Tiếng lòng
“Em hứa sẽ về”. Miên không mảy may nghi ngờ gì lời hứa trong thư của Điệp, nhưng có điều, trên đời, tất cả những gì mình mong muốn nào có được toại nguyện hết đâu, nhất là hoàn cảnh vô cùng nan giải của Điệp. Trong chớp mắt, trong mắt Miên như có chút buồn thoáng qua! (TT. Giang Viên. Tên thật là Đào Nguyên Thụy. Địa chỉ: 12C, tổ 1, KP3, Thị Trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre)
TIẾNG LÒNG
Điệp gọi:
- Chủ nhà ơi! Chủ nhà! Có khách!
- ...
- Chủ nhà ơi! Có khách!
Từ trong nhà trong, Miên nói vọng ra:
- Xin mời vào. Xin lỗi! Chờ tôi một chút. Tôi đang lỡ tay.
- Trời sắp mưa rồi. Tôi không thể vào nhà được. Nền nhà gì mà cao quá trời vầy nè.
Miên loay hoay một thôi một hồi mới điều khiển xe ra được. Chiếc xe ôn binh nầy mấy ngày qua bỗng dưng trở chứng, muốn chạy thì chạy, muốn dừng thì dừng. Đôi khi gặp việc gì gấp gáp không giải quyết được đúng lúc, Miên bực mình muốn lấy búa tạ đập nó thành đống sắt vụn cho đã nư. Nó cổ lỗ sĩ quá rồi. Đáng lý ra phải cho nó vào “viện bảo tàng” của mấy người chủ vựa đồng nát từ khuya, nhưng là kỷ vật của một thằng bạn nghèo nên Miên không đành lòng. Vả lại nếu “đẩy” nó đi, chưa chắc đào đâu ra được tiền mua cái khác, đây ta!
Miên đang đối diện với khách. Cả hai cùng thật bất ngờ vì cả hai cùng lạ hoắc lạ hươ, chưa gặp mặt lần nào và đặc biệt cả hai cùng đi …xe lăn.
Trời bắt đầu mưa. Những giọt mưa từ mái nhà tôn rơi tong tong làm ướt nhem tóc Điệp, rồi chảy ròng ròng xuống mắt, xuống môi, xuống ngực. Miên luýnh quýnh đưa tay nắm thành xe của Điệp kéo mạnh lên. Ráng hết sức bình sanh coi nào! Không ăn thua gì. Cả người và cả xe của Điệp cũng nặng, lại găp cái nền nhà có độ dốc quá cao dù có ván lót bắc ngang nối liền nhà với sân cũng không tài nào kéo lên được. Chính sự trì kéo quyết liệt nầy, suýt chút nữa cả người và xe Miên đổ ập vào người Điệp (cả hai cùng cười). Biết làm sao bây giờ đây ta? Chắc là phải nhờ đến đại lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn, vận động viên xuất sắc nhất giải vô địch cử tạ trẻ thế giới, trợ giúp mới xong. Miên vừa ao ước viển vông, tếu táo cho vui như thế, thì may có Hạo, thằng cháu nhà bên băng qua “gở rối” cho Miên.
Hai xe đang đậu song song, gần nhau, mặt hướng ra con hẻm trước nhà. Trời mưa càng nặng hạt. Từng cơn gió mạnh làm mấy ngọn dừa xa liên tục lay chuyển dữ dội. Tiếng gió rít nghe rợn người thế nào ấy. Dưới hiên nhà, cả hai cũng không tránh khỏi màn mưa từng đợt quất vào. Họ không biết lạnh lẽo là gì. Họ đang nghĩ đến “nhân vật” ngồi bên cạnh. Họ lặng lẽ “quan sát” người “cùng hội cùng thuyền” mà đoạn đời đã qua chắc chắn đã bị mất mát quá nhiều về tinh thần lẫn vật chất.
-Khăn đây cô! Lau đi!
-Sao gọi Điệp bằng cô? Gọi em bằng em chứ, anh!
Điệp nhận khăn nhưng không lau cho mình mà lại lau mặt cho Miên. Một hành động vô cùng thân thiết và trìu mến, dễ làm rung động lòng người. Lần đầu tiên trong đời Miên được một người con gái lạ hết lòng chăm sóc cho Miên như một người mẹ chăm sóc cho con, làm Miên vô cùng ngỡ ngàng. Trong lồng ngực, trái tim Miên bỗng đập rộn ràng lên.
