Cưới ở nhà quê
"Tôi buồn bã gật cho phải phép nhưng trong đầu lại nhớ đến đám cưới năm xưa. Nhớ cái bếp lò, nhớ đĩa rau cần xào lòng bò. Nhớ đoàn người rồng rắn đi đón đi đưa. Nhớ cái khăn vuông đen trải ra nhận tiền mừng. Nhớ cả cái ông "không có mồm" và nhớ đám trẻ con nhệch nhạc mũi dãi"...
/ CƯỚI Ở NHÀ QUÊ.
Truyện ngắn của Lưu Quốc Hòa
- Cởi ra đi! Mau lên! Mẹ con đĩ đực!.
- Bình tĩnh! Tao cởi dần đã.
- Mày diện bộ Tây "luých" thế này thì bố thằng nào dám đến gần. Thay ngay bộ lính vào cho dễ nói chuyện.
- Tao cứ tưởng đi đám cưới là phải sang trọng nên mới mặc bộ này...Chán chết!.
- Biết rồi! Nhưng tùy nơi tùy chỗ thôi. Quê tao họ không mặc thế đâu. Này! Có thằng cởi trần mặc quần đùi đi ăn cưới đấy. Rồi mày xem, tao không bốc phét đâu...Thôi nào! Mau lên. Quần áo của mày đây, đồ lính cũ nhưng vẫn lành! Trông mày cứ lòe loẹt như hề, chán chết.
Ấy là thằng bạn đời lính tráng với tôi. Nó giục tôi thay quần áo để ra tiếp họ nhà trai đến ăn hỏi.
Ngày ấy, nông thôn chưa thoát nghèo. Tôi lên dự đám cưới con gái nó. Có nghĩa là tôi phải ăn nằm nhà nó bốn hôm để có mặt từ ăn hỏi đến đưa dâu.
Quen lệ đi đám cưới chốn thị thành phố xá. Tôi diện com lê, thắt cà vạt đỏ. Đầu chải bóng đít vịt ruồi đỗ còn phải chống gậy. Cái dầy da bóng lộn. Con người tôi láng mượt như chú chôm chôm đực đi gạ tình mấy ả chôm chôm cái.
Vừa ló cổ vào nhà nó đã "à" lên nhưng không dám ôm lấy tôi. Nó nhìn tôi như ở Sao Hỏa vừa hạ cánh. Ngó trước, ngó sau, thằng bạn phá lên cười:
- Trông mày làm sao ấy... Mà sao mùi gì thơm thế hở Giời?
- Nước hoa, nước hoa "Cô lôn" Pháp đấy thằng dở người ạ.
- Ối dào! Tao ngửi nước đái nó quen rồi. Ngày nào cũng hai vò gánh tưới rau nên ngửi mùi này nó lạ mũi. Con lạy bố! Bố tẩy uế mùi ấy ra khỏi người cho con nhờ... Kinh bỏ mẹ đi ấy.
-Tẩy thế đếch nào được.
- Tao có cách.
Nó bổ ra sau vườn vặt nắm lá gì ấy. Hai bàn tay hộ pháp vò nghiến vò
ngấu nắm lá rồi xát lên đầu lên cổ tôi. Xoa lên cả bộ cánh thơm tho của tôi. Lúc này mới ngửi thấy mùi bạc hà...Mùi bạc hà kể cũng dễ chịu.
Đấy là lý do có cuộc thương nghị như ban đầu tôi đã kể.
*
Ngoài sân mấy đứa bé đen như mọi nhẩy tưng tưng kêu toáng lên: Nhà trai kia rồi, chú rể kia rồi... Ới chúng mày ơi! Ông kia râu dài quá, trắng quá. Trông giống bông lau ngoài vực Vòng.
Một đứa khác lại kêu lên rất chi là sung sướng: Ông ấy không có mồm! Chả nhìn thấy mồm ông ấy đâu cả. Không có mồm thì ăn cỗ bằng gì?
