Hoa tàn lại nở
Ba người đã ngồi vào bàn, nhưng chẳng ai nói một lời. Ngôi nhà im lặng như một nấm mồ. Không gian bị nén chặt, nghe rõ cả tiếng ruồi bay và tiếng con mọt nghiến gỗ kèn kẹt ở dưới gầm bàn. Quang bỗng thấy tê tê ở mặt. Người anh run lên. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Quang ngồi bất động, hai vai chùng xuống. Trông anh như một cái xác không hồn.
Mùa đông.
Mưa rả rích. Mưa lê thê đã gần nửa tháng mà vẫn chưa muốn ngừng nghỉ. Bầu trời sũng nước. Những đám mây xám, mây đen như nỗi buồn u uẩn cứ vần vũ che kín thị trấn Châu Hoan nhỏ bé. Thỉnh thoảng một cơn gió mùa Đông Bắc như đàn ngựa hoang ào ào lướt qua mang theo cái lạnh cắt thịt, cắt da. Không khí ẩm thấp, nhớp nháp dễ gây cho người ta cảm giác ngứa ngáy, bức bối, chỉ muốn đạp tung tất cả.
Trong căn phòng nhỏ ở nhà nghỉ Bình Minh, Luyến ngồi trên giường tựa lưng vào bức tường ẩm mốc, loang lổ trắng đen. Bên cạnh chị là Long- “người tình nhỏ bé”. Luyến vẫn đùa Long như vậy, mặc dầu Long to cao như ông Hộ pháp.
Cả Luyến và Long đã có gia đình. Hai nhà cùng ở xã Sơn Tùng, cách thị trấn Châu Hoan 15km.
Luyến nét mặt buồn bã. Giọng nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết:
- Anh Long, em không thể bỏ chồng, bỏ con trốn đi cùng anh được!
- Nhưng vợ chồng em có yêu nhau đâu! - Long lạnh lùng.
- Dẫu sao chúng em đã có với nhau hai mặt con. Chúng còn nhỏ. Sống thiếu mẹ chắc chúng buồn lắm.
- Hay em đưa các con trốn cùng chúng ta? Anh sẽ yêu thương, chăm sóc chúng như chính con đẻ của anh.
- Không được. Em nghĩ cả tuần nay rồi. Chúng ta chỉ có hai bàn tay trắng. Nếu trốn, hiện nay cũng vẫn chưa biết đi đâu, làm gì để sống. Chẳng lẽ các con em cứ phải lang thang theo chúng ta nơi này đến nơi khác, trong lúc chúng cần có chỗ yên ổn để học hành. . . Ngày mai anh đưa em đi bệnh viện tỉnh nhé?
Long nổi cáu:
- Không! Anh không đồng ý cho em bỏ thai. Nó đã được 8 tuần tuổi rồi. Anh là con trai duy nhất của bố mẹ anh. Các cụ rất mong có cháu bế. Anh lấy vợ đã 5 năm mà không có con, mẹ anh buồn héo hắt, bệnh tim ngày một nặng thêm.
Luyến hiểu những điều Long nói. Bản thân chị cũng rất muốn có với Long một đứa con. Khốn nỗi Luyến và Quang- chồng Luyến, ly thân đã mấy năm. Chị giải thích thế nào về việc bụng chị ngày một to dần lên trước mắt Quang. Chắc chắn Quang sẽ không để yên. Hàng xóm sẽ xoi mói, đàm tiếu. Khi chị sinh nở xong chắc gì Quang đã cho chị đem con của kẻ khác về nuôi trong nhà. Lúc ấy chị biết đi đâu?
Luyến nuốt nước mắt, dỗ dành Long:
- Sáng mai anh đưa em đi bệnh viện tỉnh nhé!
Long giãy nảy:
- Không đi đâu hết! Nó là máu mủ của anh, là đứa con của tình yêu! Ngày mai anh làm đơn ly dị Trang. Em ly dị Quang! Chúng ta sẽ cưới nhau. Công khai sống với nhau. Xem ai làm được gì nào.
Luyến không ngờ Long quyết liệt đến vậy. Chị vẫn nhẹ nhàng:
- Em và anh Quang có mâu thuẫn gì đâu mà ly dị? Bố mẹ em không đồng ý. Tòa họ không chấp nhận đâu!
- Chẳng lẽ phải đánh nhau, chửi nhau mới là mâu thuẫn? Sống cùng dưới một mái nhà mà mặt trăng, mặt trời, suốt ngày không ai nói với ai một câu, gặp nhau ngoài đường không chào hỏi. Sống thế khác gì địa ngục!
