Bạn cùng lớp
Mỗi chiều thứ Bảy mẹ con cô bé cùng nhau đi chợ mua đồ về, sáng hôm sau là Chủ nhật, cùng làm cơm “thiện nguyện”. Rồi, Yến Ly với hơn chục hộp cơm, phóng xe đạp điện đến những xóm phố nghèo, nơi có các phòng trọ cho sinh viên hoặc những người vô gia cư thuê ở... để đưa thiện lộc. Vài Chủ nhật đầu, cô bé đi cùng mẹ, sau đó là một mình. Lời hàm ơn, nụ cười thân thiện của những mảnh đời cơ nhỡ cho cô bé cảm giác thật lạ: mình cứ như cô Tấm đang đến với những chú bống thân thương đầy phép màu mà một ngày nào đó sẽ làm ra bao nhiêu phẩm vật quý cho thiên hạ.
Hồi lớp 6, lớp 7 Yến Ly đi học bằng ô tô mẹ chở. Khi mẹ bận, cô bé được tắc xi đưa đón. Năm nay, lớp 8, gia đình Yến Ly đổi chỗ ở nên cô bé phải chuyển trường. Bố sắm xe đạp điện để Yến Ly tự đến trường. Nhà mới là ngôi biệt thự đường Lê Hồng Phong, xa trường Đinh Tiên Hoàng nơi Yến Ly được nhận vào chừng 3 cây số.
Hơn tháng sau, một hôm tan học, trên đường về, cô bé tránh bà cụ sang ngang, lao vào ổ gà, ngã ngửa, gãy tay phải. May là cô bé đội mũ bảo hiểm nên choáng nhẹ. Yến Ly không nghỉ, vác cánh tay bó bột to đùng đến lớp. Từ hôm ấy, theo phân công của cô giáo chủ nhiệm, mỗi bạn ngồi cạnh Yến Ly một buổi, vừa cùng nghe giảng, vừa chép bài hộ. Thật buồn cười: cứ cuối buổi đứa bạn giúp chép bài lại kí tên hoặc viết mấy từ vào cánh tay bó bột ... Hôm đến lượt Hoàng, - anh chàng ngồi sau Yến Ly những 3 bàn, chẳng bao giờ lọt vào “mắt xanh” của cô bé – ngồi cạnh, chép hộ xong, định bỏ đi mà không viết gì lên cánh tay bó bột. Yến Ly gọi giật lại, chỉ vào chỗ đã có nhiều người viết:
- Thế cậu không chúc tớ mấy chữ cho chóng khỏi bệnh à?
- Ừ, thì tớ viết đây!
Hoàng quay lại. Yến Ly để ý khuôn mặt anh chàng có cảm tình ra phết: Tóc cắt cao, mũi hếch, cặp mắt sáng. Nhận lời cảm ơn của Yến Ly, anh chàng cười trông chẳng tự nhiên chút nào, mặt cứ đỏ lên, dễ thương thật đấy!
Hiện giờ vỏ bột thạch cao bó cánh tay chứa đầy chữ kí và những lời chúc yêu thương, được bác sĩ cắt tháo ra, Yến Ly đem về treo ở phòng riêng. Khi rảnh rỗi một mình , cô bé ngắm nhìn kỉ vật, mắt chớp chớp, xốn xang trước mặt hình ảnh các bạn cùng lớp mới quen.
Sau lần ấy, Yến Ly đi xe đạp điện cẩn thận hơn. Mẹ còn dẫn Yến Ly đi lễ chùa. Sư thày mời bốc thẻ, đọc thơ, rồi bảo là: Yến Ly cần làm thiện nguyện để nhẹ căn số năm tuổi 13 này.
* * *
Đã hai tháng nay cứ mỗi chiều thứ Bảy mẹ con cô bé đi chợ mua đồ, sáng hôm sau là Chủ nhật, cùng làm cơm thiện nguyện. Rồi, Yến Ly với hơn chục hộp cơm, phóng xe đến những xóm phố nghèo có các phòng trọ cho sinh viên hoặc những người vô gia cư thuê ở... đưa thiện lộc. Vài Chủ nhật đầu, cô bé đi cùng mẹ, sau đó là một mình. Nụ cười thân thiện của những mảnh đời cơ nhỡ cho cô bé cảm giác thật lạ: mình như cô Tấm đến với những chú bống thân thương trong chuyện cổ tích được mẹ kể từ hồi chưa đi học. Cô bé thầm cảm ơn cha mẹ cho mình cơ hội trải nghiệm xẻ chia. Dần dần cô bé biết thêm các anh chị làm thiện nguyện. Họ đại diện một nhóm bạn khi thì của một trường PTTH hoặc ĐH-CĐ, khi thì của một tổ chức đoàn thể ở phường, quận trong thành phố mình. Họ gom góp những đồ dùng như sách, vở, quần áo, chăn màn cũ ... mang tận đây tặng lại.