Tôi vội cùng bạn ra đón ngõ. Từ phía cánh đồng lúa xanh mướt có một đoàn người đi hàng một trên bờ mương. Thỉnh thoảng lại có một người bổ nhào xuống ruộng làm cái gì đó rồi te tái chạy lên nhập bọn. Ai cũng ngoắc nón vào khuỷu tay. Mấy người khoác tay nải đen trên vai, quoài tay kẹp vào nách. Chiếc nón đung đưa theo nhịp bước. Trông toán người nọ giống đoàn đi quai đê chứ không thể là đoàn quân họ nhà trai sang nhà gái "ăn hỏi".Toàn là người đi chân đất, áo cánh gụ hay nâu. Đàn bà thì có chiếc khăn bông dài che đầu. Khi cởi nón ra thì lấy khăn lau mặt rồi ấn toẹt vào nón. Đàn ông thì đồ lính cũ hay áo gụ có hai túi phía trước và vật bất li thân là gói thuốc lào, cái bật lửa có bấc đánh bằng xăng. Đám đàn ông ai cũng có một cái mũ cối đời "Mao ít". Hình như họ chỉ khoe sự giàu có bằng cái mũ cối. Ai có mũ cối mới chưa thay vải bọc thì được ngắm nghía rất trịnh trọng. Lúc này tôi mới thấy mình ăn diện là lố bịch, lăng loàn. Có thể suy ra: Thằng mặc com lê cũng ngang thằng cởi truồng. Hai thằng được chú ý như nhau... Dân quê ăn lấy chắc mặc lấy bền và nói năng cũng ngắn gọn không diệu vợi thưa gửi đàn sáo.
Lễ ăn hỏi bắt đầu. Họ nhà trai đưa một khoản tiền lên đĩa. Cái đĩa tiền
được đặt cùng với mấy bao chè, mấy tút thuốc lá Nhị Thanh, Sông Cầu. Một nửa buồng cau tõe ra. Ông trưởng đoàn họ nhà trai cất giọng đọc sớ tấu họ nhà gái. Đại ý: Hôm nay ngày lành tháng tốt. Bên tôi có con trai. Bên ông bà có con gái. Hai đứa cùng khỏe mạnh thuận tình lấy nhau cùng tâu bẩm với cha mẹ họ hàng để kính cáo ông bà ông cụ. Tôi có lễ này mời họ nhà gái nhận cho. Ngày kia chúng tôi sang đón dâu về đấy! Quá "ngọ" là sang...
Ông trưởng đoàn họ nhà gái người như cục đất thó chìa tay nhận lễ đặt lên ban thờ, thắp nhang lẩm bẩm câu gì đó chả ai nghe thấy...Thế là xong phần "hỏi" để đến phần" ăn". Buồn cười thật. Cái nước mình đói khổ từ lâu đời nên cái gì cũng có từ "ăn". Ăn hỏi, ăn tết, ăn Rằm, ăn giỗ...Cái gì cũng phải có chữ “ăn” mới được. Tôi lẩn thẩn nghĩ như thế khi năm mâm cỗ được nhanh chóng bưng lên.
Liếc mắt một lượt thấy cỗ chia hai loại. Một loại của đàn bà, một loại của đàn ông. Mà đàn ông cũng chia hai loại. Một loại của bậc (tạm gọi là bậc cao) có đĩa thịt gà và có rượu mùi. Bậc dưới là đĩa thịt mỡ thái to xếp đĩa. Một bát nấu khoai tây với xương lợn và đĩa lòng trâu lòng bò xào với rau cần. Mâm này không có rượu mùi và cố nhiên là không có đĩa thịt gà. Mỗi mâm đều có một rá cơm nghi ngút khói, bên trên phủ một vầng cháy vàng ươm. Tất cả lao vào ăn uống hết sức nhiệt tình. Họ uống lấy lệ còn chỉ ăn. Ăn lẳng lặng không bàn luận gì. Chả ai giục ai, chả ai gắp cho ai bởi vì ai cũng chăm chỉ đánh chén.
