mừng. Càng nhìn ông càng tức, sau đó ông bước vào kéo cửa sắt nhà mình bấm khóa, cho khỏi phải chứng kiến cái cảnh oái oăm này nữa. Nhà gần nhau lúc còn công tác thì vui biết mây, ai ngờ khi người về người ở nó trở nên nghịch cảnh làm sao. Tết năm nay thật là hẫng hụt, một nỗi buồn thấm qua mọi chân lông se thắt tim gan ông lại, tím bầm nhói đau. Ông chỉ được đồng chí Chánh văn phòng thay mặt cơ quan huyện ủy và Ủy ban mang quà tết đến trước, mừng ông và gia đình. Một vài đứa cháu họ gần, qua lại và trong tết có các đồng chí trong Thường vụ, Ủy ban qua chúc tết gia đình. Vợ ông cũng như mấy đứa con trong nhà cũng cùng chung cảnh ngộ cùng chia sẻ nỗi buồn. Đứa cháu nội lên sáu, cứ liếu riếu hỏi bà:
- Năm nay ít người mừng tuổi quá, con lợn nhựa của cháu đói meo.
Ông nói với vợ:
- Chuyện tết đến nhà là tùy tâm, tới đây mình cưới vợ cho con trai út, có giấy mời tên đích danh rõ ràng xem chúng xử sự thế nào, không lẽ trốn mãi?
Nghe ông bảo vậy. Bà nói lại:
- Tôi thường xuyên buôn chuyện với mấy bà cùng khu, khi à ê rồi khi đi bộ, họ nói là về hưu rồi mời cưới ít thôi kẻo họ không đến đâm lãng phí, mua thêm cái bực vào người.
Cậu con trai trưởng của ông hiện là Trung tá phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý học ở một học viện lớn của Quân đội đang nghỉ tết, nghe mẹ nói cũng có ý khuyên ngăn bố:
- Mẹ nói phải, bố cân nhắc lỡ như không như ý của mình, lại đeo cái tức vào thân
Ông cắt ngang lời con, cười mà rằng:
- Vì chồng các bà ấy tép riu mới thế, mình đường đường là một Bí thư chức sắc như trời, mà cũng mới vừa nghỉ, họ bì sao được, mẹ con bà thiển cận lắm.
Huyện của ông là một huyện vào loại giầu có ở tỉnh, từ thị trấn huyện đến trung tâm thành phố của tỉnh không đầy 4 km. Ngoài thuần nông, còn rất nhiều doanh nghiệp cơ sở công nghiệp đặt trên quê ông, tổng thu nhập của huyện năm nào cũng cao. Cán bộ các cấp đều kha khá nhiều anh có xe ô tô riêng. Căn cứ vào đó ông quyết định làm đám cưới cho con, với lượng khách ông mời từ cấp tỉnh xuống đến các xã ngót nghét trăm mâm. Tất nhiên đã có chọn lọc nếu đại trà sẽ còn hơn thế nhiều, ông thuê cả hai tầng khách sạn lớn nhất ở thị trấn cách nhà ông chừng vài trăm mét. Tầng dưới đặt hơn 50 mâm tầng trên hơn 40. Với những món ăn kha khá, bia nước ngọt đủ cả, kèm ban nhạc sống ở tỉnh về biểu diễn. Trừ các khoản chi phí khác ra, tiền cho thực đơn ăn ở mâm mỗi suất quãng 170 ngàn. Ông nghĩ thế là được rồi, nếu có đặt hơn lỡ khách đi mừng chỉ mức 200 ngàn một người thì lõm. Biết vậy bà vợ và con trai lại khuyên ông nên bớt 40 mâm đi chỉ để hơn 50 mâm là được. Ông không nghe gạt đi còn nói:
- Hồi tao cưới vợ cho mày làm 250 mâm hết nhẵn bây giờ làm có 100 mâm thôi, sao hai mẹ con mày cứ can ngăn, lắm lời?
