Hoa Sập Chim đã nở
Phong tục vùng làng đảo Hà Nam trên cửa sông Bạch Đằng này, trong Lễ mừng thượng thọ, từ xưa cư dân đã bày con Long Mã trên hương án để tôn vinh hình ảnh con vật đầu rồng mình ngựa biểu hiện cho sức mạnh trị thuỷ, oai phong của con người nơi đầu sóng ngọn gió. Nó được kết bằng những nải chuối xanh và hoa quả, đặc biệt phải có chùm hoa cây sập chim làm đuôi vừa cong vừa dài, mới đẹp. Không bày con Long Mã thì mất hẳn sự trang trọng, oai linh.
Sau đận ông Lai ốm thập tử nhất sinh, nhà cửa đã hết vẻ lạnh lẽo, nặng nề. Vui hơn nữa, trời cho mạnh khoẻ trở lại, ông và bà sẽ là cặp song thọ tuổi Tám mươi trong Lễ hội Rước Người. Xuân này, nhà ông đại hỷ, vẹn cả đôi đường.
Ông Lai vốn như một pho tượng sắt của làng. Không ai thấy ông nhức đầu sổ mũi, màng tới một viên thuốc cảm. Vậy mà đét cái ông ngã bệnh, dính chiếu hơn tháng trời. Nguyên do thật đơn giản: Dũi hết sân thóc, đang giữa trưa nắng đổ lửa, ông đi tắm. Xong còn bật quạt, hướng thẳng tầm gió vào ngực. Chiếc quạt Nhật ru ông chìm ngay vào giấc ngủ. Đến chiều không thấy ông dậy, đứa cháu gái liền lay gọi. Ông không cựa quậy. Đầu ngoẹo sang một bên. Miệng nhểu đầy bọt dãi. Nó hốt hoảng khóc gọi không ra tiếng. Khốn nỗi cả nhà đi vắng. Đài đóm quanh xóm đập nhạc thùm thùm như có đám cưới.
Nhà bên cạnh, ông Huy ngồi xem ti vi, cũng thiu thiu ngủ gật. Chợt cái Mai dưới nhà ngang đang cặm cụi làm bài chạy lên: Ông ơi! Nhà ông Lai có chuyện! Cái Loan nó khóc toàn ông ơi bà ơi! Giật mình, ông vội điều khiển ti vi nhỏ tiếng xuống: Chắc lại cãi nhau ấy mà! Dạo này bên ấy cứ to tiếng luôn. Giàu mà điếc tai xóm láng thì giàu làm gì… Bỗng bên kia, tiếng con Loan thét to hơn: Ối làng nước ơi… cứu ông cháu với… kẻo ông cháu chết mất rồi! Ông Huy chột dạ: Có khi xảy chuyện thật! Nhưng... đã hàng chục năm nay ông ta có chơi với mình đâu! Bây giờ sang cũng dở, không sang cũng dở. Nhưng… nhỡ ông ta chết thật? Không sang sẽ mang tiếng cận lân! Con Mai lại kéo tay ông: Sang xem sao đi ông!
Đúng là không có ai ở nhà. Con Loan đang khóc, chạy ra ngõ: Ối ông Huy ơi! Cứu ông cháu với… Ông cháu… chết rồi… Nói dại nào! Để yên ông vào… Lao lên thềm nhà, ông Huy trượt ngã mấy cái liền trên nền gạch men trơn bóng. Gối va cả vào bàn ghế, làm xô đổ bộ ấm chén. Lấy hết sức bình sinh, ông bế ông Lai lên giường, tấp cập làm động tác hô hấp. Con Mai luýnh quýnh: Ông ơi! Đưa ông ấy ra trạm xá cấp cứu! Ừ! Mạch còn đập. Lấy cái chăn. Nhanh lên các cháu. Bà cháu đi đâu? Dạ! Bà ra chùa thắp hương! Lựa chiều xốc ông Lai lên lưng, ông Huy cõng vội ra ngõ. Lúc này, ông lại khoẻ lạ. Vai trái đang đau, phải bóp dầu, thế mà ông chạy một mạch tới trạm xá. Trạm xá xã khẩn cấp chuyển ông Lai lên bệnh viện huyện. Lúc bà Ngạn và con cháu đến thì ông Huy đang ngồi chờ ngoài hành lang. Ông đứng dậy: Bà với các cô các chú vào đi. Tôi phải về kẻo tối! Bà Ngạn cầm lấy tay ông: Chẳng ai nắm tay từ sáng đến tối. Ông tha lỗi cho nhé! Đá còn đổ mồ hôi… Vâng! Nào tôi có nghĩ gì. Tôi vẫn nhớ ơn bà!