Đấy là thời điểm bao cấp. Được ăn cơm gạo trắng không độn đã là đặc sản rồi. Người ta chỉ ước được "no" và "ấm" là phúc lắm. Miền quê này đất chật người đông nhưng chăm chỉ làm ăn nên không lâm vào cảnh đói vàng mắt khi giáp hạt.
Lần đầu đi dự đám cưới nhưng trước đó tôi đã đến chơi nhiều lần cùng đám bạn lính. Mỗi vùng quê đều có lề thói riêng. Vùng này rất "khác đời" là họ không trưng diện. Những mái nhà tềnh toàng nhưng chứa bên trong toàn của quý. Họ mua đồng hồ "côn" to nhỏ treo tường gõ bính bong rất sành điệu. Toàn loại của Đức, Pháp, Thụy Sỹ. Có nhà có tới ba bốn chiếc. Hầu như nhà nào cũng sập gụ tủ chè từ mấy thế kỷ trước để lại trông đen bóng như sừng. Người thì mồ hôi mồ kê bẩn tưởi nhưng vật bày lại không vương hạt bụi. Mỗi nhà đều có nồi soong bát đĩa xếp kín cả gian buồng. Đủ làm năm hay ba chục mâm cỗ không cần thuê mướn. Người với đất là hai thì không có quyền nghỉ ngơi. Hết việc nhà thì tứ tán tỏa đi các nơi làm thuê. Làm gì cũng được, nặng nhọc mấy cũng chả từ.
Lại quay về với đám cưới của con gái ông bạn vàng.
Nhoáng nhoàng một lúc là xong tiệc ăn hỏi. Nhà trai lại đi hàng một qua cánh đồng để về lo cho đám cưới nay mai. Họ không mang lễ vật bằng cháp mà đùm vào khăn vuông nên chả ai phải mang vác thứ gì. Tất cả đều sơ giản và thân tình như một buổi đi thăm nhau, ăn với nhau một bữa cơm đạm bạc để lo một chuyện to tát của đời người.
Tôi và ông bạn rủ nhau đi mời đám cưới dân làng. Trước khi đi. Hắn chặt hai cái roi tre đực, ấn vào tay tôi một cái để chiến đấu với chó. Hắn dặn: Cứ đi đằng sau tao. Tao đi đâu mày đi nấy...Trông hai thằng giống hệt kẻ đi đòi nợ thuê. Hắn dẫn tôi đi từng nhà một và chẳng vào sân nhà ai. Chỉ chõ miệng ngoài cổng rồi nói vọng vào: Ớ này! Ngày kia đến ăn cỗ cưới con nhà Hiểu đấy nhớ!.
Trong nhà có một cái cổ ló ra: "Biết rồi" và sau đó là đàn chó phóng ra đón tiếp rất ân cần nồng nhiệt. Những con chó như con hổ sổng cũi sủa như súng liên thanh khai hỏa. Sau mấy cái roi dọa dẫm nó lại rút vào hàng rào cắn với ra. Có nhà nuôi chó đàn ỉ thế đông thì lẵng nhẵng đuổi theo cắn gỡ. lão bạn tôi quay lại vung roi, lũ chó ào ào chạy về. Hắn cười khơ khớ: Mẹ kiếp! Ông chấp cả nhà nhà mày! Ra đây mà cắn.
Cái "công trường cưới" được bày ra từ đêm ấy. Đám đi thu gom lòng trâu lòng bò ngoài Hà Nội đạp xe kẽo kẹt đi từ chập tối. Đám đào củ chuối cũng vậy. Mỗi người một cái thuổng ngắn và hai cái xọt hộc tốc lên đường. Cách đấy mấyhôm. Ao rau cần làng bên được đấu thầu trọn gói và mang xe thồ chở về cả gốc lẫn ngọn. Mấy cái bếp lò bằng gạch xỉ xây bằng bùn đã lù lù góc vườn. Mấy con lợn cũng được trói chân, con nọ nhìn con kia kêu ềnh ệch. Người ra kẻ vào nói cười như họp chợ. Lũ trẻ trâu nhệch nhạc mũi dãi cũng "giàng" trâu bò mon men chầu rìa. Chúng biết người lớn thế nào cũng "đấm mõm" chúng bằng mấy rá cơm, ít nước suýt hay là một nồi miến dong lõng bõng mấy miếng thịt mỡ băm nhỏ và loáng thoáng mấy cọng hành hoa. Chúng nhìn hau háu và nuốt nước miếng ừng ực trông đến tội.
