Cả đời chúng ta hi sinh vì con cái gia đình nhưng hình như con cái cứ nghĩ: Chúng có quyền phá và ta có nghĩa vụ cung phụng chúng. Cuộc đời này là cái gì đó rất khó giải thích. Nếu biết thế thì có lẽ nên thương thân mình trước rồi hãy quý vợ con... Nghĩ được nhưng muộn rồi... Tôi muốn nói với chú Hài và cả tôi. Hai thằng người đau khổ điều ấy. Có phải chăng: Mỗi người một nợ cầm tay/ Người xưa nợ vợ, người nay nợ chồng
Tác giả Lưu Quốc Hòa và nhân vật chú Hài
Sáng nay gặp ông ở đám đi ăn hỏi đứa cháu. Chả có họ hàng hang hốc gì nhưng tôi phải làm đại diện cho gia đình nhà họ bởi trong làng, tôi là cái vại nước gạo. Có cái gì là họ nhờ. Có cái gì thì tiện tay bỏ vào đấy. Nào kiện cáo đơn từ, nào vợ chồng đánh nhau đòi li dị, nào anh em ruột kiện nhau về hương hỏa...Không làm không được mà làm thì ...nhọc lắm.
Ngồi uống rượu bên nhau. Chú Hài thủng thỉnh: Daọ cưới con mày tao vào ăn cỗ. Nghe tin mày ốm tao cứ ngỡ mày chết bố nó rồi. Không ngờ hôm nay lại gặp. Sao người ta chết đông chết tây mà tao với mày chưa chết nhỉ.?
Tôi cũng nhủng nhẳng đáp lại: Con cũng tưởng chú đi tong lâu rồi, thế mà vẫn còn sống. Sống lâu quá khổ thân chứ béo bở gì.
Chú Hài buồn rầu bảo: Mày nói đúng đấy. Già rồi mà sống lay sống lắt như tao chết còn sướng hơn. Này! Làm cách nào mà chết được mau chóng nhỉ? gần 90 rồi còn gì.
Ông lấy khăn lau nước mắt và rót rượu vào chén tôi chén ông. Rỉ tai tôi ông bảo: Chú cháu mình uống với nhau thôi, kệ mẹ 4 thằng kia, chúng nó biết đếch gì mà nói.
--------------
Thấm thoát đã 19 năm tôi quen ông. Tôi và ông đều là hai thợ cơ khí. Mất việc ở nhà máy cùng mò ra mặt đường kiếm sống. Tôi và ông dựng 2 cái lều như hai thằng hành khất. Ngày bó gối nhìn ra mặt đường hóng việc, đêm chui vào ngủ. Năn đó tôi 38 tuổi và đã có 2 con. Tôi mang theo thằng con trai để sai vặt. Nhiều đêm ngủ một giấc lâu rồi thì mấy đứa gái điếm ăn sương ế hàng cũng chui vào ngủ cùng. Tôi lấy cái hòm đồ nghề ngăn chiếu ra và bảo: Tao cho ngủ nhưng cấm chúng mày nói chuyện làm tao thức giấc. Nằm xa tao ra. Ngửi mùi hôi nách với mùi nước hoa đểu của chúng mày tởm lắm.
Bọn gái điếm bảo: Hoá ra anh cũng khổ nhỉ? Nhưng chưa khổ nhục bằng tụi chúng em. Bọn lái xe nó bắt sao chịu vậy, không chiều nó, nó không trả tiền. Cũng liều thôi anh ạ. Đã chót thì chét luôn.
Tôi ngậm ngùi bảo: Cả tao với lũ chúng mày khổ như nhau, chả đứa nào hơn đưá nào thế nên tao thương lũ mày. Thôi ngủ đi mấy con "kim la cù đinh". Bé cái mồm không thằng ôn con nhà tao nó biết, mai nó mách mẹ nó là chết.
Sáng sau tôi đem chuyện này nói lại với chú Hài. Tôi và chú cách nhau khoảng 200m và sáng nào cũng uống chè và hút thuốc lào vặt với nhau.
