Nhớ thương cây Hà Nội

Những ngày này, rất nhiều người Hà Nội (và không chỉ người Hà Nội) ở nhiều nơi trên đất nước, và ở nước ngoài đã phải rỏ nước mắt xót xa đau đớn căm giận trước cảnh tượng cây cổ thụ bị đốn đổ hàng loạt tại vài tuyến phố Thủ đô. “Tác giả” thật sự của cảnh tượng đau lòng đó- nói theo một cựu đại biểu Quốc hội- là những kẻ “thiếu trí tuệ và thiếu dân chủ”. Nhiều giới, nhiều lớp người đã lên tiếng, đã có những hành động cụ thể để bày tỏ thái độ và quan điểm của mình. Cách đây mấy năm, chúng tôi may mắn có dịp nói nhiều về cây Hà Nội trong loạt phim tài liệu (4 tập) về Bốn mùa Hà Nội, đã phát sóng vào dịp Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (Chương trình Mảnh ghép cuộc sống- VTV2). Và trong nỗi đau buồn chung này, chúng tôi xin được trích đôi lời bình phim có liên quan tới Cây Hà Nội, mong đóng góp vào sự ngăn chặn không để thảm cảnh kia tiếp tục diễn ra…

HÀ NỘI BỐN MÙA

Tùy bút điện ảnh (Trích)
Phần mở đầu cho cả bốn tập phim: Đối với rất nhiều người Việt Nam ở khắp đất nước và ở khắp các phương trời xa xôi, Hà Nội là nỗi niềm đau đáu nhớ thương…Và Hà Nội cũng đã trở nên gần gũi thân quen một cách lạ lùng đối với nhiều thế hệ người VN cũng như đối với không ít vị khách nước ngoài… Điều đó có thể lý giải bằng nhiều nguyên cớ- mà nguyên cớ trực tiếp nhất, và cũng sâu xa nhất, chính là bởi Hà Nội có bốn mùa thật rõ rệt và đặc sắc, mà người ta có thể cảm nhận được qua da thịt từng sự thay đổi nhỏ bé của hoa lá, cây cổ thụ, mặt sông gương hồ, con đường lối ngõ, những gương mặt người…Và chúng góp phần tạo nên cái được gọi là Hồn sâu thẳm của Hà Nội mà một nhà thơ Việt hiện đại đã định danh được một cách thi vị là “Kinh thành cổ tích” (Nguyễn Nguyên Bảy).
Hà Nội có hoa phượng đỏ của đất cảng Hải Phòng, có ban trắng vùng núi rừng Tây Bắc, có mai vàng và nắng gió của phương Nam, có nét trầm tư mơ mộng của Huế… Nhưng Hà Nội lại có những vẻ đẹp riêng đến mê đắm hồn người, một Hà Nội cổ kính trầm tư và duyên dáng, một Hà Nội bốn mùa với những nét đẹp cuốn hút của thiên nhiên mà không đâu có – chúng gia nhập vào cái tầng văn hóa chiều sâu của một đô thành có ngàn năm tuổi …
Nguồn cảm hứng bốn mùa đã từng cuốn hút  những nhà thơ nhà văn, những nghệ sĩ lớn của thế giới – như nhạc sĩ thiên tài Nga Traicovki, nhạc sĩ Ý Vivanđi, nhà điêu khắc Pháp Rôđanh, đạo diễn điện ảnh Hàn Quốc Kimkiduk, v.v. Bộ phim Bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông Hà Nội này được làm ra theo sự gợi ý ban đầu của tác phẩm văn học thú vị: “Bốn mùa – Lịch thiên nhiên” của nhà văn Nga Prisvin. Đây là loại phim du ký về thiên nhiên Việt Nam- giữa lúc thiên nhiên đang bị thói ích kỷ và sự thiếu hiểu biết tàn phá, đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt… Thăng Long – Hà Nội với thăng trầm lịch sử, đất Kinh kỳ- Kẻ Chợ của ngàn năm văn hiến sẽ được nhìn nhận và cảm thụ thông qua Bốn Mùa của sinh học, bằng hình thức tùy bút điện ảnh…
*