- Thiên hạ nhiều nhà cũng thế mà anh. Miệng lưỡi thế gian độc địa lắm. Phải chịu đựng, sống vì con cái.
Long nói như thể cãi nhau:
- Thiên hạ mặc xác họ! Cuộc đời vô cùng ngắn ngủi. Em sợ dư luận, không dám thay đổi thói quen sống, em chẳng là gì cả.
Luyến rơm rớm nước mắt:
- Rồi anh sẽ chán em. Em hơn anh 8 tuổi. Lại là gái đã có hai con. Em sẽ thành bà già khi anh còn rất trẻ.
Long kéo Luyến vào lòng, hôn nhẹ lên môi, lên má chị.
-Tuổi tác có nghĩa gì. Anh thấy em chẳng khác gì con gái: Khát khao. Mãnh liệt! Ở bên em, anh rất hạnh phúc. Chỉ em mới cho anh cảm giác mình thực sự là đàn ông.
Luyến nắm chặt tay Long:
- Em cũng vậy. Cảm giác tình yêu anh trao em thật ngọt ngào. Anh là người đã chiếm trọn được tâm hồn, thể xác của em.
Long thú nhận:
- Nhiều lúc nằm cạnh vợ, anh vẫn nghĩ tới em. Em hiện diện trong từng ý nghĩ của anh.
- “Chuyện ấy” chị Trang có hòa hợp với anh không?- Luyến tò mò.
- Trang chưa bao giờ từ chối anh. Trong hai năm đầu thường Trang là người chủ động. Về sau anh thấy Trang căng thẳng. Gần đây, sau mỗi lần làm chuyện ấy thỉnh thoảng Trang lặng khóc. Có lẽ lấy nhau đã nhiều năm mà không có con tạo thành áp lực lớn đối với Trang.
- Sao hai người không đi khám?
- Bọn anh đi mấy lần rồi. Vào cả bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh. Uống bao nhiêu thuốc, làm đủ hết cách mà vẫn không có kết quả.
- Bệnh viện họ có nói tại ai không?
- Chẳng tại ai cả. Hai người đều bình thường… Không hiểu sao… Thôi, đừng nói chuyện ấy nữa! Em trốn đi cùng anh nhé? Vụng trộm mãi thế này anh Quang biết lôi thôi lắm.
Đề nghị của Long kéo Luyến trở về thực tại. Giọng chị trở nên trầm lắng:
- Hay chúng mình chấm dứt gặp nhau từ hôm nay? Anh và anh Quang là bạn thân. Anh Quang coi anh như em. Các anh đã từng ăn cùng mâm, chia nhau từng điếu thuốc…
- Đó là quan hệ khác. Tình yêu không tuân theo một nguyên tắc nào cả. Quan niệm nào cũng do con người và thời đại tạo nên. Đến lúc nào đó không còn phù hợp nữa thì người ta lại dỡ bỏ xuống. Hạnh phúc không tự dưng mà có. Chúng ta phải chiến đấu để thay đổi số phận.
Luyến ngước nhìn Long. Trông chị chẳng khác một đứa trẻ.
- Đi đâu hở anh? Em muốn đến một nơi thật xa, rất xa, để không ai biết mình là ai. Nơi ấy chỉ có anh và em. Sau đó chúng ta sẽ tìm cách đón các con em.
Long ôm Luyến, hôn tới tấp lên mắt, lên má, lên mặt chị. Trong phút chốc, hai người như hai giọt nước lấp lánh sắc màu lăn qua lăn lại rồi tan lẫn trong nhau. Hơi thở hổn hển, gấp gáp. Luyến khẽ rên lên: “Em chết mất!”