Chú Hài trầm ngâm bảo: Chỗ lều tao cũng có 3 con đĩ, cứ khoảng 3h sáng là xin vào ngủ nhờ một lúc. Chúng nó đặt lưng là ngủ rồi nghiến răng kèn kẹt. Hôi hám bẩn thỉu lắm nhưng không cho chúng nó ngủ thì không đành. Chúng nó khổ lắm, tao với mày cũng khổ lắm. Cùng kiếm ăn trên mặt đường này với nhau. Cùng bám vào cánh lái xe đường dài mà sống. Lũ đĩ rạc thì bán trôn nuôi miệng. Tao với mày bán sức nuôi con.
------------
Ngày đó quốc lộ 1A còn vắng xe chạy lắm. Thỉnh thoảng mới có xe hỏng. Chú Hài làm lốp ô tô còn tôi làm ắc quy và sửa điện. Những buổi không kiếm được việc. Hai chú cháu ngồi bó củi nhìn sang nhau. Xe đi ngược Hà nội hỏng thì vào hàng chú. Xe đi xuôi Hà Nam thì vào hàng tôi. Kể cả xe máy oto đều sửa tuốt. Mấy năm gần chú. Hai thằng thợ , một già một trẻ đều yêu thương nhau. Mấy đứa gái điếm lúc đói bụng cũng đến xin ăn. Chúng gửi cả nồi niêu ở vệ quán để nấu cơm. Son phấn không có, chúng lấy muội chảo quệt với mỡ kẻ lông mày. Lấy bao hương màu đỏ quệt tí nước cho ẩm làm son môi son má...Mấy thằng thuế vụ với công an bảo vệ khu vực động đực, thỉnh thoảng cũng lôi bọn này xuống bụi mà nhấp nhổm. Bọn này cậy thế người nhà nước nên ăn quỵt tiền...
Ôi một thời chó má! Ôi là một thời đói khổ bần hàn của chúng tôi trước thời kỳ đổi mới.
Chú Hài bật bãi trước tôi vì tai nạn nghề nghiệp. Chú đang lúi húi sửa xe thì bị ô tô đằng sau húc vào, gãy chân phải. Từ đó vắng chú trên mặt đường. Tôi thơ thẩn buồn và thỉnh thoảng lại lần vào chơi với chú. Chú buồn bã bảo: Thế là tao hết đời làm thợ. Tàn phế rồi mày ạ. Sinh nghề tử nghiệp mà con.
-----
Hôm nay gặp chú. Một ông già ngót 90 tuổi nhôm nhoam râu tóc. Khóc nhiều hơn cười. Chú bảo với tôi: Con cái tao nó phá tán hết rồi cháu ạ. Đứa có hiếu thì tàn phế vì tai nạn. Mấy đứa bất trị thì bỏ đi Nam làm ăn không về. Tao chết chúng nó cũng không biết mà về đưa tang. Từ tháng 8 lại đây, tao gánh gần chục đám vừa khóc vừa cười. Không đi thì muối mặt với con cháu họ hàng. Mỗi tháng chỉ có 370 ngàn tiền lãi tiết kiệm. Số tiền gốc thì để mai mốt chết có mà lo tang. Cậy gì con cháu.
Tôi yên lặng không nói gì, bởi tôi cũng hơn gì ông đâu. Cũng bị tan đàn xẻ nghé. Cũng đầy nước mắt vì thất thoát do người trong nhà gây ra. Ngôi nhà 2 tầng mặt đường, tích cóp vật lộn gần 10 năm cũng phải bán đi để trả nợ.
Cả đời chúng ta hi sinh vì con cái gia đình nhưng hình như con cái cứ nghĩ: Chúng có quyền phá và ta có nghĩa vụ cung phụng chúng. Cuộc đời này là cái gì đó rất khó giải thích.
Nếu biết thế thì có lẽ nên thương thân mình trước rồi hãy quý vợ con... Nghĩ được nhưng muộn rồi... Tôi muốn nói với chú Hài và cả tôi. Hai thằng người đau khổ điều ấy.
Có phải chăng: Mỗi người một nợ cầm tay/ Người xưa nợ vợ, người nay nợ chồng