-Anh Du Phong! Em cảm ơn anh! Anh đã cho em một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời, về con người. Em đã trút được gánh nặng mặc cảm mình là người thừa thãi, vô dụng chỉ làm buồn mắt người nhìn. Em cảm ơn anh đã sáng tác cho em đọc, dù là vô tình, những bài thơ nói lên tâm sự đau buồn và quyết tâm vượt khó của những người khuyết tật. Từ ngày ấy, em như con cá được thoát ra biển khơi, mênh mông vô tận, mặc sức tung hoành cùng bè bạn mới quen. Em đã thức tỉnh, thấy mình như mọi người, em đã ngộ ra rằng không phải cứ ngồi mơ tưởng đến chuyện “dời non lấp biển” hay “hái sao trên trời” mới là quan trọng, đáng được cổ xúy, mà là làm có kết quả những gì vừa với sức mình mới thực sự cần thiết.
Điệp lại lau mặt cho Miên. Điệp vừa lau vừa khe khẽ đọc thơ cho Miên nghe. Chính những dòng thơ nầy trong rất nhiều bài thơ của Du Phong đã làm thay đổi hoàn toàn “nhân sinh quan” của Điệp:
… “Chiếc xe lăn như người bạn đời,
Xấp vé số khơi cao thêm mầm sống.
Thằng người ấy chưa bao giờ tuyệt vọng,
Dù đôi khi ai đó phũ phàng!
Thằng người ấy vẫn ngẩng cao đầu,
Sống bằng tiền chính mình tự lực.
Bằng vòng xe lăn sớm chiều tiếp sức,
Bằng trái tim không ngần ngại nắng mưa.
Thằng người ấy vẫn có tình người,
Biết xúc động trước mảnh đời bất hạnh,
Biết cứu giúp bằng tiền tiện tặn,
Không đắn đo, đòi hỏi điều gì!...”
Lúc mới khởi đầu, Miên lấy làm lạ vì hành động của cô gái trẻ tật nguyền, theo Miên là không bình thường chút nào, nhưng khi Điệp nói tới bút danh Du Phong của Miên, Miên mới hiểu ra. Có gì hạnh phúc bằng khi “tiếng nói con tim” của mình được ai đó trân trọng thưởng thức, lắng nghe và nhất là đã cảm hóa được một con người. Miên vội vàng lấy khăn từ tay Điệp, lau tóc, lau mắt, môi, ngực cho Điệp. Miên thoáng thấy môi Điệp run run, ngực Điệp phập phồng, dồn dập nổi lên những đợt sóng cảm xúc. Thì ra…Điệp khóc! Những giây phút hạnh phúc tràn trề nầy biểu hiện bằng những giọt nước mắt chân thành tiếp tục trào ra.
Trong gia đình, Điệp là chị Hai, là người phụ nữ duy nhất, có nét mặt không giống người thân nào và bị khuyết tật. Còn các em Điệp thì dáng vóc liền lạc, lành lặn, không tì vết gì, trắng trẻo, cao ráo, rất dễ nhìn, có những nét hao hao giống cha, giống mẹ. Mặc dù vậy, cha mẹ Điệp vẫn cưng Điệp như trứng mỏng, thương yêu, nuông chiều, lo lắng từng ly từng tí. Trái lại, các em Điệp thì dữ như chằn tinh. Mở miệng ra là quát, là mắng, là rủa sả Điệp ngày tối. Điệp rất tủi thân. Muốn mách với cha mẹ, nhưng vì thương em nên bỏ qua. Đôi khi Điệp có cảm giác mình là người ăn nhờ ỏ đậu, người dưng nước lã không bằng. Điệp nhớ có lần, thằng Út, không biết tiền mẹ cho, nó lộn hồn lộn vía, nhét tầm bậy tầm bạ nơi nào tìm không ra, quay ra sừng sộ với Điệp, cho rằng Điệp ăn cắp mới thấu trời thấu đất! Dù Điệp không làm ra một đồng, một cắc gì, nhưng dứt khoát Điệp không tham lam. Đó là điểm sáng rực rỡ mà cha mẹ Điệp từng ngợi khen. Điệp luôn nghĩ: Cái gì của mình là của mình, cái gì không phải của mình thì vĩnh viễn không phải là của mình. Còn thằng em kế Điệp thì đỡ hơn, thường an ủi chị mình, giúp chị mình những gì làm không được. Tuy nhiên khi “hắn” nổi khùng lên thì coi trời bằng vung. Cái sẹo vẫn còn trên trán Điệp là bằng chứng cụ thể. Mới mấy tháng nay, bị cha mẹ rầy la về chuyện gì đó Điệp không biết, “hắn” cho là Điệp mách, liền đùng đùng nổi giận, dùng toàn lực đẩy chiếc xe lăn lăn ào ra sân, lộn nhào mấy vòng, đầu Điệp đập vào nền xi măng, máu tuôn ra ướt cả mặt. Điệp khóc quá trời, nước mắt hòa với máu, chảy ròng ròng xuống áo.