Biết tin Luyến bỏ trốn cùng Long, Quang như người mất hồn. Cảm giác bị phản bội làm anh nghẹt thở, trái tim buốt nhói. Quang muốn đi tìm Long đánh nhau một trận. Nếu cần anh sẽ moi gan nó ra. Đúng là nuôi ong tay áo! Long tốt nghiệp đại học xây dựng ra trường không ai nhận, lang thang chợ huyện buôn gà, buôn chó. Anh kéo nó về đi làm phu hồ, thợ xây, rồi đề bạt làm giám sát công trình. Tuy lương chưa cao, nhưng công việc ổn định. Có đủ cơm ăn, rượu uống. Thỉnh thoảng còn mua sắm được cái này, cái nọ. Thế mà nó nỡ quyến rũ, gian dâm với vợ anh. Nhìn 2 đứa con nhem nhuốc, khóc sưng cả mắt vì nhớ mẹ, anh lại càng căm hận. Còn Luyến, cái ngữ đàn bà hám của lạ đi theo trai đó anh không chấp. Suốt bao năm chịu cảnh “đồng sàng dị mộng”, cái cục xương ấy nuốt chưa trôi, bây giờ lại mang tiếng bị vợ “cắm sừng”. Nhục ơi là nhục! “Mà sao lại nhục?”- Quang tự cật vấn. Liệu anh có quyền trách Luyến? Từ lâu anh và Luyến có còn tình cảm gì nữa đâu. Việc ai nấy làm. Chưa bao giờ Quang và Luyến nói chuyện với nhau nổi 10 phút, nhất là những chuyện liên quan tới các vấn đề xã hội, nuôi dạy con cái. Nhận thức của hai người quá khác nhau. Đất không nghe trời. Trời cũng không nghe đất. Cái tôi của mỗi người quá lớn. Lòng vị tha chết tự lúc nào cũng chẳng ai hay. Cái hố ngăn cách ngày một sâu hơn, rộng thêm, đến nỗi chẳng ai buồn lấp nó nữa.
Kể từ ngày Luyến bỏ trốn, nhà Quang thường có người lui tới hỏi han, chia sẻ. Anh biết nhiều người trong số họ không phải vì thương bố con anh, mà vì tò mò, kiếm chuyện về buôn dưa lê. Chẳng ai đưa ra cho anh được một lời khuyên thoả đáng. Thậm chí có người còn đổ thêm dầu vào lửa. Anh ghét nhất mụ Ngấn, con mụ nạ dòng hàng xóm người khô như cái mõ, lúc nào cũng thơn thớt nói cười, nhưng chẳng bao giờ dám nhìn thẳng mặt ai. Mụ mấy lần thẽ thọt: “Anh Quang hiền lành. Người khác họ phá tan nhà thằng Long!”. Biết mụ Ngấn “bơm kích”, "xuỵt chó vào bụi", thế nhưng không hiểu sao Quang vẫn ra chợ mua một con dao chọc tiết lợn sáng loáng, sắc lẹm, đem về giấu trong nhà.
Chủ nhật. Trời nắng ráo. Quang đang ngồi giặt quần áo thì cái Thắm- đứa con gái lớn tóc đỏ như đuôi bò, hớt ha hớt hải chạy từ đâu về. Nó ghé sát tai anh, vừa thở vừa nói:
- Bố ơi! Bố sang ngay nhà ông Nhân…
- Chuyện gì thế con?
- Con không nói đâu. Bố đừng vào nhà! Đứng ngoài mà nghe!
- Mẹ và chú Long ở bên ấy hả?
- Bố cứ sang rồi biết.
Quang vào nhà lấy con dao bầu dấu dưới áo. Anh băng vườn sau nhà, đi tắt sang nhà ông Nhân. Còn cách ngôi nhà mấy mét, anh đã nghe rõ tiếng cười nói phớ lớ ngập tràn niềm vui ở trong. Mụ Ngấn, với cái giọng khàn vịt đực vốn có, đang thao thao dựng chuyện bêu riếu gia đình anh. Nào là: “Vợ chồng chửi nhau như cơm bữa. Nửa đêm đấm nhau huỳnh huỵch”. Nào: “Chồng đi công trường gái gú, vợ bỏ theo trai”; “Mấy đứa con chẳng ai chăm sóc người hôi như cú. . .". Quang nghe lửa hận bốc lên ngùn ngụt. “Ghê tởm!” Mới hôm kia mụ Ngấn vừa khen anh hiền lành, thế mà hôm nay, sau lưng anh, mụ đã nói anh gái gú, đánh chửi vợ, lại còn nói xấu con anh.
Quang vừa rút con dao bầu ra định xông vào nhà ông Nhân thì nghe tiếng cái Thắm gọi: “Bố ơi! Có khách!”. Giọng của Thắm trong trẻo, hồn nhiên làm sao! Nó như làn gió mát đưa anh ra khỏi bến mê. Quang đứng lặng người. Mắt trân trân nhìn xuống con dao. Bất chợt anh loang loáng thấy cái mặt mụ Ngấn lúc ẩn, lúc hiện nhăn nhở cười trên phần sáng sắc lẹm của lưỡi dao. "Mẹ kiếp, đồ đểu cáng!" - Quang lẩm bẩm. Anh giấu con dao vào dưới áo, lẳng lặng đem về vất xuống cái hố sâu hoăm hoắm dùng để đổ rác của gia đình anh ở phía cuối vườn.