Ông Lai được bệnh viện cứu chữa kịp thời. May quá, cảm không chạy vào não. Phúc còn to, chứ nằm đó bán thân bất toại như ông Tý xóm Giữa thì rõ khốn. Bây giờ, cả ngày ông Lai chỉ lặng lẽ bên ấm trà, rồi đi ra đi vào trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi. Ông cũng chẳng buồn mở ti vi. Thỉnh thoảng có mấy ông bạn đến chơi, cũng khuây khoả chút ít. Khi họ về, ông lại trầm ngâm nhìn ra khu vườn, dãy tường hoa cùng những ngôi nhà hàng xóm lúp xúp xung quanh. Hơn hai mươi năm về trước, sau ngày bị bãi chức chủ nhiệm do dính vào vụ khai khống khối lượng đất đắp đầm thuỷ sản, may không bị truy tố, ông mới có thời giờ nhìn đến vườn cây, chậu cảnh trong vườn nhà. Dù sao, cái cơ nghiệp ông từng sôi trí não, toé máu mắt để có được, giờ đây vẫn nguyên vẹn là quí lắm rồi. Ánh mắt ông dừng lại ở chái nhà ông Huy. Bên ấy, ba gian nhà gianh vách đất ngày xưa đã được cất dựng bằng ngôi nhà tân khoa, tường quét sơn vàng nhạt, mái lợp ngói Giếng Đáy đỏ au. Đấy là gia đình gã hàng xóm một thời ông từng mặc cảm, ghét dơ, tị nạnh. Ghét gã, ông ghét lây cả bọn con cháu và cả con vật, đồ vật, cây cối trên mảnh đất ấy. Ngày tháng mười giãi ít thóc chưa kịp se vỏ, cái bóng nhà nó đã ngả sang chiếm nắng sân nhà mình. Chỉ mong cho nó lụn bại, cho nó thụt đầu thụt cổ, bỏ nhà bỏ cửa để khỏi gai mắt. Nhưng bây giờ, chính lão chủ ngôi nhà gai mắt ấy lại cứu sống mình! Người làng đồn nhau: “Bữa đó không có ông Huy thì ông Lai đã xanh cỏ!” Ai cũng bảo chính gã cõng mình chạy ra trạm xá, rồi còn lên xe sang bệnh viện. Khi bác sĩ hỏi “Ai là người nhà bệnh nhân”, gã còn nhận “Tôi là em” nữa chứ! Xét cho cùng, gã cũng chỉ đáng tuổi em, kém mình năm hay sáu tuổi! Nghĩ mình cũng thật vớ vẩn! Không hiểu vì sao ngày ấy lại mặc cảm tệ hại với gã?
