Đà Lạt hoa - Đà Lạt của Tình yêu và thi ca
Hương sắc của hoa đó chính là niềm hạnh ngọt ngào, cao đẹp, bởi tự bao đời nay, người ta ai cũng mong được tận hưởng vị thơm tho, vẻ ngọc ngà của muôn hoa. Về Đà Lạt, sống bên hoa, ta lại suy nghĩ tới mọi Người. Có nhà thơ, nhà văn nào, có du khách nào. Khi tới nơi đây. Không trải lòng mình với hoa lá, sương mây, và có những giây phút xuất thần… bừng lên những áng thơ, văn.
Ấn tượng của tôi mỗi lần đến Đà Lạt, bao giờ cũng là ấn tượng về hương sắc của những loài hoa. Hoa trên đường phố. Hoa trong công viên nhỏ trước mỗi hiên nhà. Hoa rực rỡ, lung linh khoe sắc trong những khoảnh vườn. Hoa trang trọng, lịch lãm trong phòng kính, tầng gương của những tòa biệt thự rợp bóng thông xanh.
Hình như không phải riêng tôi cũng như người Đà Lạt, mà còn là cảm nhận của hàng vạn người từ muôn phương tới thăm thú nơi đây. Người ta đi dạo, trò chuyện bên hoa. Nhiều đôi tình nhân, nhiều du khách trong ngày gặp gỡ, từng đôi, từng nhóm,… ngồi lặng yên với ly cà phê nóng say mê ngắm nhìn những bông hoa dã quỳ, những giò phong lan Hoàng Vũ, Đại Thanh, Hồ Điệp treo trong phòng trà. Mọi người đều cảm thấy như đang được choàng trên vai cái se lạnh của một buổi sáng cao nguyên. Hoa thật gần gũi với người. Trong bữa ăn giấc ngủ, trên mỗi cung đường…ở đâu… hoa cũng mở lòng yêu mến đón ta. Hiện thực đấy, mà cứ tưởng như là hư ảo, diệu huyền. Ta yêu những sắc màu lung linh, tươi thắm, rạng ngời. Nào Mai anh đào, Phượng tím, Mimosa, Cẩm tú cầu. Nào cẩm chướng, bằng lăng. Và rất nhiều loài hoa cúc từ những làng hoa nổi tiếng hội tụ cùng hoa Đà Lạt. Mỗi loài hoa đều có một ý nghĩa và một vẻ đẹp riêng. Cúc vàng tươi… mềm mại…thoáng buồn, gợi nhớ bao kỷ niệm xưa. Cúc trắng, trong trắng tình yêu ban đầu. Cúc tím, lưu giữ tấm lòng chung thủy của những lứa đôi. Và, Cúc bách nhật (100 ngày), cúc Rồng, cúc Vàng đại đóa hào hoa phong nhã, lộng lẫy uy nghi. Có những phút giây chiêm ngưỡng hoa, ta lãng đãng, mơ màng như đang trôi trong mộng. Vườn nhà ai? Trong phố, dậu Tường vi hiện ra những chùm hoa nhỏ xinh xinh, trên là, trên hoa điểm những chấm lệ trinh, như đang đợi, đang chờ ai đó tự nơi xa sắp trở về.
Sống giữa muôn hoa, khiến lòng ta rạo rực, bồi hồi. Niềm rung động không nói nên lời. Nó chỉ ở trong tâm thức mà thôi.
Tôi vẫn hằng nghĩ suy như thế. Hương sắc của hoa đó chính là niềm hạnh ngọt ngào, cao đẹp, bởi tự bao đời nay, người ta ai cũng mong được tận hưởng vị thơm tho, vẻ ngọc ngà của muôn hoa.
Về Đà Lạt, sống bên hoa, ta lại suy nghĩ tới mọi Người. Có nhà thơ, nhà văn nào, có du khách nào. Khi tới nơi đây. Không trải lòng mình với hoa lá, sương mây, và có những giây phút xuất thần… bừng lên những áng thơ, văn.
Miên man suy ngẫm thế. Tôi chợt nhớ lại những ngày đầu thu năm trước. Dạo ấy, tôi có may mắn được mời tham dự một cuộc hội thảo thơ Đà lạt. Hơn một tuần lễ, sau các buổi gặp gỡ, giao lưu với các văn nghệ sĩ, hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng, và các câu lạc bộ thơ trên địa bàn , nhà thơ Phạm Quốc Ca – chủ tịch hội và các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã, Nguyễn Tấn On, Hà Thanh Thủy, nhạc sỹ Đinh Ngọc Diệp đã dẫn tôi đi thăm các địa danh nổi tiếng ở Lâm Đồng.