Khoảng chín giờ sáng thì bắt đầu ăn. Từng dãy chiếu bằng vải buồm hay chiếu rách trải la liệt khắp ngoài sân trong nhà. Những chiếc mâm đồng vàng chỏe, những chiếc mâm nhôm sáng bong được bưng lên. Mùi thịt thà, mùi mồ hôi, tiếng nói cười (họ văng tục rất tự nhiên) cứ chen vào nhau như vỡ chợ. Có điều hơi lạ mắt là các bà sồn sồn ai cũng có một cái que rào tre bẻ ngang đường đặt cạnh bát. Họ chẳng mời mọc nhau trịnh trọng văn hoa mà chỉ hô gọn lỏn: ăn đi... Rồi tất cả bưng bát bưng chén
Lại kể đến thực đơn mâm cỗ: Giữa mâm nổi lên một khay rau xào như ốc đảo, khói bay lên nghi ngút. Trên khay là rau cần xào với lòng trâu lòng bò có pha thêm các miếng tiết nâu nâu. Đây là món ăn thoải mái, hết tự đứng lên mà lấy. Những miếng ong sách, ruột non ruột già trắng nhởn nhìn vui mắt. Ăn vào có mùi hoi hoi, khâm khẩm và dai như quai guốc. Có người phải duỗi cổ ra nó mới chịu chui vào nhập kho.
Món thứ hai cũng đặc phong vị cổ quái: Một bát tú hụ củ chuối thái con chỉ. Người ta rửa nước phèn nên không bị thâm. Bên trên bát củ chuối là một nửa cái móng lợn thui đen ngòm trông giống hệt cổ con ba ba. Kế đến là sáu miếng thịt ba chỉ sấn mông thái đều như nhau. Nó đều từ trọng lượng riêng đến màu sắc. Một đĩa lòng lợn cũng đủ sáu miếng lòng già và lèo phèo ruột non, dạ dày. Hai bát khoai tây nấu loáng thoáng xương, đặc sệt không có nước, một bát thịt lợn riang lẫn đậu phụ mặn cháy lưỡi...Thế thôi, mâm cỗ giản dị mà ngon miệng. Cái thau đồng đựng cơm là cạn nhanh nhất. Nhoáng cái đã phải đứng lên lấy thêm.
Người ta ăn uống nhiệt tình đến ...vãi mồ hôi hột. Thỉnh thoảng nâng cùi trỏ mà quệt.
Khoảng gần trưa thì đám thợ thổ đi đào ao vượt nền thuê mới về. Đa phần là cởi trần và mặc quần đùi. Họ tiến vào nhà đám như đi phá kho thóc của Nhật năm xưa. Họ cắm phập mai kéo cắt đất góc vườn và tự bưng mâm không đợi ai mời mọc. Đám mấy bà đi cắt cỏ, đi chợ phiên cũng gánh luôn quang thúng vào bờ mương cạnh đấy nhập bọn. Cái nong tằm vĩ đại ăn rào rào rất thỏa thuê vui sướng. Hầu như cả làng cùng ăn cỗ. Trẻ con thì ăn đến mấy lần chả ai cấm chúng. Chúng mang theo bát từ nhà đi, tự xúc cơm thịt, mang ra bờ tre hay góc vườn đánh căng bụng rồi nhảy dây, chơi ô quan hay đánh chắt đánh chuyền với nhau.