Lâu nay ở cái xóm này, người ta vẫn khó hiểu và lấy làm tiếc: Nhà Huy Vân với nhà Lai Ngạn đang vắt áo phơi chung ngọn rào… đùng cái lại ngảng nhau ra! Chẳng cãi lộn. Chẳng lạc con gà con qué. Chẳng mất quả bòng quả bưởi. Vậy mà tự nhiên gần nhà xa ngõ. Cứ âm ỉ lánh mặt, rồi đến không nhìn mặt nhau. Một bức vách vô hình chắn giữa hai nhà. Chung một dải ngõ, ông Huy đằng ngoài, ông Lai phía trong, mà bao sự xảy ra, hai nhà đều bình chân như vại, như không biết nhau trên đất làng này. Nhưng rồi, dòng thời gian đã mách bảo ông Huy đoán biết được “cái chốt” gây ra sự giận ngầm, xa cách đó. Có lẽ từ cái đêm…
Đang làm đội trưởng đội sản xuất, lên phó chủ nhiệm, Lai một mạch trở thành người có vai vế. Từ một cùng đinh, sau cải cách ruộng đất có ruộng cấy cày, có đoàn có tổ, bỗng dưng Lai cầm đầu hàng mấy trăm hộ dân, ai bảo không đổi đời, không sướng? Nhất là khi được nhà cao cửa rộng, Lai bắt đầu ăn nói ra chiều vênh váo, ngạo mạn. Nhờ oai bố, đám con cái đứa chuyên “bám mích”, đứa đi thuyền đánh chã tôm ngoài biển, làm ăn vào cầu, giàu có như nước lên. Huy thì ngược lại. Từ xưa, ông nội và bố Huy đều làm nghề gõ đầu trẻ trong làng. Gia cảnh Huy hai ba đời vẫn nếp tranh nghèo nàn, thanh bạch. Thời vào hợp tác xã, nhà ông chỉ là xã viên làm công ăn điểm, hàng vụ xách mủng ra sân kho chờ gọi tên chia thóc... Hôm ấy đã nửa đêm, Huy dậy đi giải, nghe có tiếng bánh xe bò nghiến trên nền ngõ. Khẽ vạch lỗ rào mắt cáo dây mơ leo chằng chịt, anh thấy bố con đội trưởng Lai đang ì ạch khiêng những bao thóc vào nhà. Huy tự nhủ: “Sao họ lại chuyển thóc giờ này? Kệ họ! Việc ai người ấy làm!” Anh nghe rõ tiếng thằng Doanh con lớn nhà ấy nhắc: “Bố ơi… chú Huy đi đái, khéo biết mình chở thóc trộm!” “Ôi dào! Bố nó cũng chẳng dám bép xép!” Lúc ấy, anh em thằng Sơn con bà Xại đối diện bên kia cũng đi chơi về, đang quát tháo nhau đóng ngõ. Sau đó không biết từ đâu loang ra tin kho thóc bị rút trộm, xã viên nhìn thấy có người khiêng thóc giữa đêm khuya. Tệ hại hơn, bức tường chuyên kẻ khẩu hiệu chỗ đường cái ngoặt vào đầu ngõ, đứa nào lại lấy than vẽ hình một cái bồ đại tướng, phía dưới bục một lỗ to. Cạnh lỗ bục, một người đang moi thóc chảy vào miệng bao. Trên nắp bồ, hai con chuột nói với nhau bằng dòng chữ: “Riêng cái khoản đục khoét này, vợ chồng mình thua xa hắn!” Chuyện kháo rầm làng. Ban quản trị và ban kiểm soát phải mở kho kiểm đếm. Thóc sụt toang hoảng, lệch sổ sách. Mất khá nhiều mà lâu nay không ai biết. Nhưng không bắt được quả tang, đành chịu… Từ đó, Huy cảm nhận Lai nhìn mình với ánh mắt khác! Thỉnh thoảng, thằng Doanh qua ngõ còn chửi đổng: “Mẹ cha đồ bép xép. Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy, không ông nhét cứt đầy họng!” Nhiều lần, thấy họ cố ý như vậy, vợ Huy định cự lại. Nhưng Huy can: “Chửi, gió bay lên trời. Mình có trêu ghẹo gì đâu mà động lòng?” Cũng từ đó trong danh sách chia thóc, tên nhà Huy thường đội sổ!
