Dì tôi
Người đàn ông ru con/ À ơi, khàn đục Mẹ đi chợ rồi/ Con chuột nó trèo cây… / Câu ca dao tiếng ru lộn xộn/ Không đầu không cuối/ Có lẽ bây giờ bao người quên – điệu ru quê... (Người đàn ông ru con - thơ của Ngọc tình)
DÌ TÔI
Dì tôi nay cũng ngoài sáu mươi. Tuổi dì, tuổi cháu, dì hơn hai tuổi. Mẹ tôi, chị cả. Dì tôi là út. Ông ngoại tôi mất lúc dì tôi hai tuổi. Bà ngoại mất lúc dì mười tuổi, sống với cậu mợ tôi. Thời sơ tán dì còn nhỏ thường xuống ở nhà tôi. Nhà tôi gần sông, gần cầu sắt đường một nên máy bay Mỹ thường dội bom để tiêu diệt cầu. Nhưng thường thì bom rơi xuống sông. Mỗi lần bom nổ, cá chết nổi lên. Hai dì cháu lại đi vớt cá về ăn. Có hôm vừa vớt cá được nhiều, ham vớt nữa thì máy bay lại dội bom tiếp lần thứ hai. Hai dì cháu bỏ cá chạy về bị bố tôi đánh cả hai dì cháu một trận tơi bời. Sau đó dì về ở luôn bên cậu mợ tôi. Bị đói, rét, rách, mà đòn thì no. Cậu mợ tôi không thương dì. Mợ tôi thường nói dì tôi ăn hại đái nát. Vì vậy cậu tôi thường xuyên đánh dì tôi. Không có gì hơn, hạnh phúc hơn khi chúng ta lúc nhỏ còn đủ cha và mẹ. Riêng dì tôi bị khổ đủ điều, mồ côi mà . Còn mẹ tôi lo kiếm gạo nuôi chị em tôi cũng rạc người. Đã thế cứ đứa lớn mới biết đi thì lại có em bé khóc oa e.
Nhưng cũng may thay, thời đó đi học không phải đóng tiền. Dù bị no đòn nhưng dì tôi vẫn đi học hết cấp hai trường làng. Lúc mười sáu tuổi dì tôi xin đi làm công nhân trồng dâu ở nông trường Ba Sao. Lúc này đời dì tôi không có gì so sánh được bằng hai chữ : tự do. Dù tiền lương bèo, có tem phiếu tiêu chuẩn thời bao cấp. Chỉ là cô công nhân trồng dâu nhưng dì tôi vô cùng sung sướng. Mười bẩy mười tám tuổi dì tôi trổ mã dậy thì, xinh lắm. Nhưng nơi núi đồi trùng điệp, đàn ông con trai đi chiến trường gần hết, kiếm được một ông chồng cũng khó khăn. Và rồi duyên trời đã định. Vào một ngày đẹp trời, chiều thứ bẩy đi bộ về nhà (nhà ông bà ngoại để cho cậu mợ, cách nơi làm việc mười tám cây số.) Dì tôi đi nhờ xe đạp của một anh bộ đội. Rồi cả hai nên vợ nên chồng. Chú rể hơn dì tôi bốn tuổi.
Năm tháng trôi đi, nhìn lại dì tôi đã là mẹ của bốn đứa con. Hai trai, hai gái. Chú là bộ đội lái ca nô trên sông. Hòa bình chú vẫn làm nghề đó cho đến lúc về hưu. Nhờ có chú mà kinh tế dì tôi khá giả hơn. Sau này nhà cửa đàng hoàng. Hai con trai mỗi đứa một xe tải, vợ con ở riêng. Hai con gái cũng gả chồng. Nhà còn lại ông bà, lương hưu của hai người sống tuổi già như vậy là quá tốt.
Đùng một cái, mới năm mươi tám tuổi(58) chú tôi đau đầu khi đang ăn cơn rồi bỏ dì tôi mà đi, không một lời trăng trối. Thương nhớ chồng từ từ cũng nguôi ngoai. Sáu năm sau, dì tôi bốc mộ cho chồng mồ yên mả đẹp.