Yến Ly nhớ buổi đầu hai mẹ con dừng trước một căn nhà trong ngõ sâu, đường Đông Khê ( theo lời chỉ dẫn của người gốc ở đây, bạn làm cùng chỗ với mẹ ). Căn nhà vôi ve qua quít không dấu được sự cũ nát cho hai hộ thuê, ngăn nhau bởi mấy tấm tôn xi măng. Một hộ là hai vợ chồng làm nghề ve chai, mỗi người một xe đạp, họ đi từ sáng sớm đến tối mịt. Nhà họ thuê chỉ để ngủ qua đêm. Con cái họ để lại quê Thanh Hóa. Hộ còn lại, người bạn mẹ kể: năm ngoái có nhà trên phố, mặt đường, kinh doanh đồ nội thất cao cấp. Ngoài hai vợ chồng, hai cô con gái, họ nuôi thêm đứa cháu trai ngay từ sơ sinh. Nghe nói mẹ bé là em ruột người vợ, không chồng nhưng sinh được nó, nhờ anh chị nuôi rồi bỏ đi Ukraina bên châu Âu, bặt tin! Năm người đang sống hạnh phúc thì tai họa đau lòng giáng xuống. Nhà cháy vào ban đêm khi cả nhà đang ngủ. Hai con gái chết thương tâm vì ngạt khói. Người chồng bỏng nặng và phải cưa mất một chân do dập nát. Chỉ còn người vợ và đứa cháu, bằng tuổi Yến Ly, là nguyên vẹn. Gia sản mất, bán nhà chạy chữa cho người chồng, họ về thuê tạm ở đây ...
Mẹ con Yến Ly vào căn hộ, có mình người chồng ở nhà. Ông nhìn Yến Ly, không kìm được, bật khóc nhớ con. Ngày Chủ nhật, đứa cháu phải đi làm, phụ thêm tiền học hành. Nó ham học, chịu thiệt thòi đã hơn năm mà không hề tỏ ra điều gì làm phật lòng hai bác, cũng là cha mẹ nuôi của mình. Vợ ông tần tảo cả ngày chỉ đủ nuôi ba miệng ăn. Lúc về, ngoài ba hộp cơm, mẹ để lại biếu họ ít tiền. Riêng Yến Ly muốn gặp đứa cháu, cô bé nghĩ chắc cũng học lớp 8, xem có giúp được gì không?
* * *
Hôm nay Chủ nhật, đúng sinh nhật Yến Ly. Buổi sáng cô bé được mẹ chở đi siêu thị tự chọn quà. Họ đi bằng ô tô từ sớm. Từ lâu Yến Ly đã dự định mua quà cho Hoàng, bạn cùng lớp. Nghĩ mãi rồi cô bé quyết định mua tặng anh chàng cái máy tính bỏ túi Fx-570ES. Những lần quà sáng, cô bé để ra chút ít, giờ góp đã đủ tiền nên dịp này mua luôn. Chắc Hoàng thích lắm. Vài lần cô bé nghe tiếng Hoàng và mấy đứa cùng bàn cãi lộn về máy tính phải mượn của nhau. Ngồi bàn trên quay xuống, Yến Ly thấy thương thương anh chàng.
Ô tô chạy chậm dọc theo dải vườn hoa trung tâm thành phố. Đoạn đường ở vườn hoa Kim Đồng đang tấp nập người. Một tốp bốn, năm người dàn hàng ngang đang bán bóng bay. Những quả bóng căng phồng mang hình 12 con giáp khoe sắc màu sặc sỡ, như muốn đứt dây, bay vào bầu trời trong xanh không gợn mây. Yến Ly thích thú ngắm và tưởng tượng .
Ơ kìa, đúng là Hoàng rồi! Anh chàng vừa rơi chiếc mũ cói rộng vành và cúi xuống nhặt, lúc ngẩng lên thì cô bé nhận ra: tóc cắt cao, cái mũi hếch quen thuộc. Yến Ly định gọi nhưng ghìm được ngay vì sợ Hoàng ngại ngùng. Cô bé nhớ lại khuôn mặt thẹn thùng hồi mấy thàng trước khi anh chàng được cảm ơn đã chép bài hộ. Thôi thì đành chơi trò giấu mặt vậy: Cô bé bảo mẹ đỗ xe bên đường rồi nhờ bà ra chỗ Hoàng. Mẹ nói gì đó với Hoàng và chỉ một loáng chỗ bóng bay của anh chàng đã được phân phát hết cho bọn trẻ đang vào vườn hoa. Ngồi trên xe, nhìn ra, cô bé vui rạng rỡ. Ngày sinh nhật thật đáng giá vì nhiều người cùng vui mà! Đợi Hoàng đi khuất vào bãi gửi để lấy xe đạp, mẹ mới quay lại ô tô, tươi cười nhận lời cảm ơn của con gái. Mẹ con họ rẽ sang đường Minh Khai, vào siêu thị.
