Hồn rừng Pù Luông - Bá Thước
Đến Pù Luông ta bắt gặp cái miên man không cùng của thiên nhiên kỳ vĩ, cái thanh tịnh của nhà Phật, tiềm tàng thiên chức sinh sôi, hôn phối của núi rừng, muông thú. Đó có lẽ là hồn của Pù Luông, cái hồn của đất và người nơi đây qua trường kỳ và gió bụi thời gian, lịch sử. Ở Pù Luông còn ẩn giấu nhiều hang động huyền bí, hun hút và căng đầy những bầu vú đá nhỏ nước, chạm tay vào thấy lạnh buốt da. Phải kể tới những hang Đuốm - Phú Lệ, hang Kho Mường - Thành Sơn… Tiếp đến là liên miên suối thác, bến sông, ruộng bậc thang, nhà sàn khói sương bảng lảng. Qủa là đi không dứt… Bút mực không tả hết được.
Bá Thước thời Lý là huyện Đô Lung, sau đó là huyện Vô Biền. Vào thời Trần, Hồ lại là phần đất nằm trong huyện Lôi Giang. Thời thuộc Minh là phần đất nằm trong huyện Lạc Thủy. Thời Lê - Nguyễn là phần đất của huyện Cẩm Thủy thuộc phủ Thiệu Thiên. Gần nhất vào năm Khải Định thứ 10 (1925) huyện có tên là Tân Hóa. Năm 1947, Nhà nước ta đổi Tân Hóa thành Bá Thước. Bá Thước định danh từ đây. Với diện tích tự nhiên lên tới 777,2 k2, từ rất xa xưa mảnh đất này là vùng rừng núi đại ngàn, là nơi hội tụ, quần sinh của nhiều chủng loại muông thú, sản vật quý hiếm không chỉ nổi tiếng ở xứ Thanh mà còn nổi tiếng trong cả nước. Những rừng luồng bạt ngàn Bá Thước hàng mấy ngàn năm qua vẫn hiên ngang vươn lên trời cao, có mặt ở khắp mọi miền đất nước, giúp nhân dân ta dựng nhà dựng cửa, ngăn đê đắp đập, thành chông, thành vũ khí tiêu diệt quân thù, bảo vệ bản làng, quê hương qua bao binh lửa chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Xưa và nay là cảm xúc rợn ngợp, bâng khuâng khó tả trong tôi mỗi khi có dịp về với mảnh đất này. Nhớ lời hẹn hôm nảo hôm nào với Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Quy tôi một mình khăn gói ngược dốc lên với Pù Luông vào một ngày nắng lả.
Pù Luông theo tiếng Thái nghĩa là núi Cả-núi lớn. Đỉnh cao nhất 1700m. Pù Luông là giải núi nối với rừng Cúc Phương ( giải núi đá vôi Pù Luông- Cúc Phương) tiếp giáp huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình (Một địa danh đã đi vào thơ Tây Tiến của Quang Dũng- Mai Châu mùa em thơm nếp xôi), Tân Lạc - Lạc Sơn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, nguồn gen động vật quý hiếm, nằm giữa tam giác, nơi giao thoa của vùng Đông Bắc - Tây Bắc - Bắc Trường Sơn. Pù Luông có diện tích vùng lõi là 17.662 ha và trên 10 ngàn ha vùng đệm. Dân tộc sinh sống hầu hết là người Thái và chỉ có khoảng 10% người Mường. Tám bản làng nằm trong vùng lõi với 380 hộ, trên 2000 nhân khẩu. Con sông Mã từ Điện Biên đổ vào Thanh Hóa ở cửa ngõ Tén Tần – Mường Lát – Quan Hóa và chảy vắt ngang qua khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã vô tình như sự hợp duyên trời đất tạo nên một cảnh quan sơn thủy, làng bản mơ ảo đẹp đến nhức mắt. Trước phong cảnh hữu tình ấy, chút mỏi mệt và bụi đường nơi tôi gần như tan biến. Mộc mạc, mát xanh, hồn cây, tình lá nơi đây gần như có cảm giác trinh nguyên. Đó là cái cảm giác nguyên thủy của tự nhiên, của trời đất. Biết ơn nhân dân Bá Thước, biết ơn anh Quy đã nhắc nhở tôi nên đến với nơi này. Với Pù Luông cao vút mây trời, ảo huyền cỏ cây hoa lá, nơi lưu giữ mầm sống, trầm tích có giá trị theo thời gian.
Như một kẻ mơ giữa ban ngày, tôi một mình lặng lẽ đi dọc chân núi đá Lâm Xa, áp bên khu làm việc của cán bộ nhân viên khu bảo tồn. Một cảm giác yên tĩnh đến lạ lùng. Dãy núi đá lặng phắc. Ngửa mặt nhìn lên chót đỉnh núi, vài cây cổ thụ tạc vào mây xanh xẫm như những biểu tượng chống chọi với nắng gió hàng ngàn năm của vùng rừng cổ Pù Luông. Con đường 15A uốn lượn dưới chân, bên bờ khúc sông Mã, nơi gáy cổ bờ vai cởi bỏ tơ lụa mà phô phang với mùa hạ, núi non, thung thấp, thung cao, làng bản… nỗi khát khao muôn thuở của mình. Chừng như thiên nhiên nói với tôi: Bình tĩnh anh bạn! Đời sống – thiên nhiên có quy luật tồn tại của nó…Đừng nóng vội, anh chỉ là đứa trẻ không hơn không kém so với cái tự nhiên vĩ đại nghìn kiếp, vạn năm này!