Rồi cũng có thể từ cái buổi trưa Huy ẵm con sang bú rình... Năm ấy, vợ Huy đẻ cu Hồi. Một hôm Huy đi chặt nứa trong rừng Yên Lập, Vân ở nhà nấu nước gội đầu. Gái đẻ còn bấy bớt, chị bị trúng gió. Lúc anh về, người chị đã như hòn than hầm hập. Nằm liệt mấy ngày liền, cơn sốt ác tính đã cướp Vân sang thế giới bên kia, bỏ lại thằng Hồi mới hai tháng tuổi. Lâm vào cảnh gà trống nuôi con, sức dài vai rộng mà Huy phải nằm một xó ôm ấp thằng Hồi tưởng gẫy từng đốt sống lưng. Đêm đêm khát sữa, cu Hồi khóc ngằn ngặt. Huy phải nuôi bộ bằng nước cơm, nước cháo. Bao ngày ròng rã, khó khăn thêm chồng chất khó khăn.
Bên nhà Lai, chị Ngạn cũng trằn trọc thao thức. Chị cũng sinh con Là sau vợ Huy một tháng. Thằng bé hàng xóm khóc vì nhớ hơi mẹ khiến chị nẫu cả ruột gan. Nghĩ thương chú Huy quá. Hôm bà con làng xóm đưa cô ấy ra đồng, Huy khóc vật vã nghe mà thê thảm. Bây giờ, một nách đàn ông mới ngoài ba chục tuổi đầu phải cáng đáng ba bốn đứa con lít nhít! Sao trời lại bất công, không cho trọn vẹn uyên ương để lũ trẻ lớn khôn hãy hành hạ người ta? Thằng bé bên ấy khát sữa. Con bé nhà mình lại thừa sữa. Bầu vú Ngạn đầy cang rang đến phát hạch, nhức nhối. Nhiều lần chị phải vắt sữa cho con chó vàng uống mới nhẹ được người. Ngạn bèn bảo chồng: “Thằng bé khóc sốt ruột quá. Hay anh gọi chú ấy bế sang đây cho nó bú rình!” Lai hoắm mắt: “Cô tưởng bao nhiêu gà bung, ngán hấp cho cô ăn là để biếu không chắc? Đồ bẩn thỉu ấy, bú để lây bệnh lây tật à? Thương nó thì cô bóp mũi con Là đi! ”
Một buổi trưa. Thằng bé Hồi lại khóc ra rả. Cái cây bị sâu, cái mầm còn thụt lại, huống hồ thằng bé khát sữa thế này, sẽ chột mất! Rõ tội! Ngạn đánh bạo ra giậu râm bụt gọi khẽ: Chú Huy ơi! Bế cháu sang đây tôi cho bú! Nhà tôi đi họp trên huyện, chiều mới về. Cái Là ngủ rồi. Tranh thủ. Mau lên!
-Cám ơn chị! Tôi không dám!
-Không dám gì nữa! Bế sang đây!
Mãi lâu Huy mới bế con sang. Đón lấy thằng bé, Ngạn vội vàng vạch áo. Bầu vú lộ ngần ngẫn. Mùi sữa sực ra thơm ngái. Thằng bé đã quờ tay bíu chặt lấy bầu vú. Cái miệng tí xíu ngậm luôn vào chuỗm vú mút chùn chụt. Như một con ong gặp bầu mật đọng, nó ra sức rít, ừng ực, ừng ực từng hơi. Ngạn nghe rõ tia sữa chảy trong người như mạch nước ngầm phun ra, trút xuống. Chị lâng lâng cảm giác vừa nhoi nhói đau vừa nhẹ nhàng sung sướng vì làm được một việc phúc đức. Chao ôi! Chẳng phải con mình mà thương nó đến thế. Chị và nó như nhập làm một trong cơ thể mâng mâng đầy đặn. Tội nghiệp nghé con. Háu ăn đáo để! Lâu ngày mới được cái vú đây mà! Huy đứng ngẩn ngoài bậu cửa. Anh nhìn trân trân vào khuôn mặt non nớt của đứa con tươi dần dưới bầu vú người đàn bà hàng xóm. Chị đang sẻ từng giọt đời ngon ngọt cho nó. Vợ anh ra đi bỏ lại cho anh nỗi đau đớn, mất mát quá lớn. Vân đã mang đi nguồn sống của thằng bé, nguồn hạnh phúc của anh! Kể ra trước mặt anh phải là Vân mới đúng. Vậy mà… Sao tạo hoá lại đổ nỗi bất hạnh này lên đầu bố con anh? Để thằng bé như chồi cây muốn héo rủ thế kia!