…Nhớ về xuân Hà Nội, thường chúng ta liên tưởng ngay đến những chồi non, lộc biếc, đến màu xanh man mác dịu dàng. Vì vậy, trong những ngày này- những ngày giáp tết, sẽ không ít người phải sững sờ thích thú khi bất ngờ được chiêm ngưỡng kiệt tác “Mùa thu vàng” của danh họa Nga Lê-vi-tan giữa trời xuân Thủ đô. Đó là vẻ đẹp của những cây lộc vừng mùa trút lá. Nhiều du khách lần đầu tới Hà Nội đã không khỏi ngỡ ngàng mê mẩn trong sắc vàng rực rỡ của màu nắng quyện trong màu lá đang trút “hơi thở” cuối cùng. Ai cũng muốn ghi lại cho riêng mình khoảnh khắc hiếm hoi tuyệt đẹp này. Theo một thống kê, đã có tới hơn vạn cuộn phim màu đã được “đốt” quanh cây lộc vừng này bởi các tay máy ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư. Cây lộc vừng trút lá rồi sẽ lại mọc lên bao nhành lá non rồi sắc hoa đỏ ti ti rực rỡ, tô điểm cho bức tranh Hồ Gươm thêm sinh động và bắt đầu cho việc hình thành nên một lẵng hoa lớn tuyệt đẹp giữa lòng thành phố – như hình ảnh ví von của một nhà thơ Hy Lạp đương đại khi đến Hà Nội…
…Rời Hồ Gươm, chúng ta hãy lang thang trên vài dãy phố có những cây bằng lăng với cành đen thui, trơ trụi, khô khốc, nhưng trên đó xuất hiện những chiếc lá nhỏ xíu màu đỏ cam tựa những bó hoa lửa chào đón xuân về…
…Trước khi trên vùng rừng núi Tây Bắc phủ ngập trắng hoa ban, thì ở Hà Nội, hoa ban đã vội nở sớm trên trục đường Bắc Sơn, đường Thanh Niên. Hoa ban được mang từ núi rừng Tây bắc về, vốn trắng muốt, tại thủ đô không hiểu sao lại nhuộm màu tim tím, và những cánh hoa ban trở nên đẹp lạ thường khi được hòa quyện cùng màu trắng tinh nguyên của tà áo dài người thiếu nữ Hà thành du xuân… Hoa ban gắn với một truyền thuyết buồn về tình yêu đôi lứa ở tận vùng cao xa xôi, về đây lại tìm được sự đồng cảm của nam thanh nữ tú Hà Thành, và đồng điệu với một loài hoa kỳ lạ của mùa xuân Hà Nội- đó là hoa Sưa… Truyền thuyết của người Hà Nội kể: có hai người cùng sinh vào tháng ba, cùng thích hoa Sưa và yêu nhau tha thiết… Nhưng họ ở cách xa nhau, nên cứ mỗi mùa xuân, trở về đây vẫn hẹn nhau ở một gốc Sưa già trong thành phố. Cho đến một ngày, người ta vô tình đốn gốc Sưa ấy đi, chàng trai và cô gái hoang mang tìm nhau theo từng gốc Sưa… Bước chân họ luôn lỡ nhịp, không thể gặp được nhau… Tình yêu xưa chỉ còn trong hoài niệm, nên có người cố tình đọc trệch đi, gọi là hoa Ngày Xưa, bộc lộ chút gì nuối tiếc, ngậm ngùi… Hoa Sưa tựa linh hồn cô gái kết tinh thành bạch ngọc, cứ mỗi độ xuân về lại nhớ tình lang là chàng trai Thăng Long Hà Nội, nên hiện ra mơ hồ thoáng một ít ngày ngắn ngủi rồi lại bay về với hư ảo… Trên những con phố dài của Hà Nội mùa này, trên đường Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Hùng Vương, đường Ngọc Hà, Điện Biên Phủ, trong những công viên xanh đã thấy trắng cả một góc trời màu hoa Sưa như một lời hẹn ước thiêng liêng…. Hoa Sưa có một vẻ đặc biệt duyên dáng, trang nhã nhưng giản dị. Suốt cả năm, cây Sưa không có gì nổi bật, chỉ đến đợt hoa nở trắng muốt