Thế rồi tiệc ăn vĩ đại cũng mãn hạn để dành cho việc đón dâu. Đám đàn bà đi ăn cỗ lấy que xiên phần thịt mỡ đem về cho con cho cháu. Họ ngắm nghía cái khẩu phần béo ngậy và đi giữa thanh thiên bạch nhật không chút e ngại.
Đoàn đón dâu đang tiến lại họ nhà gái...
Lại một đoàn người đi tắt cánh đồng. Họ đi hàng một nên dài vô tận. Quả thật ai nhìn lần đầu cứ nghĩ là đoàn nông dân đi biểu tình để ủng hộ hay phản đối cái gì đó. Họ mặc nguyên bộ làm đồng mà đi. Chân không dày dép. Bóng họ in trên mặt con mương đang dẫn nước vào đồng và đi đầu vẫn là cái ông... không có mồm hôm ăn hỏi.
Tôi thấy cô dâu ôm lấy mẹ thút thít khóc, xì xoạt khóc rồi ti tỉ khóc. Trước lúc xa cha mẹ về nhà người nó động tâm ghê lắm. Nó xoa đầu mấy đứa em, xoa đầu đàn chó con quấn lấy chân. Đến khi họ nhà trai vào nhà, nó càng khóc to hơn, cứ làm như người ta mang nó đi chôn sống hay sao ấy. Nó mặc cái quần xa tanh Nam Định mới. Cái áo phin trắng cắt cổ lá sen, để mặt "mộc" và cặp tóc cong đuôi gà...con bé vừa tròn mười tám tuổi.
Sau hồi thưa gửi. Một chiếc khăn vuông trải ra. Người ta thi nhau ném tiền vào đấy, không có phong bì. Vừa ném vừa hô, có cả những câu rất tục. Đống tiền cao dần, cao dần. Toàn tiền to cả. Cả làng ném, có người ném đến vài lần. Khi không còn ai ném nữa thì "ban kiểm phiếu" làm việc. Tôi hơi "choáng" vì câu công bố kết quả. Một số tiền khá lớn mà ở chốn thành thị giàu có cũng không thể bì được.
Lại một bất ngờ nữa khi đoàn đưa dâu lên đường. Lần này thì dài gấp đôi vì có họ nhà gái hộ tống cô dâu về nhà chồng. Vẫn là ông "không có mồm" đi đầu. Đi cạnh ông là một ông "có mồm" nhưng đen như củ súng, thỉnh thoảng lại lôi chiếc điếu cày ngắn như gang tay ra "bắn" rồi chụm mỏ thổi khói phun lên giời. Đi trước đoàn rước sách lùng tùng xòe kia là chiếc xe cải tiến bánh lốp. Trên xe có 9 bao thóc, một cái xe đạp mini mới khự, nước sơn bóng như phết mỡ. Hai con lợn choai làm giống. Bốn lực điền cởi trần đẩy xe phơi cái lưng cánh phản bóng nhẫy mồ hôi. Đó là của "hồi môn" nhà gái cho cô dâu lúc "tuần sơ buổi mới" về nhà chồng...Chà chà! Gần năm tạ thóc có mà nằm đắp chăn hưởng "tuần trăng mật" nửa năm cũng chả lo.
Buồn cười nhất là chú rể. Cậu ta mặc cái quần xanh sĩ lâm và áo sơ mi
không đóng thùng, nét mặt ngượng nghịu cứ như bị áp giả đến nơi lao lí. Chú rể đi với bạn trai còn cô dâu đi cùng bạn gái. Có hai đứa đi bên xốc nách. Cô dâu khóc nưng nức, thỉnh thoảng bạn lại lấy khăn chấm nước mắt rồi an ủi trông giống hệt... đưa ma. Tóc tai nó xõa ra như quạ đánh trông rất..hoàn cảnh.
Về nhà gái, cả đoàn tụ tập ở sân. Lại khăn vuông trải ra, lại một cuộc
quyên góp tưng bừng, lại "kiểm phiếu" và lại có tiếng hô về số lượng tiền vừa thu được.