Ngổn ngang nỗi lòng thương con nhớ vợ, khoé mắt Huy bỗng rơm rớm, rồi nhoè đi trong làn nước ứa từ sâu thẳm. Mút móp méo cả đôi má, xem chừng đã thoả thuê, cu Hồi mới nhả vú, quay ra cười toe toét. Đôi mắt thơ ngây nhìn xung quanh như không hiểu đây là đâu và tại sao bây giờ nó mới được dòng sữa ngọt. Nó đâu biết dòng nhựa sống ấy là của người mẹ khác, đâu biết nó chỉ được phép hưởng cơ nào hay cơ ấy. Dường như sợ không được bú nữa, nó ngoắt đầu lại, quờ tay ôm lấy bầu vú ấn vào miệng bú tiếp. Vừa lúc ấy, con chó ngoài sân sủa mấy tiếng. Huy ngoảnh lại. Lai đang dắt xe đạp vào sân. Anh bối rối:
-Chào… chào bác. Bác… đi họp… đã về…
Đoán được sự việc, chẳng nói chẳng rằng, Lai bước vào nhà, ném phịch chiếc cặp xuống phản. Ngạn cố trấn tĩnh, nựng thằng bé, nhưng cũng là để thanh minh với chồng: “Thôi! Cu tí nhé! Thèm sữa khóc gì mà như người mất của. Xóm làng bố ai chịu được. Bác Ngạn phải cho bú mới yên đây. Mai kia có là bác sĩ kỹ sư, thì đừng quên bác nhá! Nào… Chào bác Lai đi… nào!” Chưa kịp kéo áo khép bầu vú, Ngạn vội trao thằng bé cho Huy. Dòng sữa đang đà chảy bị dứt ra đột ngột, nhỏ giọt trắng đục xuống mặt đất. Huy đứng xa khom lưng giơ tay đón lấy con. Thằng bé không chịu, quay ngoắt lại bám vào ngực Ngạn. Lóng ngóng thế nào tay Huy lại đụng vào bầu vú Ngạn còn tô hô. Hình ảnh ấy không qua được mắt Lai. Vẻ mặt hầm hầm, Lai buông người xuống ghế, cầm ấm nước rót tồ tồ vào chén, ngửa cổ uống. Huy ẵm con về khỏi. Bên nhà, anh nghe rõ Lai gằn từng tiếng: “Vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm!” Ngạn ôn tồn: “Thằng bé khóc, nghe tội quá, em không nỡ quay đi?” “Sao không đàng hoàng mà lại lừa lúc tôi đi vắng? Từ nay chả biết tin giai gái nào!” “Em phải gọi mãi chú ấy mới sang. Anh đừng nghĩ xấu cho người ta!” “Xấu… Không xấu mà lại… Đứa nào bép xép chuyện… thóc lúa? Hàng xóm… tao ăn ở như bát nước đầy… Nó nỡ xọc dao ngang hông! Được đằng chân lân đằng đầu, rồi có ngày nó xọc cả cô!” “Tôi xin anh! Chú ấy không tầm thường đâu!”…