Bước chân vào nhà Quang sững sờ nhìn thấy Trang và ông Trần- bố Long. Sự đối mặt quá bất ngờ làm Quang bối rối. Ông Trần và Trang đến đây làm gì? Gây sự ư? Nếu thế Quang sẽ cho họ một trận. Trong thâm tâm Quang không muốn điều đó xẩy ra. Từ trước tới nay Quang luôn tôn trọng ông Trần. Ông là người trọng nghĩa khinh tài. Tuy không thành đạt vì tính tình quá thẳng thắn, không chụi luồn cúi, nhưng ông là người ham học, có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Còn Trang, anh rất nể phục sự hiền lành, nhẫn nhịn của cô. Trang chăm làm, ít nói. Gương mặt buồn, nhưng đẹp thánh thiện. Quang chưa bao giờ thấy Trang cáu gắt, mặc dầu Long gia trưởng, xử sự đôi khi thô lỗ với cô. Bây giờ Trang lại có nỗi buồn giống anh: Một người bị chồng bỏ đi theo gái. Một người bị vợ bỏ theo trai…
Cố che giấu cảm xúc và nỗi giận đối với mụ Ngấn, Quang bảo cái Thắm pha trà, rót nước mời khách.
Ba người đã ngồi vào bàn, nhưng chẳng ai nói một lời. Ngôi nhà im lặng như một nấm mồ. Không gian bị nén chặt, nghe rõ cả tiếng ruồi bay và tiếng con mọt nghiến gỗ kèn kẹt ở dưới gầm bàn. Quang bỗng thấy tê tê ở mặt. Người anh run lên. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Quang ngồi bất động, hai vai chùng xuống. Trông anh như một cái xác không hồn.
Ông Trần đưa chén nước lên miệng, chậm rãi vừa uống từng ngụm, vừa quan sát ngôi nhà. Sau đó ông nhìn thẳng vào mắt Quang, giọng chân thành:
- Anh Quang! Hôm nay tôi đến thay mặt gia đình đến xin lỗi anh về chuyện thằng Long. Hậu quả nó gây ra rất nghiêm trọng! Tôi biết anh buồn, đau khổ. . .
Quang bỗng dưng nổi cáu, cắt ngang lời ông Trần:
- Cháu không buồn! Không khổ! Cháu sẵn sàng nhường vợ cháu cho con trai bác. Bác bảo thằng Long không cần phải trốn nữa. Cứ công khai đưa Luyến về nhà hú hí cho vui làng xóm.
Thấy câu chuyện giữa Quang và ông Trần có chiều căng thẳng, Trang lặng lẽ đứng dậy. Chị xách chiếc làn đựng đầy bánh kẹo và trái cây đến chỗ hai đứa trẻ đang ngồi tít dưới góc nhà dỏng tai hóng chuyện người lớn. Trang hỏi han từng đứa rồi chia quà cho chúng.
Đây là lần đầu tiên Trang đến nhà Quang. Chẳng hiểu sao lũ trẻ thân thiện với chị rất nhanh, cứ như thể chúng đã quen biết chị từ lâu. Sự thân thiện đó có thể do giác quan mách bảo, hoặc do lòng Trang chân thành. Trang chỉ hơn cái Thắm 10 tuổi, thế mà cả hai đứa trẻ đều gọi chị bằng dì.
Thấy Trang bỏ đi, ông Trần và Quang ngừng nói. Cả hai cùng nhìn về phía Trang và lũ trẻ. Chẳng biết từ lúc nào một giọt nước mắt nóng hổi lặng lẽ lăn trên gò má gầy gò, xạm xịt sương gió của Quang.
Kể từ hôm đó Trang thường xuyên mang quà tới thăm lũ trẻ. Những đợt Quang đi công tác xa, chị ngủ luôn lại đó. Trang yêu thương, chăm sóc hai đứa con Quang như chính con chị đẻ ra.
Tin cùng chuyên mục
Chín gương mặt hao hao ngoài đời
15/01/2015
Xuân muộn
12/01/2015
Diêu Bông Tím
07/01/2015
Ghi ở cuối thế kỷ hai mươi
05/01/2015
Tết quê tôi
30/12/2014
Tiếng lòng
28/12/2014