Ngày đầu rời nhiệm sở
Tôi xa anh khá lâu, quen nhau từ thời còn làm ở mỏ Mạo Khê, chẳng quá thân thích và chuyện chẳng có to tát gì nhưng anh cứ lặp lại hai từ “ân nhân” khiến tôi xao lòng đến lạ. Có cảm giác lạnh lạnh khó tả phía sống lưng qua giọng ngẹn ngẹn của anh: “Chẳng bao giờ anh chị quên ơn cô chú đâu”! Thấm thoát đã 23 năm, kể từ ngày anh xa mỏ, giá trị xã hội mảng trắng đen đã có phần loang lổ, hoen ố...
Tác giả (thứ 3 - từ phải sang) với BBT, CTV và bạn đọc TPM tại Trụ sở Tòa soạn, tháng 5/2013
NGÀY ĐẦU RỜI NHIỆM SỞ
CUỘC HẸN
Tôi xa anh khá lâu, quen nhau từ thời còn làm ở mỏ than Mạo Khê, chẳng quá thân thích và chuyện chẳng có to tát gì nhưng anh cứ lặp lại hai từ “ân nhân” khiến tôi xao lòng đến lạ. Có cảm giác lạnh lạnh khó tả phía sống lưng qua giọng ngẹn ngẹn của anh: “Chẳng bao giờ anh chị quên ơn cô chú đâu”! Thấm thoát đã 23 năm, kể từ ngày anh xa mỏ, giá trị xã hội mảng trắng đen đã có phần loang lổ, hoen ố. Đề xuất “luật hóa” việc chạy chức, chạy quyền của vị giáo sư nọ khó thể coi chuyện phân minh, bình thường nữa. Lương tâm, tình nghĩa, thứ mà người đời nói không thể mua được bằng tiền liệu có bị dòng đời cơ chế thị trường chi phối! Biết tôi được nghỉ từ ngày 1/2/2015 anh nhắn: “Ngày được nghỉ chế độ, cô chú nhớ về thăm nhà, để anh được hầu rượu”. Người tuổi Ngọ, ruột thì thẳng tưng còn đôi chân nhấp nhổm muốn chạy. Vì thế chăng, sau cú hội ý chớp nhoáng của cặp song mã (bà xã cùng tuổi Giáp Ngọ) ngay ngày đầu “nhận công tác tại Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội” - cách ví von mà anh bạn đồng nghiệp tại Quảng Ninh nói về những người được nhận lương hưu, phương án lên đường nhanh chóng thông qua.
THỜI BAO CÂP
Gọi là bạn, nhưng anh tuổi Ất Dậu hơn tôi đến cả gần chục tuổi. Năm anh sinh, dân ta chết đói tính đến con số nhiều triệu. Chôn rau cắt rốn tại đất vải thiều, thứ đặc sản nổi tiếng của Thanh Hà nhưng lại ra làm công nhân tại mỏ than Mạo Khê từ khá sớm. Cần mẫn lái tầu điện, chuyên chở những tấn than, lọ mọ viết những mẩu tin, nín thở chờ mong được phát trên Đài truyền thanh công nhân mỏ. Rồi cái ngày trở thành phóng viên “chính hiệu” của Đài cũng đến, khiến anh thẫn thờ mất ngủ đến cả tháng. Thôi, cầm bút trút bỏ cần lái thì tay nhẹ rồi, nhưng cái đau cái nặng lại chính chuyện nồi cơm, miếng ăn. Đói! thèm bữa ăn no là mơ ước thường nhật của nhiều người những năm 80, thế kỷ XX. Cái thời, gạo được coi là “hạt cơ bản” là “vật tư số 1” của Quốc gia. Miếng ăn, được đặt hàng đầu trong mỗi câu chuyện, chẳng riêng đô thị, khu công nghiệp mà ngay cả nơi sản sinh ra lúa gạo thời đó cũng đã có thơ bút tre thế này: “Hỏi chi chuyện ấy xã tôi/ lấy dân làm gốc ôi dào có đâu/thăm đồng lội ruộng ở đâu/lấy mâm làm gốc lấy ăn làm đầu”. Khốn nỗi, chị nhà anh làm ở ngành ăn, ốm đau luôn, đồng lương thì còm cõi, giờ anh cũng chẳng hơn. Nặng nữa, “ôm” nghiệp viết lách, sổ gạo phải điều chỉnh giảm 6 kg (từ 21 xuống 15 kg/ tháng) khiến