Mới đó, thấm thoắt đã ngót bốn mươi năm. Dù sao, thằng Hồi nhà ấy cũng phải nhờ những giọt sữa của bà Ngạn nhà này mới qua cơn đói khát! Bát cơm Xiếu Mẫu trả ơn nghìn vàng. Giọt sữa khi khát còn hơn cả thúng gạo. Giả sử không có mấy giọt sữa ngày ấy, liệu thằng Hồi có sống để thành giám đốc? Cũng lạ. Sao mình lạnh nhạt, hắt hủi đến vậy, hắn vẫn ngậm miệng? Hắn nghèo, nghèo thật, nhưng cũng chưa nghe ai bảo hắn vớ vẩn, tham lam, nhốn nháo bao giờ. Đũa gắp một chiếc dắt díu ba, bốn đứa con! Đắp đổi lần hồi, đói khát như vậy mà bố con hắn vẫn qua ngày đoạn tháng? Lại không tục huyền, mới càng lạ chứ. Đúng là khoẻ chịu. Đáng mặt đàn ông! Bây giờ con cái ông ta đều có lông có cánh, có công ăn việc làm hẳn hoi. Thằng Hồi “nhái bén” đỗ đại học kiến trúc, nay lại làm giám đốc công ty xây dựng Phúc Hồi ở Cẩm Phả! Vợ nó dạy học ngoài Tiên Yên. Trong khi đó con cái mình chẳng ra sao cả. Toàn đầu bò đầu biếu, kéo chã, chạy chợ, duy có thằng Thoa làm kiểm lâm mãi tận Lạng Sơn. Lắm tiền nhiều bạc mà lần nào về chơi chúng cũng cãi cọ, tranh chấp nhau như mổ bò. May có vợ chồng thằng út kéo lại, chồng chở hàng đi Móng Cái, vợ ở nhà chạy chợ. Không có con Loan có lẽ mình cũng ngủ luôn với giun chứ chẳng chơi… Cú là cú cái năm hợp nhất bốn hợp tác xã lên bậc cao. Biết tin đại hội đến nơi, biết mình ứng cử ban quản trị hẳn hoi mà nó vẫn bỏ đi làm xa, kéo theo cả đội làm đất, mất toi hơn hai chục lá phiếu. Giá bỏ phiếu xong, đi đâu thì đi, thì đâu đến nỗi mình trượt khoá đó, đâu đến nỗi mãi khoá sau mới trúng trở lại làm chủ nhiệm! Nó còn bắn tin: “Vắng, trúng người ta vẫn trúng. Đâu vào đấy cả. Bố chết không bằng hết bữa! Đói nó khinh. Ai vay được nó một cắc?”
Đang miên man dòng quá khứ, ông Lai chợt nghe tiếng con Mai gọi bà Ngạn ngoài sân: Bà ơi! Ông cháu sai cháu mang chục trứng gà con so sang biếu ông để ông bồi dưỡng chóng lại sức. Giống gà đồi mẹ cháu mua ngoài Tiên Yên gửi về nuôi đấy ạ!
-Cảm ơn ông cháu! Nhà bà cũng có cơ mà!
-Cháu vẫn biết vậy! Con bé nói đến khéo: Nhưng gà nhà cháu đây pha gà rừng, khoẻ lắm. Với lại bà đừng lo, vùng mình mấy năm nay không có H5N1 đâu!