Trong những câu chuyện kể tôi được biết. Vào những năm đầu thế kỷ 20, Đà Lạt chỉ là một miền núi hoang vu với một cộng đồng cư dân ít ỏi gồm các dân tộc Lạch, người Chil và người Ê Đê.
Rồi những năm sau đó, những người đi mở đất, phát hiện ra nơi đây là một miền đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng. Người ta đã chọn Đà Lạt để xây dựng lữ quán, trạm khí tượng; chon Langbiang làm nơi xây dựng các nhà nghỉ dưỡng.
Hay tin “Đất lành chim đậu”. Năm 1915 một làn sóng người đông đảo từ miền Bắc, miền Trung và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã theo nhau tìm đến Đà Lạt chọn nơi đây làm chốn định cư lạc nghiệp.
Thời gian trôi … hối thúc người ta vun đắp, gieo trồng, … Năm 1916 (năm Duy Tân thứ 10) Đà lạt chỉ là một thị tứ. Năm 1942 “ Thủ đô mùa hè” Đà Lạt đã trở thành một thị xã – nói theo cách nói của những trai thanh gái lịch và các quan chức, mỗi khi về nghỉ dưỡng ở đây …Trải qua hơn một thế kỷ, từ buổi đầu khai mở… Rồi những năm chiến tranh, hòa bình, xây dựng nối tiếp nhau… Đà Lạt hôm nay đã mang trên mình một diện mạo mới.
Đã có lần nhà thơ Phạm Quốc ca vui vẻ nói với tôi, rồi nhấn mạnh. Đà lạt hơm nay là thành phố ngàn hoa. Thành phố của Thi ca và Tình yêu. Nó là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo hàng đầu khu vực Tây Nguyên.
Khu vực Tây Nguyên , có thành phố du lịch nổi tiếng muôn hoa đua nở cùng với ngàn thông – nhà thơ Phạm Quốc Ca tiếp tục trò chuyện- Tôi nghĩ, ông đang nói bằng những ý thơ. Trong một tương lai không còn xa nữa. Một làn sóng người sẽ như những đàn chim bay về với hoa lá ngàn thông. Theo lịch sử 115 Đà Lạt… cho đến hôm nay, theo con số thống kê chưa đầy đủ, cư dân Đà lạt đã lên tới mấy chục vạn người. Ấy là chưa tính đến số cư dân các làng hoa cận kề như Vạn Thành, Định An, Xuân Thọ, Thái Phiên, ..v…v… và sinh viên Trường Đại Học Đà Lạt.
Nghe nhà thơ Phạm Quốc Ca kể, tôi chợt ngỡ ra. Vào năm 1990, trong thời gian về dự một trại sáng tác văn học vùng châu thổ sông Hồng, tôi đã đọc thơ anh. Tôi biết, bấy giờ anh là một nhà giáo với chức danh Trưởng khoa ngữ văn trường đại học Đà Lạt. Khoảng năm 1989-1990, anh là thực tập sinh khoa tiếng Nga trường đại học sư phạm ngoại ngữ Piatchigorxco (Liên bang Nga). Là nhà giáo nhiều năm trên giảng đường trường đại học, anh đã dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên qua dòng sông kiến thức, rồi vươn lên thành đạt.
Là nhà thơ, cảnh quan và người Đà Lạt đã hào phóng tặng anh những thời khắc thăng hoa để qua đó anh có những trang thơ lấp lánh về Tình yêu, kỷ niệm. Những câu thơ trào dâng cảm xúc, đầy dự cảm về hạnh phúc. Tôi xin được dẫn trong thiên tùy bút của tôi , những câu thơ tâm huyết của nhà thơ
Những câu thơ đẹp một cách trang trọng trong bài “Cơn mưa vàng”
“Trời đang rực rỡ ban trưa
Bóng mây loáng thoáng cơn mưa mạ vàng
Chợt nghe tim nhói xốn xang
Nhớ ai cùng ướt giữa đường năm xưa”
Hình ảnh nhịp điệu huyền ảo, lung linh trong bài thơ “Đêm Đà Lạt”
“Đêm vai ngọc, đêm môi xinh
Một Đà lạt ảo lung linh đáy hồ
Thông reo nhạc, trăng rải thơ
Thật đây mà ngỡ huyền hồ chiêm bao”
Và Trường Đại học Đà Lạt của anh, của bao thế hệ sinh viên… dâng đầy xúc cảm trong album thơ Phạm Quốc Ca
“Anh đưa em về Đà Lạt
Thực mơ thành phố cao nguyên
Dưới tháp Sao Trường đại học
Có căn phòng nhỏ chúng mình”
Về Đà Lạt, có dịp được đọc những tác phẩm của Nguyễn Tấn On , Hà Thanh Thủy, Nguyễn Thánh Ngã, Vi Quốc Hiệp,… Song, có thể nói là chưa đầy đủ, nếu trích dẫn những câu thơ hay của nhà thơ Phạm Quốc Ca, mà chưa nói đến văn.