Nhớ năm 2005, trong một lần trò chuyện phiếm với bà Ga-Bi, người Đức, sống độc thân. Bà Ga-Bi tự nguyện sang Việt Nam làm chuyên gia phát triển cộng đồng và kinh tế rừng. Bà kể với tôi có nhiều lần bà đã lội trong rừng Pù Luông suốt 12 tiếng đồng hồ, nghiên cứu làm sao cho khu rừng này sinh lợi nhanh để nâng cao đời sống dân bản mà vẫn giữ được rừng nguyên sinh. Theo bà Ga-Bi cái độc đáo của Pù Luông là không chỉ cho ta động thực vật quý hiếm mà còn cho cả một cảnh quan du lịch sinh thái tuyệt vời và văn hóa dân tộc không thể hòa lẫn với nơi khác được. Rất tiếc, hồi ấy tôi không gặp được ông Cơ-Rít người Anh, cố vấn hiện trường dự án bảo vệ cảnh quan núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương; ông Niu từ Cộng hòa Ailen với chức danh chuyên gia đa dạng sinh học. Tôi dám chắc trong một tương lai gần sẽ còn nhiều nhà nghiên cứu vì say mê, vì lý tưởng bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên của trái đất đặt chân đến Pù Luông. Bởi thiên nhiên Pù Luông là sức sống mãnh liệt và trường tồn khi mà tự nó biết kêu gọi toàn thế giới vì sự sống của trái đất hãy đoàn kết lại, hành động vì một hành tinh xanh, vì sự sống đâm chồi và kết trái. Tôi nghĩ, nhân dân Thanh Hóa, nhân dân Bá Thước, cán bộ quản lý và nhân viên khu bảo tồn thiên Pù Luông chắc sẽ mãi mãi biết ơn tấm lòng và sự tận tụy của những chuyên gia nước ngoài ấy. Họ đã góp phần không nhỏ để hôm nay chúng ta có một Pù Luông mang tầm vóc bốn phương, với những tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch to lớn, là vật chứng để giới khoa học nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo.
Trong kho tàng thiên nhiên Pù Luông, các quần thể thực vật nguyên sinh còn lại chiếm 15% tổng diện tích. Pù Luông có đủ các kiểu rừng phụ nguyên sinh quan trọng, thứ nhất là: Rừng nguyên sinh trên núi đá vôi thấp (Hiện tại ở miền Bắc Việt Nam gần như mất hết); thứ hai là rừng cổ lá kim trên núi đá vôi có hệ thực vật đa dạng nổi bật. Các quần thể này vắng mặt trong hầu hết các đỉnh núi ở khu vực Đông Dương; thứ ba là rừng nguyên sinh dưới chân núi, trên đất bazan và trên sườn dốc được coi là biểu trưng đặc sắc biểu thị đặc điểm cho một số lượng lớn các loài cổ, đại diện cao trong di chỉ hóa thạch của châu Âu , Đông á và Nam Mỹ, gọi là “Hóa thạch đang sống”. Những kỳ hoa, dị thảo, những lim, lát, sến, táu, pơmu, thông, vàng thông…chen nhau trong cái quần thể tự nhiên tạo nên một tiểu hành tinh đặc sắc và lôi cuốn trí tò mò, dệt nên những tưởng tượng hình khối nguyên thủy tầng tầng lớp lớp. Người làm thơ có thể phát tác những tác phẩm đột khởi với cảm xúc nhiều khi không kiểm soát được. Họa sỹ tìm nét vẽ trên những vách trầm tích của núi, của rừng, suối ngàn rì rào lau lách không ngơi nghỉ của thứ thiên nhiên trời ban. Đó mãi là vẻ đẹp bất tận mà đã hàng bao kỷ thời gian Pù Luông mải mê dâng tặng con người nơi đây.
Pù Luông không chỉ phong phú về các kiểu rừng nguyên sinh, những loài cây có tuổi cùng đá núi mà còn phong phú về động vật. Qua nghiên cứu và điều tra hiện đã xác định được 599 loài động vật thuộc 130 họ 31 bộ. Nếu xếp hàng diễu hành thì số động vật này sẽ tạo ra một cảnh tượng hoành tráng và ngộ nghĩnh bắt mắt, lôi cuốn người xem hơn cả phim tấn của Hooliuts. Thật vĩ đại, cái vật chất và tinh thần mà tự nhiên đã ban tặng cho Pù Luông! Trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới đã xếp 51 loài động vật có xương sống, trong số đó có 9 loài chim quý hiếm, thì 2 loài sắp bị đe dọa trên toàn cầu đó là Niệc Nâu và Hồng Hoàng. Các loài chồn lửng, cầy mooc cua, chim vạc rừng và vooc mông trắng là loài chim quý hiếm mới được phát hiện ở Pù Luông.