Bà Ngạn như hiểu ý ông Huy và bỗng nhớ một ký ức về chị em bố con bé Mai, ngày ông Huy đi làm đường trong rừng sâu, tít trên đèo Hạ Mi. Lũ trẻ ở nhà như đàn chó cún. Con Thuỳ đầu lòng đang lớp sáu phải bỏ học để trông em. Hết gạo, hết sắn, mấy hôm liền chị em cái Thuỳ hái cụt cả đám rau muống mảnh ruộng năm phần trăm, rồi bới cả luống khoai lang củ mới bằng ngón tay về ăn. Thằng Hồi còm nhom như con nhái bén, bò lê la, thoi thóp thở. Thằng Thụ ra đồng vồ châu chấu đem về một lờ đầy. Chị em chúng xì xụp rang nướng. Lửa rơm cháy đùng đùng, xém cả lông mày. Châu chấu đổ ra, mẻ sống mẻ sít. Chúng bốc nhai giòn gau gáu, đút cho cả em ăn, rất ngon lành. Mặt đứa nào cũng thò lò mũi dãi, đen nhẻm những nhọ nồi, gio trấu. Đang ăn, nghe con gà mái bên nhà Ngạn cục tác, mắt thằng Thụ chợt sáng lên. Nó lẻn chị Thuỳ, chui qua giậu râm bụt bò vào chuồng trâu nhà Ngạn. Vừa lúi cúi bê ổ trứng ra đến cửa chuồng thì Ngạn trong nhà tiêu đứng dậy. Thằng Thụ hốt hoảng, định bỏ xuống. Ngạn giật mình, chạy vội đến đỡ ổ trứng. Thằng bé tái mặt: “Bác… bác… bác tha cháu... Nhà cháu chẳng còn thức gì… cho em cháu ăn…” Ngạn kéo nó đứng lại: “May không có bác giai ở nhà đấy nhé! Cởi áo ra bác bảo!” Thằng bé càng hoảng sợ, van xin: “Cháu lạy bác. Bác tha cháu. Đừng lột áo cháu. Từ nay cháu xin chừa!” “Yên trí. Bác có làm gì cháu đâu!” Ngạn nhanh nhảu nhặt gần hết ổ trứng cho vào vạt áo nó rồi túm chặt: “Mang về đi, bảo chị luộc ngay cho em ăn. Bác chỉ để lại hai quả cho con gà nó nhớ ổ thôi! Lần sau đừng làm thế nữa nhá, kẻo lớn lên quen tay thì khổ!”
Không khí đón xuân đã sôi động khắp làng. Cảnh nhà ông Lai thật náo nức. Chỉ chút ngắn thời gian nữa thôi, cả hai ông bà cùng được đón phúc song thọ. Kể cũng hay, trời còn thương cho ông sống thêm!
Bên nhà ông Huy vẫn lặng lẽ. Vắng người đàn bà, cái tết đến chậm hơn. Vợ chồng anh Thụ lập nghiệp trong tận Bình Dương. Vợ chồng Hồi phải chiểu ba mươi mới về. Xuân Tết nhà ông chỉ náo nức mấy ngày. Con cháu xum họp, cúng tiễn gia tiên, tản lộc xong lại đi ngay. Chỉ còn ông với chị em con Mai. Ông Huy đắn đo: “Giáp Tết rồi, không thấy bên ấy đả động mời chào?” Nếu có lời, ông sẽ bảo vợ chồng anh Hồi sắm mâm lễ thịnh soạn sang mừng. Tống cựu nghinh tân, bố con, ông cháu ông sẽ chúc thọ ông bà Lai Ngạn thật trân trọng. Bà Ngạn thì khỏi nói, trước sau vẫn là người nhân hậu. Nhưng ông Lai, quả thật là người se sắt, có tính thù vặt, cấm đoán cả trẻ con, không cho chơi với nhau. Ở đời thường “trẻ con mất lòng người lớn”. Đằng này chuyện người lớn lại đi kéo trẻ con vào cuộc! Có bận cu Hồi đi học đeo cặp sách ngang qua, chẳng vướng víu gì, ông ta đã táy cho thằng bé một cái vào chân, khiến nó ngã té nhào. Khi hai người giáp mặt, Huy cũng chào hỏi mà ông ta cứ khỉnh cái mặt lên trời!... Sau đợt ông Lai ốm, trong thâm tâm, ông Huy chỉ muốn tình làng nghĩa xóm giữa hai nhà được nối lại. Nhìn bóng nhau được mấy nỗi nữa đâu! Sông có khúc, người có lúc. Bây giờ nhà ông cũng chẳng kém cạnh ai trong làng, cũng chẳng thua gì bên ấy! Xét cho cùng quá khứ, hai bên có gì mâu thuẫn, va đập chi đâu. Chả lẽ ông ta tiếc đứa trẻ hàng xóm từ giọt sữa thừa của vợ ư? Chả lẽ tại cái nghèo, cái đói mà người ta có thể ngăn cách đến thế ư ? Chả lẽ hai bên cứ quá đà trên vết trượt và càng khó nắm được tay nhau?
