Ghi chép của Vũ Ngọc Cầm

Rời Vân Đồn, chia tay những đảo đá lô xô đẹp như mơ của Vịnh Bái Tử Long chúng tôi hướng ra phía đảo cô Tô bốn mùa sóng gió. Sau khi trượt chuyến tàu Giao thông thì thật may mắn nhóm khách lỡ duyên của bọn tôi bám nhờ được một tàu cá cũng có lộ trình đến Cô Tô. Dân Vạn chài ở vùng biển này gọi những tàu chở khách, tàu bưu điện là tàu Giao thông. Những tàu đi đánh cá hoặc chuyên chở vật tư đi khơi hay làm dịch vụ chở cá về thì gọi là tàu Cá. Tàu Giao thông thường đi Cô Tô qua hướng Cửa Đối, còn tàu Cá quen rời vịnh qua cửa Vạn Tài. Cửa Vạn Tài gần hơn nhưng sóng gió giữ dội về mùa nồm nam. Vào dịp cuối năm lạnh buốt, sóng cửa Vạn Tài không bạc đầu nhưng có sóng lừng. Cái thứ sóng mới ghê gớm làm sao. Mặt biển trông phẳng lặng nhưng tiềm ẩn trong lòng biển cả là những con sóng chao lắc kinh người. Tiếng sóng chỉ ì oạp vỗ nhẹ vào mạn tàu nhưng thân tàu thì cứ lắc lư điên đảo như say. Dân đồng bằng như chúng tôi dù khỏe mấy mà gặp sóng lừng cũng nôn ra mật xanh mật vàng. Không phải không có những người chỉ một lần đi biển gặp sóng lừng mà sợ hãi đến suốt đời…

đảo thăm con đang công tác ở ngành giáo dục, vợ chồng anh chị quê ở ngoại thành Hải Phòng ra xây dựng kinh tế mới từ những năm 80 của thế kỷ trước, vừa về thăm quê nhân tiện tải ra một số giống rau mới để trồng ở đảo. Một cô gái độ ngoài hai mươi tuổi có nước da trắng hồng và cái miệng cười thật duyên. Chúng tôi dùng các “ngón nghề” để khai thác mới biết được rằng cô ra thăm người yêu sắp cưới là một anh lính biên phòng đang công tác trên đảo Cô Tô. Câu chuyện vì thế mà sôi động hẳn lên:

- Bọn em yêu nhau đã được hai mùa cam rồi. Anh ấy là người làng em, cùng học với nhau một trường phổ thông

Anh bạn tôi hỏi đùa :

- Vậy cuộc đi này là cọc đi tìm trâu?

- Không phải là đi tìm mà cọc ra ở hẳn với trâu. Chúng em đã quyết định rồi, cưới xong em ra ở hẳn ngoài đó để xây dựng quê hương mới…

Rồi cô gái với giọng ngọt ngào của vùng quê Kinh Bắc kể về lòng khâm phục của cô với các lão ngư của vùng biển Cô Tô mặn mòi gió cát. Những lần trước ra đảo cô đã từng biết đến những lão ngư đi biển tài ba như trong truyện cổ tích. Họ chỉ nhìn mấy giải mây tê tê trên trời là biết ngày mai biển mưa hay nắng và có giông bão hay không. Họ ngửi gió mà biết vùng biển ấy loại cá gì nhiều nhất, loài cá ấy ăn ở tầng sâu bao nhiêu và phải dùng loại lưới gì để đánh bắt chúng. Cô càng ngạc nhiên hơn về tài ăn cá ót (một loại cá nhỏ nhiều xương) của ngư dân vùng biển này. Họ ngậm con cá ót đã nấu canh trong miệng vài phút là nuốt hết thịt và nhả ra một bộ xương cá ót nguyên vẹn…Cô kể say sưa mà không để ý đến tụi tôi đang mắt tròn mắt dẹt ngồi nghe. Một cô gái sắp về làm dâu ở đảo, và yêu đảo đến vô cùng.  Ôi chao, tuổi trẻ bây giờ mới lãng mạn và đáng yêu làm sao. Mỗi gia đình là một tế bào của đất nước và chính các tế bào ấy xây dựng lên những lũy, những thành để bảo vệ biển đảo, nơi đầu sóng ngọn gió này của tổ quốc chúng ta…

Vật vã trên biển chừng hơn bốn tiếng đồng hồ chúng tôi cũng tiến được vào vùng biển thuộc huyện đảo Cô Tô khi trời đã về chiều. Cô Tô hiện ra trong ráng chiều đẹp vẻ oai vệ như một tượng đài trước biển Đông. Màu của cát trắng nổi bật giữa trời nước xanh ngăn ngắt. Phía trái là đảo Cô Tô con như một người lính cận vệ canh chừng cho đảo lớn. Tàu chúng tôi cập vào bến Thanh Lân. Từ Thanh Lân chúng tôi đi bộ về đảo lớn Cô Tô.