như những bông tuyết, như mây, thì khi đó mới khiến mọi người phải ngỡ ngàng. Sau những ngày hoa tách cánh trong đợt gió rét mưa phùn, Hoa Sưa chỉ đợi cơn mưa xuân đầu tiên là bừng tỉnh giấc. Chẳng có loài hoa nào lại cùng thay lá, đâm chồi, ra hoa và lụi tàn trong một mùa duy nhất như hoa Sưa- một loài hoa có mùa ngắn nhất trong năm. Nó có vẻ đẹp tươi tắn nhưng đồng thời lại chất chứa một cái gì đó thực e ấp, u hoài. Có một chàng trai người Hà Nội sau nhiều năm xa tổ quốc, quay về thăm đã viết những dòng đắm đuối về hoa Sưa:
Chỉ còn con đường hoa sưa đẹp như mơ
Muốn khóc dịu dàng cho thuở ấy bình yên
Cho con đường trải đầy hoa sưa, in dấu chân kỷ niệm …
…Hà Nội cuối mùa xuân, trên những lối đi đã phủ dày từng lớp lá màu đỏ phai của bàng quanh Hồ Gươm hay trong những con phố cổ nhỏ xinh. Rồi lá xà cừ, lá sấu, lá me, lá của những cây lâu năm trong công viên Thống Nhất, vườn Bách Thảo… Những lá vàng còn lại trên cành cũng rụng rơi lả tả, nhường lại mùa đâm chồi và sinh sôi của một lớp lá mới, búp bàng mới. Hà Nội bỗng mang vẻ mặn mà cuốn hút trong sự hòa quyện của nắng gió, trong sự pha trộn sắc màu của hoa, của lá cũ và lộc mới mặc cho cái rét bất thần quay trở lại. Nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai đã viết về Tháng ba, rét nàng Bân như sau: là một cái rét thơ mộng, cái rét của một trời đầy hương và ngát hoa khiến người phụ nữ tự nhiên đẹp trội hẳn lên…Và ông kể lại những kỷ niệm tuổi thơ đi trèo cây, hái bàng chín thơm phưng phức, ăn vào ngọt hơn cả cam hay táo… Một người Hà Nội- nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ đã có những dòng tùy bút thú vị về Đường sấu Hà Nội, và ông miêu tả khá hay cái mùa sấu thay lá lần đầu trong năm tựa một con sông vàng lăn tăn sóng chảy luồn lách giữa hai hàng cổ thụ suốt từ đường Hùng Vương cho đến tận vườn hoa Hàng Đậu…
…Mùa hè Hà Nội có những loài cây loài hoa cùng những cảnh vật thiên nhiên đặc sắc mà vẻ đẹp của chúng khiến nhiều người muốn dậy thật sớm ra đường, hít hà bầu không khí trong lành và giơ máy ảnh tìm vài góc chụp để lưu lại cho mình những khoảnh khắc ban mai ngập nắng. Ta hãy nghe nhà văn Vũ Bằng khi sống ở đô thành Sài Gòn kể lại ấn tượng đầy thơ và họa về một sớm đầu hè Hà Nội trong Thương nhớ mười hai nặng trĩu của ông: “Tháng tư yêu dấu có nóng có oi, có muỗi đốt, nhưng tất cả những cái đó có thấm vào đâu so với những buổi bình minh nạm vàng, mở mắt ra nhìn lên cao thì thấy mây bay thong thả như trời khảm bằng xà cừ, gió hây hây mát, mở cửa đi ra đường thì cảm thấy cả trời đất trong như là pha lê mà cái thân mình nhẹ tênh tênh như là có cánh…”