Khi Miên tiễn Điệp ra tới lộ chính, vừa về tới nhà, Hạo chạy vụt qua, nói liền:
-Cái chị đó, con biết. Ở dưới kia kìa.
-Ở dưới kia kìa …là dưới nào, Hạo?
-Ở dưới chỗ cái trại hòm bán cho người sống á.
-Con ba trợn quá rồi Hạo ơi! Hòm mà bán cho người sống hả con?
-Ủa! Con lộn. Hòm bán cho người chết mới đúng. Nhà chỉ đối diện với trại hòm đó đó. Em chỉ hành nghề photo giấy tờ cho người ta. Mỗi lần chú bảo con đi photo…thơ cho chú, là con xuống chỗ đó không hè. Con thấy anh ấy luôn in mỗi bài dư ra một tờ đưa cho chỉ đọc. Chị ấy biết nhà chú là nhờ con chỉ đường đó, chớ bộ!
-Ra là vậy!
Miên bỗng thấy tim mình ấm hơn, đời mình bớt đơn độc. Gian nhà cha mẹ để lại không còn trống vắng, quạnh hiu như thuở nào. Miên mỉm cười, liên tưởng đến những ngày hạnh phúc sắp tới.
***
California, ngày…tháng…năm…
Anh Miên yêu quí,
Khi anh nhận được thư nầy thì em đang ở Mỹ, cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Thật đấy. Anh bất ngờ lắm phải không?
Trong thời gian qua, cuộc đời em trải qua nhiều biến cố quan trọng. Mỗi lần xảy ra như thế đều ngoài sức tưởng tượng của em. Em không thể cưỡng lại được. Em chỉ biết khóc và xuôi tay, nhắm mắt, mặc ra sao thì ra. Thân phận nhỏ bé nầy làm sao xoay chiều được định mệnh đã an bài đấy anh.
Em không ngờ rằng những người nuôi dưỡng, dạy dỗ, bảo bọc em từ lúc được vài ngày tuổi cho tới khi em rời khỏi quê hương lại là cha mẹ nuôi của mình. Trời ơi! Em đã khóc hết nước mắt khi có sự hiện diện của hai người từ Mỹ về, nói em là con ruột của họ. Em đứng chết trân như người mất hồn khi nghe họ kể lể:
- “Khoảng 20 năm về trước, vợ chồng tôi nghèo lắm anh chị ạ. Con đông mà không có vườn tược, ruộng rẫy gì hết. Sanh con bé nầy ra, vợ chồng tôi bàn soạn, tính tới tính lui, chắc là nuôi không nổi rồi, đành đem gởi cho nhà chùa. Hy vọng rằng nếu sau nầy khấm khá thì xin nhà chùa cho nhận lại. Lúc ấy là mùa hạ, hoa Điệp nở đầy đường. Để cho dễ nhớ, chúng tôi xin nhà chùa đặt tên Điệp luôn, không dè tên ấy đến giờ vẫn còn. Tôi nhớ rất rõ, trên ngực trái của Điệp có một bớt son bằng bàn tay của bé lúc ấy.
Hai mươi năm trời nay, thi thoảng vài đêm tôi lại nằm mơ thấy con mình. Chúng tôi đã già, không biết đi theo ông bà ngày nào. Chúng tôi xin anh chị gia ơn cho Điệp về sum hợp với chúng tôi. Được như vậy chúng tôi mới vơi được đôi chút nỗi thống khổ, giằng xé lương tâm của một người mẹ sanh con ra mà không nuôi nổi con mình. Chúng tôi sẽ đền đáp công ơn trời biển của anh chị đã nuôi nấng, thương yêu, giáo dục Điệp từ tấm bé đến trưởng thành”.