Cô Tô là một huyện toàn đảo lớn nhất của nước ta, mới được tách ra từ Huyện Cẩm phả cũ. Người anh em sinh đôi là Huyện Vân Đồn bây giờ đã điều lực lượng cán bộ ra hỗ trợ Cô Tô rất nhiều. Dân Cô Tô bây giờ cũng có khá nhiều người gốc Vân Đồn. Tính cách của người Vân Đồn mạnh mẽ, ăn sóng nói gió và giàu kinh nghiệm đi biển. Họ thuộc biển như lòng bàn tay của mình. Đi biển đêm không cần la bàn, họ  chỉ nhìn sao là định hướng và biết được vị trí của mình đang ở đâu.

Ông Chủ tịch kiêm Bí thư Huyện ủy là Nguyễn Đức Thành, người có dáng dấp thư sinh nhưng hỏi ra mới biết ông là người có vốn sống ở biển rất dạn dày. Ông nói về tiềm năng kinh tế biển của Cô Tô trong đó có việc khai thác ngư trường khơi xa,  nguồn thủy hải sản tại chỗ và đặc biệt là du lịch biển đảo thật mê hồn : Cô Tô là một quần đảo gồm khoảng 50 đảo nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh, với diện tích 46,2 km². Huyện đảo Cô Tô hiện có 1.500 hộ dân, với gần 6.000 nhân khẩu. Cô Tô có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, là huyện đảo lớn nhất trong các huyện đảo của nước ta và cũng  là nơi duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng của mình khi Người ra thăm đảo vào ngày 09 tháng 5 năm 1961.

Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng). Từ lâu đời đây đã là nơi  trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người ra cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt tên là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng có năm xã (Đông giáp, Nam giáp, Tây giáp, Bắc giáp, Trung giáp) thuộc châu Hà Cối, phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Sau ngày Nhật đảo chính, Pháp quay lại chiếm đóng Cô Tô. Từ Cô Tô và cảng Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu, tàu chiến Pháp thường vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và cảng Hải Phòng. Cuối năm 1955, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân Pháp mới rút khỏi Cô Tô. Từ năm 1954,  Cô Tô là xã thuộc huyện Móng Cái, sau đó là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh. Đến năm 1964, hai xã được sáp nhập vào Huyện Cẩm Phả. Năm 1994, Chính phủ đổi tên Huyện Cẩm Phả thành Huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô và thành lập huyện mới Cô Tô vào ngày 23 tháng 3 năm 1994. Từ năm 1994 đến nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân, xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm cho đời sống của nhân dân huyện đảo không ngừng được cải thiện.

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp như thơ của thiên nhiên và nguồn tài nguyên biển dồi dào mà Cô Tô còn là điểm đến du lịch rất tuyệt vời bởi phong cách phục vụ và các dịch vụ du lịch ấn tượng, gần gũi mến khách. Ai đã một lần đặt chân đến Cô Tô hẳn rất khó quên. Các món ăn tại nhà hàng nơi đây luôn đảm bảo tươi ngon, giá cả hợp lý…Chính nhờ vậy nên nhiều năm qua, Cô Tô luôn thu hút khá đông du khách, trong đó đáng kể là giới trẻ và khách quốc tế. Năm 2011, lượng khách du lịch tới đảo đạt hơn 10 nghìn lượt người. Đến với Cô Tô ta dễ liên cảm đến vùng biển Pa-Tay-A của Thái Lan. Ở đó người ta làm du lịch cũng giống với Cô Tô, lấy tình người để đãi khách và lấy thiên nhiên trong lành để quyến rũ khách bốn phương…