anh thẫn thờ như “mất sổ gạo” một thành ngữ phổ biến thời bấy giờ. Giảm 6 kg gạo chao ôi! chuyện lớn nghiêm trọng với bảy miệng ăn (anh chị có 5 con, 4 trai, 1 gái). Muốn bù lại, lao vào chuyện viết lách hy vọng có thêm chút đỉnh. Nghẹt nỗi nhuận bút ‘còm” của Đài truyền thanh công nhân mỏ, báo Quảng Ninh chẳng thể giúp kinh tế gia đình khá hơn, để rồi sức anh ngày một suy kiệt. Cô con gái đầu chủ động rẽ ngang học nghề thợ may hy vọng đỡ đần bố mẹ, các cậu em tranh thủ về nhanh sau buổi học để kịp đãi than trôi, đóng than tổ ong mong có đồng thêm thắt. Thời ấy, cả nước khó khăn, nhà nào cũng vậy, tôi hết giờ hành chính thì mài dao thái chuối nuôi lợn, tay chai nổi tới bốn cục sần. Bà xã làm ngành y mà có lần trộm nghĩ “cấu, thu hoạch rau muống thuần thục hơn thao tác khâu cho người bệnh”. Mỗi lứa được chừng đôi chục mớ, hai cô con gái lũn cũn có nhiệm vụ bê ra chợ đồi bán (chợ cóc của công nhân khu Đồi Giữa). Có lần, trên đường về Quảng Ninh vợ chồng được dịp “ôn nghèo, kể khổ” về những ngày phải 1- 2 giờ sáng, xếp nốt mà chưa chắc đã mua được thực phẩm, rồi chuyện ra chợ mua sợi giây gai (giây may vỏ bao xi măng mà công nhân nhà máy Xi măng xà xẻo) đan quần “đông xuân” để chống rét cho con cái. Rét đỡ thì rõ, nhưng khổ cái mông hằn lên những chú lươn, ngứa gãi đến bội nhiễm cả da. Cô út, tay cầm lái nhưng không quên góp chuyện: “Hồi đó con chỉ mong ốm để được ăn phở” tôi lặng người, mặt quay nhanh ra phía cửa xe, tĩnh tâm nhớ về bát phở khi đó. Tiếng là phở nhưng thực, thành phần chỉ là bát nước xõng với chủ yếu là sợi mỳ luộc, dăm ba miếng thịt sắt mỏng, hơn chăng chỉ là vị ngọt của thứ mì chính hiếm hoi.
Tôi quen và biết anh do thi thoảng có bài viết gửi cho Đài truyền thanh công nhân mỏ, nhưng duyên nợ có lẽ từ quyết định học nghề may của Tuyết, cô con gái đầu của anh. Nhà tôi ở khi đó, là căn hộ cấp 4 tập thể đã được hóa giá. Đó là gian nhà ngói cũ kỹ, xiêu vẹo, được xây từ thập niên những năm 1960. Miếng đất xéo, to trên, bé dưới nhưng được cái, một mặt bám đường, một mặt bám ngõ nên giao dịch cũng tiện. Chẳng biết ơn giời hay do Tuyết khéo tay nên kinh tế gia đình anh chị cũng đỡ đần từ góc nếp nhà cũ kỹ ấy. Nhưng rồi chỉ được vài ba năm, cuộc đời dường như định mệnh mà chẳng mấy ai đoán định được.
HỘI NGỘ
9 giờ xe xuất phát tại Hà Nội, loanh quanh tìm Gara bơm thêm hơi lốp xe, lòng vòng cả tiếng mới ra khỏi nội thành. Theo chỉ dẫn của anh: Qua cầu Phú Lương mới, đi dọc triền đê đến cầu Phú Lương cũ băng qua đường tầu hỏi về xóm Trạm bơm, thôn Cập Nhất, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà. Khổ nỗi, giao thông những năm lại đây thay đổi quá nhiều. Đến cầu Phú Lương cũ, ô tô không được qua phải quay lại. Vả nữa, đường về thôn xã giờ cũng lắm, dừng xe hỏi đến nửa tá lần mà đáp án cũng chẳng giống nhau. Rốt cuộc đúng ngọ chúng tôi đến nhà anh sau nhiều lần thông tin qua lại với phương án dừng xe, chờ anh “phi” xe máy đón tại đầu thôn.