Ông vẫn cho rằng quyền lực, ảnh hưởng của mình không thể hoàn toàn đã hết. Đi xem ngàycưới cho cậu con trai út, lại đúng vào thứ tư, ông cho như vậy là tốt. Theo kinh nghiệm lúc ông còn đang làm việc thì những ngày không thuộc thứ bảy, chủ nhật là rất hên. Vì mọi người phải đi làm việc, chỉ cần bỏ bớt chừng một tiếng đi dự đám cưới là rất hợp lý. Ông đắc chí chuẩn bị đám cưới cho con với một tinh thần khả ái, lấy lại uy tín và thu lại phần nào mà tiền mừng tết bị thất thu.
Quãng 10 giờ rưỡi, tại khách sạn nơi tổ chức đám cưới con ông. Bà lộng lẫy trong bộ tân thời mầu hồng, son phấn mắt môi kẻ đều, tươi nét. Đầu xoăn trang điểm cẩn thận từ chân đến cổ, cái dây chuyền to vàng óng có tới một cây. Ông thì trong bộ com lê ca la vát xưa nay thường mặc, có điều trước đây phẳng đét, nay gầy nên phía trong phải đệm thêm nhiều áo, song vẩn không được phẳng nhìn đến tội. Tuy vậy cả hai ông bà đều niềm nở đón khách. Các vị khách quý qua lại bắt tay chúc mừng anh chị và không quên bỏ phong bì vào quả tim giấy mầu hồng chữ thọ to như cái thúng con dán lại. Ban nhạc nổi lên, tốp MC rôm rả dẩn chương trình giới thiệu khách và cô dâu chú rể để bắt đầu vào cuộc hy hoan. 11giờ hơn rồi mà tầng một vẩn chưa xếp đủ hết khách, vẩn còn chừng vài mâm. Mồ hôi ông bắt đầu toát mặt dài như cái bơm, quá giờ ăn mà vẩn chưa hết các mâm tầng một, thì tầng hai còn trên 40 mâm? Ông để mặc bà chào khách, đi vội lên tầng hai thì chỉ thấy mấy đứa cháu trông không một bóng khách nào. Lạ thật, mọi giấy mời ta đều gửi tới các nơi đầy đủ thế mà vắng teo, suýt ông khuỵu xuống mặt bạc ra. Mấy đứa cháu bên nội chạy tới cầm tay hỏi ông:
- Giờ này khách không đến, các mâm này thừa cả làm thế nào hỡ bác?
Không trả lời, ông đi thẳng xuống tầng một khẽ cấu vào tay bà, nói nhỏ:
- Thừa trên 40 mâm, liên hoan xong bà có cách nào giải quyết không?
Bà lắc đầu, nói:
- Lấy về cố nhét vào tủ lạnh và mời cơm chiều những anh em nội ngoại, đã vất vả mấy hôm nay cũng chỉ đến 10 mâm là cùng. Còn lại nhờ khách sạn giải quyết được đồng nào hay đồng ấy.
- Giữ kín chuyện này, tôi nghĩ cách…
* *
Tối đến hai ông bà đóng cửa buồng, bóc mở phong bì kiểm tra ghi sổ để sau này còn trả nợ. Thấy rằng một số cán bộ cấp tỉnh, ngành dọc cấp trên và mấy đồng chí phó Chủ tịch, phó Bí thư huyện ủy đều mừng từ 200 đến 300 ngàn. Riêng đồng chí Chủ tịch Chu cạnh nhà mừng 500 còn lại đa phần 100 ngàn. Rất nhiều người không đến lý do bận công tác vì không phải chủ nhật, thứ bảy, chỉ gửi phong bì tới mừng chừng 50 ngàn. Số bà con khu thị trấn trên được mời họ cũng chỉ đi mừng có 50 đến 100 ngàn vì họ đâu biết, ăn ở khách sạn giá như thế nào. Thông thường họ dựng vợ gả chồng cho con làm tại nhà mỗi mâm giỏi lắm 400 ngàn tính ra mỗi suất mới chỉ gần 70 ngàn. Như vậy ông bỏ ra chừng 120 triệu làm cỗ cưới cho con mà thu về không nổi 60 triệu, thật đau ngang hoạn. Thế mà gặp ai hỏi chuyện cưới xin, ông luôn mồm:
- Đặt trăm mâm hết tinh tôi phải gọi thêm mười hai mâm nữa, ăn trên tầng hai đấy.