…Lúc này, những tán bàng đã tắt đi các ngọn nến xanh để phủ lên tấm thảm lá dày đương chờ đón bản nhạc mùa hè của dàn đồng ca ve sầu lanh lảnh… Năm cây vông bên hồ Gươm lúc này cũng xòa ra những bó đuốc khổng lồ chói lọi khiến cho nước hồ đã xanh càng thêm xanh thăm thẳm… Những chùm hoa bằng lăng gọi hè tím ngát ngẩn ngơ nở dọc phố Thợ Nhuộm và chen vai rực rỡ cùng hoa phượng đương khoe sắc đỏ thắm bên hồ Gươm. Khi đó, bờ hồ Hoàn Kiếm tựa những bó đuốc cháy ngùn ngụt – như cách nói của một nhà thơ. Cũng may, làn nước xanh biếc hồ Lục Thủy xưa cùng với những nét  dịu dàng cổ kính của Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn đã làm trung hòa bớt gam màu nóng gay gắt của hoa dưới ánh nắng chang chang. Hoa phượng chói lòa thì đã quá quen thuộc, bởi chúng gắn với học đường tuổi thơ- dù bên hồ Gươm chúng hiện ra thật rực rỡ và hòa hợp thật kỳ lạ với màu xanh của rêu phong… Còn Hoa bằng lăng thì ít quen thuộc hơn với ngay chính người Hà Nội. Những bông hoa cánh mỏng như lụa khẽ rung rinh dưới ánh nắng mặt trời. Trên cùng một cây mà hoa có tới hai màu: trắng và tím. Những bông hoa đầu cành phơn phớt trắng, dịu dàng, trinh bạch. Còn những bông hoa cuối cành lại mang màu tím biếc, thuỷ chung… Truyền thuyết Hà thành kể: ngày xưa Ngọc Hoàng có mười hai nàng công chúa yêu, mỗi người một vẻ. Một hôm Ngọc Hoàng tuyên bố sẽ cho các con gái làm chúa của các loại hoa dưới nhân gian. Các cô đòi làm chúa của loài Hoa Hồng, hoa Mẫu Đơn, hoa Lan, hoa Huệ, v.v. Riêng cô công chúa Út xin được làm chúa loài hoa nào đó mang màu tím, vì cô rất yêu thích màu tím. Ngọc Hoàng cho nàng làm chúa loài hoa Bằng Lăng Tím. Có chàng thư sinh nghèo, thấy loài hoa tím Bằng Lăng vừa xinh lại dịu dàng, liền đem về nhà trồng. Chàng thư sinh dần dần đem lòng yêu thương hoa. Nàng công chúa Út thì say mê văn tài của chàng thư sinh, xin Ngọc Hoàng được xuống dương gian làm vợ chàng. Ngọc Hoàng cương quyết từ chối. Công Chúa Út buồn phiền và khước từ tất cả những ai đến cầu hôn nàng. Nhưng loài hoa Bằng Lăng không phai nhạt màu tím đi, và chàng thư sinh vẫn một lòng si tình hoa. Bởi vậy người đời bảo hoa Bằng Lăng là loài hoa chung thủy, và sự ngây thơ của màu tím đã tượng trưng cho mối tình đầu… Truyền thuyết này quả đã làm rung động biết bao thế hệ học trò Hà thành tầng lớp tiểu tư sản – những người về sau còn yêu cả Màu tím hoa sim của thi sĩ Hữu Loan và cũng sẵn sàng gác bút nghiên lên đường theo Kháng chiến…
Còn hôm nay, tuổi teen Hà Nội đã nghĩ gì về truyền thuyết về hoa bằng lăng? Một cô gái vừa qua hết phổ thông trung học đang giai đoạn ôn thi đại học đã say sưa kể với chúng tôi về thú sưu tầm tìm hiểu hoa của mình.
Và hoa sấu! Không ít người trước khi xa Hà Nội vào thời điểm này đã đi lang thang dưới con đường có những tán sấu tỏa rộng như ôm trọn Hà Nội vào lòng, để rồi sẽ nhớ thương, vương vấn mãi cái mùi hương thoang thoảng đến say lòng kia…Đường Hà Nội trồng rất nhiều cây sấu, và mỗi khi hoa sấu nở, chỉ một làn gió thoảng qua là những “cơn mưa” hoa rắc xuống mặt đường – những cánh hoa li ti có màu trắng bàng bạc rụng trắng xóa một góc phố khiến Hà Nội đẹp đến nao lòng. Loài hoa bé nhỏ và mộc mạc này lại mang trong nó một vẻ đẹp kiêu sa, đài các mà chỉ những ai chịu khó quan sát kỹ và biết đồng cảm với thiên nhiên mới có thể nhận ra.
