Ruộng đắp cho bờ

Tất nhiên như một thông lệ. Sau tiệc là… phong bì. Đúng với dự tính, bà chú ý thấy chỗ nào người ta cũng săm sắn chuẩn bị. Có nơi còn lóng nga long ngóng, làm bà suýt bật cười. Yên trí! Bà đã xách bên người một cái cặp to, đen bóng. Phong bì đưa đến đâu, bà cũng giơ tay xua xua, giả đò đùn đi đẩy lại một cách khéo léo, rồi mở he hé khe cặp, đút tọt ngay vào, rõ nhanh. Nhẹ tênh. Còn quà bánh, đặc sản vùng miền thì đã có mấy “chân dài” văn phòng trẻ “mẹ mẹ con con” nhét vào tận cốp xe.

Dễ tới hơn bốn chục năm, đang ở ngoài thành phố, tự dưng ông bà Đốc về quê mua đất và xây dựng cơ ngơi mới. Người làng ngạc nhiên rồi vỡ lẽ: Thì ra ông bà “quy cố viên”! Đám trẻ đến bây giờ mới biết làng mình có một ông sếp to và sang trọng như thế. Ông từng làm Tổng giám đốc một công ty lớn có tiếng. Cũng lạ! Thành phố rinh rinh sướng như vua mà ông bà ấy lại gánh cả gia tài về xó quê?
Chả mấy chốc, ngôi biệt thự cao tầng to đẹp đã mọc lên, nằm giữa khu vườn xanh rợp bóng cây xanh chậu cảnh. Tường hoa, bể non bộ, đèn điện trang trí lối đi rải sỏi giống hệt công viên. Ông bà còn nhiệt tình làm từ thiện, góp tiền cúng tiến trùng tu chùa làng, làm Nhà Văn hóa thôn, xây lại nhà thờ và mộ tổ họ cả hai bên nội ngoại.
Ra chợ, gặp người làng chào hỏi, bà thổ lộ nỗi lòng: Chúng tôi về quê, trước là để có điều kiện chăm nom hương khói tổ tiên, sau là để được gần họ hàng bà con xóm láng, được gần gũi các dì các bá. Với lại chả hay ho gì ngoài thành phố, ồn ào, bụi bặm lắm! Làm nhà ở quê thật là thanh cảnh, sạch sẽ môi trường!
Sáng ra có mấy ông bạn cùng trang lứa trong làng và bên hàng xóm sang uống trà, dãi dề tâm sự, ông Đốc rất lấy làm thú vị: Quá nửa đời người mới được “ta về ta tắm ao ta…” Cuộc sống quê kiểng yên tĩnh, ấm áp khiến da dẻ ông sáng sủa hẳn ra…
Những lúc một mình, ông nhớ lại… thấy cái mẹo của bà ấy cao tay thật! Y một giấc mơ!
Hôm ấy, biết sắp đến tuổi nghỉ hưu, ông Đốc cũng không khỏi chạnh buồn. Vậy là cuối cùng ông sẽ xa vắng không gian một thời tất bật, vui vẻ, sôi động ở cơ quan. Sẽ không được đóng bộ chỉnh tề đi đây đi đó hoặc ra nước ngoài công tác. Sẽ không được ngồi xe con có anh tài lái đến các nơi chỉ đạo công việc xem cấp dưới làm ăn thế nào. Sẽ không được lên các diễn đàn nói chuyện, ưỡn ngực ngửa ngón tay gõ vào chiếc micoro vọng tiếng oang oang, thỉnh thoảng lại chém gió vào thinh không: Các đồng chí phải làm thế này! Các đồng chí phải làm thế kia…. Sẽ không thấy những ánh nhìn thán phục của các cấp dưới. Sẽ không còn cảnh cơm bưng  nước rót. Nhất là lại không có được những giây phút mấy em chân dài bóp chân bóp tay, xoa vai, nắn cổ, chiều chuộng đủ thứ… Nghĩa là ông sẽ không còn được gì nữa. Bổng lộc coi như “nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé”. Buồn. Cô đơn. Lòng trống huếch.
Thấy ông đăm chiêu, bà cũng đượm buồn, chia sẻ: Thôi đằng đẵng bấy nhiêu năm phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân, bây giờ ông cũng phải dành cho tôi với các con của ông chứ!
-Nhưng mà… Bà với đám trẻ từ trước tới nay quen cái thói tiêu tiền như sỏi…
-Sau này thì cũng phải bớt mồm bớt miệng đi chứ! Tôi nói thật… Mình thực thà quá! Chả tích cóp được cái gì ngoài ngôi nhà tèm hẹp này… Ông cứ xem mấy ông bên khu Thắng Lợi, khu Đông Quan ấy. Ông nào cũng biệt thự lớn nhỏ, xe hơi xe hiếc như cua như ghẹ...
-Thế mấy cái khoản trong ngân hàng với mấy miếng đất trong mấy cái dự án bà quên rồi à? Bà thở dài:
-Bõ bèn gì so với mấy ông kia… Hay bây giờ thế này… Bà ghé tai ông thầm thì.
Ông bà gật gù lia lịa. Bà bấm đốt ngón tay: Dưới quyền ông hiện không tới cả chục cái Công ty con với mấy chục cái phòng ban đấy à? Ông vẻ rạng rỡ ra mặt: Ừ! Thế mà không nghĩ ra! Coi như một đợt sát hạch và củng cố lĩnh vực tình cảm xem chúng họ đối xử với mình thế nào… Bà nguýt ông: Chỉ được cái bao nhiêu cũng đem bón nhà giàu! Thấm thoắt chỉ ba bốn tháng nữa ông sẽ có quyết định trong tay.