Ở nhà thỉnh thoảng mấy bà hàng xóm sang chơi, cùng hát karaoke với dì. Thế rồi có một ông ngoài sáu mươi tuổi,vợ chết, năm con. Ba đứa lớn có gia đình ở riêng, ở nhà còn hai đứa nhỏ đang học cấp hai. Không biết sao ông ta lân la đến chơi. Rồi nhẹ giọng nói với dì tôi rằng : anh yêu em, em làm vợ anh nhé! Giờ anh làm bảo vệ cho nhà máy xi măng, tiền anh cộng tiền em, nhà cửa thế này là anh rất yên tâm. Dì tôi tròn đôi mắt cận. Từ lúc ngạc nhiên đến buồn cười mà không nói câu gì. Ông ta tiếp tục ca bài ca hỏi vợ : Anh chỉ lấy ai có lương hưu, có nhà có cửa. Biết cơn nước cho anh và con anh. Biết làm ruộng, nuôi lợn gà. Sổ lương em, anh giữ. Đàn ông phải quản lý kinh tế, chi tiêu. Anh không lấy vợ những ai về mà không lương, không chăm chỉ. Dưới năm mươi lỡ mà chửa đẻ nữa thì có mà đi ăn mày. Em đúng vào khung tiêu chuẩn của anh.
Nói đến đây dì tôi rùng mình một cái, đứng lên lịch sự: mời ông ra khỏi nhà tôi. Ông ta thuộc loại chai mặt, mò đến vài lần nữa, nhưng dì tôi đóng cổng không cho vào. Ông ta đứng ngoài rình mò dai như đỉa đói. Dì tôi rất bực khi có kẻ lạ đến rào ngõ nhà mình.
Rồi một ngày mấy đứa con dì tôi nghe được. Hôm ấy, ông ta đứng rình, dì tôi có việc phải đi ra ngoài. Ông ấy chộp tay dì tôi, vừa nói ngọt, vừa khống chế lên xe honda 81 để về nhà ông ta. Mấy đứa con dì tôi mỗi đứa một gậy, phang hàng rào loạn xạ, nghe cứ côm cốp. Chúng nó đã bảo nhau rồi, phang vào xe ông ấy và chân ông ta vài cái thôi. Chứ lỡ ông ta gẫy chân, phải đền tiền thuốc thì rách việc. Sau cái vụ đó, ông ta cạch luôn. Chắc ông ấy lại mang khung tiêu chuẩn đi tìm chỗ khác.
Cũng từ đấy dì tôi lại được tự do lần thứ hai. Dì ở một mình. Tôi ở xa, vài năm mới về quê thăm dì. Tự dưng hai dì cháu cứ ôm nhau mà khóc.
TN 3-2015
Thơ của Ngọc Tình
NGƯỜI ĐÀN ÔNG RU CON
Người đàn ông ru con
À ơi, khàn đục
Mẹ đi chợ rồi
Con chuột nó trèo cây…
Câu ca dao tiếng ru lộn xộn
Không đầu không cuối
Có lẽ bây giờ bao người quên – điệu ru quê
Con khóc oa e…mới hơn vài tháng tuổi
Cha lại ru con bằng lời hát vội
Cháu lên ba….người ở …đừng chê…
Con vẫn khóc oa oa …
Cha ôm con vỗ về, vỗ về
Nhún nhẩy nhẹ …điệu cha cha ...
Ôi ca dao nín lặng, chùng xuống thuở câu thề
Dĩ vãng
Cha vẫn ru con – thôi mà, thôi mà…
Người đàn ông tóc bạc ru cháu ơi à...
Cháu khóc hoài, tiếng khóc lại oa..vang
Bà đang pha sữa đây cục vàng, cục vàng
Bạn tặng quà đầy tháng
Mẹ cầm kèn ru con thổi : tò…te..
Tiếng ru xưa tức tưởi vít cong ngọn hàng tre
Ký ức vón lại còn vài đoạn …bống.. bang
Tường xây quanh mất giậu trúc xanh làng
Tiếng ru xưa không còn, không còn
Hoài – tiếc ! nao nao
Bọn trẻ bây giờ đâu biết ngắm trăng sao
Đồng nay hết rồi, mơ vạt cỏ bờ ao
Cháu lại khóc, ông ru hời khê đục
Đứt đoạn …
Xế chiều nắng nhạt, thấp thoáng giọt ca dao.