Rất nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam đều tỏ ra tò mò và thích thú với loài hoa nhỏ bé có màu trắng thanh cao và tinh khiết đến lạ kỳ này. Đợi cho lớp hoa tàn hết là những quả sấu non bắt đầu nhú lên rồi già dần và rụng đầy vỉa hè. Quả sấu từ lúc còn non cho tới khi chín vàng ươm đều hấp dẫn đủ mọi lứa tuổi. Từng chùm sấu sai trĩu lấp ló sau tán lá che mát cả một khoảng sân, góc phố hay những con đường trước ánh nắng hè chói chang. Khi những cơn mưa đầu hạ xuất hiện và ve sầu râm ran khắp phố phường thì cũng là lúc ngoài chợ xuất hiện những trái sấu xanh xanh, nhỏ xinh. Những chùm sấu nhỏ, màu xanh và hơi xù xì đã làm thơm mát bát canh mùa hè của các gia đình bình dân, và tạo ra không ít món ăn đặc sắc. Với nhiều người dân miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, những lọ sấu ngâm vào những ngày hè được xem như loại nước giải nhiệt không thể thiếu. Không phải là thứ nước uống cầu kì, tốn tiền, nó có mùi vị đặc biệt nhưng lại đơn giản trong cách chế biến. Chỉ cần một chút khéo léo, tỉ mỉ, ai cũng có thể tự tay chế biến một lọ sấu ngâm vàng thơm cho gia đình. Cốc nước nhỏ mà lại chất chứa nhiều hương vị ngọt ngào, sấu ngâm mang nét dân dã, giản dị như chính hồn quê Việt. Chả thế mà những kiều bào từ xa về nước, cứ đòi tìm bằng được vài quả sấu làm quà cho người thân phương xa- thứ quà chỉ Hà Nội mới có.
Mùa sấu đến, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tay cầm những chiếc sào dài, đầu ngẩng nhìn vào những tán lá rậm rạp – đó là những “chuyên gia đi hái sấu”. Và theo chân chúng là những đứa bé hơn cùng xóm cùng phố trốn mẹ đi bắt ve, nhặt mót từng trái sấu rụng dưới gốc cây- cái hình ảnh mà hầu hết những người lớn từng sống ở Hà Nội đều có thể tìm thấy mình trong đó và trở thành kỷ niệm đi theo suốt cuộc đời…
Một người từng sống và học tập ở nước Nga nhiều năm đã kể lại cái cảm giác khó tả khi được nhìn thấy lọ sấu dầm được bày bán ở một góc phố Mascơva.