***
Để triển khai kế hoạch, ông Đốc sai thư ký thảo công văn gửi thông báo và trực tiếp gọi điện đi khắp nơi: Tổng giám đốc sẽ đích thân thăm và kiểm tra các Công ty. Đề nghị các bộ phận tổng hợp báo cáo…
Tuần sau, ông triển khai thực hiện một loạt chuyến thăm các Công ty nhỏ và các phòng ban, phân xưởng trực thuộc Tổng Công ty. Y rằng, đến đâu ông cũng được chào đón, nghinh tiếp rất chi niềm nở, thịnh tình. Quan sát ông thấy các giám đốc, các trưởng phó các phòng, ban, phân xưởng vẫn quý ông như xưa. Không ít người khúm núm một dạ hai vâng! Cũng không ít kẻ mặt la mày lét, nhìn trộm ông như nhìn một thứ gì đó sắp mất! Bà đi theo tháp tùng vô tư mở mày mở mặt. Vẫn còn những nụ cười để hái cho ông! Chỗ nào cũng báo cáo đại loại tình hình tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm ngoái, rồi ổn định việc làm và đời sống. Chỗ nào kiểm tra xong cũng mở tiệc khoản đãi thịnh soạn. Cán bộ công nhân viên có dịp được gắp rót, cải thiện, zô ra zô vào rất vui vẻ. Đến chỗ nào trước buổi chiêu đãi, ông cũng được mời trịnh trọng lên phát biểu và nói chuyện thân mật. Bài ông đã thuộc lòng, tùy nghi từng nơi mà thêm thắt, gia giảm. Chủ yếu là ca ngợi, động viên, khích lệ, chúc mừng, có hơi tí khiển trách nhẹ nhàng. Kết thúc là cảm ơn, chúc sức khỏe các cán bộ công nhân viên đoàn kết tiến lên xây dựng Công ty ngày càng vững mạnh. Ai cũng tấm tắc Tổng giám đốc khiêm nhường, không thấy “mượn nước nổi thuyền” gì về “cái tôi” của mình như mấy ông sếp thường kể lể nào là “tôi từng dìu dắt, quan tâm, từng tranh thủ cấp trên…” nào là “Tôi luôn tạo điều kiện để Công ty các đồng chí vươn lên được như hôm nay…”
Tất nhiên như một thông lệ. Sau tiệc là… phong bì. Đúng với dự tính, bà chú ý thấy chỗ nào người ta cũng săm sắn chuẩn bị. Có nơi còn lóng nga long ngóng, làm bà suýt bật cười. Yên trí! Bà đã xách bên người một cái cặp to, đen bóng. Phong bì đưa đến đâu, bà cũng giơ tay xua xua, giả đò đùn đi đẩy lại một cách khéo léo, rồi mở he hé khe cặp, đút tọt ngay vào, rõ nhanh. Nhẹ tênh. Còn quà bánh, đặc sản vùng miền thì đã có mấy “chân dài” văn phòng trẻ “mẹ mẹ con con” nhét vào tận cốp xe.
Cứ như thế, ngần ấy Công ty con và các Phòng ban, phân xưởng lần lượt đón tiếp. Mệt nhoài người. Nhưng vui. Về nhà, nới cổ tháo ca vát, ông ngả xoài trên bộ ghế phô tơi nằm thở. Bà thì phấn khởi vô chừng. Đám phong bì, quà cáp đếm không xuể. Phong bì nào cũng dày cộm. Ít nhất cũng dư chục triệu. Có cái cầm nghe mong mỏng… thế mà khi đếm, lại được nửa trăm triệu đồng! Có cái cả đô la hẳn hoi. Bà Đốc rên khẽ: Mặn này bõ nhạt về sau… Chứ khi đã về vườn thì chả ma nào nó bén mảng. Nhân tình thế thái sự đời bày đầy thiên hạ! Chẳng gì cũng… bù cái công ông bấy lâu cúc cung tận tụy việc nước việc dân!
***
Thế rồi không hiểu do đâu bài kịch bà Đốc bày cho ông Đốc đi thăm các Công ty trước khi về hưu cũng hé lộ và bốc hơi về làng. Cái đám nông dân tinh quái thật. Chuyện gì, ngóc ngách nào chúng họ cũng biết! Ngoài chợ, bà nghe họ túm năm tụm ba to nhỏ đến rác tai:
-Thấp cơ thua trí đàn bà. Bà ấy thật cao mưu!
-Một bài quét lộc trời không chê vào đâu được!
-Chả quẹn đồng nào vào lương bổng! Chung qui lại, tiền ông bà ấy thí cho làng lại là tiền chùa!
-Ôi dào! Thấy đỏ tưởng chín. Hóa ra “của ruộng đắp cho bờ”.
-Này! Nhưng dù sao cũng vẫn quý. Thêm đồng nào nhẹ đồng ấy cho nông dân mình bớt đóng góp… Chứ lắm “ông cốp” về hưu không biết thâm cung bí sử ra sao, lương lậu bổng lộc thế nào, về làng toàn “ị cứt sắt”!
Đăng báo Quảng Ninh Cuối tuần số 671 (719) ngày 7-122014