Nói xong bà ấy ôm mặt khóc nức nở rồi trưng ra giấy xác nhận của sư cô trụ trì chùa, có ngày, tháng, năm, danh tánh của người cho, người xin và của đứa bé để làm bằng. Lúc ấy mẹ em ngồi thừ ra, nhìn em một hồi lâu, ra chiều suy nghĩ lung lắm, nhưng rồi bà lại nhìn khách và nói:
- “Tôi đã làm mẹ. Chị cũng đã làm mẹ. Có làm mẹ mới biết được cái tình mẹ thương con bao la nhường nào. Bất đắc dĩ trường hợp của chị quá đỗi khốn cùng mới đem con gởi nhà chùa. Có người mẹ nào đành lòng tự nhiên đem đứa con mình rứt ruột đẻ ra cho người khác đâu.
Những điều chị nói ra đều không sai tí nào. Với cái tình mẹ con, tôi đã tiên đoán rằng cái ngày nầy rồi cũng sẽ xảy ra. Dù biết thế, tôi cũng rất khó xử. Cái công dưỡng dục tôi không hề tính tới, nhưng chị ơi, tôi thật sự đang đứng giữa ngả ba đường, và …(mẹ khóc) tôi chấp nhận phải lựa chọn điều hợp với đạo lý làm người, dù có phải đau đớn đến xé ruột xé gan”.
Mẹ quay sang em. Mẹ quá xúc động nên giọng nói run run, đứt quảng:
- “Điệp… con! Con… là …con… nuôi của mẹ, nhưng.. thực ra con là ân nhân của mẹ, sâu hơn nữa là ân nhân của gia đình nầy, của dòng họ nầy…”
Âm hưởng của mẹ bỗng trở nên xa xôi nghe chừng tưởng nhớ đến một thời quá khứ:
-“Hồi đó trước khi rước con về, liên tiếp ba năm liền mẹ sanh ra ba đứa con, đều mẹ tròn con vuông, nhưng chưa đầy tháng thì qua đời hết. Mẹ đau khổ vô cùng, chết được cũng chết. Rồi tiếng xầm xì, bàn tán không tốt của ruột thịt, của chòm xóm nói rằng mẹ “sát” con, không bao giờ nuôi con được, làm mẹ thất điên bát đảo. May mà có một người lạ đến mách cho mẹ hãy tìm một đứa con nuôi đở đầu thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Thế rồi mẹ xin được con. Bắt đầu từ ấy trong nhà nầy luôn luôn rộn tiếng cười vui cho đến tận bây giờ. Khi mẹ rước con về được bốn năm, bỗng nhiên con bị sốt, sau đó con có cảm giác tê và chỉ một thời gian ngắn thôi, con liệt luôn hai chân. Mẹ rất ân hận vì đã nghe theo lời một y tá tư điều trị mới ra nông nổi.”
Anh Du Phong yêu quí,
Rồi em cũng sẽ trở về. Qua hình ảnh báo đài khi em còn ở nhà, quê hương mình đẹp lắm anh. Có sông dài, có núi cao, có biển cả, có cánh đồng phì nhiêu, quanh năm rập rờn sóng lúa, chạy dài mút mắt. Người quê mình thật thà, tốt bụng, chịu thương chịu khó, trong ấy có Du Phong, một nhà thơ trẻ yêu quí của em. Em hứa sẽ về. Nhất định em sẽ về Du Phong ơi!...”
Nhận được thư Điệp, Miên vô cùng bất ngờ. Đọc thư Điệp, Miên bất ngờ gấp bội. Miên không dè cuộc đời Điệp gặp nhiều khúc quanh nghiệt ngã như vậy. May mà Điệp là người phụ nữ, dù khuyết tật nhưng bản lĩnh có thừa, mới đứng vững được như ngày hôm nay.
“Em hứa sẽ về”. Miên không mảy may nghi ngờ gì lời hứa trong thư của Điệp, nhưng có điều, trên đời, tất cả những gì mình mong muốn nào có được toại nguyện hết đâu, nhất là hoàn cảnh vô cùng nan giải của Điệp.
Trong chớp mắt, trong mắt Miên như có chút buồn thoáng qua!