Một trong những nguyên nhân khiến lượng du khách tới Cô Tô tăng là việc hệ thống tàu cao tốc tuyến Vân Đồn - Cô Tô đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian ra đảo chỉ còn từ 1,5-2 giờ đồng hồ, thay vì mất 3-4 giờ như vài năm trước. Năm 2012, Cô Tô đặt mục tiêu đón từ 12-15 ngàn lượt khách và trong tương lai gần nơi đây sẽ trở thành trung tâm du lịch cao cấp, sinh thái, nghỉ dưỡng, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang  sơ của biển đảo.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra cũng như gây được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách khi đặt chân đến Cô Tô, thời gian qua, cán bộ và nhân dân nơi đây rất tích cực làm mới mình trong việc tạo cảnh quan môi trường, tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động dịch vụ, trong đó chú trọng dịch vụ du lịch cộng đồng nhằm tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị. Chẳng hạn như du khách có thể đăng ký tham gia các loại hình du lịch homestay hoặc trở thành ngư dân thực thụ cùng các tàu đi đánh cá trên biển...  Mùa hè năm nay, Cô Tô còn cho ra đời hai tour du lịch mới khá ấn tượng là du lịch trải nghiệm “Một ngày làm chiến sỹ” do Ban Chỉ huy quân sự huyện Cô Tô chủ trì và “Hành trình vì biển đảo quê hương” do Đoàn Thanh niên huyện Cô Tô tổ chức.

Một trong những dấu ấn quan trọng  phải kể đến việc toàn bộ huyện đảo Cô Tô đã được phủ sóng wifi kể từ ngày 30/4 vừa rồi. Từ nay quân và dân trên đảo cũng như du khách bốn phương về với Cô Tô không còn thấy mình xa đất liền vời vợi như trước nữa. Đảo và đất liền bỗng gần nhau hơn bởi những tin tức, thời sự được cập nhật hàng ngày. Chiều chiều những đứa con xa quê có thể gọi trực tiếp để hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ…           Mục tiêu mà các nhà lãnh đạo cũng như người dân vùng đảo này hướng tới là đưa Cô Tô trở thành điểm đến lý tưởng trên hành trình của du khách trong và ngoài nước.

Ông Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành tâm sự: “Từ tháng 10-2013 Cô Tô đã chính thức có điện lưới. Cuộc sống trên đảo sang một bước ngoặt mới. xét về kinh tế, mỗi năm huyện bớt chi được khoảng 7 tỷ đồng vì không phải trợ giá điện cho bà con nữa. Người dân cũng sẽ tiết kiệm được một số tiền tương tự như vậy. Có điện thì tình hình du lịch của đảo mới sáng sủa lên được.  Cảnh dù có đẹp nhưng đêm xuống là đảo tối thui, dịch vụ vui chơi đóng cửa im ỉm thì làm sao mà giữ được chân du khách. Giờ điện đã có, nước ngọt cũng đã được dự trữ đủ cho khách du lịch dùng thoải mái, hải sản ở đây thì lúc nào cũng được đánh giá “tươi ngon nhất thế giới”. Nhưng, hơn tất cả là  tấm lòng người dân Cô Tô  lúc nào cũng nhân hậu và rộng mở. Tôi tin rằng với sự phát triển từng ngày từng giờ như thế này này thì  chỉ trong một tương lai gần Cô Tô sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn của mọi đối tượng du khách trong nước và quốc tế. Đáp ứng nhu cầu du lịch khám phá của du khách, Cô Tô đã chuẩn bị sẵn sàng 200 phòng khách và một số nhà bạt hiện đại.  Với cảnh quan hoang sơ sẵn có của thiên nhiên nhưng đầy mộng mơ của đảo nơi đây đang và sẽ là nơi tìm đến của rất nhiều du khách”.

Trước khi rời Cô Tô chúng tôi có dịp đi thăm suốt đảo và tắm  ở eo biển có tên Bắc Vàn Thầu và Pò Vàn Chảy. Sóng nước Cô Tô đẹp và trong lành đến kỳ lạ. Đứng ở đây ta cũng thấy vòm trời cao rộng hơn và được chiêm ngưỡng đường chân trời những lúc bình minh lên hay mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Phía ngoài khơi xa kia là biển Đông với bao nhiêu sản vật giàu có trong lòng biển và dưới đáy đại dương mênh mông. Và cũng vì thế không phải là không có kẻ thèm khát, nhòm ngó. Nhưng cứ nhìn những người dân đảo sống bình yên và tự tin, cứ nhìn những người lính đảo vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió là mỗi người lại thấy yên lòng. Vị trí Huyện đảo Cô Tô như ai đó từng nói, là một pháo đài nổi canh giữ biển trời Đông Bắc của tổ quốc, nhưng lòng dân ở đây mới thực sự là chất thép tôn tạo lên sức mạnh bất khả xâm phạm của pháo đài ấy .

Năm mới Ất Mùi đang đến gần, xin kính chúc những người bà con thân thiết nơi hải đảo xa xôi, những người lính thân thương đang ngày đêm canh giữ biển đảo vùng Đông Bắc, đón một mùa xuân mới tươi vui, hạnh phúc.

V.N.C