Chốn quê, nhưng nhà anh sệt thành phố, mảnh đất vuông vức bám đường cái của thôn. Nửa dành cho cậu trai trưởng, nửa anh chị ở với mẹ già. Kém hai mùa xuân nữa bà thuộc hạng “bách niên” nhưng tiếp xúc khá minh mẫn, bà hỏi: Được mấy đứa, trai hay gái? Tôi đáp: Hai, gái cả bà ạ. Bà lại: Trai cả hả! tôi cười, vâng thật to hy vọng để bà vui. Quay ra, mâm cơm sắp đầy thịnh soạn. Rượu em nhé? Men gan em dạo này cao lắm, làm chút bia thôi anh à! Két bia anh lệ khệ bê như muốn dùng để tắm tôi trưa nay, may thay sau mỗi lần chạm cốc những kỷ niệm, ký ức lại tràn qua tôi nhấp nhẹ rồi đặt xuống hầu chuyện. Thôi thì đủ cả, chuyện nhà, chuyện làm ăn, chuyện con cái đã yên bề gia thất, anh bảo: cháu Tuyết làm dâu xứ người mãi tận Canada cơ. Linh, giờ mang quân hàm xanh thiếu tá đóng ở Quảng Ninh đấy, Dương thì nghề y bệnh viện tỉnh nhà…Loanh quanh, rồi lại chuyện những ngày ở mỏ. Em còn nhớ đợt Mạo Khê mình tuyển 1000 thanh niên Hải Dương vào thợ lò không? Nhớ chứ, Mạo Khê là mỏ Thanh niên cộng sản được Trung ương đoàn phối hợp tuyển 1000 thợ lò ai mà không nhớ. Giàn kèn đồng quân khu 3 rền vang những giai điệu hoành tráng từ sân vận động Hải Dương đến tận sân vận động của mỏ. Ấn tượng lắm, nhân viên phòng ban tay cờ, tay hoa vẫy chào như đón người thân ở sân bay. Sau này Mạo Khê có khái niệm “đợt kèn đồng” là vì vậy, mỏ thời ấy mở trường tự đào tạo, trang bị thì đầy đủ từ đầu đến chân, kể cả chăn màn, nhà ở tập thể, thế mà sau vài năm chỉ còn hơn trăm thợ lò gắn bó với mỏ.
Anh rời mỏ năm 1992 phải không? tôi tiếp lời. Đúng đấy, những năm đầu chuyển đổi (1989-1992) xóa bỏ bao cấp khi đó mỏ khó khăn lắm. Ối trưởng phòng có năng lực như anh Cường, anh Đức được vận động về nghỉ trước tuổi, mình có tý “sỹ” trong người lại có năm trực tiếp làm thợ, quy đổi đủ, thế là về. Em thấy không, hưu non tuổi “đầu bốn” cả nhà lốc thốc về quê, đường cày không tỏ, sâu rầy chẳng thông. Thế mà, hùng hục làm quên ngày đêm, đến đận nông dân chính hiệu còn ái ngại cho gia đình anh chị, đoạn còn sửa xe, giã giò chả, mà kinh tế cũng chẳng khá giả gì. Tôi xoay hỏi: Nhà này anh chị làm năm nào? Mảnh đất năm chín hai (1992) mua 10 triệu đồng đấy, bán nhà ở Mạo Khê được non nửa, còn lại chủ đất cho nợ vay mượn, chạy vạy đến năm 2000 xây đấy chú à, Tôi đỡ lời: Số anh giầu có, đầy đủ cả: Công, trí, nông, thương, sướng thế còn gì! Tụi em ở lại hồi đó cũng khó, kém gì anh đâu? Trừ những người có số năm quy đổi đủ điều kiện về nghỉ chế độ, khối gián tiếp phải giảm 30% quân số hiện có. Nghị quyết được thực thi từ trên xuống dưới. Đảng ủy, Công đoàn, tới các phòng ban đều “ốp” chung công thức, không có vùng cấm và ngoại lệ. Phòng tài vụ (nay gọi là phòng kế toán) khi đó 25 người, lệnh giảm 8. Chẳng cách nào là tự đánh giá năng lực của mình, của người và bỏ phiếu kín. Tiêu chuẩn ưu tiên hàng đầu là trình độ chuyên môn, còn thâm niên, Đảng viên chỉ là chỉ số phụ. Khi kết quả được công bố, có bác số nhiều thâm niên lại là Đảng viên phải xuống sản xuất, là Thủ trưởng của phòng khi ấy, em được quy là coi nhẹ tính Đảng. Cũng may, nhờ giải pháp “rắn” của lãnh đạo mỏ mà Mạo Khê sau này trụ vững và phát triển, việc làm được đảm bảo, tình trạng “về quê cả nhà” không lặp lại như thời anh rời mỏ. Anh cười khà khà rung cả hai vai: “Tuổi ngựa như chú thường bị trách cứ khi tiếp xúc, chứ hậu vận là khá đấy”. Đoạn, đứng dậy tay cầm chai rượu lắc lắc, thứ nước đục trăng trắng được rót ra. Làm chén nhé, cao ngựa Bạch đấy chú à. Chẳng thể khước từ, tôi dốc ngược cùng anh cạn chén.
Chào mãi mà chẳng đóng được cửa xe, bà xã tôi thì đẩy ra, chị nhà anh đẩy vào “Giò giã tay nhà làm được đấy”- tiếng anh hối giục. Em xin hai bác, tôi đáp từ, ngước nhìn nụ cười anh giãn rộng như muốn khỏa lấp nếp nhăn hằn theo tháng năm. Cánh tay vẫy dần khuất, miên man cố nhớ dáng tất bật, nét mặt khắc khổ ấy hơn 20 năm về trước. Chiếc xe lắc mình lao nhanh ra đường 5 hướng Hà Nội trong chiều đông ấm áp./.
Thanh Hà- Hà Nội, ngày 1/2/2015