…Cái nóng đã bắt đầu râm ran trong lòng Hà Thành từ đầu tháng 5, và từ đầu tháng 6 trở đi thì nắng bắt đầu đổ lửa, các đường nhựa bốc khói vì nắng nóng hầm hập, và thực may mắn, Hà Nội đã có khá nhiều đường cây xanh, vườn cây xanh. Ai qua Hà Nội vào mùa hè mà không từng một lần phải dừng chân dưới những tầng tán lá cổ thụ dọc đường hay trong công viên Bách Thảo, trong một ngôi đền để thở và ngắm nhìn những khoảng trời xanh xa tít sau vòm lá? Hà Nội hiện đại cũng là đất Kinh kỳ xưa lưu giữ rất nhiều di tích văn hóa lịch sử, rất nhiều đền chùa miếu mạo cổ – tại những nơi chốn tâm linh đó còn tồn tại  biết bao cây đa, cây đề, cây muỗm cổ thụ từng bất chấp gió mưa bão táp hàng thế kỷ- như cây trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trong đền Quan Thánh, đền Voi Phục, chùa Kim Liên, trong quần thể kiến trúc Tháp Bút – Đài Nghiên – Đền Ngọc Sơn,v.v. Và mùa hè dội lửa xuống đất Hà Thành dường cũng phải nể nang tạm dừng bước nương tay trước những tán cổ thụ linh thiêng đó, để nhường cho con người những khoảnh khắc thư thái, mát mẻ, yên bình…
…Mùa hè Hà Nội có những cơn mưa rào vội vàng lúc đến cũng như lúc đi để lại trong lòng người đa cảm những xao động thầm kín giữa khoảng trời mênh mông nắng… Dẫu cho cái nắng nóng mùa hè khiến ta đổ mồ hôi thì cạnh đó, cảm giác được tản bộ trên những con đường lộng gió ban đêm và nhìn ngắm một Hà Nội không ngủ thật thú vị, và người ta đã yêu Hà Nội từ những khoảnh khắc bình dị như thế…
…Theo cố nhà văn Băng Sơn, Mùa thu chính là mùa mà Hà Nội mang trên mình những nét yêu kiều diễm ảo và dịu dàng nhất…Lẫn trong lá vàng bay vàng rộm mặt đường và lẫn trong sương lam mơ hồ trên mặt sóng của thời tiết dìu dịu như tơ chăng, là những làn hương từ đâu đó lan tỏa vào không gian đang ngự trị bởi các lão thụ trăm tuổi minh triết và hiền từ… Đó là làn hương của hoa dạ hợp nồng nàn trắng muốt; đó là hương sấu chín cuối mùa thoang thoảng đường Phan Đình Phùng; đó là hương ngọc lan vương vấn thoảng nhẹ từ các ngón tay tháp bút trắng ngà quyện với chút hanh hao của cái lạnh đầu thu trên những con đường rợp bóng cây.
…Và hoa sữa. Những cây hoa sữa trổ hương sớm thường là những cây hoa sữa mới trồng, và được chính cái gió heo may đầu mùa giúp tỏa hương bay xa. Đã có biết bao bài thơ, bản nhạc, dòng văn đầy rung động của những người tài hoa ca ngợi hoa sữa Hà Nội. Nhiều người Hà Nội đi xa đã nhớ về hoa sữa, hoa hoàng lan, hoa ngọc lan để tưởng niệm thời hoa niên trong trẻo, thời học trò mơ mộng, tuổi yêu đương tinh khiết của mình. Nhất là, nếu đi trong đêm trăng đường Nguyễn Du, đường Trần Hưng Đạo, đường Bà Triệu hít thở mùi hoa sữa ngọt ngào đang trộn lẫn sương thu làm ướt tóc, không ít người đã phải nghẹn ngào ứa nước mắt vì cái vẻ đẹp nồng nàn và thanh khiết của Hà Nội. Và có người đã phải thốt lên: mùa thu bình yên và dịu dàng quá! Khi đó, người ta cũng dễ dàng mở lòng với chính mình, với những người xung quanh – dịu dàng như chính không gian thu Hà Nội. Và trong đêm sâu lắng của thu Hà Nội, bên hương hoa hải đường, hoa hoàng lan, hoa dạ lan hương, hoa sữa, người ta trở nên dễ cảm thông để hiểu nhau hơn… Người ta sẽ có cảm giác không gian và thời gian như ngưng đọng, tiết thu dịu nhẹ khiến có thể trút hết mọi ưu phiền, lo lắng của cuộc sống bộn bề… Có lẽ cũng trong không gian và thời gian này, ở một căn phòng nhỏ Hà thành, khi ngắm hình vẽ con nai trên ống bút, thi sĩ Lưu Trọng Lư đã viết nên bài Tiếng thu tuyệt tác, một trong những bài thơ hay nhất của thi ca tiền chiến:
Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
…Một người con Hà Nội khi xa đã tâm sự: “Mình chỉ muốn khóc mỗi độ thu về . Làm sao cầm lòng được khi nhìn vạt nắng vàng nghiêng qua các thân cây và  thảm cỏ làm dát vàng cả những gì nhỏ bé nhất, làm lung linh cả những hạt phù du trôi nổi trong không khí… Cái tĩnh lặng và không trung đưa bạn về miền hoang sơ nhất của loài người …”
Một người sống ở nơi chỉ có hai mùa mưa nắng trong năm đã viết những dòng thật xúc động: “Người phương Nam như tôi đã được tặng một món quà tuyệt đẹp của phương Bắc, của Hà Nội. Khẽ khàng, mỏng manh trong hơi sương sớm, se se trong cơn gió nhẹ đem hương mùa bảng lảng qua các con phố và những hàng cổ thụ… Mùa thu Hà Nội như một thứ men ngọt ngào, nhấp từng giọt, từng giọt để say hồi nào không biết, và cứ muốn say mãi…”
Cố nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn, bằng sự rung động của một tình yêu hết sức tinh tế đã miêu tả thu Hà Nội trong hiện tại thật gợi cảm, và nói hộ nhiều người từng yêu mùa thu Hà Nội qua giọng hát của ca sĩ Cẩm Vân:
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.
Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…
Trong một thiên tuỳ bút đặc sắc viết về mùa đông Hà Nội, cố nhà văn Băng Sơn đã viết những dòng giống như lời trăng trối cho đời: “Phải cảm ơn ai đây, trái đất, vũ trụ hay thượng đế, ông trời và tổ tiên đã chọn nơi này cho ta có một đất nước quê hương mỗi năm có bốn mùa rõ rệt, nhất là Hà Nội, nắng thì thật nắng, thu thì thật thu, và mùa đông là niềm trữ tình đầy hoài niệm… Ta đang ăn mùa đông, uống mùa đông, ta giơ tay ra nhận lá thư từ trời gửi về màu đỏ lá bàng hay màu vàng cây cơm nguội, lá thư là tín sứ, là nhịp đàn thăng hoa trong không gian tìm người tri âm tri kỷ… Mùa đông Hà Nội, đến một cột đèn cũng thành kỷ niệm đời người, một tiếng rao khuya cũng rền vang tâm tưởng…”
…Lúc này, rặng liễu vẫn còn duyên dáng xanh mướt trong cái lạnh đầu mùa, hững hờ rủ sát mặt nước Hồ Gươm giờ đã trở nên bình lặng hơn và đang lặng lẽ soi bóng Tháp Rùa cổ kính cùng những cành cây trụi lá… Những bông hoa điệp còn vương lại, những chùm quả bàng chín vàng ửng treo lủng lẳng trên cành ở phố Quán Thánh, Tràng Thi, những cành cây cơm nguội ở Bờ Hồ và Lý Thường Kiệt rung rinh trong gió, như có vẻ như không muốn rời đi, chúng làm dịu bớt cái màu xám của mùa đông và đem lại cảm giác ấm áp trong cái lạnh của gió mưa khi đông về ngập phố phường…
…Cái lạnh kèm sương muối làm cây cối úa héo. Những hàng cây xanh bên đường ngày nào giờ đang rũ cành trút lá, vẽ lên giữa màn mây xám xịt những cành khẳng khiu tựa bức tranh thủy mặc. Cây bàng mà mới hôm nào trẻ con thường hái quả vào độ giữa thu, bây giờ trơ trọi thân với cành, chỉ còn lại một chiếc lá đỏ ối sắp rụng. Những lá me vàng rơi  lả tả trên vai áo khách bộ hành. Những con đường vắng, lá khô trút ngập trên bước đi…
…Một Việt kiều xa tổ quốc khi nhớ về mùa đông Hà Nội đã ngậm ngùi:
Tôi sẽ về với tách cà- phê bên hồ ngồi nhìn lá phượng úa rơi theo gió. Những con đường không có nắng, những hàng cây rụng lá, những góc phố, ngôi nhà trầm mình trong tiết trời ảm đạm…nhớ những hạt mưa lạnh thấu xương, nhớ chén trà nóng bên quán cóc ven đường, nhớ cô bạn cũ khi còn tay trong tay nồng ấm… Hình ảnh đó không nơi phồn hoa nào thay thế được…
(Đạo diễn điện ảnh- nhà báo Mai An Nguyễn Anh Tuấn)