"Miếng thịt không vuông - không ăn"!
Nhiều nơi, việc thưởng Tết thiếu công bằng; nhiều cán bộ, công nhân giỏi, xuất sắc trong cơ quan, đơn vị chưa được tôn vinh. Khổng Tử nói “Miếng thịt không vuông - không ăn” - đó là Khổng Tử đề cao sự công bằng, sự rạch ròi trong ứng xử, trong ăn chia. Sự ứng xử không công bằng, không rạch ròi chắc chắn sẽ có tác dụng ngược, kìm hãm sự phát triển.
Chuyện từ thời “bao cấp”, cách đây hơn ba mươi năm. Ngày ấy, hàng hóa, thực phẩm khan hiếm. Dịp cuối năm, mối lo của các ông lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp là làm sao có thịt, gạo nếp, đỗ xanh v.v. cho công nhân ăn Tết. Những ngày áp Tết, không khí ở xí nghiệp nhộn nhịp hơn ngày thường. Đó là ngày công nhân rậm rịch chuẩn bị về quê. Khu tập thể, các phòng làm việc thường diễn ra cảnh chia hàng hàng Tết rôm rả. Đường, mì chính được dốc đều trên các tờ báo trải ra bàn. Người cầm cân, người cầm thìa thêm, bớt; người nhấp nước bọt vào đầu ngón tay chấm mút hạt đường, hạt mì chính vương vãi. Bên những chiếc phản ghép bằng gỗ cốp pha, thịt chất từng ụ, người thái, người chặt, người xướng, người ghi, nhặng xị.
Tôi nhớ, phòng tôi có anh X. vợ con ở Thái Bình. Khi lĩnh hàng Tết về, anh lọ mọ suốt đêm. Rổ thịt lợn, anh tỉ mẩn lọc ra từng phần. Phần mỡ anh rán lên, lọc nước mỡ đóng vào chai, phần nạc anh làm ruốc, còn những thứ hẩu lốn như thịt thủ, thịt bụng, ba chỉ, bạc nhạc, anh gói giò thập cẩm. Trong chiếc ba lô của anh lèn chặt những chai, những lọ, những gói, những đùm. Đêm, anh trở mình liên tục, thi thoảng dậy hút thuốc lào vặt rồi cẩn trọng lôi trong ba lô ra đủ các thứ. Ngoài những đùm, những chai lọ được chế biến từ thịt lợn, còn lọ mì chính, túi đường, chai mắm, lọ thuốc đau bụng, mấy đôi dép lê… Anh cầm những thứ đó lên nheo mắt ngắm nghía, gương mặt hân hoan lạ lùng, thi thoảng đưa lên mũi hít, rồi lại cẩn trọng nhét vào ba lô như là kiểm kê lại xem có sót thứ gì không. Biết tôi đang thức, anh lúng túng, gượng cười như bị tôi bắt gặp quả tang đang làm việc mờ ám.
Xoay sở, cuống cuồng vì miếng ăn cho ngày Tết là vậy nhưng ba ngày Tết, mời nhau ăn còn khó. Khu tập thể, hầu hết anh em về quê, của phòng niêm phong, chỉ một số gia đình mở cửa. Vào thăm nhà họ, nhà thì vắng bố, nhà thì vắng mẹ - ấy là họ cắt cử nhau về thăm quê. Đến bữa, thức ăn nguội tanh, mấy đứa trẻ vừa nhai vừa ngáp.
Miếng ăn thời bao cấp quan trọng là vậy nên các cơ quan, doanh nghiệp thường thưởng Tết cho công nhân bằng hiện vật như dã kể trên, thông qua việc bình xét thưởng và không ít nơi xảy ra tình trạng thiếu công bằng, thiếu dân chủ; thậm chí kiện cáo từ việc bình xét, chia chác miếng ăn.
Ở Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, nơi tôi công tác ngày ấy công nhân cũng được thưởng Tết bằng hiện vật. Nhưng với những thợ giỏi, thợ xuất sắc, Giám đốc còn thưởng riêng cho món quà độc đáo: mỗi người một khúc giò!
Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương ngày ấy là ông Đoàn Văn Kiển (sau này ông Kiển là Tổng Giám đốc rồi Chủ tịch Tập đoàn Vinacomin). Phần thưởng độc đáo của ông Kiển khiến CNCB trong Xí nghiệp bình luận râm ran rằng, bữa ăn ba ngày Tết, nhà ai chẳng có giò mà lại đi tặng giò! Miếng giò bày ra mâm cỗ thì giò nào chẳng phải là giò! Rằng, nếu phần thưởng riêng cho thợ giỏi là tờ lịch, treo trên tường, khách vào nhà, nhìn hàng chữ trên lịch biết ngay đơn vị tặng. Đằng này, phần thưởng là khúc giò, dù ngon đến đâu thì cũng chẳng ai biết đó là giò Giám đốc tặng v.v. Nhiều người nghĩ thế nhưng không phải thế. Người kể chuyện này đã mấy lần đến chúc Tết những gia đình được thưởng giò, dù không đúng bữa, chủ nhà cũng thái ra đĩa giò, rót rượu mời khách rồi nâng đĩa giò lên, trịnh trọng: “Các bác nếm miếng giò. Ngon lắm. Giò Giám đốc thưởng đây…”. Lời mời của gia chủ lúc này là niềm hân hoan, kiêu hãnh, được “khoe” đúng dịp, công khai mà kín đáo; lại vừa là sự hiếu khách, vừa là niềm tự hào và nó lan tỏa đến tận hôm nay. Các cụ xưa nói “Miếng ngon nhớ lâu” là thế.
Lại nhớ chuyện trong sách cổ. Chuyện rằng, dịp Tết, vua nước Lỗ không chia phần thịt cho Khổng Tử, Khổng Tử liền bỏ nước Lỗ mà đi. Cũng theo sách cổ, Khổng Tử cực kỳ khó tính trong ăn uống. Khổng Tử từng nói “Miếng thịt không vuông - không ăn!”. Nhiều người hiểu lầm Khổng Tử vì tham miếng thịt mà bỏ cả Tổ quốc. Nhưng không phải vậy! Miếng thịt lúc đó là thước đo sự đánh giá, sự trân trọng của đế vương với bậc hiền tài. Nhà vua không chia phần thịt cho Khổng Tử tức là coi Khổng Tử không là gì. Vậy thì, những ý kiến của Khổng Tử (bây giờ ta thường gọi là tham mưu) làm sao mà được vua tin! Thì Khổng Tử còn ở lại với nước Lỗ làm gì!.
Món quà Tết độc đáo chúng tôi kể trên cũng vậy, không thuần túy là miếng ngon trong thời bao cấp gian khó mà hơn thế, đó là sự trân trọng của lãnh đạo với những người hết lòng vì sự phát triển của đơn vị; là hành vi ứng xử văn hóa của bậc minh chủ. Bởi vậy, dù làm việc ở nơi xa xôi, nhiều gian khó, những người thợ Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương (Quảng Ninh) ngày ấy vẫn gắn bó với Xí nghiệp và đã lập những thành tích xuất sắc lưu truyền mãi đến hôm nay.
Bây giờ hàng hóa ở đâu cũng ê hề, có tiền, ai thích mua gì thì mua. Do đó, hầu hết các đơn vị thưởng Tết cho cán bộ công nhân bằng tiền mặt. Tuy nhiên, có nơi, việc bình xét thiếu công bằng; nhiều CNCB giỏi, xuất sắc trong cơ quan, đơn vị chưa được tôn vinh. Khổng Tử nói “Miếng thịt không vuông - không ăn”. Ấy là Khổng Tử đề cao sự công bằng, sự rạch ròi trong ứng xử, trong ăn chia… Sự ứng xử không công bằng, không rạch ròi chắc chắn sẽ có tác dụng ngược, kìm hãm sự phát triển.
(bài đăng TPM số Xuân Ất Mùi, 2015)