Tôi thấy nao lòng khi đọc thiên tùy bút mang tựa đề “Thu Đà lạt”của nhà văn Nguyễn Thánh Ngã. Bạn đọc hãy cùng tôi nghe một đoạn văn trong bài:
“Thật ra, Đà Lạt mùa thu không rõ rệt. Mùa thu chỉ tới thoáng qua thôi… Thu len lỏi qua từng tán lá, và gió se hất nhẹ mái tóc người con gái mặc chiếc áo len. Thu Đà Lạt là hoa hồng e ấp màu môi, là sóng biếc xanh của Hồ Xuân Hương gờn gợn, là một chút mây trắng vắt ngang đỉnh tháp trường đại học
… Đà Lạt thu về trên rừng thông. Rừng thông, thảm lá kim rụng vàng khô, buông trong không gian tầng âm thanh cao vút, trầm lắng… mang đến cho ta một cảm giác yên tĩnh, yên tĩnh tới mức có thể nghe tiếng một quả thông rụng, hoặc một cành cây khô gãy trong gió xa xa… Những lúc đó, tâm hồn ta trở nên trong suốt, dịu nhẹ đến vô cùng.”
Tôi mong được bày tỏ lời cảm ơn chân thành, vì được giao lưu với các bạn thơ văn Đà Lạt. Trong tâm hồn các bạn và tôi, ai cũng có một đóa hoa. Hoa của Tình yêu và thi ca. Tôi mong những câu thơ của mình viết ở Đà Lạt, cùng hòa điệu với các bạn.
“ Thành phố ngời lên muôn sắc hoa
Dạ lan, hồng thắm, Mimosa
Tươi như ánh mắt nàng thiếu nữ
Cười trong chiều nắng ướp hương hoa
Đường phố đẹp như cõi mơ
Triền dốc, từng lứa đôi bên nhau
Ơi con sóng biếc hồ Than Thở
Đem cả miền trắng đến vỗ bờ
Lương Sơn”
Vào một buổi sáng sau khi đi thăm các làng hoa, tôi trở lại phòng khách Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng. Biết tôi sắp sửa ra về, nhà văn Hà Thanh thủy đã chuẩn bị sẵn một túi quà. Một tập thơ chọn lọc mang tên “ Đà lạt xưa và nay”, một tấm ảnh sẽ trưng bày trong mùa Lễ hội Festival hoa Đà Lạt, mấy gói trà lọc Atiso, một hộp cà phê thương hiệu Lâm Đồng. Anh mang về làm quà cho gia đình và người thân nhé – Chị Thủy vui vẻ nói. Tôi nghĩ, chị thật là chu đáo.
Tôi lên xe đưa tay chào tạm biệt. Gặp gỡ rồi cách xa nhưng lòng ta vẫn gần. Dù xa các bạn vẫn luôn ở bên tôi. Trong bình minh, khi chiều buông, hay trong màn đêm dưới ánh trăng, tôi vẫn hình dung ra. Đà Lạt êm đềm đi qua bốn mùa trong một ngày. Ban mai sương mờ, buồi trưa nắng ấm, thu thoáng qua lúc cuối chiều, xen lẫn cái se lạnh Đông Xuân. Và tràn dâng tất cả là một Đà Lạt của Hoa, Đà Lạt của Tình Yêu và thi ca.
Chào Đà Lạt, Lâm Đồng – miền đất cao nguyên giàu tiềm năng của vị đậm cà phê, hương chè – nơi các nhà thơ, nhà văn viết về thác Cam Ly, hồ Than Thở, Thung lũng tình yêu. Nơi vút lên những bản tình ca Tây Nguyên say đắm lòng người. Tạm biệt các nghệ nhân ưu tú các làng hoa, và những chàng trai, cô gái miền sơn cước,… đã và đang gieo hạt, ươm trồng vun tưới hàng triệu đóa hoa, mang thương hiệu hoa Đà Lạt tới những phương trời bè bạn quốc tế, đón du khách muôn phương về dự Lễ hội Festival hoa Đà Lạt năm 2015 này. Hãy về đây, về đây bạn bè ơi ! Du khách phương xa.
Về đây với Hoa Đà Lạt
Về với Tình Yêu và thi ca
Tin cùng chuyên mục
Hồn rừng Pù Luông - Bá Thước
13/07/2015
Những chuyện bạo hành
11/07/2015
Cơ chế một phần trăm
08/07/2015
Suýt nữa
05/07/2015
Thông điệp...chuồn chuồn
02/07/2015
Mùi cá
27/06/2015