May mà khách sạn luôn có lượng dự trữ, không thì biết xử lý thế nào.
Đâm hóa hay, tổ chức tiệc ăn tại một khách sạn nhưng hai tầng nên người ta không thấy lượng thừa ở tầng trên, ê chề đến mức nào, thật đỡ ngượng cho ông. Mấy đêm liền ông vắt tay lên trán trằn trọc không tài nào ngủ được. Vốn dĩ ông mập mạp đường bệ da đỏ au, mới chỉ mấy tháng thôi mà ông giảm cân trông thấy, cái thắt lưng lỏng toẹt, hai má lõm vào như bị hút mất lớp mỡ dầy phía trong, nhiều nếp nhăn mới xuất hiện trên mặt bởi da bị dúm lại, mắt sâu thâm quầng. Ông sút nhanh vì chính ông tự hành hạ ông, bởi sự nuối tiếc hằn học vô lý. Một khi mình tự hành hạ mình thì tất cả các tế bào bảo vệ không còn khả năng chống đỡ kháng cự. Chúng đành tiêu cực teo theo ý nghĩ của chủ, làm cho các cơ mô mỡ thịt, tóp lại dẩn đến toàn cơ thể, gầy rút nhanh. Chứ bên ngoài hành hạ thì còn lâu mới sút nhanh như thế, vì các tế bào, mô mỡ luôn sẵn sàng căng ra ứng phó chống đỡ cùng ý nghĩ của thân chủ. Nhìn chồng, mắt bà tự dưng ươn ướt. Bà nói giọng đầy thương cảm:
- Đời người lộc đến có lúc, mười năm hai khóa làm Bí thư huyện ủy những việc lớn ông đã lo cho huyện ai cũng biết. Còn về gia đình vợ con tôi thấy cái gì cũng mỹ mãn thế là được rồi. Chú Chu, Chủ tịch huyện tuy thế nhưng chỉ có cái vỏ nhà thôi, tiện nghi sao bằng nhà ta. Đấy là chưa kể vợ chồng con trai út mới cưới ở nhà ba lầu, ta vừa cho đầu ngã tư. Hai mảnh đất ông mua ngay thị trấn, thử hỏi giờ quy ra tiền cũng phải mấy tỷ. Con đứa nào cũng phương trưởng công ăn việc làm thành đạt, các cháu họ hàng nội ngoại đứa nào cũng được sắp xếp theo nguyện vọng. Tôi nghĩ rằng mình được như thế là quá nhiều không gì phải buồn.
Ông thở dài vẩn còn bực, dậy lấy chai cuốc lủi ra phòng ngoài làm mấy chén liền. Bà cũng theo ra cùng với ông, chắc được sự kích thích của rựơu cộng thêm mấy điều khó chịu tích tụ bấy lâu. Ông nói mạnh mồm hơn:
- Tiên sư chúng nó toàn loại đểu, qua sông đấm b… vào sóng! Được rồi…
Ông còn có ý hăm dọa. Đã khuya vẩn thấy bố mẹ nói to với nhau ở phòng khách tầng trệt, cậu trai trưởng ở lầu hai đang loay hoay máy tính chưa ngủ, mặc nguyên bộ quần áo ngủ đi xuống góp phần phân giải:
- Con nói điều này mong bố tha cho con, không phải là bất hiếu hay chống đối lại suy tư của bố.
Ông quắc mắt:
- Có gì nói, cứ vòng vo Tam quốc, hôm nay bố sẵn sàng nghe đây.