*
Năm Mùi này tôi lại đi ăn cưới ở địa danh năm dạo nào đã đến.
Để chủ động. Tôi ăn mặc bình dân. Cái áo "phao" mùa đông, cái quần lính cũ và không nước hoa nước hoét gì.
Vừa ló cổ vào, thằng bạn lại "à" lên. Nó lại ngó tôi từ đầu đến chân rồi la lên:
- Cởi ngay ra đi thằng cả tẩm! Ai lại mặc lôi thôi như mày.
Nó lôi bộ com lê trong tủ ra và "đắp" lên người tôi. Lôi lọ nước hoa thơm choáng váng "xì" lên người. Nó lôi ra hai lon bia bắt tôi phải uống hết... để cho lại sức chuẩn bị vào cuộc chiến- nó bảo thế. Ối giời! khác xưa thế, sang trọng thế.
Làng cũng khác xưa. Những biệt thự ngất ngưởng dưới tán cây. Cảnh thì đổi mới nhưng người nhìn vẫn lam lũ. Cái dáng lam lũ truyền kiếp nhà quê không thể trút lốt.
Trống phách đàn nhạc đập thùm thùm đến tức ngực. Đám gái quê choai choai son phấn rộn ràng. Đám sồn sồn thì mặc váy để khoe cái chân gộc tre gộc sắn.
Cỗ bàn thì thịnh soạn với đặc sản dưới biển trên rừng...đủ cả.
Làm hai lon bia, tôi ra vườn gặp mấy ông đang kháo nhau: Ông đi bao nhiêu? Năm! Sao nhiều thế? Hôm cưới con tớ nó đi bốn... hơn năm rồi... tiền mất giá... Vậy tôi cũng chỉ đi ba... cưới con tôi mấy tháng trước nó cũng đi ba...
Cái khăn vuông để ném tiền vào mừng cô dâu chú rể nay là cái hộp hình trái tim trên khoét lỗ như hòm phiếu bầu cử bên hông có khóa cẩn thận. Cạnh đó để một buộc phong bì và mấy cái bút bi. Mọi người tự nhiên rút tiền trong ví đếm đếm bỏ vào phong bì... Người nọ nhìn người kia: “Đi bao nhiêu?” người được hỏi ghé tai người vừa hỏi thì thào “Ba”... Sau đó lại đếm đếm... hoặc rút ra hoặc bỏ thêm. Họ hồn nhiên lè lưỡi liếm mép phong bì dán lại rồi cẩn thận viết cái tên cúng cơm của mình lên trên. Có đôi ba lời thầm thào về "chất lượng cỗ". Suy bì đám này với đám khác.
Người ta đón dâu đưa dâu bằng xe con xe lớn có điều hòa nhiệt độ hai chiều.
Không có đám trẻ con bưng bát sang ăn góp và đàn bà cũng không lấy que xâu thịt mỡ đem về. Họ ngắm nhau để khoe váy áo. Họ đến đây là để trưng mốt thì phải. Gã MC mồm năm miệng mười ba hoa xích tốc bắt vỗ tay...Tôi cũng a dua vỗ theo như thằng dở hơi mà chả biết vỗ đập vì điều gì...Tất cả gọn gàng và ...trơn tuột.
Ra về, thằng bạn kiểu cách giơ tay ra bắt rồi cảm ơn. Nó hỏi tôi: Vui
không mày?. . Đám cưới "Víp" mà.
Tôi buồn bã gật cho phải phép nhưng trong đầu lại nhớ đến đám cưới năm xưa. Nhớ cái bếp lò, nhớ đĩa rau cần xào lòng bò. Nhớ đoàn người rồng rắn đi đón đi đưa. Nhớ cái khăn vuông đen trải ra nhận tiền mừng. Nhớ cả cái ông "không có mồm" và nhớ đám trẻ con nhệch nhạc mũi dãi.
PHỦ LÝ NHỮNG NGÀY ÁP TẾT
LQH