Nhà ông Lai đang lao xao bàn luận về việc tìm hoa cây “sập chim” kết con Long Mã. Đúng là chẳng khác gì kiếm măng mùa đông. Lần khắp cả mấy xã mà không được. Năm nay nắng nóng, bão gió liên miên, giống cây sập chim kém hoa. Lại thêm nhiều cụ Tám mươi rước lên miếu, nên mấy cây của nhà ông Tam, ông Sất xóm Thượng bị ngắt trụi lủi. Phong tục vùng làng đảo Hà Nam trên cửa sông Bạch Đằng này, trong Lễ mừng thượng thọ, từ xưa cư dân đã bày con Long Mã trên hương án để tôn vinh hình ảnh con vật đầu rồng mình ngựa biểu hiện cho sức mạnh trị thuỷ, oai phong của con người nơi đầu sóng ngọn gió. Nó được kết bằng những nải chuối xanh và hoa quả, đặc biệt phải có chùm hoa cây sập chim làm đuôi vừa cong vừa dài, mới đẹp. Không bày con Long Mã thì mất hẳn sự trang trọng, oai linh.
Ông Huy chợt nhớ hai cây sập chim nhà mình do anh Hồi lấy giống từ đợt đi công tác trên Hà Nội. Nghỉ ở nhà khách Chính phủ, thấy hàng cây sập chim xoè lá như những cây cọ, quả rụng đầy lối đi, anh nhặt luôn một nắm hạt gói lại đem về. Ương thử mấy hạt, nhưng không mọc mầm. May có anh bạn lâm nghiệp công tác ở Lạng Sơn về chơi, Hồi vô tình khoe trong khi nói chuyện. Anh bạn cười to: “Không biết cách rồi. Đây là giống hạt vỏ cứng, mười chỉ được ba! Không phải chuyện đùa. Đưa tôi!” Nửa năm sau, anh bạn đến biếu lại Hồi bốn cây con. Anh để hai cây trồng ở cơ quan, còn hai cây mang về trồng sau vườn. Hồi còn ước: Mai kia, mỗi mùa heo may, nghỉ phép anh sẽ về đi đánh bẫy chim ngói. Sẵn lá sập chim gài nguỵ trang làm cánh bẫy, úp ván nào đậu ván ấy. Khi bố lên thượng thọ, hoa nó để kết đuôi Long Mã, chỉ có tuyệt vời !
Ông Huy ra vườn. Trời! Cây sập chim đã trổ hoa tự bao giờ? Đẹp quá! Những chùm hoa mùa đầu khoe màu xanh nõn nà trông y những chùm cà phê ken dày đặc quả. Ánh nắng nửa buổi chiếu xuống khiến những chuỗi hoa sập chim lấp lánh, rung rinh tựa đuôi chồn. Ông Huy cười một mình: “Cái tình gửi ở trong cây!” Bỗng ngoài ngõ có tiếng gọi:
-Ông cụ Huy có nhà không đấy…?
-Ôi! Ông ấy đã sang!
Cây Sập Chim ở sân nhà tác giả.
Tin cùng chuyên mục
Vị ngọt dâng đời
24/03/2015
Hạnh phúc đích thực
21/03/2015
Dì tôi
18/03/2015
Phút giây đầu tiên
11/03/2015
Những số phận muộn màng
08/03/2015