Ông đặt mạnh chén rượu giở xuống bàn. Đúng là khi có chất men mà con người ta dám nói thẳng, cũng sẵn sàng nghe điều mà lúc chưa có rượu thì luôn chốí phắt. Cậu trai trưởng mạnh dạn:
- Việc bố cả đời lo cho mẹ và các con các con rất biết ơn. Nhưng bây giờ về hưu rồi mình phải thay đổi cách nghĩ cho phù hợp chứ bố.
Nghe chưa hết câu, ông đã khó chịu:
- Thay đổi là thế nào? Bao nhiêu đứa tao giúp, chúng quên cả…. Bây giờ giá như được quay lại vị trí Bí thư, chúng biết thế nào là lễ độ…
- Nói bố đừng giận đừng mắng, con sẽ nói tiếp. Nếu bố thực sự chưa chịu, con xin phép thôi.
Thấy con ý rất chân thành và tình phụ tử trổi dậy trong lòng. Lúc này đây chỉ ba bố mẹ con, có người ngoài đâu mà sỹ diện, trầm ngâm một lúc phòng khách im ắng hẳn. Chỉ vẳng vẳng đây đâu tiếng chó nhà ai sủa từ xa vọng lại và tiếng ì ầm của các loại xe chạy muộn trong đêm. Ông khoát tay:
- Nói, bố quyết không để bụng!
- Cái sai lầm lớn nhất của người đang đương chức là luôn cho mình đủ các quyền, luôn cho mình đúng.
Cậu cả dừng lại nhìn, theo dõi nét mặt của bố xem sao nếu ông cau có là cậu thôi luôn, hoặc lái nhẹ sang ý khác mềm hơn. Đằng này vẩn thấy bố điềm tĩnh, cậu vững tin. Liền tiếp:
- Việc sắp xếp bổ nhiệm điều động cán bộ, thuyên chuyển tăng lương chia đất phân nhà, đi học phát triển. v.v. cho mọi người dưới quyền của bố. Đó là trách nhiệm bố phải làm. Tại bố cứ coi như là ban ơn, ân huệ thành thử tự đặt những việc ấy thành cái nợ của họ, bắt họ phải trả là không đúng. Cho dù bố có chân thành tốt với họ đến mấy, khi bố đã nghỉ lập tức họ phải đi tranh thủ người khác, nên tình cảm hoặc sự qua lại của họ đối với mình tất bị vơi cạn, rất nhiều đằng khác. Cuộc đời mà bố, thường thôi bố ạ. Nói điều này ra con sợ bố cho là con dạy… theo con bố hãy vui vẻ thích ứng với điều kiện mới, cho qua dăm ba cái chuyện lẻ tẻ ấy đi.
Cậu vẫn theo dõi thật sát nét mặt và giao khí trong bố phát ra, căng chùng đến đâu để rồi điểm câu quyết định. Dù bố có tức nhưng đó là một triết lý của đạo Phật rất sâu. Cậu vừa cười vừa rất ôn hòa:
- Cửa Phật có câu: Kẻ thù lớn nhất của đời mình lại là chính mình phải không bố? Con thường đọc và nghiệm lại đúng ghê. Vậy nên không trách ai, không đặt họ về phía chiến tuyến đối nghịch. Để rồi tự mình cứ phải lên đạn cảnh phòng!
Ông không quát thằng con, hắn có tầm nghĩ lớn chững chạc thực rồi, một Trung tá quân đội có khác. Sự thật đã chứng minh qua vụ tết và đám cưới vừa rồi. Chính trước khi cưới vợ cho đứa con út, mẹ con nó can ngăn, mình không nghe, bây giờ mới thấy hận. Ông lại đưa bàn tay lên vuốt ngược cái trán hói từ trước lại sau xem ra cơn bực có nguôi ngoai đôi chút, nên nhẹ nhàng hơn:
- Vậy bố phải làm gì?