Đến Pù Luông ta bắt gặp cái miên man không cùng của thiên nhiên kỳ vĩ, cái thanh tịnh của nhà Phật, tiềm tàng thiên chức sinh sôi, hôn phối của núi rừng, muông thú. Đó có lẽ là hồn của Pù Luông, cái hồn của đất và người nơi đây qua trường kỳ và gió bụi thời gian, lịch sử.
Ở Pù Luông còn ẩn giấu nhiều hang động huyền bí, hun hút và căng đầy những bầu vú đá nhỏ nước, chạm tay vào thấy lạnh buốt da. Phải kể tới những hang Đuốm - Phú Lệ, hang Kho Mường - Thành Sơn…Tiếp đến là liên miên suối thác, bến sông, ruộng bậc thang, nhà sàn khói sương bảng lảng. Qủa là đi không dứt…Bút mực không tả hết được.
Tôi thoáng nghĩ dại, nếu con người không biết coi giữ, thì những lâm sản, động vật, cái thiên nhiên Pù Luông của Bá Thước rất dễ bị đánh cắp. Nạn lâm tặc đang trở nên một thứ thách thức sống còn đối với kiểm lâm và nhân dân, chính quyền địa phương trong phạm vi cả nước. Rừng chết nhiều quá. Những đồi trọc, núi trọc đang kêu cứu. Có nhiều vật thể rừng đang có nguy cơ hủy diệt, chúng ta không thể bó tay để chúng bị tàn phá dã man và đổ máu thêm nữa. Nhiều gỗ và động vật quý hiếm đã bị bọn lâm tặc phá hoại, săn bắt, thu mua vận chuyển ngang dọc trên địa bàn Thanh Hóa. Nhiều khi chúng còn tổ chức để chuyển ra nước ngoài, vắt kiệt, bức tử tài nguyên, thiên nhiên của chúng ta. Hãy cứu lấy rừng, cứu lấy động vật hoang dã. Mà cứu rừng là cứu chính chúng ta và tương lai của con cháu ta nữa. Nhớ hôm uống chè vối ở Cành Nàng với Chủ tịch huyện Bá thước Nguyễn Văn Quy , tôi có buồn mồm ca thán về chuyện kiểm lâm bị lâm tặc đánh trọng thương ở Quảng Nam, Nghệ An… Về chuyện sao lại không trang bị súng ống cho lực lượng này, khi mà bọn thảo khấu phá rừng càng ngày càng mưu mô, hung hãn. Chủ tịch Quy nói: Không biết ở đâu chứ ở đây thì hiện nay không còn lâm tặc. Đã chấm dứt hiện tượng phá rừng và buôn bán gỗ trái phép như những năm trước đây. Ông cứ lên Pù Luông đi thực tế một chuyến cho biết. Lên Bá Thước mà chưa biết Pù Luông thì cũng thiệt thòi đấy nhà văn ạ.
Sẽ là vô ơn nếu như không nhắc tới những con người đang hàng giờ, hàng ngày, vượt qua thử thách, gian khổ, nhớ vợ nhớ con, nhớ quê hương…lặn lội và gắn bó với Pù Luông. Đó là cán bộ, công nhân viên của khu bảo tồn bám trụ trên mảnh đất này. Họ là những con người đầy sinh lực, tình yêu rừng như ngấm vào máu thịt. Họ sống chan hòa, hồn nhiên, đoàn kết như cây rừng, vững tin như thế núi. Họ là những người lính kiểm lâm, là người nghiên cứu khoa học, là người cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng. Họ nhập vào đời sống cộng đồng như con suối nhập vào rừng cây, cánh chim nhập vào bờ lá. Họ chính là những người đang mở ra nhiều dự án nâng cao đời sống cho dân bản: Nuôi ong, làm nấm, trồng cây na dai, xây dựng đập thủy lợi…Họ cũng là những người bám trụ kiên cường giải tán thành công hàng trăm người khai thác vàng trái phép ở hang Kịt trong khu Bảo tồn; vận động 100% số hộ dân không mang súng vào rừng, treo súng, nỏ, các loại bẫy săn thú, tổ chức làng du lịch sinh thái giữ nguyên bản sắc dân tộc. Hiện có nhiều gia đình đã thoát nghèo, kinh tế trở nên khấm khá qua thu nhập bằng dịch vụ đón khách nghiên cứu, tham quan. Rừng Pù Luông âm u, rừng Pù Luông nguyên sinh đang mở ra những dự định mới, cách làm ăn mới, no bản, no làng.
Tôi mang theo hồn rừng Pù Luông về phố. Bắt gặp ánh đèn cao áp nơi đầu ngã ba, chợt lòng nôn nao nhớ một ngày Pù Luông nắng lả.
2014. PK.
Tin cùng chuyên mục
Những chuyện bạo hành
11/07/2015
Cơ chế một phần trăm
08/07/2015
Suýt nữa
05/07/2015
Thông điệp...chuồn chuồn
02/07/2015
Mùi cá
27/06/2015
Trăng bến Ngọi
25/06/2015