Mãi gần trưa, sau khi cùng mẹ đi mua quà về, Yến Ly mới làm thiện nguyện. Nơi cô bé đến trước tiên, như mọi lần là nhà người đàn ông bị mất một chân trong vụ cháy. Dù muộn hơn nhưng cô bé nhất định không nói lí do hôm nay là ngày sinh nhật mình, tránh nỗi buồn nhớ con cho ông! Yến Ly mang thêm biếu gia đình ông túi xà phòng loại 3 cân mua hồi sáng. Cô bé còn mang quyển từ điển Anh – Việt đã dùng tặng đứa con nuôi vì trong quà mẹ tặng có cả quyển từ điển dày hơn rồi. Nghe nó bằng tuổi mình, nghèo khó mà học ham học là cô bé đã nể phục. Chưa gặp được anh chàng lần nào: cứ Chủ nhật nó phải đi kiếm tiền mà!
Đứng trước cổng, ngó vào, Yến Ly giật mình: Ơ kìa, lại là Hoàng rồi! Người vợ cũng ở nhà. Vợ chồng họ và Hoàng, người đứng người ngồi, đang cười nói vui vẻ lắm.
Lập tức, cả ba cùng lúc nhìn về phía cổng: Hai vợ chồng hớn hở như gặp thêm người thân. Còn Hoàng, khuôn mặt anh chàng đỏ dần với nụ cười chẳng tự nhiên chút nào.
Yến Ly chợt hiểu ra tất cả! Lòng cô bé xốn xang giống như lúc nhìn vào vỏ bột thạch cao treo ở phòng mình. Nó đầy chữ kí và những lời chúc yêu thương của Hoàng, của các bạn cùng lớp với mình ở trường PTTH Cơ sở Đinh Tiên Hoàng mà cô gắn bó đã được một học kì!
* * *
Lời người kể chuyện: Sau Chủ nhật đó( cũng là sinh nhật của Yến Ly ) chừng hơn tháng, công ty bố Yến Ly nhận đỡ đầu Hoàng, đóng mọi chi phí học hành nên anh chàng không phải đi bán bóng bay nữa mà chuyên tâm học, ngày càng giỏi. Vợ chồng người đàn ông cụt một chân, bố mẹ nuôi của Hoàng, dần dần cũng nguôi ngoai sự đau khổ. Ba người họ sống ấm cúng, thương yêu nhau trong căn hộ đang thuê. Yến Ly tự cảm thấy mình hạnh phúc nhất: Những buổi biểu diễn văn nghệ giao lưu giữa các lớp, cô bé thường đóng Cô Tấm, và đóng rất hay vì nhập tâm vai này. Trên tờ báo tường làm chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt nam 20/11 của Khối lớp 8, bài lục bát Yến Ly viết tặng Hoàng đạt giải Nhất toàn trường. Thay lời kết, người kể chuyện xin chép lại để bạn đọc thưởng thức:
Chủ nhật em bán bóng bay,
Sắc màu cuộc sống trên tay em cầm.
Giúp cha đỡ mẹ một phần,
Những ngày nghỉ Lễ không cần đắn đo!
Cả học kì Một mẹ lo
Tiền em ăn học, tiền cho áo quần.
Cha đang bệnh: liệt một chân,
Nghĩ mà thương mẹ tảo tần sớm khuya.
Gần em bốn bạn đứng kia,
Gia đình khốn khó cùng chia cảnh đời.
Chúng em vui vẻ chào mời,
Nhưng lòng đâu khỏi rối bời lo toan!
Bóng ơi, có thấu gian nan
Mới hay canh ngọt cơm ngon hàng ngày.
Nghĩa cha, công mẹ cao dày,
Phận con hiếu thảo hôm nay đỡ đần.
Ngày mai buổi học đầu tuần,
Vẫn em học giỏi trò ngoan ở trường.
Tình thày, tình bạn yêu thương:
“Thành công mã đáo” trên đường tương lai!
Tin cùng chuyên mục
Chiều cuối năm
24/11/2014
Lão say
24/11/2014
Nghề lạ chốn nhà quê
23/11/2014
Giọt tình
22/11/2014
Luật giời
20/11/2014
Lục bình hoa tím bồng bềnh
17/11/2014