Bà vợ cũng đồng cảm với suy nghĩ của con. Vì thế bà liền nói thay con:
- Theo tôi, ông nên tham gia vào hội các bác về hưu trong thị trấn này, như: Câu lạc bộ thơ, tổ cờ tướng, tổ bóng bàn, tổ thể thao đi bộ v..v. Trong nhà văn hóa của thị trấn là tốt nhất, thoải mái vui vẻ sống lâu. Không can dự vào công việc của lãnh đạo hiện nay, nếu có điều gì họ cần hỏi, mình hãy tham gia góp ý. Một số ông bà về hưu hay thắc mắc kéo bè kéo cánh, gây bất hòa rối rắm làm khó khăn cho lãnh đạo mới. Tôi nghĩ không tốt.
Cậu con trai cao hứng bổ sung thêm vào theo ý mẹ:
- Con cũng nghĩ như mẹ, bố đã từng qua lãnh đạo. Có điều gì lãnh đạo chỉ huy huyện chưa đúng, bố lựa lời góp ý xây dựng giúp đỡ họ với lòng chân thành đúng mức. Con cho rằng nhất định mọi người sẽ rất trân trọng quý bố, mà bố cũng sẽ thấy vui dễ chịu. Thậm chí ai gặp cảnh ngộ bất hạnh khó khăn, nhà mình cần làm từ thiện giúp đỡ họ. Tất cả các việc rất ý nghĩa ấy, có khi bố tự thấy về hưu đâm lại hay: “Biết thế này ông xin nghỉ từ vài năm trước”.
Nhận ra ông đã nghe từ những lời khuyên của thân nhân, nhưng chưa thật mỹ mãn hoàn toàn. Bởi còn một điều lặm nhặm khó chịu như gai châm vào hông, chính là cái nhà bên cạnh. Bà vợ hàng ngày theo dõi để ý thái độ của ông nên rất hiểu, bà chỉ tay vào hông tường nhà mình phân giải. Với những âm thanh âm ấm từ từ dễ chịu, tuy có tuổi mà trời cho bà cái giọng vẫn ngọt truyền cảm như hồi trẻ, chứ không khan rách lục cục như mấy bà cùng tuổi, dây thanh quản bị già hóa mục viêm. Bà thêm:
- Chú Chu còn đương chức người ta đến là đúng, chẳng qua hai nhà sát nhau mình thấy, chứ ở xa khuất mắt trông coi như chẳng có gì xảy ra, đừng để bụng làm gì. Thực chất chú Chu là người sống có hậu, ông nên coi chú ấy như em, tắt lửa tối đèn có nhau. “quan nhất thời dân vạn đại”. Người xưa vẩn bảo vậy mà.
Vợ và con trai cả im lặng, ông cũng im lặng, một sự im lặng rất sâu. Một tầm tư duy thánh thiện bắt đầu hiện hữu trong cả 3 bố mẹ con. Chỉ ánh đèn nê ông trong phòng soi tỏ các khuôn mặt đăm chiêu của mỗi người, tất nhiên các suy nghĩ đó đang cùng một Véc tơ. Có thể những ý cuối cùng bà nói, như ngọn gió mát lành đợt chót, bổ sung thổi vào đường gân thớ thịt của ông. Bóc tách xua đẩy đi những vi rút vi khuẩn nấm mốc, của cái Chủ nghĩa công thần còn biếu riếu nán ẩn trong ông, bật ra khỏi bán cầu đại não. Ông thấy nhẹ hẳn người, chỗ ngứa nhỏ cuối cùng được gãi nốt. Ông ừ… hừ mấy tiếng. Mùi rựơu thơm phang phảng lẫn sự im lặng như vàng. Đó chính là điều ông đã nghe, không muốn nói ra./.
Tin cùng chuyên mục
Giã từ bạn diễn
02/04/2015
Nhớ thương cây Hà Nội
30/03/2015
Hoa Sập Chim đã nở
27/03/2015
Vị ngọt dâng đời
24/03/2015
Hạnh phúc đích thực
21/03/2015
Dì tôi
18/03/2015